Mỹ-Úc-Nhật- Philippines rầm rập tập trận “giải phóng đảo” ở Biển Đông

Tổng cộng 5.000 quân Mỹ, 4.000 quân Philippines, 80-95 lính Úc ngày 4/4 bắt đầu cuộc tập trận chung kéo dài 11 ngày tại Biển Đông. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter sẽ đến chứng kiến trận «giải phóng đảo» bằng đạn thật, vào lúc Bắc Kinh yêu cầu nước ngoài không can thiệp vào "ao nhà" của Trung Quốc.
Quân đội Mỹ-Philippines tập trận đổ bộ chiếm đảo
Quân đội Mỹ-Philippines tập trận đổ bộ chiếm đảo

Ngoài ra cuộc tập trận còn có sự tham gia của các quan sát viên của quân đội Nhật Bản. Qua cuộc tập trận chung Balikatan (Vai kề Vai), Manila chứng tỏ ý chí bảo vệ chủ quyền đất nước với sự ủng hộ của Washington. 

Mặc dù rất yếu về quân sự so với các quốc gia láng giềng, nhưng vì phải đương đầu với tham vọng của Trung Quốc tranh giành biển đảo, nên Philippines củng cố liên minh quân sự với Mỹ, Nhật và Úc trong những năm gần đây. Manila cũng cho phép quân đội Mỹ sử dụng 5 căn cứ quân sự kể từ tháng ba năm nay.

Cuộc tập trận chung Mỹ-Phi khai diễn kể từ 4/4 còn là cơ hội để quân đội Philippines phô trương vũ khí mới bên cạnh đồng minh Mỹ. Chính phủ Philippines khẳng định cuộc tập trận này không nhắm vào Trung Quốc. Tuy nhiên, lực lượng Mỹ-Phi thao dượt ở một phần đảo Palawan, gần quần đảo Trường Sa, mà một số bãi đá ngầm đã bị Trung Quốc bồi lấp trái phép thành đảo nhân tạo làm tiền đồn.

Theo kế hoạch, lực lượng Mỹ-Phi sẽ thực hiện một cuộc đổ bộ «tái chiếm» một hòn đảo «bị một đơn vị nước ngoài chiếm đóng bất hợp pháp». Tuần trước, Mỹ đã điều động đến Philippines rất nhiều xe quân sự và trang thiết bị hạng nặng. Đại sứ quán Mỹ không nói rõ là các trang thiết bị này chỉ được dùng để tập trận trong 10 ngày hay sẽ được lưu trú trong các căn cứ tại chỗ.

Trung tướng thủy quân lục chiến Mỹ John Toolan, người chỉ huy lực lượng Mỹ trong cuộc thao dượt, nói rằng Washington muốn thấy ổn định trong khu vực, bao gồm việc ngăn chận một vụ khủng hoảng ở Biển Đông. Ông cho biết biết được những gì xảy ra ở vùng biển này là một mục tiêu hết sức quan trọng của cuộc tập trận.

"Chúng tôi không có được một bức tranh rõ ràng về những gì xảy ra trên biển một cách liên tục 24 giờ mỗi ngày, 7 ngày mỗi tuần. Cho nên chúng tôi đầu tư vào một số trang thiết bị, một số hệ thống radar… nhưng chúng tôi phải có khả năng đó để bảo đảm là chúng tôi có được một bức tranh rõ ràng".

Thiếu tướng Rodolfo Santiago, Phó chỉ huy trưởng của Philippines trong cuộc diễn tập, nói rằng các binh sĩ trong cuộc thao dượt đặc biệt có sự tham gia của Úc sẽ tập luyện cách thức bảo vệ một giàn khoan dầu. Tuy không nói rõ trong vùng biển nào, nhưng ông xác nhận là cuộc tập trận đó không diễn ra tại địa điểm khai thác khí đốt duy nhất của Philippines ở Biển Đông.

Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố rằng họ có “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với hầu như toàn bộ Biển Đông. Trong hai năm nay, Bắc Kinh đã xây dựng tại vùng biển này nhiều hòn đảo nhân tạo có thể dùng làm nơi cập bến cho các tàu thuyền cỡ lớn và đường băng hạ cánh cho các máy bay quân sự.

Năm 2013, Philippines nộp đơn kiện Trung Quốc tại toà trọng tài Liên Hiệp Quốc để thách thức điều mà họ cho là “những yêu sách chủ quyền quá đáng” của Bắc Kinh ở Biển Đông. Trung Quốc bác bỏ đề nghị trọng tài và không tham gia vụ kiện. Phán quyết về vụ án dự kiến sẽ được loan báo trong vài tháng tới đây.

Nhật Bản không có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, nhưng có tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền một quần đảo không người ở ở biển Hoa Đông và họ tiếp tục bay vào không phận mà Trung Quốc tự ý tuyên bố thiết lập Vùng nhận dạng Phòng không.

Quân đội Mỹ-Philippines đổ bộ lên đảo trong cuộc diễn tập
Quân đội Mỹ-Philippines đổ bộ lên đảo trong cuộc diễn tập

Trong vài tháng qua, Úc đã lên tiếng một cách mạnh mẽ hơn để ủng hộ vụ kiện trọng tài và những hoạt động khẳng định tự do hàng hải ở Biển Đông. Các giới chức quốc phòng Úc cũng cho biết có sự gia tăng của những lời cảnh báo của Trung Quốc đối với các máy bay quân sự của Úc bay qua những hòn đảo nhân tạo.

Ông Richard Heydarian, một nhà phân tích địa chính trị của Đại học De LaSalle ở Manila, cho biết sự can dự nhiều hơn của Nhật Bản và Úc ở Biển Đông là để chuẩn bị cho phán quyết của toà trọng tài. Các nhà phân tích cho rằng phán quyết đó có phần chắc sẽ có lợi cho Philippines, và ông Heydarian nói việc chấp hành quyết định đó sẽ rơi vào tay những nước có khả năng nhiều nhất để giám sát khu vực có tranh chấp.

"Tín hiệu cho Trung Quốc thật là rõ ràng. Đó là phần còn lại của khu vực, Mỹ và các nước đồng minh đang chuẩn bị cho bất kỳ tình huống bất trắc nào. Và Philippines, nước có quan hệ xấu nhất với Trung Quốc trong khu vực, cũng đang nhận được sự giúp đỡ tối đa từ Mỹ và những nước đồng minh quan trọng như Úc và Nhật Bản."

Các giới chức cho biết một hệ thống phóng rocket dễ di chuyển có thể bắn đi các loại tên lửa đất đối không và đất đối đất sẽ được thử nghiệm trong cuộc tập trận năm nay, và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ đến dự khán cuộc tập trận khi ông đến thăm Philippines vào tuần sau.

Theo AFP, Trung Quốc đã lập tức lên án Philippines «âm mưu lôi kéo nước ngoài vào cuộc tranh chấp tại biển Đông». Tân Hoa Xã kể tên các «cường quốc bên ngoài» đó là Mỹ, qua chính sách «xoay trục», và hai đồng minh khu vực Nhật và Úc.