Năm 2019: VNG trình kế hoạch lãi ròng 568 tỷ đồng, mua bảo hiểm trách nhiệm cho lãnh đạo

VietTimes -- VNG dự kiến sẽ mua bảo hiểm trách nhiệm cho HĐQT và Ban Điều Hành, với tổng phí báo hiểm tối đa là 600 triệu đồng/năm.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

CTCP VNG (VNG) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019. Theo đó, VNG lên kế hoạch doanh thu năm 2019 đạt 5.627 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 568 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 30,3% và 70,5% so với thực hiện năm 2018.

Về kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2018, Hội đồng quản trị (HĐQT) VNG đề xuất với cổ đông được giữ lại nguồn tiền để tái đầu tư vào các hoạt động kinh doanh và sẽ không chia cổ tức cho năm 2018.

Nguồn lực này sẽ được VNG sử dụng cho các lĩnh vực khá cụ thể như: Ví điện tử và cổng thanh toán; Phát triển dịch vụ đám mây; Phát triển sản phẩm di động; Thương mại điện tử.

Đồng thời, VNG sẽ sử dụng nguồn lợi nhuận giữ lại để xây dựng hệ sinh thái các sản phẩm trong công ty để đảm bảo tối ưu hóa các nguồn lực và thế mạnh, đảm bảo sự phát triển bền vững.

Được biết, năm 2018 VNG lên kế hoạch doanh thu đạt 5.006 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 548 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2018, VNG chỉ hoàn thành 86% kế hoạch doanh thu và 60,7% kế hoạch lợi nhuận.

Vào tháng 3/2019, VNG đã tiến hành bán thành công 355.820 cổ phiếu quỹ cho nhà đầu tư Seletar Investment Pte. Ltd thu về số tiền hơn 662,46 tỷ đồng. VNG lên phương án dành phần lớn nguồn lực để thực hiện mua bản quyền phần mềm trò chơi hàng tháng (150 tỷ đồng) và trang trải chi phí mua thiết bị, thiết kế nội thất văn phòng mới (200 tỷ đồng).

Phương án sử dụng vốn của VNG sau đợt phát hành cho Seletar Investment Pte. Ltd (Nguồn: VNG)
Phương án sử dụng vốn của VNG sau đợt phát hành cho Seletar Investment Pte. Ltd (Nguồn: VNG)

Bên cạnh kế hoạch doanh thu, HĐQT VNG dự kiến trình cổ đông thông qua chương trình mua Bảo hiệm trách nhiệm cho cấp lãnh đạo và quản lý.

Cụ thể, HĐQT VNG cho biết mỗi quyết định của HĐQT và Ban Tổng Giám đốc (BTGĐ) đều có ảnh hưởng tới hoạt động, quyền và lợi ích của công ty nói riêng và sự phát triển của công ty nói chung.

Với mỗi quyết định được đưa ra, các thành viên HĐQT và BTGĐ đều phải đối viện với nhiều áp lực và gánh vác trách nhiệm pháp lý trước cổ đông, công ty và pháp luật.

“Vậy nên, nhằm mục đích phòng tránh các rủi ro và giảm thiệu thiệt hại có thể xảy ra, HĐQT kính trình ĐHĐCĐ xem xét và chấp thuận thông qua việc mua bảo hiểm trách nhiệm cho HĐQT và Ban Điều Hành, với tổng phí báo hiểm tối đa là 600 triệu đồng/năm cho hạn mức bảo hiểm là 460 tỷ đồng/năm” - tờ trình của HĐQT VNG nêu.

Theo tìm hiểu của VietTimes, ở một số nước trên thế giới, bảo hiểm trách nhiệm giám đốc (D&O) được xem là chuẩn mực cho những công ty niêm yết và có tới 95% các công ty trong danh sách Fortune 500 của Mỹ luôn duy trì chế độ bảo hiểm này.

Loại hình bảo hiểm D&O được tạo lập để bảo vệ trách nhiệm cá nhân của các nhà quản lý doanh nghiệp trước các khiếu kiện phát sinh do hậu quả của những quyết định sai của họ, gây nên thiệt hại về mặt tài chính cho bên thứ ba là chủ nợ, cổ đông hoặc nhân viên trong doanh nghiệp.

Ngoài ra, HĐQT VNG cũng cho biết, trong tương lai, công ty sẽ tập trung triển khai các dự án đã đề ra, đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình dự án VNG Campus; đồng thời tìm kiếm, phát triển các dự án, cơ hội đầu tư cho công ty liên quan đến các sản phẩm thế mạnh về Zalo, Zalopay và thương mại điện tử.

Được biết, VNG đã lấn sân sang lĩnh vực thương mại điện tử thông qua khoản đầu tư vào CTCP Ti Ki (Ti Ki) - đơn vị sở hữu sàn thương mại điện tử Ti Ki tại Việt Nam - kể từ tháng 2/2016. Tương tự nhiều sàn thương mại điện tử khác, Ti Ki cũng đang trong tình trạng thua lỗ với tổng số lỗ lũy kế mà VNG ghi nhận từ khoản đầu tư này tính đến cuối năm 2018 là 472,8 tỷ đồng./.