Nắm Thượng viện trong tay? Ông Trump vẫn bị kết án như thường nếu điều này xảy ra

VietTimes -- Theo đánh giá của rất nhiều người, Thượng viện Mỹ mà đảng Cộng hòa kiểm soát sẽ không bao giờ bỏ phiếu để đẩy Tổng thống Donald Trump khỏi Nhà Trắng nếu Hạ viện luận tội ông. Nhưng sẽ ra sao nếu như các thượng nghị sĩ lựa chọn bỏ phiếu kín?
Chỉ cần 3 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa phản bội cũng có thể đẩy ông Trump vào chỗ bị kết án (Ảnh: Politico)
Chỉ cần 3 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa phản bội cũng có thể đẩy ông Trump vào chỗ bị kết án (Ảnh: Politico)

Nếu các thượng nghị sĩ tại Thượng viện Mỹ lựa chọn bỏ phiếu kín thay vì bỏ phiếu theo cách thông thường, họ sẽ không phải đối mặt với sự phản ứng từ cộng đồng cử tri, từ giới truyền thông hay sự phẫn nộ của ông Trump. Ai dám rằng sẽ không có nghị sĩ đảng Cộng hòa nào phản bội ông Trump?

Một cuộc bỏ phiếu kín về việc luận tội ông Trump nghe có vẻ điên rồ, nhưng là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Trên thực tế, chỉ cần 3 thượng nghị sĩ chấp thuận là đủ để biến nó thành hiện thực.

Thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell từng nói rằng ông sẽ lập tức mở một phiên tòa xét xử để cân nhắc các điều khoản luận tội (ông Trump) trong trường hợp Hạ viện gửi các điều khoản này lên Thượng viện, theo đúng quy trình. Điều 1, khoản 3 của Hiến pháp Mỹ không đặt ra nhiều quy định cho các phiên xét xử kiểu này, mà chỉ nói rằng "Thẩm phán sẽ chủ trì", và "không có cá nhân nào sẽ bị kết tội mà thiếu sự tán thành của 2/3 số thành viên" trong Thượng viện. Có nghĩa rằng Thượng viện được tùy ý đặt ra các quy định của họ cho phiên tòa xét xử luận tội ông Trump, mà không chịu ảnh hưởng từ nhánh tư pháp hay hành pháp.

Trong vụ luận tội Tổng thống gần đây nhất, Bill Clinton, các quy định này được lập ra bởi các nghị sĩ lưỡng đảng trong một quy trình phối hợp - như các nghị sĩ lúc bấy giờ là ông Trent Lott và Tom Daschle chỉ ra trong một bài bình luận đăng tải trên Washington Post mới đây. Các quy định này được nhất trí thông qua.

Tuy nhiên, chính trường Mỹ hiện nay đã khác. Ông McConnell cùng các nghị sĩ trong đảng Cộng hòa gần như chắc chắn sẽ tự đưa ra các quy định xét xử luận tội, trong khi các nghị sĩ đảng Dân chủ ít được can thiệp vào.

Nhưng theo quy trình tại Thượng viện hiện nay, ông McConnell vẫn cần nhóm đa số - 51 trong tổng số 52 thượng nghị sĩ - để ủng hộ bất kỳ nghị quyết nào liên quan tới việc thiết lập các quy định về phiên tòa xét xử luận tội.

Điều này có nghĩa rằng chỉ cần 3 nghị sĩ đảng Cộng hòa không đồng thuận, họ có thể chặn bất kỳ quy định nào mà họ không muốn. Và 3 nghị sĩ này, ngược lại, còn có thể yêu cầu tổ chức bỏ phiếu kín hoặc đưa ra điều kiện để họ bỏ phiếu thông qua các quy định còn lại.

Một số người cho rằng sự minh bạch trong các cuộc tranh luận hay bỏ phiếu ở Quốc hội là thứ không thể xâm phạm, và đúng là chưa từng có một phiên xét xử luận tội nào ở Thượng viện được thực hiện thông qua bỏ phiếu kín. Tuy nhiên, vai trò của Thượng viện trong việc luận tội là tương tự như của bồi thẩm đoàn ở Mỹ, nơi mà các cuộc bỏ phiếu kín vẫn được sử dụng.

Như khi đại cử tri đoàn không thể quyết định ai đắc cử Tổng thống do kết quả quá sít sao, khiến Hạ viện phải lựa chọn Tổng thống - ông Thomas Jefferson trong năm 1800 và John Quinzy Adams năm 1824 - cuộc bỏ phiếu khi đó cũng là bỏ phiếu kín. Hay như khi người dân Mỹ bỏ phiếu lựa chọn Tổng thống, họ cũng bỏ phiếu kín.

Bản thân ông Trump cùng những người thân cận của ông dường như rất tự tin rằng họ sẽ không thể nào để mất 20 thượng nghị sĩ Cộng hòa cần thiết để ngăn chặn bản án dành cho Tổng thống. Nhưng khả năng có 3 nghị sĩ "phản bội" và đòi tổ chức bỏ phiếu kín là điều có thể xảy ra.

5 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa hiện đã tuyên bố nghỉ hưu, 4 nghị sĩ trong số này đang ở độ tuổi trên 70 và sẽ không bao giờ tham gia tranh cử nữa. Những người này là có thể trở thành điểm yếu của ông Trump. Họ có thể sẽ sẵn sàng công khai ý muốn tổ chức bỏ phiếu kín, giúp che giấu các đồng nghiệp trong đảng vốn ủng hộ luận tội ông Trump nhưng lại lo sợ ảnh hưởng chính trị từ các khu vực cử tri của họ.

Đó là chưa kể có 10 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa không có ý định tái tranh cử cho tới năm 2024 - thời điểm có lẽ quyền lực của Trump đã suy yếu - nên không vưỡng phải nỗi sợ hãi như các thượng nghị sĩ khác.

Ngoài ra, các thượng nghị sĩ Mitt Romney và Lisa Murkowski cũng là hai thành viên đảng Cộng hòa công khai thể hiện quan ngại về hành vi của ông Trump trong vụ việc liên quan tới Ukraine. Một số thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa khác bắt đầu ít lên tiếng bảo vệ ông Trump hơn.

Hiện nay còn xuất hiện một số giả thuyết cho rằng, nếu Thượng viện lựa chọn bỏ phiếu kín, ông Trump chắc chắn sẽ bị kết tội.

Chiến lược gia của đảng Cộng hòa Mike Murphy mới đây nói rằng một thượng nghị sĩ đương nhiệm của đảng Cộng hòa nói với ông rằng, 30 đồng nghiệp của ông ấy sẽ bỏ phiếu ủng hộ luận tội ông Trump nếu tổ chức bỏ phiếu kín. Thượng nghị sĩ nghỉ hưu Jeff Flake cũng đưa ra quan điểm tương tự, cho rằng có khả năng 35 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa sẽ ủng hộ luận tội nếu Thượng viện tổ chức bỏ phiếu kín.

Trong trường hợp việc bỏ phiếu kín được thống nhất và ông Trump hiểu rằng việc ông bị kết tội đang tới gần, ông có thể sẽ chuyển hướng tập trung cho giai đoạn hậu Tổng thống. Một khi rời khỏi Nhà Trắng, ông Trump sẽ phải đối mặt rất nhiều cuộc điều tra, cả ở cấp liên bang, cấp bang và cấp địa phương. Để tránh khả năng phải ngồi sau song sắt, ông Trump có thể đàm phán một thỏa thuận dàn xếp tập thể với từng cơ quan pháp lý hiện đang tổ chức các cuộc điều tra riêng rẽ nhằm vào ông.

Một cuộc bỏ phiếu kín có thể khiến ông Trump nghỉ việc sớm hơn người ta nghĩ: Xuất hiện 3 thượng nghị sĩ tuyên bố muốn bỏ phiếu kín càng sớm thì ông Trump càng phải gấp rút chuẩn bị kế hoạch hậu Tổng thống của mình nhằm thoát khỏi tù tội. Và nếu ông Trump buộc phải rời nhiệm sở trước cuối năm nay, đảng Cộng hòa sẽ xảy ra một cuộc tranh đấu nội bộ để đưa ra một gương mặt đại diện mới.

Theo Politico