Nên cổ phần hóa nhà máy lọc dầu Dung Quất!

Không chỉ Công ty TNHH MTV Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR) – đơn vị vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất, mà ông Hải còn cho rằng phải cổ phần hóa luôn cả Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN)…
Lọc dầu Dung Quất lần thứ 4 kêu khó với BTC trong chưa tới 1 năm.
Lọc dầu Dung Quất lần thứ 4 kêu khó với BTC trong chưa tới 1 năm.

Theo dòng sự kiện

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) vừa gửi văn bản lên Liên Bộ Tài chính - Công Thương và Văn phòng Chính phủ, trình bày những khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Dung Quất do sự chênh lệch về thuế suất nhập khẩu ưu đãi của nhà máy này với thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi khi Việt Nam thực hiện theo cam kết của các hiệp định thương mại tự do (FTA).

"Nếu sản phẩm sản xuất ra không tiêu thụ được thì Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ không thể duy trì công suất ổn định, bắt buộc phải giảm công suất hoặc tạm dừng hoạt động trong thời gian tới", lãnh đạo PVN cảnhbáotrong công văn của mình.

Đầu tiên phải nhấn mạnh rằng đây không phải lần đầu tiên PVN đưa Lọc dầu Dung Quất ra làm “con tin” đối với Bộ Tài chính (BTC), và dĩ nhiên cũng chẳng phải lần đầu tiên báo chí Việt xôn xao về vấn đề này.

Đầu tháng 4 năm ngoái, PVN cũng gửi một công văn tương tự lên BTC, xin giảm thuế nhập khẩu xăng dầu, với lý do không thể cạnh tranh nổi với nhiên liệu nhập khẩu từ các nước ASEAN.

Nhằm “vỗ về đứa con cưng” của ngành năng lượng, BTC đã phải giảm mạnh thuế nhập khẩu đánh vào các sản phẩm của SBR. Cụ thể, thuế suất đối với xăng giảm mạnh từ 35% xuống 20%, dầu Diesel giảm từ 30% xuống còn 20%.

BTC ước tính động thái điều chỉnh trên đã gây thất thu khoảng 13.000 tỉ đồng trong năm 2015.

Chỉ vài ngày sau nhượng bộ từ BTC, cuối tháng 4/2015, BSR lại tiếp tục đòi giảm thuế áp lên dầu diesel, với lý do thuế nhập khẩu của NMLD Dung Quất vẫn cao hơn tới 15% so với mức thuế 5% của dầu diesel nhập khẩu từ các nước ASEAN, theo lộ trình của Hiệp định tự do thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) vốn có hiệu lực kể từ đầu năm 2015.

Bị từ chối, tháng 11/2015, PVN tiếp tục gửi công văn xin giảm thuế, đồng thời tăng ‘giá trị ưu đãi’, vẫn dựa trên lập luận rằng họ đang phải chịu mức thuế cực kì ‘bất công’ khi so sánh với thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt từ ATIGA.

Chưa dừng lại ở đó, PVN tiếp tục cho báo chí Việt chủ đề “hot” để theo dõi khi mà ngày 22/02 vừa qua lại tiếp tục trình lên BTC bản đề xuất xin giảm thuế nhập khẩu lần thứ 4 chỉ trong vòng chưa tới 1 năm, đi kèm với lời “dọa” đóng cửa NMLD Dung Quất.

PVN viện dẫn rằng thuế nhập khẩu xăng từ Hàn Quốc theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (KVFTA) vừa có hiệu lực chỉ còn 10%, thấp hơn nhiều con số 20% của NMLD Dung Quất.

BSR có ‘oan’?

Thuế áp vào 2 mặt hàng chính của BSR là xăng và dầu Diesel đang ở mức lần lượt là 20% và 10%, so với mức tương ứng 10% và 5% từ Hàn Quốc. Nghe qua thì có vẻ BSR không ‘oan’.

Trả lời báo chí ngày 23/02, ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch HĐTV BSR khẳng định: “Chính sách thuế đang đe dọa sự sống còn của NMLD Dung Quất”.

Vị chủ tịch nhấn mạnh: “Đáng lẽ phải hạ xuống 0% vì nếu giữ mức thuế 10% thì sản phẩm của chúng tôi sẽ trở nên đắt đỏ hơn so với các đầu mối nhập khẩu, dần dà các đơn vị kinh doanh nhiên liệu sẽ không chọn xăng dầu từ NMLD Dung Quất nữa”, ám chỉ sự bất bình đẳng với thuế suất 5% áp vào dầu diesel nhập khẩu từ các nước ASEAN và Hàn Quốc.

Tuy nhiên vị này có thể chưa nhắc tới một chi tiết quan trọng. Theo cơ chế tài chính đặc thù áp dụng cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất, có một khoản thu điều tiết được tính bằng thuế nhập khẩu trừ 7% (đối với xăng dầu). Điều đó có nghĩa nếu thuế nhập khẩu xăng dầu là 10% thì Dung Quất chỉ phải nộp 3%. Còn nếu thuế nhập khẩu được giảm về 0% như “mong ước” của lãnh đạo công ty, thì PVN sẽ phải bù 7% cho BSR và gánh khoản lỗ này.

Ngoài ra, kể từ khi chính thức đi vào vận hành thương mại tháng 5/2010, NMLD Dung Quất còn được hưởng rất nhiều ưu đãi khác như: Miễn thuế nhập khẩu trong 5 năm; được hưởng ưu đãi mức thuế suất thuế thu nhậpdoanh nghiệp10% trong 15 năm; trong đó được miễn 4 năm đầu kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp cho 9 năm tiếp theo. Được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi 10% suốt đờidự áncông nghệ cao; miễn thuế đất trong 15 năm; giảm 50% thuế thu nhập cá nhân cho người có thu nhập cao…

Đó là còn chưa kể tới yếu tố thuận lợi về mặt địa lý, khi BSR chủ yếu lấy dầu từ mỏ Bạch Hổ, gần hơn rất nhiều so với các đơn vị nhập khẩu từ Hàn Quốc hay Singapore.

Tổng thư ký VAFI ông Nguyễn Hoàng Hải.

Phải cổ phần hóa “cả mẹ lẫn con”

Trả lời câu hỏi của phóng viên ANTT.VN về việc liệu Bộ Tài chính có nên ‘nhân nhượng’ với PVN lần này hay không, ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà Đầu tư Tài chính Việt Nam (VAFI), khẳng định điều quan trọng ở đây không phải là liệu có nên cho BSR thêm ưu đãi, mà phải đi vào giải quyết tận gốc vấn đề:

“Tại sao BSR cứ thấy khó là kêu lên BTC? Tại sao họ không nhìn lại mình trước? Tại sao họ không cắt giảm bộ máy cùng quỹ lương nhằm giảm chi phí trước khi nhờ tới bên ngoài”, ông Hải nói, đồng thời nhấn mạnh ngành dầu khí vốn nổi tiếng với bộ máy điều hành cồng kềnh cùng quỹ lương khổng lồ, ‘đáng mơ ước’ của nhiều ngành nghề khác.

“Liệu có công bằng không khi mà thu nhập bình quân trong ngành dầu khí hiện tại cao gấp 3-4 lần so với các khu vực khác! Bên cạnh đó, bộ máy cồng kềnh, thiếu hiệu quảở PVN là rất lớn”, ông Hải trăn trở.

“Bây giờ muốn cứu Lọc dầu Dung Quất, và xa hơn nữa là cứu Ngân sách Nhà nước, chỉ còn cách cổ phần hóa rồi niêm yết lên sànchứng khoán. Khi người ta phải chịu trách nhiệm với đồng vốn của mình, đồng thời mọi thông tin đều công khai, minh bạch trước ‘bàn dân thiên hạ’ thì chắc chắn tình hình sẽ sáng sủa hơn rất nhiều”.

“Các vị cứ làm quyết liệt đi, cổ phần hóa, tinh giản bộ máy đồng thời tính toán lại chính sách lương thưởng xem chi phí giảm được bao nhiêu, rồi sau đó hãy kêu khó, kêu khổ cũng chưa muộn”, vị chuyên gia hiến kế.

Nói rộng ra, ông Hải khẳng định cần phải nhanh chóng cổ phần hóa cả PVN hay những tập đoàn nhà nước khác như EVN, TKV cùng các tập đoàn viễn thông:

“Chính phủ nên quyết liệt hơn nữa trong lộ trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Cứ giao cho những cơ quan này thời hạn tối đa 2 năm để cổ phần hóa toàn bộ, nếu không làm được thì cách chức hết bộ máy lãnh đạo, xem có ‘ông’ nào dám không làm không!”.

Theo ông Hải, việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chỉ có được, không có mất:

“Đơn cử ngay tại láng giềng Thái Lan, chỉ tính riêng cổ tức thu về từ các tập đoàn nhà nước đã chiếm tới 10% GDP, là một nguồn lực khổng lồ để đẩy mạnh cơ sở hạ tầng, phát triển văn hóa – giáo dục – xã hội, vậy tại sao chúng ta lại không học hỏi cái hay, cái tốt của họ ?!”.

Theo ANTT.VN