Tờ Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 4 tháng 2 dẫn tờ Tin tức Asahi ngày 3 tháng 2 cho hay máy bay cảnh báo sớm mới nhất E-2D của Hải quân Mỹ đã triển khai ở căn cứ quân Mỹ tại Iwakuni, Nhật Bản vào ngày 2 tháng 2. Đây là lần đầu tiên Quân đội Mỹ triển khai lực lượng máy bay cảnh báo sớm mới ở Nhật Bản.
Vào trung tuần tháng 1 năm 2017, lô máy bay chiến đấu tàng hình F-35 đầu tiên của Mỹ được điều đến căn cứ không quân Iwakuni của Thủy quân lục chiến Mỹ.
Tờ National Interest Mỹ cho rằng, những vũ khí này triển khai ở Nhật Bản cho thấy Mỹ thực hiện cam kết đối với đồng minh an ninh Mỹ - Nhật, đồng thời có mục đích “răn đe” Trung Quốc - nước có thực lực ngày càng mạnh, cho thấy chính quyền Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump có thái độ nghiêm túc trong việc củng cố quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật.
Trên trang tin Stratfor của Mỹ có bài viết cho rằng chính quyền Tổng thống Donald Trump đã coi Trung Quốc là một trong những mối đe dọa chính của Mỹ ở châu Á và toàn thế giới.
Trong khi đó, Nhật Bản và Hàn Quốc "phát huy vai trò trung tâm" trên phương diện "trói buộc" Trung Quốc hoặc "ngăn chặn" Trung Quốc về quân sự của Mỹ.
Bài viết của nhà nghiên cứu Andrew Krepinevich ngày 2 tháng 2 cho rằng mặc dù các quan chức Mỹ như Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tuyên bố Nga tạo ra mối đe dọa lớn nhất cho Mỹ, nhưng trên thực tế, mối đe dọa quan trọng hàng đầu của Mỹ là Trung Quốc.
Hiện nay, chi tiêu quân sự của Trung Quốc đã gấp 3 lần Nga, chỉ đứng sau Mỹ. Do tổng dân số của ba nước Pháp, Đức và Anh vượt Nga, GDP của mỗi nước đều gấp 2 lần Nga, vì vậy các đồng minh NATO rõ ràng có khả năng đối phó Nga.
Nhưng ở khu vực Tây Thái Bình Dương thì không như vậy. GDP của Trung Quốc gấp đôi Nhật Bản, dân số gấp 10 lần Nhật Bản. Hơn nữa, những năm gần đây, thế cân bằng quân sự ở Tây Thái Bình Dương đang nhanh chóng chuyển biến theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Vì vậy, Mỹ phải lập tức triển khai hành động, nếu không thì sẽ muộn.
Phó Chủ nhiệm Scott Harold của Trung tâm chính sách châu Á - Thái Bình Dương, Công ty Rander Mỹ ngày 2 tháng 2 có bài viết trên tờ U.S. News & World Report, cho rằng sứ mệnh thăm Hàn Quốc và Nhật Bản từ ngày 2 đến ngày 4 tháng 2 của Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis là "tái khẳng định cam kết của Mỹ và hy vọng "làm dịu căng thẳng của Nhật Bản và Hàn Quốc".
Ông James Mattis đem đến một thông điệp quan trọng từ Tổng thống Mỹ Donald Trump là: Mỹ vẫn đứng về phía các đồng minh, nhưng Mỹ muốn các đồng minh đóng góp nhiều hơn.
Ở Nhật Bản, ông James Mattis phải xây dựng và tăng cường quan hệ cá nhân với Thủ tướng Shinzo Abe và Bộ trưởng Quốc phòng Tomomi Inada.
Ông James Mattis phải nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác song phương và đa phương giữa Mỹ - Nhật - Hàn ở Đông Bắc Á, đồng thời dựa vào các vấn đề như đảo Senkaku để gây sức ép với chính quyền Shinzo Abe trong vấn đề liên quan đến căn cứ Okinawa của Quân đội Mỹ.
Tờ Thời báo Los Angeles Mỹ cho rằng trong chuyến thăm châu Á lần này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tiến hành "công tác mở đường" cho chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong tháng này.
Nếu ông Trump bị cô lập, Nhật Bản lại trở thành nhân tố quan trọng
Dư luận Nhật Bản cũng rất quan tâm đến cuộc hội đàm giữa nhà lãnh đạo hai nước Nhật - Mỹ (ông Shinzo Abe và ông Donald Trump) ở Thủ đô Washington, Mỹ vào ngày 10 tháng 2 sắp tới, cho rằng hai nhà lãnh đạo này sẽ đáp chuyên cơ Tổng thống Mỹ bay đến bang Florida miền nam, ăn cơm tối tại biệt thự của ông Donald Trump, thậm chí đánh golf. Bởi vì, đây là "sở thích chung của hai người".
Có tờ báo Nhật Bản tiết lộ cho rằng, khi gặp gỡ vào tháng 11 năm 2016, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và ông Donald Trump khi đó là Tổng thống đắc cử Mỹ đã tặng nhau đồ dùng chơi golf.
Hãng tin Kyodo Nhật Bản cho biết những sắp xếp đặc biệt này có lợi cho xây dựng quan hệ tin cậy giữa các nhà lãnh đạo. Lãnh đạo nước ngoài đáp chuyên cơ của Tổng thống Mỹ, lần đầu tiên chính thức hội đàm và lại được mời đến biệt thự cá nhân là điều rất hiếm gặp.
Vài chục năm trước, chỉ có cựu Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi cùng cựu Tổng thống George Walker Bush đáp chuyên cơ Tổng thống, ông George Walker Bush cũng lưu lại một tối ở nhà riêng.
Hiện nay, trong quan hệ Nhật - Mỹ còn tồn tại một số vấn đề. Chẳng hạn, Nhật Bản tìm cách thuyết phục ông Donald Trump không từ bỏ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhưng đã không thành công. Đồng thời, ông Donald Trump phê phán Nhật Bản phá giá đồng Yên; yêu cầu Nhật Bản tăng chi phí cho quân đồn trú Mỹ tại nước này.
Mặc dù theo đuổi giá trị “nhân quyền” như truyền thống của Mỹ, nhưng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã giữ thái độ "im lặng" trước "chính sách bài ngoại" đối với người nhập cư và dân tị nạn của một số nước như Iraq mà Tân Chính phủ Mỹ đang áp dụng hiện nay.
Những người thân cận với Thủ tướng Shinzo Abe cho rằng: "Khi chính quyền Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump rơi vào cô lập trên trường quốc tế, người có thể đóng vai trò trao đổi giữa Mỹ với các nước chỉ có Thủ tướng Nhật Bản".
Đảng Tự do Dân chủ Nhật Bản (LDP) cho rằng sau khi lên cầm quyền lần thứ hai, ông Shinzo Abe đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm ngoại giao, thể hiện thái độ tự tin hơn.
Trong khi đó, vấn đề người nhập cư không phải là mối quan tâm chính của Nhật Bản. Vì vậy, giữ thái độ im lặng trước cuộc hội đàm giữa nhà lãnh đạo hai nước Nhật - Mỹ là một việc làm khôn ngoan của nhà lãnh đạo Nhật Bản.