Né lệnh cấm của chính phủ Mỹ, Nvidia làm chip chậm riêng cho thị trường Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – “Trên ra chính sách, dưới có đối sách”, hãng sản xuất chip xử lý đồ họa Nvidia thông báo đã tung ra phiên bản chip "giảm tốc" dành riêng cho thị trường Trung Quốc để né tránh biện pháp trừng phạt của Nhà Trắng.
Né tránh lệnh cấm chip của chính phủ Mỹ, Nvidia đã làm riêng loại chip chậm bán cho Trung Quốc (Ảnh: techarp).
Né tránh lệnh cấm chip của chính phủ Mỹ, Nvidia đã làm riêng loại chip chậm bán cho Trung Quốc (Ảnh: techarp).

Theo tin mới nhất của ​​Deutsche Presse-Agentur (DPA), bị kích thích bởi chính sách cấm bán chip máy tính tiên tiến cho Trung Quốc của Nhà Trắng, hãng sản xuất chip Nvidia đã thông báo rằng họ sẽ cung cấp cho các khách hàng Trung Quốc của mình một loại sản phẩm thay thế được làm riêng và cho biết sản phẩm này sẽ không vi phạm luật pháp Hoa Kỳ.

Vào ngày 7/10 năm nay, chính quyền Joe Biden đã công bố một loạt các biện pháp hạn chế xuất khẩu mới, liên quan đến lĩnh vực chất bán dẫn. Các quy định mới này cấm bán cho Trung Quốc các con chip tiên tiến được sản xuất bằng thiết bị của Hoa Kỳ. Hãng tin Reuters đã đưa tin rằng loạt biện pháp này sẽ đánh dấu sự thay đổi chính sách lớn nhất trong việc chuyển giao công nghệ của Mỹ cho Trung Quốc kể từ những năm 1990. Nếu các biện pháp này có hiệu quả, chúng sẽ cản trở sự phát triển của ngành sản xuất chip Trung Quốc bằng cách buộc các công ty Mỹ và các công ty nước ngoài khác cắt đứt việc hỗ trợ cho một số nhà sản xuất chip và công ty thiết kế chip lớn nhất Trung Quốc, từ đó cản trở nghiêm trọng sự phát triển của ngành chế tạo chip Trung Quốc.

Nvidia là nhà sản xuất chip đồ họa GPU hàng đầu thế giới.

Nvidia là nhà sản xuất chip đồ họa GPU hàng đầu thế giới.

Trung Quốc là thị trường có nhu cầu chip lớn nhất thế giới. Theo thống kê, vào năm 2021, doanh thu của ngành vi mạch tích hợp của Trung Quốc đã phá vỡ mốc nghìn tỉ, đạt 1.045,83 tỉ Nhân dân tệ (NDT), tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước. Theo số liệu của hải quan, giá trị nhập khẩu vi mạch tích hợp của Trung Quốc là 432,55 tỉ USD, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm trước; giá trị xuất khẩu vi mạch tích hợp là 153,79 tỉ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước.

Hãng Nvidia có trụ sở chính tại Thung lũng Silicon, Mỹ, là một trong những nhà sản xuất chip xử lý đồ họa (GPU) quan trọng hàng đầu thế giới. Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai trên thế giới của công ty này. Giờ đây, Nvidia cho biết họ sẽ né tránh lệnh cấm của chính phủ Mỹ bằng cách cung cấp cho thị trường Trung Quốc những sản phẩm chip được giảm bớt tốc độ xử lý.

Trong một tuyên bố gửi cho hãng tin Đức DPA, Nvidia cho biết họ sẽ tung ra đơn nguyên chip dòng A800 xử lý đồ họa tại thị trường Trung Quốc, thay thế cho dòng A100 trước đó. Người phát ngôn của công ty tuyên bố rằng A800 có thể vượt qua được các bài test kiểm soát xuất khẩu của chính phủ Hoa Kỳ và không thể tăng tốc siêu tần bằng phần mềm.

Tránh nguy cơ dùng cho mục đích quân sự

Chip A100 được biết đến với khả năng cung cấp khả năng xử lý siêu nhanh cho siêu máy tính, trí tuệ nhân tạo (AI) và trung tâm dữ liệu hiệu suất cao trong các ngành công nghiệp từ công nghệ sinh học, tài chính tiền tệ đến chế tạo. Mảng kinh doanh điện toán đám mây của Alibaba luôn là một trong những khách hàng của chip A100.

Trụ sở của Nvidia ở Thung lũng Silicon (Ảnh: NT).

Trụ sở của Nvidia ở Thung lũng Silicon (Ảnh: NT).

Ngày nay, chip A100 và chip trí tuệ nhân tạo H100 cấp doanh nghiệp của Nvidia, đều đã bị đưa vào danh sách kiểm soát xuất khẩu của chính phủ Mỹ để đối phó nguy cơ sản phẩm có thể được sử dụng hoặc chuyển hướng sang “mục đích sử dụng cuối cùng của quân đội” hoặc “người dùng cuối quân sự” ở Trung Quốc và Nga.

Nvidia trước đó đã báo cáo rằng lệnh cấm của chính phủ Mỹ có thể ảnh hưởng đến doanh số bán hàng tiềm năng lên tới 400 triệu USD cho Trung Quốc trong quý III/2022. DPA đưa tin nói rằng việc Nvidia ra mắt chip mới dường như là một nỗ lực để bù đắp các khoản thiệt hại tài chính.

Chip đồ họa (GPU) A800 đã được đưa vào sản xuất vào quý III năm nay và theo tiết lộ của Nvidia, các nhà phân phối chip ở Trung Quốc đã quảng cáo chip A800 trong danh mục sản phẩm của họ. Con chip này dường như vẫn có thể thực hiện sức mạnh tính toán cốt lõi khác trong khi né tránh được các hạn chế xuất khẩu của chính phủ Mỹ.

Hầu hết các thông số kỹ thuật chính của chip A100 và chip A800 đều giống nhau, ngoại trừ tốc độ truyền dữ liệu của chúng có khác nhau. A800 truyền dữ liệu với tốc độ 400 gigabyte mỗi giây, trong khi A100 truyền với tốc độ 600 gigabyte mỗi giây; đó là giới hạn hiệu suất được lệnh cấm của Nhà Trắng đặt ra.

Wayne Lam, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu thị trường CCS Insight, nói với Reuters rằng khả năng giao tiếp giữa chip với chip của A800 thể hiện sự sụt giảm hiệu suất đáng kể của các trung tâm dữ liệu nơi hàng nghìn chip được sử dụng cùng nhau.

Điện toán đám mây của Alibaba sử dụng chip của Nvidia. Trong ảnh: Nhà máy của Alibaba ở Hàng Châu (Ảnh: Deutsche Welle).

Điện toán đám mây của Alibaba sử dụng chip của Nvidia. Trong ảnh: Nhà máy của Alibaba ở Hàng Châu (Ảnh: Deutsche Welle).

Nvidia không phải là công ty duy nhất giảm tốc độ của chip

Nvidia không phải là công ty duy nhất làm chậm tốc độ chip của mình để né tránh các lệnh trừng phạt Trung Quốc của chính phủ Mỹ. Alibaba và công ty khởi nghiệp thiết kế chip của Trung Quốc Biren đã và đang đổ nguồn lực vào việc sản xuất những con chip có thể cạnh tranh với Nvidia.

Giờ đây, hai công ty này cũng cần phải sửa đổi hiệu suất chip của họ. Bởi vì họ, giống như các công ty bán dẫn Fabless (không có nhà máy) khác, cần phải ký hợp đồng với Công ty TSMC của Đài Loan để sản xuất sản phẩm của họ. Và bởi vì các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ bao gồm cả việc bán chip từ các công ty sử dụng công nghệ của Mỹ - TSMC cũng sử dụng công nghệ của Mỹ, cho nên doanh số bán các sản phẩm chip sang Trung Quốc cũng có thể bị hạn chế.

Khi được Reuters hỏi về việc Nvidia đã xin ý kiến ​​của Bộ Thương mại Mỹ về việc bán chip mới cho Trung Quốc hay chưa, Nvidia từ chối bình luận. Trong khi đó, người phát ngôn của Bộ Thương mại Mỹ cũng từ chối đưa ra bình luận.