Nếu Mỹ công nhận Đài Loan, điều gì sẽ xảy ra?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Rủi ro xảy ra một cuộc chiến đang ngày càng tăng dần, trong khi Trung Quốc thậm chí còn muốn đẩy căng thẳng lên một mức cao hơn.
Máy bay ném bom H-6 của Trung Quốc bay sát vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan hôm 18/9 (Ảnh: Nikkei)
Máy bay ném bom H-6 của Trung Quốc bay sát vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan hôm 18/9 (Ảnh: Nikkei)

Đó là nhận định mà cựu Đô đốc Mỹ James Stavridis đưa ra trong bài viết đăng tải trên Nikkei Asian Review hôm 25/9 vừa qua.

Trong năm bầu cử cực kỳ nóng bỏng ở nước Mỹ, mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington lại ở điểm thấp nhất trong suốt nhiều thập kỷ qua. Và một trong những điểm nóng ngày càng trở nên nguy hiểm chính là Đài Loan.

“Loại bỏ mọi ảo tưởng và chuẩn bị chiến đấu” – một phát ngôn viên của Chiến khu Đông bộ, Quân đội giải phóng nhân dân (PLA) Trung Quốc nói sau khi Trung Quốc triển khai nhiều chiến đấu cơ dọc đường trung tuyến trên eo biển Đài Loan hồi cuối tuần trước.

Phát ngôn trên được đưa ra cùng với một đoạn video có cảnh các máy bay ném bom tầm xa của Trung Quốc đang thực hiện bài tập chạy trên đường băng mô phỏng lại đường băng ở căn cứ không quân Anderson của Mỹ trên đảo Guam.

Rõ ràng là rủi ro xảy ra một cuộc chiến đang tăng nhanh chóng, và Trung Quốc có thể đang cố gắng tạo ra một vụ việc nào đó để đẩy căng thẳng lên mức còn cao hơn. Bởi vậy, liệu Mỹ có thực sự cân nhắc về việc công nhận Đài Loan? Và nếu chính quyền Tổng thống Donald Trump làm như vậy, kết quả sẽ như thế nào?

Có nhiều tín hiệu chắc chắn cho thấy mối quan hệ giữa Washington và Đài Bắc đang được thắt chặt, trong đó những diễn biến căng thẳng trên Eo biển Đài Loan đều xảy ra trong bối cảnh chuyến thăm thứ hai của quan chức ngoại giao cấp cao Mỹ tới hòn đảo này.

Tuần trước, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Keith Krach đã tham dự tang lễ của ông Lee Teng-hui, lãnh đạo dân cử đầu tiên của Đài Loan, và một số cuộc họp cấp cao khác. Trước đó nữa, Bộ trưởng Y tế và Dịch nhân sinh Alex Azar tới thăm Đài Loan. Trung Quốc đã phản ứng trước cả hai chuyến thăm bằng 19 nhiệm vụ điều chiến đấu cơ khác nhau, buộc phía Đài Loan phải triển khai chiến đấu cơ và đặt các hệ thống phòng không vào tư thế báo động cao.

Sau khi lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn cảnh báo rằng “Trung Quốc cần phải kiềm chế chứ không phải khiêu khích”, tờ Global Times, cơ quan ngôn luận của Đảng CS Trung Quốc, viết trên Twitter rằng Đài Loan “đang đùa với lửa”.

Một số chính khách ở Washington cũng đưa ra cảnh báo. Trợ lý Ngoại trưởng mỹ về vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, ông David Stilwell, cáo buộc Trung Quốc là “một kẻ bắt nạt vô pháp luật”, thêm rằng quan hệ Mỹ-Đài Loan “không phải một tập hợp con nằm trong quan hệ với Trung Quốc”.

Trong khi đó, Washington đang cân nhắc về một thỏa thuận bán thêm 7 hệ thống phòng thủ cho Đài Loan, trong đó có máy bay không người lái MQ-9B Reaper, tên lửa chống hạm và nhiều hệ thống phòng không đặt dưới mặt đất. Trước đó, chính quyền Trump đã phê chuẩn thương vụ bán chiến đấu cơ F-16, xe tăng M1A2T Abram, tên lửa chống không Stinger và ngư lôi MK-48 cho Đài Loan.

Trong bối cảnh kỳ bầu cử Mỹ có thể làm tăng bất đồng giữa Trung Quốc và Mỹ - đặc biệt là trong bối cảnh tranh giành tầm ảnh hưởng và sức mạnh ở các thị trường đang trỗi dậy như vùng cận-Sahara ở châu Phi, Mỹ Latin đang tiếp diễn – bởi dù bất cứ ai giành chiến thắng trong tháng 11 tới, Mỹ vẫn có xu hướng xích lại gần hơn với Đài Loan, thậm chí cân nhắc về việc chính thức công nhận Đài Loan.

Điều này sẽ gây ra tác động lớn tới mối quan hệ Mỹ - Trung và có thể làm nảy sinh một cuộc xâm lược của Trung Quốc nhằm vào Đài Loan. Tình hình sau đó có thể vượt tầm kiểm soát, khiến quân đội Mỹ đáp trả hành động tấn công Đài Loan của Trung Quốc.

Nhìn vào hàng loạt động thái mới đây của Mỹ, đều thấy chúng khiến chính quyền Bắc Kinh phẫn nộ: Từ các chuyến thăm của quan chức cấp cao tới Đài Loan, triển khai thêm chiến đấu cơ tối tân tới đảo Guam, áp thêm các đòn trừng phạt khiến các công ty Trung Quốc không thể tiếp cận nguồn cung chip…Những động thái như vậy càng khiến chính quyền Bắc Kinh muốn cân nhắc về hành động quân sự trên Eo biển Đài Loan.

Ngoài các nhiệm vụ triển khai máy bay băng Eo biển Đài Loan như từng thấy hồi tuần trước, những hành động quân sự của Trung Quốc cũng có thể diễn ra theo dạng khác, như tập trận quân sự ở các vùng biển xung quanh Đài Loan, tấn công mạng nhằm vào hòn đảo này, tăng cường hoạt động của tàu ngầm ở các vùng biển ngoài khơi Đài Loan hay tấn công các đảo như Quemoy, Matsu và Penghu.

Hạm đội tàu cá và tàu cảnh sát biển của Trung Quốc cũng có thể là một nhân tố trên các vùng biển xung quanh Đài Loan, giúp thực hiện nhiệm vụ do thám và tấn công điện tử…

Trong trường hợp đó, thế giới sẽ phản ứng ra sao? Rất có thể là sự kết hợp của các chiến dịch tình báo, phản đối ngoại giao tại LHQ, chiến dịch gieo tầm ảnh hưởng trên toàn thế giới để phản đối sự hung hăng của Trung Quốc, các đòn cấm vận kinh tế nhằm vào Trung Quốc, Mỹ tăng cường hỗ trợ quân sự với Đài Loan, triển khai các hệ thống phòng không từ đảo Guam và các căn cứ ở Đài Loan…Tuy nhiên việc triển khai quân đội dưới mặt đất là khó xảy ra, bởi cả hai bên đều muốn tránh lao vào một cuộc chiến lớn.

Nói ngắn gọn, việc Mỹ công nhận Đài Loan, nếu xảy ra, sẽ gây ra những hậu quả cực kỳ nguy hiểm và khó lường với cả Mỹ và Trung Quốc, với khu vực và với Đài Loan. Hãy hy vọng rằng cả hai bên sẽ không đưa ra những quyết định để đi đến kết cục đó.

Theo Nikkei Asian Review