Nền kinh tế toàn cầu có thể 'thiệt hại' 2.800 tỉ USD vì xung đột Nga - Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Chính phủ các nước châu Âu đã chi hàng tỉ Euro để hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp đối phó với giá năng lượng tăng cao nhưng thách thức sẽ tăng gấp bội khi mùa đông đến.
Giá năng lượng tăng cao ở châu Âu làm suy yếu khả năng chi trả của hộ gia đình (Ảnh: Bloomberg)
Giá năng lượng tăng cao ở châu Âu làm suy yếu khả năng chi trả của hộ gia đình (Ảnh: Bloomberg)

Theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), xung đột Nga - Ukraine có thể khiến nền kinh tế toàn cầu 'thiệt hại' 2.800 tỉ USD sản lượng tới cuối năm 2023 và thậm chí nhiều hơn nếu như giá năng lượng tiếp tục tăng.

Dự báo này phản ánh phần nào tác động kinh tế của chiến dịch quân sự đặc biệt mà Nga phát động ở Ukraine cách đây 7 tháng. Cuộc xung đột đã làm giá năng lượng tăng đột biến, ảnh hưởng tới các hộ gia đình và doanh nghiệp đang hoạt động ở châu Âu.

Cuộc xung đột cũng làm gián đoạn các chuỗi cung ứng toàn cầu, gây nên tình trạng khan hiếm thực phẩm và các loại mặt hàng thiết yếu khác, và làm chao đảo các thị trường trên toàn cầu.

Chính phủ các nước phương Tây lo ngại rằng lệnh điều động của Nga và việc Nga chuẩn bị sáp nhập một vài phần lãnh thổ của Ukraine có thể kéo dài cuộc xung đột thêm nhiều tháng, có thể là nhiều năm, càng làm trầm trọng hơn tình trạng bất ổn đối với nền kinh tế thế giới.

“Chúng ta đang phải trả một cái giá đắt cho cuộc chiến này,” Alvaro Santos Pereira, kinh tế trưởng của OECD, nói.

Cũng theo OECD, nền kinh tế toàn cầu dự kiến tăng trưởng 3% trong năm nay và 2,2% trong năm sau. Trước cuộc chiến, đà tăng trưởng được dự báo là 4,5% trong năm 2022 và 3,2% trong năm 2023.

Sự khác biệt giữa 2 con số dự báo này có nghĩa rằng cuộc chiến ở Ukraine và những hậu quả nó gây nên sẽ khiến thế giới mất đi sản lượng kinh tế tương đương với sản lượng của toàn bộ nền kinh tế Pháp trong 2 năm.

OECD dự báo rằng nền kinh tế khu vực eurozone sẽ tăng trưởng chỉ 0,3% trong năm 2023, trong đó nền kinh tế Đức sẽ thu hẹp 0,7%. Dự báo mà OECD đưa ra trước đó, trong tháng 6 vừa qua, cho thấy đà tăng trưởng của eurozone đạt 1,6% và nền kinh tế Đức là ,7%.

Đà tăng trưởng kinh tế của châu Âu có thể thấp hơn 1,3% trong năm 2023 (Ảnh: Bloomberg)

Đà tăng trưởng kinh tế của châu Âu có thể thấp hơn 1,3% trong năm 2023 (Ảnh: Bloomberg)

OECD cảnh báo rằng nền kinh tế châu Âu có thể hứng chịu đà giảm sâu hơn nếu giá năng lượng tăng thêm. Nếu giá khí đốt tăng 50% trong khoảng thời gian còn lại của năm, đà tăng trưởng kinh tế của châu Âu có thể thấp hơn 1,3 điểm phần trăm trong năm 2023, trong khi nền kinh tế toàn cầu sẽ chỉ tăng trưởng 1,7%.

“Châu Âu sẽ trượt vào suy thoái", ông Pereira nói.

Sự tăng giá đột biến có thể xuất hiện nếu như châu Âu đối diện với tình trạng khan hiếm năng lượng trong mùa Đông khắc nghiệt sắp tới. Để giảm thiểu nguy cơ đó, OECD ước tính rằng mức tiêu thụ năng lượng cần phải giảm trong khoảng 10%-15% so với những năm gần đây.

“Điều quan trọng là không chỉ tập trung vào nguồn cung, mà cả đảm bảo rằng nhu cầu phải giảm trong vài tháng tới,” ông Pereira nói.

Chính phủ các nước châu Âu đã chi hàng tỉ euro để hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp đối phó với giá năng lượng tăng. Một số các biện pháp trong đó xuất hiện dưới dạng đặt mức trần giá năng lượng. Nhưng mức trần này lại làm suy yếu động lực giảm nhu cầu năng lượng của hộ gia đình.

Cái giá của việc hỗ trợ hộ gia đình và doanh nghiệp là đẩy mức nợ công của chính phủ lên cao hơn, điều này khiến chi phí vay mượn tăng và dẫn tới đà tăng trưởng yếu. Để tránh tăng nợ công, OECD nói rằng hỗ trợ của chính phủ nên tập trung vào những hộ gia đình dễ chịu ảnh hưởng nhất.

Tổ chức này ước tính có 35 chính phủ đang thực thi chính sách hỗ trợ, trong đó cam kết chi 50 tỉ USD để giữ cho giá năng lượng ở mức thấp qua tháng 12 năm nay.

OECD đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm 2023 từ mức 1,2% xuống còn 0,5%, nhưng nói rằng có khả năng đà tăng trưởng còn suy giảm sâu hơn nếu như lạm phát không giảm nhanh như Fed kỳ vọng.

Tổ chức này cũng dự báo nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng nhẹ trong năm 2023. Trong tháng 6, OECD dự báo đà tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2022 là 4,4%, nhưng giờ con số này bị hạ xuống 3,2%. Trong năm 2023, đà tăng trưởng được dự báo đạt 4,7%.

Theo Wall Street Journal