Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Trương Hữu Khanh:

"Nếu làm theo khuyến cáo đừng đeo khẩu trang của WHO, bạn và gia đình sẽ nhận hậu quả đầu tiên"

VietTimes -- Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm, Thần kinh (BV Nhi Đồng 1, TP.HCM), chuyên gia về bệnh truyền nhiễm - cho rằng nếu nghe theo khuyến cáo đừng đeo khẩu trang nếu không mắc COVID-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), người nhận hậu quả đầu tiên là bạn và gia đình.

Nhân viên y tế dùng nón chắn giọt bắn khi làm nhiệm vụ. Ảnh: BVCR
Nhân viên y tế dùng nón chắn giọt bắn khi làm nhiệm vụ. Ảnh: BVCR

Trong bối cảnh dịch COVID -19 lan rộng, diễn biến phức tạp trên thế giới cũng như tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu mọi người ra đường, đến nơi công cộng phải mang khẩu trang, nếu ai không tuân thủ sẽ bị xử phạt.

Trong khi đó, mới đây, WHO lại tiếp tục khuyến cáo đừng mang khẩu trang nếu không mắc COVID-19. VietTimes đã trao đổi với các chuyên gia về truyền nhiễm và điều trị COIVD-19 để làm rõ về vấn đề này.

+ Quan điểm của bác sĩ về khuyến cáo không mang khẩu trang nếu không bị nhiễm COVID-19 của WHO như thế nào? Xin bác sĩ cho biết đeo khẩu trang cần thiết như thế nào trong việc chống dịch hiện nay?

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Thứ nhất, chúng ta có chắc chắn người không mang khẩu trang là người không mắc COVID-19 hay không? Thứ hai, chúng ta có chắc những người mắc bệnh có ý thức mang khẩu trang hay không? Nếu cả 2 người này chúng ta đều không kiểm soát được thì nghe theo khuyến cáo chỉ khi bị nhiễm mới mang khẩu trang thì chắc chắn sẽ bỏ lọt bệnh nhân ở ngoài cộng đồng.

"Nếu làm theo khuyến cáo đừng đeo khẩu trang của WHO, bạn và gia đình sẽ nhận hậu quả đầu tiên" ảnh 1

Bác sĩ Trương Hữu Khanh-Trưởng khoa Nhiễm, Thần kinh, BV Nhi Đồng 1 (TP.HCM)

Có những người xuất hiện triệu chứng rất nhẹ, họ cũng phát ra virus. Chỉ cần sót 1 người bệnh trong cộng đồng không mang khẩu trang thì những người không bị bệnh mà không đeo khẩu trang đối diện với họ cũng bị nhiễm theo.

Do đó, để phòng, chống dịch COVID-19, quy định tất cả mọi người phải đeo khẩu trang như Chính phủ Việt Nam đưa ra hiện nay mới hoàn toàn đúng.

Hiện nay, nếu tất cả mọi người cùng mang khẩu trang và rửa tay sạch sẽ thì người chưa có bệnh sẽ không thể có bệnh; người trong cơ thể mình không biết được là có virus hay không cũng không lây virus ra ngoài môi trường.

Đặc biệt, chúng ta cần phải rửa tay sạch sẽ để tránh mang virus từ bàn tay mình qua cho người khác. Nếu cảm thấy không an tâm với khẩu trang thì chúng ta mang thêm nón chống giọt bắn. Tất cả người dân đều đồng lòng thực hiện những điều này thì virus không thể nào lây lan.

+ Ông đánh giá tình hình dịch sẽ thế nào nếu người dân nghe theo khuyến cáo đừng mang khẩu trang nếu không mắc COVID-19 của WHO, thưa bác sĩ?

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Nếu bạn thực hiện theo khuyến cáo này của WHO, người đầu tiên bị ảnh hưởng là chính bạn và người thân, đặc biệt là người lớn tuổi trong gia đình, sau đó mới tác động đến đồng nghiệp, cộng đồng.

Do đó, trước tình hình hiện nay, người dân nên nghe theo các chỉ đạo của Chính phủ Việt Nam để đảm bảo an toàn sức khỏe, kiểm soát dịch bệnh trên toàn quốc.

Người Việt Nam thực hiện mang khẩu trang, đặc biệt khi đến nơi công cộng để đảm bảo sức khỏe cho mình và cộng đồng. Ảnh: Hòa Bình
Người Việt Nam thực hiện mang khẩu trang, đặc biệt khi đến nơi công cộng để đảm bảo sức khỏe cho mình và cộng đồng. Ảnh: Hòa Bình

+ WHO cho rằng không có bằng chứng cụ thể nào cho thấy số lượng lớn người dân đeo khẩu trang mang lại lợi ích. Trên thực tế, có một số bằng chứng cho thấy điều ngược lại do đeo khẩu trang không đúng cách hoặc đeo không chặt. Xin cho biết quan điểm của bác sĩ về vấn đề này như thế nào?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Cần xác định rõ để ngăn chặn dịch COVID-19 thì đeo khẩu trang là điều cần thiết. Vấn đề ở đây là chúng ta phải hướng dẫn người dân đeo khẩu trang đúng cách. Họ không thể vì người dân đeo khẩu trang không đúng cách mà khuyến cáo đừng đeo nữa.

+ WHO cũng cho biết một trong những lý do để khuyến cáo không sử dụng khẩu trang trừ khi bị bệnh là tình trạng thiếu thốn khẩu trang, thiết bị y tế trên phạm vi toàn cầu, trong đó gồm cả đồ bảo hộ dành cho nhân viên y tế và các bác sĩ. Chúng ta cần phải làm gì cho đội ngũ y bác sĩ thay vì khuyến cáo người dân không dùng khẩu trang trừ khi bị bệnh, cách ly?

Nhân viên y tế BV Chợ Rẫy làm tấm chắn giọt bắn để bảo vệ sức khỏe trong khi thực hiện nhiệm vụ. Ảnh: BVCR
Nhân viên y tế BV Chợ Rẫy làm tấm chắn giọt bắn để bảo vệ sức khỏe trong khi thực hiện nhiệm vụ. Ảnh: BVCR

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Chúng ta phải xác định mình cần mang loại khẩu trang nào? Nếu chúng ta không phải nhân viên y tế thì xác suất tiếp xúc gần với người có bệnh rất thấp nên có thể mang khẩu trang vải, những loại có nhiều lớp thì đã đủ an toàn.

Toàn cầu sẽ phải đối mặt với vấn đề thiếu đồ bảo hộ, khẩu trang y tế cho nhân viên y tế. Nguồn lực tại Việt Nam hiện tại có rất nhiều khẩu trang vải có màng kháng khuẩn. Người dân nên tận dụng thêm loại nón chắn giọt bắn.

Đối với nhân viên y tế, bên cạnh việc đeo khẩu trang thì cần trang bị thêm tấm chắn giọt bắn. Sau khi dùng nên lau chùi sạch sẽ để tái sử dụng. Nếu thực hiện tốt những điều này thì nhân viên y tế đã tự bảo vệ mình, chắc chắn sẽ an toàn.

BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM - một trong những BV điều trị COVID-19 tại Việt Nam, quy định tất cả mọi người phải mang khẩu trang. Đồng thời, tùy thuộc vào từng đối tượng mà điều chỉnh mang khẩu trang vải hay khẩu trang y tế, khẩu trang N95, đồ bảo hộ.

"Nếu làm theo khuyến cáo đừng đeo khẩu trang của WHO, bạn và gia đình sẽ nhận hậu quả đầu tiên" ảnh 4

Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong - Trưởng khoa Nhiễm D - BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Ảnh: N.T

Theo đó, nhân viên có tiếp xúc với bệnh nhân thì phải đeo khẩu trang y tế, còn người làm khối văn phòng, không tiếp xúc với bệnh nhân, đi họp giao ban thì có thể đeo khẩu trang vải.

Đặc biệt, những người có tiếp xúc với chất tiết như là lấy mẫu, chăm sóc bệnh nhân dương tính thì mình phải mang khẩu trang N95, đồ bảo hộ.

WHO có khuyến cáo thì cũng tùy từng quốc gia mà có quy định cụ thể. Riêng tại Việt Nam, Chính phủ đã ra quy định phải mang khẩu trang, đặc biệt khi đến nơi công cộng, ai không mang sẽ bị xử phạt. Người dân cần đồng lòng thực hiện điều này để phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong - Trưởng khoa Nhiễm D - BV Nhiệt đới TP.HCM