Mỹ và Đài Loan tăng cường hợp tác quân sự, truyền thông Trung Quốc nổi xung

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sau khi bà Thái Anh Văn xác nhận quân đội Mỹ đến Đài Loan để hỗ trợ huấn luyện, truyền thông địa phương hôm 2/11 lại đưa tin Thủy quân Lục chiến Đài Loan đã cử 40 người đến Guam để huấn luyện trong một tháng.
40 binh sĩ Đài Loan đang huấn luyện tại căn cứ Mỹ ở Guam (Ảnh: Sina).
40 binh sĩ Đài Loan đang huấn luyện tại căn cứ Mỹ ở Guam (Ảnh: Sina).

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương, báo chí Đài Loan chỉ ra rằng nhóm 40 binh sĩ Thủy quân lục chiến Đài Loan sẽ được quân đội Mỹ huấn luyện hoạt động tác chiến đổ bộ liên hợp tại căn cứ ở Guam để tăng cường khả năng tấn công đổ bộ và tác chiến đô thị; họ cũng sẽ tiến hành "hiệp đồng tác chiến" với Thủy quân lục chiến Mỹ để học các chiến thuật và cách đánh mới nhất của lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ. Vì họ không mang theo vũ khí hoặc đạn dược trong chuyến đi này nên họ đã được huấn luyện sử dụng các trang thiết bị hiện có của quân đội Mỹ trước khi lên đường. Mục đích là đạt được tiêu chuẩn thống nhất khi huấn luyện với quân đội Mỹ.

Ngày 2/11, người đứng đầu cơ quan Quốc phòng Đài Loan Khưu Quốc Chính xác nhận tin 40 Lính thủy đánh bộ Đài Loan đang huấn luyện ở Guam (Ảnh: Sina).

Ngày 2/11, người đứng đầu cơ quan Quốc phòng Đài Loan Khưu Quốc Chính xác nhận tin 40 Lính thủy đánh bộ Đài Loan đang huấn luyện ở Guam (Ảnh: Sina).

Ông Khưu Quốc Chính (Qiu Guozheng), người đứng đầu cơ quan Quốc phòng Đài Loan hôm 2/11 đã xác nhận thông tin này khi trả lời phỏng vấn trước lúc tham dự buổi điều trần tại Viện Lập pháp. Ông nói rằng có rất nhiều sự trao đổi và hợp tác giữa Đài Loan và Mỹ, mà ông mô tả là "có lịch sử nhiều năm" và "tương tác ở nhiều cấp độ"; hoạt động huấn luyện đào tạo được đề cập trong các bản tin cũng là một khâu trong việc trao đổi giao lưu giữa hai bên. Đối với việc Trung Quốc đại lục chỉ trích quân đội Mỹ tới giúp huấn luyện quân đội Đài Loan là một hành động khiêu khích; ông Khưu Quốc Chính nói Đài Loan không nhằm khiêu khích ai; các binh sĩ Mỹ là các cố vấn, họ đến theo từng đợt và rời đi sau khóa huấn luyện, khác hẳn với quân đồn trú.

Để thực hiện việc mua các linh kiện và phụ kiện quân sự do Mỹ sản xuất, Bộ tư lệnh Lục quân Đài Loan sẽ đầu tư 1,44 triệu Đài tệ để thuê văn phòng của sĩ quan liên lạc tại một "căn cứ" của quân đội Hoa Kỳ từ tháng 10 năm nay đến tháng 3/2025. Ông Khưu Quốc Chính nhấn mạnh rằng đây cũng là một thông lệ lâu đời, nhiều nhân viên thu mua đã đóng ở đó trong nhiều năm và không mang tính chất tạm thời.

Lính đặc nhiệm Mỹ tới Đài Loan giúp huấn luyện lực lượng đặc nhiệm địa phương (Ảnh: Đông Phương).

Lính đặc nhiệm Mỹ tới Đài Loan giúp huấn luyện lực lượng đặc nhiệm địa phương (Ảnh: Đông Phương).

Ngoài ra, còn có thông tin cho rằng Mỹ đưa tới Đài Loan đồn trú hơn 10 sĩ quan quân đội cấp thấp trong suốt 40 năm qua để tiến hành các hoạt động trao đổi quân sự không chính thức, chẳng hạn như hỗ trợ huấn luyện cho quân đội Đài Loan đã duy trì từ lâu; phía Trung Quốc đại lục đã có "thỏa thuận ngầm về chiến lược" với Mỹ về vấn đề này. Báo Đài Loan trích dẫn một nguồn tin giấu tên của PLA nói rằng bà Thái Anh Văn lần này công khai xác nhận rằng quân đội Mỹ đóng quân ở Đài Loan để huấn luyện không có gì khác ngoài "xuất phát từ động cơ chính trị và nỗ lực khiêu khích giới hạn của chính quyền đại lục”, nhằm làm phức tạp thêm mối quan hệ giữa Trung Quốc, Mỹ và Đài Loan.

Bên cạnh đó, Mỹ và Đài Loan đã tăng cường hợp tác quân sự. Tư lệnh Lục quân Đài Loan Từ Diễn Phác (Xu Yanpu) gần đây đã trở lại Đài Loan và thực hiện cách ly 14 ngày sau khi hoàn thành chuyến thăm Mỹ. Truyền thông Đài Loan hôm thứ Hai (1/11) đưa tin chuyến đi của ông Từ đã xác lập thêm nội dung thực hiện của "Dự án Lu Wei" và khẳng định tính hiệu quả của hoạt động huấn luyện phụ trợ thường trực của Nhóm Hợp tác Tác chiến Đặc biệt thường trú của Mỹ. Sau Tết Nguyên đán năm tới, đoàn hợp tác tác chiến đặc biệt đợt 3 của quân đội Mỹ sẽ đến Đài Loan nhận nhiệm vụ huấn luyện luân phiên, hình thành cơ sở huấn luyện chung thường trú cho quân đội Mỹ tại Đài Loan.

Hiến binh Đài Loan được đặc nhiệm Mỹ huấn luyện (Ảnh: Đông Phương).

Hiến binh Đài Loan được đặc nhiệm Mỹ huấn luyện (Ảnh: Đông Phương).

Ông Từ Diễn Phác đã tham dự cuộc họp cuối năm của "Dự án Lu Wei" ở Hawaii vài ngày trước và thiết lập năm phương thức trao đổi truyền thống giữa Lục quân Mỹ và Đài Loan, bao gồm: "trao đổi chuyên gia", "thực tập theo nhóm", "huấn luyện đào tạo chung", "bổ trợ cơ động" và "tương tác đào tạo". "Trao đổi chuyên gia" đề cập đến các chuyến thăm lẫn nhau giữa hai bên; "thực tập theo nhóm" là đưa một lực lượng quân sự nhỏ của Đài Loan tới Mỹ. Nếu huấn luyện chung với quân đội Mỹ, đó là "huấn luyện đào tạo chung"; "Bổ trợ cơ động" và "tương tác đào tạo" có nghĩa là quân đội Mỹ đến Đài Loan. Ngoại trừ "Bổ trợ cơ động" ra, các hạng mục còn lại đều do phía Mỹ tài trợ.

Dự án "Luwei" là dự án chuyên môn về hợp tác và trao đổi giữa quân đội Mỹ và Đài Loan, đã thực hiện được 18 năm và bao gồm cả các hoạt động giao lưu giữa quân cảnh và lực lượng đặc nhiệm. Ngoài "Dự án Lu Wei", các quân, binh chủng khác của quân đội Đài Loan cũng có các dự án trao đổi với Mỹ, đó là "Dự án Biển Xanh" của Hải quân và "Dự án Bầu trời Xanh" của Không quân, nhưng hai dự án sau vẫn nằm trong chế độ "trao đổi chuyên gia".

Lính thủy đánh bộ Đài Loan huấn luyện tại căn cứ Mỹ ở Guam (Ảnh: Sina).

Lính thủy đánh bộ Đài Loan huấn luyện tại căn cứ Mỹ ở Guam (Ảnh: Sina).

Nhóm Hợp tác Hoạt động Đặc biệt của Mỹ được triển khai lần đầu tiên trong năm nay, được quan chức Liên lạc Hoạt động Đặc biệt của Nhóm Hợp tác An ninh của Hiệp hội Hoa Kỳ tại Đài Loan (AIT) hướng dẫn và kiểm soát. Đây là một dự án hợp tác cấp thấp huấn luyện cấp chiến thuật trở xuống. Nhóm hợp tác luân phiên sáu tháng một lần tới hỗ trợ các lực lượng đặc biệt của Đài Loan nâng cao khả năng chiến đấu của họ. Nhóm đầu tiên là lính Mỹ dạy chiến thuật sử dụng thuyền tấn công đột kích cho lực lượng Thủy quân lục chiến Đài Loan; nhóm thứ hai chủ yếu kiểm tra nơi đóng quân của lực lượng đặc nhiệm Đài Loan và đưa ra các đề xuất huấn luyện. Nhóm thứ ba sẽ hỗ trợ đào tạo các lực lượng đặc biệt Đài Loan nhận trang bị mới. Một nguồn tin từ quân đội Đài Loan nhấn mạnh rằng cơ sở huấn luyện chung của quân đội Hoa Kỳ không phải là biên chế đơn vị và không có ý nghĩa phối hợp phòng vệ.

Theo báo chí Đài Loan, “dự án Lu Wei”" được ký kết giữa Đài Loan và Mỹ vào năm 1958. Cuộc tập trận đổ bộ hỗn hợp đầu tiên được tổ chức tại Bãi biển ở Bình Đông vào cùng năm đó. Sau khi Đài Loan và Mỹ cắt đứt quan hệ ngoại giao năm 1979, chấm dứt mọi trao đổi quân sự, phải đến năm 2017, các hoạt động trao đổi đơn vị nhỏ giữa Thủy quân lục chiến Đài Loan và Mỹ mới được nối lại. Các phương tiện truyền thông Đài Loan cũng đề cập rằng “dự án Lu Wei” năm nay thuộc trách nhiệm của Lữ đoàn 99 của Thủy quân lục chiến Đài Loan, sau khi dịch được kiểm soát, sẽ đưa ra đánh giá lựa chọn nhân sự và 40 người được chọn từ hơn 100 người thành lập một trung đội tăng cường và bay đến Guam.

Trong một cuộc phỏng vấn với CNN gần đây, bà Thái Anh Văn lần đầu tiên xác nhận có quân đội Mỹ ở Đài Loan. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngày 28/10 đã mạnh mẽ chỉ trích nói: “Những kẻ đã quên tổ tiên và chia cắt đất nước sẽ không bao giờ có kết cục tốt đẹp. Chủ trương ‘Đài Loan độc lập’ là một ngõ cụt. Ủng hộ ‘Đài Loan độc lập’ cũng là một con đường không thể quay lại”.

40 lính thủy đánh bộ Đài Loan đang được Mỹ huấn luyện tại Guam (Ảnh: Sina).

40 lính thủy đánh bộ Đài Loan đang được Mỹ huấn luyện tại Guam (Ảnh: Sina).

Đáp lại những phát biểu của bà Thái Anh Văn, ngày 28/10 Thời báo Hoàn cầu Trung Quốc đã đăng một bình luận đe dọa với tựa đề "Thái Anh Văn lần đầu tiên xác nhận quân đội Mỹ đang ở Đài Loan dự báo cái chết!" Bài báo chỉ ra rằng cho dù mục đích là gì, việc đóng quân của Mỹ tại Đài Loan chắc chắn là sự kiện phá vỡ ranh giới, và là một trong những yếu tố nguy hiểm nhất để nổ ra một cuộc chiến ở eo biển Đài Loan”.

Bài bình luận nhấn mạnh: “Công lý đứng về phía đại lục, lợi thế quân sự tuyệt đối để thực hiện trừng phạt là về phía chúng ta, thời gian cũng ở phía chúng ta. Khi nào trừng phạt các thế lực ‘Đài Loan độc lập’ và giải quyết vấn đề Đài Loan như thế nào, quyền chủ động thuộc về phía chúng ta. Các nhà chức trách DPP (Đảng Dân Tiến) đã cố gắng sử dụng lòng tự tôn của họ và mượn tay bên ngoài hòng ‘phá lưới chết cá’, đạt được mục đích chia cắt Đài Loan. Nhưng kết cục sẽ chỉ có họ chết, không có chuyện lưới bị phá rách!”.