Năm 2015, người Việt mua hàng qua TMĐT đạt 4,07 tỉ đô la Mỹ

 Năm 2015, người Việt Nam mua hàng qua hình thức thương mại điện tử (TMĐT) đạt 4,07 tỉ đô la Mỹ, tăng 37% so với năm 2014 và chiếm 2,8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Gần nửa người dùng thiết bị di động tìm kiếm thông tin mua hàng qua mạng. Ảnh: Vân Ly
Gần nửa người dùng thiết bị di động tìm kiếm thông tin mua hàng qua mạng. Ảnh: Vân Ly

Thông tin này vừa được Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) công bố ngày 14-4 trong Báo cáo Thương mại điện tử 2015.

Doanh thu TMĐT tăng mạnh

Theo báo cáo, giá trị mua hàng trung bình của một người mua hàng trực tuyến trong năm 2015 của Việt Nam ước đạt 160 đô la Mỹ. Loại hàng hóa, dịch vụ được mua trực tuyến phổ biến nhất là quần áo, giày dép và mỹ phẩm (64%); tiếp theo là nhóm hàng công nghệ và điện tử, thiết bị đồ dùng gia đình, sách, đồ văn phòng phẩm, hoa, quà tặng.

Số liệu từ báo cáo cho thấy, tổng doanh thu trong 10 tháng đầu năm 2015 của 839 doanh nghiệp có website TMĐT tham gia khảo sát ước đạt 11.624 tỉ đồng. Trong khi đó, trong năm 2014, doanh thu 10 tháng đầu năm của 875 website TMĐT bán hàng tham gia khảo sát là 8.084 tỉ đồng.

Năm 2015, các website TMĐT của các doanh nghiệp có doanh thu lớn đa phần thuộc nhóm website kinh doanh các mặt hàng như vé máy bay, đồ điện lạnh, thiết bị gia dụng, đồ điện tử và kỹ thuật số, thiết bị âm thanh, hình ảnh...

Mười website TMĐT của các doanh nghiệp tham gia khảo sát dẫn đầu về doanh thu gồm: vietnamairlines.com, thegioididong.com, esale.zing.vn, fptshop.com.vn, lazada.com.vn, nguyenkim.com, pico.com, dienmaycholon.vn, hc.com.vn, và phucanh.vn.

Máy tính, điện thoại, thiết bị văn phòng, thời trang và phụ kiện là nhóm mặt hàng được giao dịch nhiều nhất trên các sàn TMĐT với đồng tỉ lệ là 23%; nhóm dịch vụ bất động sản chiếm 12%; thực phẩm và đồ uống 10%, dịch vụ lưu trú và du lịch 8%.

105 sàn TMĐT tham gia khảo sát có cung cấp số liệu cho biết tổng doanh thu trong 10 tháng đầu năm 2015 ước đạt 1.960 tỉ đồng, tăng gấp 2,4 lần so với cùng kì năm 2014. Năm 2014, tổng doanh thu các website này đạt 806 tỉ đồng.

Top 10 sàn TMĐT tham gia khảo sát có tổng doanh thu cao nhất từ hoạt động cung cấp dịch vụ TMĐT như thu phí gian hàng, thu phí thành viên, quảng cáo, phí dựa trên phần trăm đơn hàng bao gồm: lazada.vn, chodientu.vn, hotdeal.vn, vatgia.com, enbac.com. rongbay.com. sendo.vn, cungmua.com, deca.vn, adayroi.com...

Mua hàng qua mạng qua kênh di động

Báo cáo trên cũng cho biết, năm 2015 Cục TMĐT và CNTT đã tiến hành điều tra khảo sát về tình hình sử dụng các thiết bị di động để mua sắm qua mạng của gần 500 người tại hai thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh gồm cả nữ và nam.

Có 95% người tham gia khảo sát sở hữu các loại điện thoại thông minh, và 34% sở hữu máy tính bảng. Có 88% số người tham gia khảo sát tìm kiếm thông tin về hàng hóa, dịch vụ trước khi ra quyết định mua hàng qua các thiết bị di động. Trong đó, 45% cho biết có sử dụng các thiết bị di động ít nhất 1 lần/ngày để tìm kiếm thông tin mua hàng, 24% sử dụng ít nhất 1 lần/tuần.

Gần nửa số người tham gia khảo sát cho biết sử dụng thiết bị di động để tìm kiếm thông tin về sản phẩm qua mạng để mua hàng, 25% tìm kiếm thông tin qua bạn bè, 28% hỏi trực tiếp nhân viên bán hàng.

Vẫn theo báo cáo trên, có 40% người dùng cho biết giá trị đơn hàng mua qua thiết bị di động thường dưới 100.000 đồng. Có 36% thường mua đơn hàng có giá trị từ 100.000 - 500.000 đồng, 24% người tiêu dùng chi trên 500.000 đồng cho các đơn đặt hàng qua thiết bị di động.

Năm 2015, Cục TMĐT và Công nghệ thông tin cũng tiến hành khảo sát tình hình ứng dụng TMĐT trong cộng đồng với sự tham gia gần 1.000 cá nhân có truy cập Internet trong phạm vi cả nước. Độ tuổi tham gia khảo sát chủ yếu từ 15 - 49 tuổi, trong đó độ tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất là 25 - 29 tuổi.

Có 32% người tham gia khảo sát có thời gian truy cập Internet từ 5 – 7 giờ/ngày và 26% có thời gian truy cập từ 3 – 5 giờ/ngày, 20% - trên 9 giờ/ngày, 15% từ 7-9 giờ/ngày, 7% dưới 3 giờ/ngày.

Thời điểm số người truy cập Internet nhiều nhất là vào ban đêm từ 20 – 24 giờ với 53% số người tham gia khảo sát.

Năm 2015, điện thoại di động là phương tiện phổ biến được nhiều người sử dụng để truy cập Internet nhất, chiếm 85%, tăng 20% so với năm 2014. Máy tính xách tay là phương tiện phổ biến thứ hai để truy cập Internet với 73% số người lựa chọn.

Khoảng 75% số người tham gia khảo sát cho biết địa điểm thường xuyên truy cập Internet trong ngày là tại nhà, và 64% truy cập tại nơi làm việc, 43% tại các địa điểm công cộng (quán café, nhà hàng, khách sạn).

Đọc báo trực tuyến là mục đích sử dụng Internet hằng ngày phổ biến nhất, chiếm 87%. Tiếp đến là truy cập e-mail (79%), tham gia diễn đàn hoặc mạng xã hội (77%), giải trí (73%). Đối với hoạt động tìm kiếm thông tin mua bán hàng qua mạng, 41% người dân tham gia khảo sát thực hiện hoạt động này hàng ngày và 15% thực hiện hàng tuần.

Theo kết quả khảo sát của Cục TMĐT và CNTT, 62% số người truy cập Internet đã từng mua hàng trực tuyến, tăng 4 điểm phần trăm so với năm 2014.

Khi được hỏi về mức độ hài lòng khi mua sắm trực tuyến, 38% số người tham gia khảo sát trả lời hài lòng. Có 95% số người tham gia khảo sát cho biết sẽ tiếp tục tham gia mua sắm trực tuyến.

Trong số 38% người tham gia khảo sát chưa tham gia mua sắm trực tuyến, khi được hỏi về nguyên nhân thì một nửa trong số đó cho biết không tin tưởng đơn vị bán hàng, quan niệm mua tại cửa hàng tiện lợi và rẻ hơn, không có thẻ tín dụng hoặc thẻ thanh toán qua mạng và lo sợ lộ thông tin cá nhân.

Năm 2015, Cục TMĐT và CNTT đã tiến hành điều tra khảo sát tình hình đào tạo chính quy TMĐT tại 164 trường đại học và cao đẳng trên phạm vi toàn quốc.

Trong số 164 trường tham gia khảo sát, có 96 trường đã triển khai hoạt động đào tạo TMĐT, trong đó có 67 trường đại học và 29 trường cao đẳng. Số trường đào tạo TMĐT tăng 19 trường so với năm 2010 và tăng 8 trường so với năm 2012.

TMĐT được giảng dạy với vai trò là một môn học tự chọn hoặc bổ trợ với 79% số trường sử dụng hình thức này, 10% trường đào tạo chuyên ngành TMĐT, 5% trường có ngành TMĐT.

Theo khảo sát của Cục TMĐT và CNTT năm 2015, có khoảng 45% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử cập nhật định kỳ thông tin hoạt động và quảng bá sản phẩm. Số lượng doanh nghiệp sở hữu website TMĐT ước khoảng 200.000 doanh nghiệp.

Nếu ước tính mỗi doanh nghiệp có ít nhất 1 nhân sự chuyên trách về TMĐT, có thể là nhân viên về kỹ thuật, bán hàng qua mạng, marketing, giao nhận, quản trị nhân sự, quản lý… thì tổng nhu cầu nhân lực chuyên trách lên tới ít nhất 200.000 người.

Theo TBKTSG