Nên khuyến khích các game dành cho mục đích học tập

VietTimes -- Lâu nay ở Việt Nam, cứ nói đến việc chơi game của học sinh là nhiều người rất dị ứng vì ham mê chơi game là đồng nghĩa với việc sao nhãng học hành, gây ra những hệ lụy xấu… Tuy nhiên, nếu xây dựng các game có nội dung về giáo dục và thu hút học sinh tham gia thì đó cũng là điều tốt và nên được khuyến khích. 
Nếu phát triển các game về giáo dục thì đó cũng là định hướng nên làm để học sinh nắm bắt được nhiều kiến thức bên cạnh cách học truyền thống. Ảnh chụp màn hình
Nếu phát triển các game về giáo dục thì đó cũng là định hướng nên làm để học sinh nắm bắt được nhiều kiến thức bên cạnh cách học truyền thống. Ảnh chụp màn hình

Trong số các sản phẩm lọt vào chung khảo cuộc thi "Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin cấp thành phố năm học 2017-2018" của TPHCM, bên cạnh các bài giảng điện tử, có một sản phẩm là game của thầy giáo Lê Chân Đức ở Trường Trung học Thực hành ĐH Sư phạm TP.HCM. Với khối lượng kiến thức rộng và sâu đã được thầy Đức tham khảo, chắt lọc từ sách giáo khoa, đề thi trắc nghiệm của các bộ môn, đồng nghiệp và các nguồn trên mạng... trò chơi còn giúp học trò tiếp cận với hình thức thi trắc nghiệm của kỳ thi THPT quốc gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng thời kích thích sự hứng thú của các em. Trong tương lai, thầy giáo này dự định sẽ cải tiến game, bổ sung vào nguồn tài liệu tham khảo cho học sinh, mở rộng kiến thức cho hầu hết các môn học và các cấp học...

Tương tự, thầy trò Trường THCS Tùng Thiện Vương (Quận 8, TPHCM) đã thực hiện dự án: "Học vật lý qua trò chơi". Các em học sinh lớp 8 đã dựa vào những định luật, quy tắc vật lý để chế tạo các trò chơi như tên lửa nước, lon phát sáng nhiều màu sắc, mô hình các loại động vật dễ thương và nhiều màu sắc có thể đứng cân bằng trên mọi địa hình...

"Chúng em cũng nhau tự tìm hiểu các quy tắc xây dựng game. Game này dựa theo định luật gì, hoặc trên quy tắc kia có thể làm được những gì. Ngoài ra, chúng em còn tổng hợp lại kiến thức và cách thức làm các trò chơi vào một cuốn cẩm nang hướng dẫn được viết bằng song ngữ để các bạn khác cũng có thể tự chế tạo trò chơi cho mình. Khi làm những trò chơi này, em thấy môn vật lý thú vị hơn hẳn, em có thể áp dụng nó vào rất nhiều thứ trong cuộc sống" – một học sinh trường THCS Tùng Thiện Vương chia sẻ.

Theo ThS Trần Phương một giáo viên dạy toán có uy tín ở Hà Nội, chơi bao giờ cũng hấp dẫn hơn học và thực tế là không ít học sinh với kết quả học tập không cao vẫn có thể thành thạo sử dụng máy tính và Internet. Vì thế, hình thức “học mà chơi, chơi mà học” rất cần được khuyến khích và nhân rộng trong giáo dục. Việc xây dựng các game về giáo dục cũng không nên là việc của các bậc thầy cô mà cần có sự tham gia của học sinh. Để xây dựng các nội dung cho game, các học sinh đương nhiên sẽ phải tập hợp các kiến thức đã và sẽ học trong chương trình của nhiều môn học theo các yêu cầu được đặt ra. Và đó cũng là cách học rất hữu ích với nhiều môn học trong chương trình của các nhà trường.