Mỹ-phương Tây tấn công Syria": Lời cảnh cáo của Nga

VietTimes -- Thái độ không mấy hữu nghị của 2 tàu chiến Nga trong khu vực, trong đó có chiến hạm Đô đốc Grigorovitch đời mới, đã khiến Hải quân Pháp không bắn được toàn bộ tên lửa dự kiến, vốn chỉ kéo dài vài phút. Nga hoàn toàn có thể can thiệp nhưng họ đã quyết định không ra tay..., báo Pháp Le Point dẫn nguồn tin quân sự cho biết.
Chiến hạm Pháp phóng tên lửa tấn công Syria hôm 14/4
Chiến hạm Pháp phóng tên lửa tấn công Syria hôm 14/4

Tạp chí Le Point trong một phóng sự độc quyền mới công bố, đã tiết lộ nhiều chi tiết mới về chiến dịch oanh kích trừng phạt Syria ngày 14/4 được chính thức đặt tên là chiến dịch Hamilton. Đây là chiến dịch do liên quân Anh-Pháp-Mỹ phối hợp thực hiện, nhưng điều ít được biết tới là chính Pháp là nước đã chỉ huy toàn bộ chiến dịch không kích bằng không quân vào các vị trí tại Syria, và cũng đã bị lực lượng Nga làm kỳ đà cản mũi.

Phóng sự «Syria: Những bí mật của chiến dịch Hamilton» của Le Point đã nêu ra một số chi tiết tỉ mỉ : Vài ngày trước cuộc tấn công trừng phạt chế độ Damascus bị tình nghi sử dụng vũ khí hóa học, 2 sĩ quan không quân Pháp đã đến tổng hành dinh của Không lực Mỹ ở Châu Âu, đặt tại căn cứ Ramstein, Đức. Trong hành lý của họ là kế hoạch tấn công Syria của Không quân Pháp mà họ đề nghị với phía Mỹ.

Cần phải làm nhanh vì tổng thống Mỹ Donald Trump, tổng thống Pháp Macron và thủ tướng Anh Theresa May vừa đồng ý với nhau là cùng phối hợp không kích Syria, và giới chức quân đội gánh trách nhiệm chuẩn bị chi tiết kế hoạch.

Nhận được lệnh của điện Élyseé (tức phủ tổng thống Pháp), Paris đã chuẩn bị kỹ càng kịch bản trả đũa, ngay sau cáo buộc chính quyền Syria tấn công bằng vũ khí hóa học ở Douma, đông Ghouta ngày 7/4. Quân Đội Pháp cũng đã nhận dạng một số mục tiêu cần tấn công.

Ý tưởng chủ đạo là cho một số chiến đấu cơ từ Pháp bay thẳng qua không kích Syria, cách Pháp 3.500 cây số, không quá cảnh ở đâu: 5 chiếc Rafale trang bị 10 tên lửa hành trình SCALP, 4 chiếc Mirage 2000-5 để bảo vệ đồng đội, 2 máy bay radar Awacs và 6 phi cơ tiếp liệu.

Nhờ đã chuẩn bị chu đáo, Không quân Pháp giữ vai trò chỉ huy khâu chiến dịch tấn công bằng phi cơ. Mỹ, vốn tấn công chủ yếu từ ngoài biển, tăng viện cho Pháp vài chiến đấu cơ cất cánh từ căn cứ Ý Aviano, 2 oanh tạc cơ B-1 và các máy bay tiếp liệu. Về phía Anh, 4 chiếc Tornado sẽ nhập vào đội hình tấn công vào phút chót vì cất cánh từ căn cứ Akrotiri trên đảo Cyprus.

Khi dùng tên lửa tấn công thì phải chú ý đến khả năng quan sát của các vệ tinh GPS bay trên vùng có mục tiêu vào thời điểm then chốt. Tên lửa càng nhận được nhiều thông tin định vị thì càng tấn công chính xác. Ngày 14/04, theo trung tá Thierry, chỉ huy Trung tâm Quan sát Quân sự các Vật thể Không gian thì điều kiện thời tiết ở Syria ngày 14/4 rất tốt.

Tờ Le Point đã gặp tướng Zimmermann, tư lệnh lực lượng phòng không và không kích ở căn cứ Lyon-Mont Verdun. Trung tâm chỉ huy của căn cứ không nằm trên mặt đất mà ở sâu 130 mét dưới lòng đất, đi xuống bằng một con đường hầm dài hàng trăm mét. Trên 3 tầng, không quân Pháp đã đặt những trung tâm quyết định then chốt của mình. Chính từ nơi đây mà tướng Zimmermann đã chỉ huy các chiến đấu cơ Pháp, Mỹ, Anh thực hiện cuộc không kích Syria hôm 14/04.

Ông giải thích: «Thoạt đầu kế hoạch chỉ là một cuộc oanh kích 100% Pháp, tức chỉ có chiến đấu cơ Pháp tham gia, nhưng cuối cùng thì đã trở thành cuộc oanh kích phối hợp 3 bên».

Theo tướng Zimmermann, các chiến đấu cơ sẽ phải «đối phó với một mạng lưới tên lửa địa đối không dầy đặc, với những hệ thống nhắm bắn cùng lúc vào nhiều mục tiêu», cho nên phía Pháp đã phải «tạo ra hiệu ứng bão hòa để tạo cơ hội tối đa cho tên lửa xuyên thủng màng lưới phòng không của đối phương».

Tướng Zimmermann giải thích thêm: Dù tên lửa đánh chặn của Nga không hoạt động nhưng vẫn phải đề phòng tình huống xấu nhất vì «quân đội Nga cũng đã luyện tập cách dùng máy bay ngăn chặn chính tên lửa họ bắn đi».

Tướng Zimmermann ghi nhận: Hiệu ứng bão hòa đã được tăng lên gấp bội với số 85 tên lửa phóng đi từ chiến hạm và máy bay Mỹ. Phía Pháp đã dự trù bắn tổng cộng 16 tên lửa, 8 quả từ tàu và 8 quả từ máy bay, còn phía Anh cũng bắn đi 8 tên lửa.

Máy bay Awacs là yếu tố trọng tâm trong kế hoạch tấn công kết hợp ba lực lượng Pháp, Mỹ và Anh. Pháp triển khai hai chiếc Awacs (máy bay trinh sát, cảnh báo sớm) gồm một chính, một phụ, để hỗ trợ, giám sát toàn bộ khu vực trong suốt thời gian oanh kích. Trên chiếc Awacs chính, có một sĩ quan Hải quân Pháp và một sĩ quan Mỹ để phối hợp. Người quan trọng nhất là đại tá Julien, hôm đó là người nắm Quyền lực phòng không tối cao, tức là nhân vật chủ chốt, người vào phút chót bật đèn xanh khai hỏa. Sĩ quan này giải thích: «Với phi cơ Awacs, chúng tôi có thể nhìn thấy mọi vật».

Chiến đấu cơ Pháp xuất kích tấn công Syria hôm 14/4

Ngày 14/4, khi vừa đến ngoài khơi Syria, các máy bay Awacs Pháp đã phát hiện ra họ có bạn đồng hành là một chiếc A-50 Mainstay - tức Awacs của Nga và phi đội hộ tống. Máy bay Nga ở lại trong vùng ngay giữa kênh đào Syria, trong suốt chiến dịch tấn công. Đây là một cách thu thập các dữ liệu quý giá về đối phương phương Tây của Nga.

Tuy nhiên, tướng Zimmermann đã cho biết ngay là phía Pháp cũng đã hành động tương tự đối với Nga. Và để giới hạn lượng thông tin mà Nga có thể lấy về, thì đã có những biện pháp ứng phó ở các căn cứ kể cả đối với các vệ tinh do thám của Nga, mà giờ qua lại đều được biết trước.

Trên các máy bay Awacs của Pháp, không khí khá trầm lặng. Theo giải thích của đại tá Julien với phóng viên Le Point thì «mỗi người lo phần nhiệm vụ mình được giao». Đây là kết quả một cuộc chuẩn bị lâu dài và phức tạp. Trong hồ sơ của ông, phần ngày hành động có khoảng 20 điểm «what if», tức là tình huống bất ngờ được dự kiến và những quyết định cần có trong trường hợp có trục trặc, ví dụ một chiếc máy bay tiếp liệu không đến nơi hẹn, hay là Nga quyết định can thiệp…

Và như thường lệ khi có các chiến dịch rất quan trọng, một trong 5 chiếc Rafale Pháp được đặt trong tư thế dự phòng, cùng với 2 tên lửa SCALP trên máy bay. Phía Hải quân Pháp đã huy động 3 chiếc hộ tống hạm đa năng FREMM, trong đó có một tàu dự phòng.

Theo thông tin mà Le Point có được, lẽ ra hai tàu hộ tống chính phải bắn đi 8 tên lửa MdCN, tức mỗi tàu bắn đi 4 quả, và tàu dự phòng cũng sẵn sàng để bắn 4 tên lửa khác.

Có điều khi chiến dịch khởi động, luôn có vấn đề, không suôn sẻ như dự kiến. Thái độ không mấy hữu nghị của 2 tàu chiến Nga trong khu vực, trong đó có chiến hạm Đô đốc Grigorovitch đời mới, đã khiến Hải quân Pháp không bắn được toàn bộ tên lửa của mình như dự kiến, vốn chỉ kéo dài vài phút.

Kết quả là chỉ có 3 tên lửa MdCN được bắn đi, và các phi công đã phải tăng số tên lửa SCALP bắn đi, tổng cộng 9 quả thay vì 8. Không quân đã không bắn được cả 10 tên lửa vì họ cũng gặp trục trặc tương đối hiếm hoi: chiếc Rafale đã không phóng được tên lửa thứ 10 và cuối cùng đã phải thả tên lửa mang theo đó xuống một vùng biển vắng trước khi bay về Pháp.

Theo tướng Zimmermann thì Nga đã không can thiệp trực tiếp mà chỉ ở tại chỗ quan sát: «Họ muốn cho biết là họ có mặt và tôi nghĩ mục tiêu của họ là nói với chúng ta rằng “chúng tôi có thể can thiệp nhưng đã quyết định không làm” và đó là một tư thế mạnh mẽ hơn là nếu họ để máy bay của họ ở trên sân».

Tuy nhiên, tướng Zimmermann cũng ghi nhận việc Nga có những hành động gây nhiễu sóng và tấn công mạng.

Tướng Raymond Thomas, chỉ huy các chiến dịch đặc biệt của Mỹ ngày 24/4 tại cuộc hội thảo chuyên đề Geoint ở bang Florida, đã nhận định rằng Syria trong những tháng qua đã trở thành chiến trường điện tử gay gắt nhất hành tinh… Dù không nêu đích danh Nga, viên tướng Mỹ tiết lộ: «Kẻ thù của chúng ta đang thách thức chúng ta mỗi ngày, họ cắt liên lạc của chúng ta, vô hiệu hóa một số loại máy bay của chúng ta».

Đối với giới quân sự Pháp thì nhiệm vụ được hoàn thành, chiến dịch đã đạt được mục tiêu mà giới chính trị đề ra. Tuy nhiên chiến dịch vừa qua chứng tỏ là bầu trời Syria không dễ thâm nhập.