Năm 2023 đầy biến số của ông chủ SoftBank và tỉ phú tiền mã hóa Changpeng Zhao

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp này, và một ngân hàng trung ương, sẽ phải đối diện với một năm 2023 đầy thách thức.

Masayoshi Son

Trong suốt nhiều năm, giám đốc điều hành của SoftBank, Masayoshi Son, đã rót một lượng tiền khổng lồ cho hàng trăm startup, thổi phồng mức định giá thị trường của các doanh nghiệp trên toàn thế giới bằng cách buộc các đối thủ của họ, như Tiger Global Management và Sequoia Capital, phải tung ra những khoản đặt cược có sức nặng tương đương.

Nhưng trong năm 2022, những khoản đặt cược của SoftBank trở thành trái đắng, biến ông Son thành một trò đùa trong giới đầu tư startup. Quỹ Vision Fund của SoftBank đã mất 7,2 tỉ USD trong quý kết thúc vào ngày 30/9, do định giá bị sụt giảm của nhiều startup như DoorDash, GoTo và SenseTimes, sau khi để mất 17 tỉ USD trong quý trước đó. 2 quỹ lớn vốn tạo nên nhánh đầu tư của SoftBank giờ hoạt động kém hơn nhiều so với các đối thủ trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm.

Với khoản nợ cá nhân 4,7 tỉ USD với chính công ty của mình, ông Son giờ tập trung cho đợt IPO của công ty thiết kế chip Arm Ltd., có thể diễn ra trong năm nay. Một đợt IPO thành công có thể vực dậy danh tiếng của ông và tạo cho Vision Fund thêm động lực mới.

SoftBank đã chi 32 tỉ USD cho Arm – từng có thời điểm được định giá tới 60 tỉ USD – trong năm 2016. Nhưng thời điểm ra mắt của Arm không thể tồi tệ hơn: thị trường IPO đang suy yếu, và căng thẳng Mỹ-Trung đang tạo gánh nặng cho ngành chế tạo bán dẫn. Arm vốn đã phải hoãn IPO một lần, và lợi nhuận của họ mới đây đã suy giảm.

Ông Son thường kể rằng ông đã bật khóc khi lần đầu tiên nhìn thấy một con chip máy tính và viễn cảnh tương lai khi mà mọi thứ đều có thể trở thành hiện thực nhờ công nghệ. Trong suốt hơn 40 năm, niềm tin của vị CEO 65 tuổi vào công nghệ vẫn không hề lung lay. “Tôi không có bất cứ sự ngờ vực nào cả,” ông phát biểu tại cuộc họp cổ đông thường niên trong tháng 6 năm ngoái.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, trong năm 2023, liệu ông có thể thuyết phục người khác giữ vững niềm tin như bản thân ông được hay không.

David Zaslav

Vào mùa Xuân, ông Zaslav đã trở thành giám đốc điều hành tập đoàn giải trí và truyền thông Warner Bros. Discover Inc. – công ty mẹ của nhiều kênh truyền thông và giải trí có tiếng như HBO, CNN, DC Comics – ngay giữa lúc tập đoàn này có khoản nợ lên tới 50 tỉ USD và một danh sách dài những thách thức.

Zaslav lập tức đưa ra những giải pháp tăng lợi nhuận và cắt giảm chi phí. Để thực hiện kế hoạch, ông hủy nhiều dự án vốn đã bước vào giai đoạn sản xuất, bao gồm bộ phim “Batgirl”, khiến cộng đồng fan hâm mộ phẫn nộ. Công ty của ông cũng công khai rằng họ sẽ vĩnh viễn khai tử một số seri phim được yêu thích, như “Raised by Wolves” và “Westworld”, khỏi HBO Max. Zaslav cũng thuê nhiều nhân sự chủ chốt mới cho CNN, khiến cho mục tài liệu và dịch vụ streaming bị khai tử, đồng thời cắt giảm nhân sự.

Hậu quả của những biện pháp đó lập tức thể hiện rõ trên Phố Wall. Giá cổ phiếu của Warner Bros. Discovery vào thời điểm cuối năm đã giảm hơn 50% so với thời điểm công ty ra mắt trên thị trường chứng khoán vào tháng 4.

“Về cơ bản, chúng tôi đang suy tính lại về cách mà tổ chức này được cơ cấu,” ông Zaslav nói trong một cuộc gọi với các nhà phân tích trong tháng 11 năm ngoái. “Và chúng tôi muốn tăng cường sức mạnh điều hành của đơn vị kinh doanh để biến đổi các tổ chức của nó với tư tưởng của người chủ sở hữu, và dựa trên quan điểm chất lượng.”

Năm 2023 có thậm chí có thể là năm khó khăn hơn đối với Zaslav. Thị trường quảng cáo, vốn là kênh kiếm tiền chính của Warner Bros. Discovery, đang dần trở nên ảm đạm. Nhiều tập đoàn công nghệ lớn, từ Amazon.com cho tới Apple Inc., ngày càng có xu hướng gia nhập vào Hollywood, chi tiền mạnh tay để sản xuất chương trình và cung cấp các bộ phim mới. Thêm nữa, Zaslav sẽ phải tính toán xem phải làm gì với giải bóng rổ nhà nghề Mỹ NBA, dự kiến hợp đồng sẽ hết hạn vào năm 2025.

Ngân hàng Nhật Bản

Haruhiko Kuroda, Thống đốc lâu năm của Ngân hàng Nhật Bản (BOJ), dự kiến từ chức vào tháng 4. Trong suốt thập kỷ qua, ông Kuroda đã điều hành một trong những “thí nghiệm” chính sách tiền tệ cực đoan nhất trên thế giới, bao gồm kiểm soát đường cong lợi suất, trong đó ngân hàng trung ương cam kết mua các trái phiếu chính phủ để duy trì lợi suất nằm trong lãi suất mục tiêu.

Trong khi các ngân hàng trung ương lớn khác đang thắt chặt tiền tệ một cách nhanh chóng và quyết liệt nhất trong nhiều thập kỷ qua, thì BOJ vẫn duy trì lãi suất rất thấp, ngay cả khi đồng yen suy yếu trước đồng USD.

Các nhà đầu tư đã hết sức bất ngờ khi vào tháng 12 năm ngoái, BOJ bất ngờ tăng biên độ dao động đối với lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản (JGB) kỳ hạn 10 năm từ 25 điểm cơ bản lên 50 điểm cơ bản xung quanh lợi suất mục tiêu 0%. Động thái này làm dấy lên đồn đoán BoJ chuẩn bị chuyển hướng khỏi chính sách tiền tệ cực kỳ nới lỏng, gây sốc cho các thị trường trái phiếu và tiền tệ trên khắp toàn cầu.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida dự kiến sẽ thông báo về người kế nhiệm ông Kurroda vào cuối tháng 2. Những ứng viên hàng đầu hiện nay bao gồm Phó Thống đốc Masayoshi Amamiya, và cựu Phó Thống đốc Hiroshi Nakaso.

Dù cho ai ngồi vào chiếc “ghế nóng” này cũng sẽ chịu sức ép lớn trong việc đưa ra chiến lược mới, bao gồm cắt giảm bản cân đối kế toán của ngân hàng trung ương hiện đang ở mức 5 nghìn tỉ USD, lớn hơn cả nền kinh tế của Nhật Bản.

Changpeng Zhao

Sự sụp đổ của Sam Bankman-Fried và đế chế tiền mã hóa FTX của ông đã đặt Changpeng Zhao (CZ), người điều hành Binance Holdings Ltd., sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới, vào vị trí nguy hiểm.

Mặc dù sự biến mất của FTX, từng có thời là đối thủ cạnh tranh lớn, đã làm tăng thị phần của Binance, nhưng sự kiện đó cũng khiến các nhà đầu tư tiền mã hóa e sợ. Đầu tháng 12 năm ngoái, nhiều khách hàng đã rút hàng tỉ USD khỏi nền tảng giao dịch của Binance chỉ trong một ngày.

Để trấn an thị trường, cũng giống như nhiều sàn giao dịch tiền mã hóa khác, Binance đã đưa ra một báo cáo Proof-of-reserve (POR, bằng chứng dự trữ) để chứng minh rằng họ có đủ tiền trong tay để hỗ trợ tiền gửi của khách hàng. Nhưng báo cáo này không bao gồm nợ phải trả của công ty. Vào giữa tháng 12, 2 tuần sau khi Binance chỉ định công ty kế toán Mazars Group xác nhận báo cáo của họ, công ty này đã ngừng tất cả công việc tương tự đối với các công ty tiền mã hóa. Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) Gary Gensler cảnh báo các nhà đầu tư không nên quá tin vào POR.

Trong một cuộc trao đổi qua email với Bloomberg, Zhao từ chối thảo luận trực tiếp về FTX, nhưng nói rằng điều mà ông hối tiếc nhất trong năm 2022 là để cho “một số tay chơi lừa đảo trong ngành trở nên quá lớn” rồi mới đặt nghi vấn về hoạt động của họ. Đây rõ ràng là ám chỉ FTX.

Các công ty của Zhao cũng đối mặt với nguy cơ bị kiểm soát chặt chẽ ở Mỹ, Anh, Singapore và nhiều nước khác. “Miễn là điều đó giúp người dùng có trải nghiệm tốt hơn, chúng tôi sẽ chào đón nó và sẵn sàng gánh vác trách nhiệm với vị thế người dẫn dắt thị trường,” Zhao nói.

Zhao đã tìm cách giành lấy danh hiệu “kẻ cứu rỗi” lĩnh vực tiền mã hóa của Bankman-Fried bằng cách mua lại những tài sản xấu của FTX và cam kết chi 1 tỉ USD cho “sáng kiến phục hồi ngành” nhằm giúp cộng đồng tiền mã hóa sống sót qua “mùa Đông crypto”. Nhưng do tiền mã hóa tiếp tục sụt giảm giá trị, ngay cả Zhao cũng chứng kiến tài sản của mình giảm từ 96 tỉ USD xuống còn 15,7 tỉ USD, tính đến ngày 10/1/2023, theo Bloomberg Billionaires Index.

Đầu tư ESG

Chỉ cách đây 1 năm, nhiều lãnh đạo tài chính còn ca ngợi hết lời về đầu tư ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp), một chiến lược xem xét rủi ro từ các vấn đề mà tính xã hội, như biến đổi khí hậu hay bất bình đẳng, và đưa ra cách thức kiếm lợi nhuận từ việc giải quyết chúng. Cái nhãn ESG được dán cho mọi thứ, từ các quỹ đầu tư nhỏ lẻ cho tới những công ty chứng khoán sừng sỏ của Phố Wall.

Nhưng những ngày này, họ không còn bàn nhiều về chiến lược đó nữa. Năm ngoái, tại Mỹ, nhiều thành viên tiềm năng của đảng Cộng hòa bắt đầu công kích ESG, cho rằng chiến lược này được thúc đẩy bởi những kẻ cực đoan phe cánh tả. Đỉnh điểm chính là việc Thống đốc Florida Ron DeSantis vừa trong tháng trước đã rút 2 tỉ USD quỹ bang khỏi BlackRock Inc., bên ủng hộ ESG lớn nhất ở Phố Wall.

Nhiều cựu lãnh đạo trong ngành đầu tư bền vững cũng chỉ trích ESG, nói rằng nó không có tác động tới thế giới thực như từng hứa hẹn. Và ESG cũng trong tầm ngắm của các nhà quản lý ở cả Mỹ lẫn châu Âu, các bên đang muốn triệt hạ những tuyên bố sai sự thật của các công ty quản lý quỹ.

Đòn công kích nhằm vào ESG sẽ còn tiếp diễn vào năm 2023. Nhiều thành viên đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ đã lên kế hoạch tổ chức nhiều phiên điều trần liên quan tới vấn đề này. Nhiều dự luật dự kiến sẽ được công bố nhằm siết chặt các công ty tài chính áp dụng ESG. Và có thêm nhiều vị Thống đốc khác cũng đã đánh tín hiệu rằng họ sẽ làm như ông DeSantis.

Các cơ quan quản lý ở châu Âu chắc chắn sẽ tiếp tục rà soát lại những quy định để làm rõ cách mà các công ty đầu tư mô tả về quỹ bền vững của họ. Những biên bản hướng dẫn nghiêm ngặt hơn đã tác động tới các tài sản quỹ trị giá ít nhất là 125 tỉ USD. Các cơ quan của Mỹ cũng có thể siết chặt quy định đối với các quỹ được dán nhãn ESG.

Trong khi đó, các nhà đầu tư vẫn đang làm việc để đưa ra định nghĩa tốt hơn về ESG và giải thích nó cho khách hàng. Bất chấp làn gió ngược, theo bản thăm dò mới đây của Bloomberg, 60% những người tham gia trả lời vẫn cho rằng ESG sẽ là một phần tiêu chuẩn trong vận hành doanh nghiệp.

Bjorn Gulden

Bjorn Gulden, người được trao nhiệm vụ giải cứu Adidas AG khỏi một cuộc khủng hoảng, khó có thể hy vọng vào điều ngọt ngào.

Sau 9 năm giữ vị trí CEO của công ty đối thủ Puma SE, ông Gulden hiểu rõ về công việc kinh doanh đồ thể thao. Nhưng vấn đề của Adidas lại phức tạp hơn nhiều so với kỳ vọng. Một trong những thách mà ông phải đối diện là chứng minh rằng công ty Đức vẫn có thể làm ăn hiệu quả dù thiếu đi sự hợp tác của rapper danh tiếng Kanye West (Ye).

Adidas đã phụ thuộc vào Ye và dòng sản phẩm Yeezy của anh ta một cách hết sức nguy hiểm, trước khi cắt đứt mối quan hệ với nam rapper trong tháng 10/2023. Gulden cũng cần phải giành lại được sự yêu thích của người tiêu dùng Trung Quốc, vốn đang có xu hướng mua đồ của các nhãn hiệu trong nước.

Trên hết, ông cần phải vực dậy thứ văn hóa sáng tạo ở Adidas để có thể tung ra những mẫu sneaker “hot” bán chạy mà không cần phải dựa dẫm vào danh tiếng của những người ngoài ngành.

Theo Bloomberg