Năm 2018 đầy khó khăn của các thị trường mới nổi

Các thị trường mới nổi (EM) đang chuẩn bị kết thúc 2018, một năm đầy biến động do ảnh hưởng từ chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ hay cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Nội tệ, chứng khoán và trái phiếu bằng đồng nội tệ các nền kinh tế đang phát triển trong năm 2018 đều hướng về đáy kể từ năm 2015. Tuy nhiên, chúng đã phục hồi phần nào sau vài tháng qua.

Cổ phiếu EM trong tháng 10 chìm sâu vào thị trường gấu khi Fed tăng lãi suất thúc đẩy giá trị USD và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang, tác động những nước có yếu tố nền tảng yếu như Indonesia, Nam Phi. Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ còn “đổ dầu vào lửa” với những bất ổn trong nước. Trong khi đó, Mexico và Brazil tổ chức tổng tuyển cử.

“Rủi ro tại EM tăng đáng kể trong năm nay, tạo ra nền tảng cho một đợt phục hồi tiềm năng trong năm 2019 khi các điều kiện bên ngoài khó có thể tồi tệ hơn nữa”, theo Michael Kushma, giám đốc đầu tư thu nhập cố định toàn cầu tại Morgan Stanley Investment, New York.

“EM năm nay gây thất vọng nhưng có những lý do hợp lý cho việc này”.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

Trung Quốc đưa ra hàng loạt thông tin khiến thị trường biến động, nhiều thông tin liên quan đến căng thẳng thương mại với Mỹ. Hai quốc gia này đã áp thuế với hàng trăm tỷ USD hàng hóa của nhau. Lãnh đạo hai nước đã gặp thượng đỉnh ngày 1/12 tại Argentina và nhất trí đình chiến thương mại 90 ngày để đàm phán một thỏa thuận.

Giới lập chính sách Trung Quốc tìm cách khuyến khích cho vay đối với các công ty tư nhân gặp khó khăn về tiền mặt, khi kinh tế bắt đầu chững lại và ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại gia tăng. Ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc 4 lần trong năm nay.

Ảnh: Getty Images.

Cuộc gặp Trump – Kim

Các cuộc gặp lịch sử giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump, với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã làm giảm nguy cơ chiến tranh. Tuy nhiên, tác động tích cực từ diễn biến này đã bị cuộc chiến thương mại xóa bỏ và giá trị tài sản của Hàn Quốc nhìn chung không tăng mấy. Chỉ số Kospi của chứng khoán Hàn Quốc cũng rơi vào thị trường giá xuống cùng với Trung Quốc và Philippines.

Nhà lãnh đạo 93 tuổi

Mahathir Mohamad đắc cử thủ tướng Malaysia, chấm dứt giai đoạn 6 thập kỷ lãnh đạo bởi đảng của ông Najib Razak. Giữa năm nay, ngân hàng trung ương Malaysia chọn bà Nor Shamsiah Mohd Yunus, người điều tra bê bối quỹ đầu tư quốc gia 1MDB, làm thống đốc thay thế Muhammad Ibrahim. Ibrahim từ chức hồi tháng 6 sau khi có nghi ngờ ngân hàng trung ương liên quan đến một thỏa thuận có sự tham gia của 1MDB.

Vụ việc 1MDB làm dấy lên hàng loạt cuộc điều tra hình sự trên thế giới, liên quan đến nhiều ngân hàng toàn cầu, trong đó có Goldman Sachs.

Lãi suất tăng

Đồng rupiah Indonesia (IDR) xuống thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 – 1998, dẫn đến phản ứng chưa từ có từ chính phủ và ngân hàng trung ương nước này. Lãi suất được tăng 6 lần trong năm 2018 lên 6% để bảo vệ IDR.

Chính phủ Indonesia hạn chế nhập khẩu, dừng các dự án hàng tỷ USD để làm nguội nhu cầu USD.

Indonesia sẽ tổ chức bầu cử vào tháng 4. Nhà đầu tư đang theo dõi liệu chính phủ mới của Indonesia sẽ nghiêng về dân túy hay duy trì kỷ luật tài chính để kiểm soát thâm hụt kép, được coi là điểm yếu của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.

Căng thẳng tại Thổ Nhĩ Kỳ

Nhà đầu tư tháo chạy khỏi Thổ Nhĩ Kỳ khi nước này đối mặt với lệnh trừng phạt vì bắt giữ một nhà truyền giáo Mỹ, ngân hàng trung ương không thắt chặt chính sách và tình trạng dòng vốn thoát khỏi các EM.

Tổng thống Tayyip Erdogan cũng không giúp khôi phục niềm tin cho các nhà đầu tư khi cho rằng tăng lãi suất tạo ra lạm phát.

Dù ngân hàng trung ương cuối cùng cũng tăng lãi suất, Thổ Nhĩ Kỳ cũng chịu nhiều “bầm dập”, đồng lira đang trên đà có năm tệ nhất trong hơn thập kỷ.

Nga đối mặt lệnh trừng phạt

Địa chính trị đã gây sức ép lên ruble Nga, nếu không đồng tiền này đã có một năm tươi sáng hơn. Các lệnh trừng phạt liên quan cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016, những hạn chế nhằm vào trái phiếu đồng ruble, căng thẳng vụ cựu điệp viên Nga bị đầu độc tại Anh và cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ khiến ruble sắp có năm giảm thứ 3 liên tiếp.

Vụ sát hại Khashoggi

Rủi ro tín dụng gia tăng và nhà đầu tư nước ngoài bán ròng cổ phiếu Arab Saudi khi cộng đồng quốc tế lên án vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi tại lãnh sự quán Arab Saudi ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

Vụ sát hại hồi tháng 10 này làm lung lay niềm tin vào chính sách dưới thời thái tử Mohammed bin Salman. Hồi đầu năm, việc bắt giam các nhà hoạt động Arab Saudi đã làm rạn nứt quan hệ với Canada. Trong khi đó, căng thẳng với Iran lại gia tăng, cuộc chiến tranh ở Yemen vẫn chưa kết thúc và căng thẳng với Qatar vẫn dai dẳng từ tháng 6/2017.

Chủ nghĩa dân túy trỗi dậy ở Nam Mỹ

Ảnh: Getty Images.

Hai chính quyền dân túy được bầu tại Brazil và Mexico, hai nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latin, trong năm 2018 lại đưa tài sản theo hai nước khác nhau. Tại Brazil, nhà đầu tư cảm thấy ấm lòng khi Tổng thống đắc cử Jair Bolsonaro trao trách nhiệm tài chính cho cựu quản lý quỹ Paulo Guedes. Chỉ số chứng khoán Brazil lập đỉnh.

Trong khi đó, tại Mexico, Tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador lại hủy bỏ dự án sân bay 13 tỷ USD. Chứng khoán Mexico giảm 10% kể từ ngày bỏ phiếu bầu cử 1/7.

Argentina vay nợ

Argentina là quốc gia Mỹ Latin không có căng thẳng chính trị mà lại lao dốc nhất trong khu vực cũng như thế giới. Mỹ tăng lãi suất khiến thâm hụt tài khoản vãng lai và tài khoản tài chính của Argentina càng gia tăng, dẫn đến xu hướng tháo chạy khỏi tài sản nước này. Peso Argentina mất giá hơn 50% so với USD trong năm nay, tính đến ngày 7/12.

Chính phủ và ngân hàng trung ương nước này lập tức hành động, tìm đến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vay 56,3 tỷ USD. Tiếp đó, họ đóng băng nguồn cung tiền, tăng thanh khoản trên thị trường và đẩy lãi suất lên trên 60%. Liều thuốc này đã có tác dụng nhưng với cái giá của một đợt suy thoái lần hai trong 3 năm.

Căng thẳng tại Venezuela, vùng Andes

Ảnh: Getty Images.

Thị trường trái phiếu Venezuela đã tích lũy khoản nợ lên tới 7 tỷ USD. Hồi tháng 5, Tổng thống Nicolas Maduro đã tái đắc cử, làm giảm hy vọng về một chính quyền mới và một sự tái cấu trúc thân thiện với nhà đầu tư.

Thị trường các nước vùng Andes như Colombia, Peru và Chile cũng biến động khi giá hàng hóa lao dốc, tân lãnh đạo lên nắm quyền. Tại Peru, bê bối tham nhũng khiến nhà lãnh dạo Pedro Pablo Kuczynski, có quan điểm thân thiện với thị trường, bị hạ bệ. Tỷ phú Chile Sebastian Pinera quay trở lại nắm quyền còn tại Colombia, Ivan Duque, quan điểm thân thiện với thị trường chứng khoán đã đắc cử.

Theo NDH/Bloomberg

Link gốc: http://ndh.vn/nam-2018-day-kho-khan-cua-cac-thi-truong-moi-noi-20181216030020820p146c158.news