Nam sinh bị trầm cảm đến muốn tự sát, vì áp lực từ bố mẹ muốn con phải vào thẳng đại học

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Học rất giỏi tiếng Anh, nhưng vì bị gia đình gây sức ép phải học tốt hơn nữa để vào thẳng đại học, nam sinh đã bị áp lực đến mức trầm cảm, thậm chí định tự sát.
PGS.TS. Nguyễn Văn Tuấn- Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần - chủ trì hội nghị về bệnh trầm cảm học đường
PGS.TS. Nguyễn Văn Tuấn- Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần - chủ trì hội nghị về bệnh trầm cảm học đường

Đó là một trong nhiều trẻ vị thành niên bị trầm cảm học đường mà Ths.BS Đỗ Thùy Dung – Phòng Tâm thần trẻ em và vị thành niên, Viện Sức khỏe Tâm thần Bệnh viện Bạch Mai - đã điều trị trong thời gian gần đây.

Nguyên nhân trầm cảm từ chính cha mẹ

NVT là con út trong gia đình, chăm chỉ học hành và rất có năng khiếu môn tiếng Anh. Ở THPT, cậu thi đỗ trường chuyên của tỉnh, được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi tiếng Anh lớp 10. Thấy vậy, bố mẹ cậu càng hối thúc con học tiếng Anh và chỉ cần học tiếng Anh để được xét thẳng vào đại học. Bố mẹ cậu đặc biệt đặt kỳ vọng rất nhiều vào các con, lúc nào cũng mong muốn con phải học thật giỏi, thi được điểm cao, để gia đình “nở mày nở mặt”.

Không ngờ, sự kỳ vọng của bố mẹ khiến T. bị áp lực nặng nề, đến mức stress, chán ghét cả môn học tiếng Anh mà cậu vốn rất yêu thích, rồi cậu xin ra khỏi đội tuyển. Điều này khiến cậu bị bố mẹ la mắng và càng đẩy cậu vào tâm trạng chán nản, bi quan.

Ths.BS Đỗ Thùy Dung – Phòng Tâm thần trẻ em và vị thành niên, Viện Sức khỏe Tâm thần -chia sẻ về một số ca trầm cảm học đường điển hình

Ths.BS Đỗ Thùy Dung – Phòng Tâm thần trẻ em và vị thành niên, Viện Sức khỏe Tâm thần -chia sẻ về một số ca trầm cảm học đường điển hình

Khi được cô ruột đưa đến khám, cậu kể với bác sĩ khoảng 2 tháng gần đây, cậu không muốn học, thường xuyên ngủ trên lớp, không tập trung nghe giảng, cũng không tham gia các hoạt động với lớp và rất hay cáu kỉnh với mọi người. Về nhà là cậu chui vào phòng, đóng cửa lại. Khó ngủ nên cậu chơi điện tử tới 2-3 h sáng. Thấy con không học bài, bố mẹ nhắc nhở thì cậu cáu gắt, vùng vằng, hoặc không chịu nói chuyện với bố mẹ.

Càng ngày, cậu càng thấy chán ăn rồi sút cân. T. không chịu nói chuyện với bố mẹ mà chỉ chia sẻ với cô ruột. Đến lúc này, gia đình mới tá hỏa khi biết cậu còn có ý định tự sát để kết thúc cuộc đời khi thấy cuộc sống không còn thú vị, khi bố mẹ không hiểu, còn cậu không có định hướng cho tương lai, không biết chọn ngành nào để học tiếp.

Các chuyên gia đưa ra nhiều thông tin đáng quan tâm về bệnh trầm cảm học đường đang có xu hướng gia tăng

Các chuyên gia đưa ra nhiều thông tin đáng quan tâm về bệnh trầm cảm học đường đang có xu hướng gia tăng

Ths.BS Đỗ Thùy Dung cho biết, sau 2 đợt điều trị kéo dài, may mắn bệnh nhân đã được cải thiện, vui vẻ, tích cực tập thể dục thể thao, nói chuyện với mọi người và bố mẹ. Kết quả thật như mong đợi, khi cháu còn đỗ vào một trường đại học đúng với nguyện vọng.

Trường hợp cháu T. không phải là hiếm trong mỗi kỳ thi cuối cấp, nhưng may mắn là gia đình đã biết được tình hình nên ngăn chặn được hậu quả xấu khi đưa cháu đi chữa trị. Đã có nhiều học sinh, do gia đình chỉ có mệnh lệnh, áp đặt mà không có sự tương tác, kết nối nên bệnh nhân đã thực hiện được ý định tự sát, như chúng ta đã biết.

“Liều thuốc” điều trị lớn nhất là vòng tay gia đình

Tại hội thảo về bệnh trầm cảm học đường mới đây, PGS.TS. Nguyễn Văn Tuấn- Trưởng bộ môn Tâm thần Trường Đại học Y Hà Nội, Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần - nhấn mạnh: Mỗi gia đình và xã hội cần phải quan tâm đến bệnh trầm cảm học đường nhiều hơn, vì đây là lực lượng lao động tương lai. Đặc biệt, cần lưu tâm khi bệnh trầm cảm trước đây xảy ra chủ yếu ở lứa tuổi 15-16, nay lại ở lứa tuổi 10-11. Những vấn đề về gia đình, môi trường, xã hội có nhiều thay đổi là cơ hội cho bệnh trầm cảm nhiều hơn.

PGS.TS. Nguyễn Văn Tuấn - Trưởng bộ môn Tâm thần Trường Đại học Y Hà Nội, Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần Bệnh viện Bạch Mai

PGS.TS. Nguyễn Văn Tuấn - Trưởng bộ môn Tâm thần Trường Đại học Y Hà Nội, Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần Bệnh viện Bạch Mai

Theo Ths. Lê Công Thiện - Trưởng phòng Tâm thần trẻ em và vị thành niên Viện Sức khỏe Tâm thần - nguyên nhân bệnh trầm cảm học đường có thể do di truyền, nhưng cũng có thể từ áp lực gia đình, xã hội, ám ảnh đau thương thời thơ ấu, lối sống không lành mạnh vv… Những sự kiện tiêu cực như mất mát người thân, chứng kiến tự sát và cả những căng thẳng nhỏ trong đời sống như bố mẹ mất việc, gia đình mâu thuẫn, khó khăn tài chính trong gia đình, người thân ốm vv… cũng có thể gây nên trầm cảm.

Ths. Lê Công Thiện - Trưởng phòng Tâm thần trẻ em và vị thành niên Viện Sức khỏe Tâm thần

Ths. Lê Công Thiện - Trưởng phòng Tâm thần trẻ em và vị thành niên Viện Sức khỏe Tâm thần

Ths Lê Công Thiện đưa ra một con số đáng để các phụ huynh quan tâm: Tỷ lệ mắc bệnh trầm cảm ở trẻ em hàng năm là 0,3 - 7,8% ở trẻ em dưới 13 tuổi, 1 - 2% ở tuổi 13 và từ 3 - 7% ở tuổi 15. Theo CDC, ước tính tỷ lệ mắc bệnh là 0,5% ở trẻ em 3-5 tuổi, 2% ở trẻ 6 đến 11 tuổi và lên đến 12% ở trẻ từ 12 đến 17 tuổi.

Bệnh trầm cảm tăng theo lứa tuổi và càng lớn thì tỷ lệ trẻ nữ mắc trầm cảm nhiều hơn nam. Khả năng di truyền ở trẻ nữ bị trầm cảm cao hơn ở trẻ nam. Những cặp bố mẹ trầm cảm có con cái bị trầm cảm tăng gấp 3 đến 4 lần so với những bố mẹ khỏe mạnh.

Ths. Lê Công Thiện cho biết những dấu hiệu mà phụ huynh có thể sớm nhận biết con mình bị trầm cảm như bỗng hay khóc lóc, bướng bỉnh, cãi lời, buồn bã, thu mình, học kém hơn vv… Bệnh nhân bị trầm cảm thường ảo giác thấy một giọng nói duy nhất xúc phạm hoặc xui bệnh nhân tự sát.

TS. Trịnh Thị Thanh Hương – Phòng Tâm lý lâm sàng Viện Sức khỏe Tâm thần - cho biết nhiều cha mẹ không biết rằng cách cư xử của mình ảnh hưởng đến con như thế nào

TS. Trịnh Thị Thanh Hương – Phòng Tâm lý lâm sàng Viện Sức khỏe Tâm thần - cho biết nhiều cha mẹ không biết rằng cách cư xử của mình ảnh hưởng đến con như thế nào

Với kinh nghiệm điều trị nhiều ca trầm cảm học đường, TS. Trịnh Thị Thanh Hương – Phòng Tâm lý lâm sàng Viện Sức khỏe Tâm thần - cho biết: Sau đại dịch Covid-19, bệnh nhân quay lại khám bệnh tăng nhiều, đa số là trẻ vị thành niên. Nhiều bệnh nhân nặng hơn do cha mẹ không quan tâm đến thay đổi của con, khi nhận thấy các dấu hiệu thì đã muộn, khiến việc điều trị rất khó khăn, mất nhiều thời gian, thậm chí, trẻ tự sát.

“Nhiều trẻ chuẩn bị tự sát mà cha mẹ không hề biết và cũng không biết rằng cách cư xử của mình ảnh hưởng đến con như thế nào” - TS. Hương chia sẻ.

Do đó, “liều thuốc” điều trị quan trọng nhất là bố mẹ phải dành thời gian cho con, học cách làm bạn với con, để con cái thấy được gia đình đồng hành, chia sẻ khi áp lực học hành rất lớn, không để con bơ vơ, bế tắc.