Nên dứt khoát với việc cho phá sản ngân hàng

Hiện dự thảo Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi đang được đưa ra thảo luận tại Quốc hội. Một trong những vấn đề quan trọng trong lần sửa đổi này là việc cho phép cho phá sản các tổ chức tín dụng (TCTD) được kiểm soát đặc biệt như là một phương án cuối cùng sau khi đã thực hiện không thành công các phương án tái cơ cấu khác.
Việc cơ cấu lại TCTD bằng hình thức phá sản được cho là một hình thức răn đe, là động lực để các TCTD nâng cao chất lượng quản trị điều hành và trách nhiệm trong việc sử dụng nguồn tiền huy động. Ảnh: THÀNH HOA
Việc cơ cấu lại TCTD bằng hình thức phá sản được cho là một hình thức răn đe, là động lực để các TCTD nâng cao chất lượng quản trị điều hành và trách nhiệm trong việc sử dụng nguồn tiền huy động. Ảnh: THÀNH HOA

Việc cơ cấu lại TCTD bằng hình thức phá sản được cho là một hình thức răn đe, là động lực để các TCTD nâng cao chất lượng quản trị điều hành và trách nhiệm trong việc sử dụng nguồn tiền huy động, từ đó nâng cao ý thức người gửi tiền và khách hàng lựa chọn TCTD có uy tín, chất lượng dịch vụ tốt.

Chuyển biến mới về nhận thức

Những đề xuất thay đổi như trên là một bước tiến lớn nếu so với chủ trương không để bất cứ ngân hàng nào phá sản trước đây, vốn đã vô hình trung biến thành một thứ bùa hộ mệnh cho giới chủ nhiều ngân hàng tiếp tục làm ẩu. Cũng vì chủ trương này mà dân chúng, những người gửi tiền, cũng chẳng bận tâm đến chất lượng an toàn của ngân hàng mà họ gửi tiền vào, miễn là các ngân hàng này sẵn sàng trả lãi cho tiền gửi của họ cao hơn các ngân hàng khác.

Tuy vậy, nhận thức mới nêu trên xem ra vẫn còn khá lấn cấn, e ngại với điều cấm kỵ “phá sản ngân hàng”, bởi cái cách quy định cho phá sản chỉ là phương án cuối cùng sau khi các phương án tái cơ cấu khác không thành công. Có lẽ các nhà làm luật vẫn lo sợ viễn cảnh đổ vỡ hàng loạt ngân hàng khác theo kiểu lây lan dây chuyền nếu để cho một ngân hàng yếu kém phá sản. Vì vậy, việc phá sản chỉ được coi là bước đường cùng, trong hoàn cảnh “cực chẳng đã”.

Sự lấn cấn, e ngại này sẽ dẫn đến một số hậu quả không mong muốn.

Phương án cho phá sản TCTD nên là một trong những phương án cần được xem xét song song với các phương án tái cơ cấu khác, thay vì là biện pháp cuối cùng.
Thứ nhất, khi TCTD đã rơi vào hoàn cảnh bị kiểm soát đặc biệt và thậm chí đến mức thuộc đối tượng bị cho phá sản, tức là nó đã rơi vào hoàn cảnh rất ngặt nghèo, cần được khẩn trương xử lý càng sớm càng tốt. Nhưng do lo sợ phải cho TCTD này phá sản, hoặc do bị cấm bởi luật sửa đổi, các cơ quan chức năng sẽ buộc phải tiếp tục thí điểm hết tất cả các phương án khác cho đến khi nào rút ra được kết luận là TCTD này “vô phương cứu chữa”, chỉ còn giải pháp cho phá sản. Lúc đó thì việc cho phá sản TCTD có khả năng đã trở nên quá muộn, để lại nhiều hậu quả xấu cho ngân sách, cho hệ thống ngân hàng và cho toàn bộ nền kinh tế.


Thứ hai, cũng chính vì thấy được sự e ngại, lấn cấn của nhà làm và thực thi chính sách trong việc để cho TCTD phá sản, và nhìn thấy được khả năng bị cho phá sản là không cao, các ông chủ ngân hàng và nhất là giới gửi tiền (cả cá nhân và doanh nghiệp) tiếp tục làm ẩu, không bận tâm đến các chỉ tiêu an toàn, dù ở mức độ có thể ít hơn trước đây và hiện nay. Nói cách khác, loại rủi ro đạo đức kiểu này, vốn biến Chính phủ thành con tin, sẽ vẫn tiếp tục tồn tại trong ngành ngân hàng cho dù khả năng bị trừng phạt bằng hình thức phá sản đã có (nếu Luật về các TCTD sửa đổi được thông qua).

Đã “thông” thì phải thông suốt

Do những hậu quả nêu trên, phương án cho phá sản TCTD nên là một trong những phương án cần được xem xét song song với các phương án tái cơ cấu khác, thay vì là biện pháp cuối cùng. Nếu các phân tích chuyên môn cho thấy TCTD chỉ còn nước cho phá sản thì nhà chức trách cần thiết phải cương quyết cho nó phá sản, không bị trói buộc bởi quy định hay tư tưởng “không thử (các phương án khác) thì không biết”.

Với lo ngại về sự đổ vỡ lây lan, dây chuyền khi để cho một TCTD phá sản, phải thừa nhận rằng đây cũng là một khả năng có thật, có thể xảy ra. Nhưng khả năng này sẽ được giảm thiểu trước tiên bởi chính sự không khoan nhượng, không dễ dãi của nhà chức trách với những sai lầm, yếu kém của giới chủ ngân hàng.

Một khi thị trường và người dân thông suốt rằng cho phá sản TCTD là nhà chức trách đang tìm cách loại bỏ ung nhọt ảnh hưởng đến sinh mạng của toàn bộ hệ thống, và một khi hàng loạt biện pháp cả ngăn ngừa lẫn xử lý tình huống khác mà nhà chức trách đã và sẽ thi hành thì ảnh hưởng của sự phá sản một TCTD lên hệ thống sẽ có thể kiểm soát được.

Các biện pháp xa và gần

Các cuộc khủng hoảng, bất ổn tài chính ở châu Á, Mỹ và châu Âu năm 2007 và các năm sau đó cho thấy việc dùng tiền thuế của dân để cứu những ngân hàng có vấn đề nhằm ngăn chặn sự đổ vỡ lây lan không luôn là điều tốt, cần làm.

Một ví dụ cụ thể là trường hợp của Iceland và Ireland, hai quốc gia với nền kinh tế có quy mô tương tự nhau và cùng đối mặt với khủng hoảng tài chính năm 2008-2009.

Trong khi Ireland chọn phương án cứu giúp các ngân hàng của mình thì Iceland, ngược lại, tuyên bố họ chỉ bảo lãnh tài sản công dân của mình mà không phải cho các nhà đầu tư hoặc ngân hàng quốc tế. Thế nhưng, kết quả là Iceland đã nhanh chóng phục hồi và đạt được nhiều chỉ tiêu kinh tế thậm chí còn tốt hơn nhiều nước khác trên thế giới.

Thực tế này làm các nhà kinh tế học trên thế giới đặt câu hỏi phải chăng để ngân hàng phá sản là một lựa chọn mang tính hủy diệt? Cho phá sản không phải là một lựa chọn tồi. Nhưng sẽ là tốt hơn nếu có những giải pháp dài hạn mang tính phòng ngừa, được tiến hành một cách hiệu quả. Mà một trong những giải pháp cần làm trước tiên lại chính là làm cho các TCTD hiểu rõ rằng họ sẽ bị cho phá sản nếu tình hình buộc phải vậy, không có sự cứu trợ của nhà nước.

Giải pháp thứ hai là giảm thiểu khả năng TCTD trở nên “quá lớn để bị cho phá sản” - hiện tượng một TCTD có quy mô quá lớn làm chính phủ lo sợ khi nó phá sản sẽ làm đảo lộn toàn bộ hệ thống ngân hàng, tài chính quốc gia nên không thể để nó phá sản được. Để làm việc này, cần có những chế tài giới hạn khả năng các TCTD phình to quá mức (so với quy mô GDP quốc gia), khống chế những lĩnh vực họ được phép làm với tài sản của mình.

Theo TBKTSG
http://www.thesaigontimes.vn/166264/Nen-dut-khoat-voi-viec-cho-pha-san-ngan-hang.html