Mỹ tung tối hậu thư, Nga sẽ phải cúi đầu thần phục?

VietTimes -- Ngày 6/4/2018, Bộ ngân khố Mỹ thông báo Washington bắt đầu áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với 38 doanh nhân, quan chức chính phủ và công ty Nga với cáo buộc “những chủ thể này đã ủng hộ nỗ lực của nhà nước Nga trong việc phá hoại nền dân chủ của Phương Tây". Đây là đòn trừng phạt gay gắt nhất và được coi là tối hậu thư mới của Mỹ chống phá Nga, trước hết là chống V.Putin.
Ông Putin không dễ bị bắt nạt
Ông Putin không dễ bị bắt nạt

Liệu có phải là Nga đang “phá hoại nền dân chủ của Phương Tây”?

Liên quan tới đòn trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Nga, một câu hỏi cần có câu trả lời là “nền dân chủ của Phương Tây là gì và ai là người đang phá hoại nền dân chủ ấy?

Cái gọi là “nền dân chủ của Phương Tây” mà Bộ ngân khố Mỹ nói tới ở đây chính là trật tự thế giới đơn cực hình thành sau Chiến tranh lạnh, trong đó Hoa Kỳ là siêu cường duy nhất đóng vai trò là một cực duy nhất, mặc sức thao túng và chà đạp luật pháp quốc tế để đạt được mục đích bá chủ thế giới của giới cầm quyền ở Washington trong điều kiện không còn tồn tại Liên Xô như một đối trọng kiềm chế Mỹ.  

Với vị thế ấy, Mỹ đã bất chấp Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế phát động nhiều cuộc chiến tranh xâm lược núp dưới chiêu bài “xúc tiến dân chủ” sang các quốc gia khác mà ở đó theo Washington là có sự “vi phạm nhân quyền” và “không có dân chủ”. Trên thực tế, Mỹ đang biến quá trình toàn cầu hóa sau Chiến tranh lạnh thành quá trình “Mỹ hóa thế giới”.

Thực hiện chủ trương đó, Mỹ đơn phương phát động cuộc chiến tranh xâm lược Nam Tư năm 1999 với khẩu hiệu “bảo vệ nhân quyền”, cuộc chiến tranh xâm lược Afghanistan năm 2001 với khẩu hiệu “mang lại nền tự do bền vững”, cuộc chiến tranh xâm lược Iraq với khẩu hiệu “mang tự do tới cho người dân” năm 2003, cuộc chiến tranh xâm lược Libya năm 2011 với khẩu hiệu “bảo vệ người dân trước hành động tàn sát của nhà độc tài Gaddafi”, chiến dịch quân sự núp dưới chiêu bài “chống khủng bố” để lật đổ tổng thống Bassa Al-Assad được người dân Syria bầu lên một cách hoàn toàn dân chủ.

Tổng thống Nga V.Putin là nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới tuyên bố, trật tự thế giới đơn cực do một siêu cường duy nhất lãnh đạo hoàn toàn trái ngược với nguyên tắc và các giá trị dân chủ mà chính các nước Phương Tây cũng đang cổ súy. Theo ông, một quốc gia tự cho mình quyền gây chiến tranh phá nát chủ quyền của nhiều quốc gia khác thì không đủ  tư cách để rao giảng về “các giá trị dân chủ”. V.Putin còn cảnh báo, trật tự thế giới đơn cực mà Mỹ đang theo đuổi còn có tác động phá hoại từ bên trong. Thực tế đã chứng minh điều đó: chính sự dấn thân của Mỹ vào các cuộc chiến tranh không ngừng nghỉ sau Chiến tranh lạnh đã tiêu tốn của quốc gia này hàng chục ngàn tỷ đô la và đó là một trong những nguyên nhân có tính quyết định đưa Mỹ lâm vào cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống hiện nay [1].

Vì thế, tổng thống V.Putin còn tuyên bố Nga không chấp nhận trật tự thế giới đơn cực do một siêu cường duy nhất áp đặt ý chí chính trị cho toàn bộ phần còn lại của thế giới và nước Nga sẽ đi đầu trong cuộc đấu tranh nhằm xây dựng một trật tự thế giới mới dân chủ thực sự, trong đó tất cả các quốc gia dù lớn hay nhỏ, dù giàu hay nghèo, dù mạnh hay nghèo, đều được tôn trọng và lắng nghe như nhau trong khi giải quyết các chương trình nghị sự toàn cầu.

Chính vì thế, giới lãnh đạo Mỹ gán cho Nga là quốc gia “xét lại trật tự thế giới”, còn tổng thống V.Putin bị gán tội danh “kẻ phá hoại trật tự thế giới”. Trong thời gian qua, Mỹ đã không từ bất cứ thủ đoạn nào chống phá Nga và loại bỏ V.Putin ra khỏi Điện Kremlin [2].

Gói trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Nga với mục đích gì?

Trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống ở Nga vào ngày 18/3/2018, Mỹ đã tung ra gói cấm vận mới, trong đó bổ sung một lãnh đạo cao cấp và một số công ty năng lượng của Nga vào danh sách các chủ thể bị trừng phạt, với toan tính có thể gây rối loạn tình hình chính trị và kinh tế-xã hội Nga và giảm uy tín của tổng thống V.Putin trong cuộc bầu cử. Trong danh sách các chủ thể bị cấm vận lần đó có Thứ trưởng Bộ năng lượng Nga Andrey Cherezov, Giám đốc công ty “Technopromexport” Sergey Topor-Gilka và nhiều công ty thuộc tập đoàn sản xuất dầu mỏ và khí đốt “Surgutneftegaz”.

Phản ứng trước lệnh cấm vận đó của Mỹ, Phó chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Duma Quốc gia Nga V.Dzhabarov nhận định: “Đây không phải đơn thuần là chính sách cấm vận mà thực ra người Mỹ đã tuyên chiến với chúng tôi. Chúng tôi rút ra kết luận ấy từ chính bản chất của sự việc". Bộ trưởng ngoại giao Nga Sergei Lavrov tuyên bố rằng mưu toan của Mỹ nhằm thay đổi chính sách đối ngoại của Liên bang Nga bằng cách gây áp lực với một số chủ thể của Nga sẽ không mang lại kết quả bởi chính sách đối ngoại của Matxcơva nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong xã hội.

Đặc biệt, theo nhận định của Bộ ngoại giao Nga, để phá hoại cuộc bầu cử tổng thống ở Nga, Mỹ cùng với Anh và các đồng minh trong NATO dàn dựng vụ “Nga sử dụng vũ khí hóa học sát hại điệp viên hai mang Sergei Skripal và con gái người Nga Yulia” để lấy cớ đó phát động cuộc chiến tranh ngoại giao nhằm trục xuất 150 nhà ngoại giao của Nga. Tuy nhiên, cuộc chiến tranh ngoại giao này của Mỹ và Phương Tây đã bộc lộ sự giả dối sau khi các nhà khoa học thuộc Phòng thí nghiệm chất độc hóa học của Bộ quốc phòng Anh tại căn cứ Porton Down thừa nhận họ không thể chứng minh loại chất độc nghi được sử dụng để tấn công cựu điệp viên Nga có nguồn gốc từ Nga như cáo buộc của chính phủ Anh trước đó [3].

Tuy nhiên, không chịu thừa nhận thất bại, Mỹ lại tiếp tục áp đặt một gói cấm vận mới để “biểu thị sự đoàn kết với đồng minh Anh” trong vụ Sergei Skripal. Hành động này được coi như một kiểu tối hậu thư nhằm vào Nga nhưng lại liên quan tới một “tội danh” khác là “phá hoại nền dân chủ của Phương Tây”. Mức độ gắt gao của gói cấm vận mới này có thể là nghiêm trọng chưa từng có trước đó, được thể hiện ở danh sách các chủ thể bị Mỹ cấm vận, gồm hai nhóm đối tượng.

Nhóm 1 gồm các tỷ phú-doanh nhân, trong đó nổi lên Oleg Deripaska; Suleiman Kerimov; Kirill Shamalov; Viktor Vekselberg; Igor Rotenberg; Giám đốc Tập đoàn khí đốt Gazprom, ông Alexey Miller; Chủ tịch Ngân hàng VTB Andrey Kostin; các công ty Rosoboronexport, EN+Group, Renova, Gazprom Bureniye, Enpivi Engineering….Theo Mỹ, nhóm đối tượng này ủng hộ tổng thống V.Putin trong những nỗ lực “phá hoại nền dân chủ của Phương Tây” và cũng nhận được nhiều bổng lộc từ Điện Kremiln.

Nhóm 2 gồm những nhân vật chủ chốt trong giới tinh hoa chính trị thuộc bộ máy quyền lực của tổng thống V.Putin như Thư ký Hội đồng An ninh Nikolai Patrushev; Giám đốc Cơ quan quản lý báo chí, công nghệ thông tin và truyền thông Nga “Roskomnadzor” Alexander Zharov; Chỉ huy trưởng Lực lượng vệ binh quốc gia Rosgvardii Viktor Zolotov; Giám đốc Viện nghiên cứu chiến lược Nga Mikhail Fradkov; Chủ tịch Ủy ban đối  ngoại Hội đồng Liên bang Konstantin Kosachev; Bộ trưởng Bộ nội vụ Vladimir Kolokoltsev; người đứng đầu Bộ phận hợp tác kinh tế và xã hội với Cộng hòa Abkhazia và Nam Ossetia, ông Oleg Govorun.

Mục đích xuyên suốt các gói cấm vận của Mỹ nhằm vào Nga là thực hiện Đạo luật HR-3364 của Quốc hội Mỹ đã được tổng thống Donald Trump phê chuẩn ngày 2/8/2017, trong đó nêu rõ:“Ảnh hưởng ngày càng lớn của nước Nga ở nhiều khu vực trên thế giới là mối đe dọa tới an ninh quốc gia của Mỹ”. Nói cách khác: Nga là “mối đe dọa lớn nhất đối với tham vọng của Mỹ tiếp tục duy trì vai trò bá chủ thế giới trong trật tự thế giới đơn cực sau Chiến tranh lạnh”. Tung ra gói cấm vận mới, Mỹ đe dọa nếu những người này không chống lại tổng thống Nga V.Putin, thì tất cả tài sản của họ sẽ bị Mỹ phong tỏa. Như vậy, tất cả họ đang đứng trước nguy cơ bị mất hết toàn bộ tài sản [4].

Nhận định về gói cấm vận mới nhất này của Mỹ, Chủ tịch Liên minh các nhà công nghiệp và doanh nhân của Nga, ông Alechsander Shokhin, cho biết:“Vừa qua, trong cuộc gặp Đại sứ của Mỹ ở Matxcơva, ông John Huntsman, tôi nói thẳng với ông ấy rằng, tất cả mọi nỗ lực phá hoại Nga của các ông đều sẽ phản tác dụng. Hiện nay, tất cả  chúng tôi ở Nga, từ các chính khách đến các tỷ phú, đều nhận thấy các vị là những kẻ phá hoại nguy hiểm nhất đối với các thể chế và quá trình cải cách ở Nga. Không ai tin các vị để chống lại V.Putin. Các tỷ phú và doanh nhân ở Nga hiện nay là “các giám đốc đỏ không có thẻ đảng”. Họ trung thành với vị tổng tư lệnh của chúng tôi và sẵn sàng thực hiện mệnh lệnh của ông ấy, dù có bị thiệt hại về kinh tế. Các vị nên biết, cuộc “cách mạng phẩm giá” như ở Ukraine sẽ không lặp lại ở Nga”.

Cuối cùng, ông Alechsander Shokhin kết luận:“Đối thủ địa chính trị của chúng tôi vẫn không chịu nhận ra điều đó. Vì thế, họ vẫn tiếp tục rung cây táo để nhặt quả rơi mà không biết rằng trên cái cây ấy từ lâu đã không còn quả dành cho họ nữa” [5]./.

Tài liệu tham khảo:

[1]Выступление и дискуссия на Мюнхенской конференции по вопросам политики безопасности. http://kremlin.ru/events/president/transcripts/24034

[2] A New National Security Strategy for a New Era. https://www.whitehouse.gov/articles/new-national-security-strategy-new-era/

[3]Giám đốc phòng thí nghiệm Anh thừa nhận không chứng minh được Nga đầu độc cựu điệp viên Skripal. http://doanhnghiepvn.vn/giam-doc-phong-thi-nghiem-anh-thua-nhan-khong-chung-minh-duoc-nga-dau-doc-cuu-diep-vien-skripal-d123242.html

[4] Заговор против Путина?https://topwar.ru/122380-zagovor-protiv-putina.html

[5]США продолжают трясти яблоню, на которой давно нет яблок. http://maxpark.com/community/13/content/6287861