Mỹ trừng phạt Ngoại trưởng Iran: “Thực tế đau đớn“

VietTimes -- Nhà ngoại giao hàng đầu của Iran đã lên tiếng phản ứng trước việc ông bị liệt vào danh sách trừng phạt của Mỹ, một tín hiệu rõ ràng cho thấy Washington không hứng thú với việc giải quyết bất đồng với Tehran bằng biện pháp ngoại giao.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif (Ảnh: Newsweek)
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif (Ảnh: Newsweek)

Phòng kiểm soát tài sản nước ngoài thuộc Bộ Tài chính Mỹ hôm 1/8 tuyên bố rằng họ đã liệt Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif vào danh sách trừng phạt bởi ông "đã hành động hoặc có kế hoạch hành động đại diện cho" lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei, một mục tiêu của các đòn trừng phạt trước đó. Trong một tuyên bố đưa ra, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin gọi ông Zarif là "phát ngôn viên hàng đầu của chính quyền Iran trước toàn thế giới" và nói rằng ông "truyền bá tư tưởng của chính quyền và làm sai lệnh thông tin trên khắp thế giới".

Ngoại trưởng Zarif đã nhanh chóng phản ứng trước cáo buộc này trên mạng xã hội Twitter: "Lý do mà Mỹ liệt tôi vào danh sách trừng phạt là, tôi là "người phát ngôn hàng đầu trên thế giới". Sự thực đau đớn đến vậy sao? Nó không ảnh hưởng đến tôi hay gia đình tôi, bởi tôi không có tài sản hay lợi ích bên ngoài Iran. Cảm ơn các bạn vì đã coi tôi như một mối đe dọa lớn đối với chương trình nghị sự của các bạn".

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo còn viết trên Twitter rằng ông Zarif "làm giàu cho bản thân ngay trên lưng người dân Iran", gọi người đồng cấp Iran là "người biện hộ" cho ông Khamenei và là kẻ "đồng lõa trong các hành vi phi pháp của chính quyền" Iran.

Quyết định của Bộ Tài chính Mỹ đã liệt ông Zarif vào một nhóm nhỏ các Bộ trưởng Ngoại giao bị trừng phạt - bao gồm Ngoại trưởng Syria Walid al-Muallem và Ngoại trưởng Venezuela Jorge Arreaza, đại diện của 2 Chính phủ được Iran ủng hộ nhưng lại không được Mỹ công nhận. Các cá nhân trên vẫn được phép di chuyển tới Mỹ, dù đây là điều hiếm thấy đối với các cá nhân bị trừng phạt.

Động thái của Mỹ được xem như đòn giáng mạnh vào triển vọng giải quyết bất đồng bằng con đường ngoại giao giữa hai nước thù địch, sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hồi năm ngoái. Washington đã áp đặt trở lại các đòn trừng phạt kinh tế nhằm vào Tehran, cáo buộc nước này hậu thuẫn các nhóm phiến quân, phát triển tên lửa đạn đạo, gây bất ổn trong khu vực.

Các bên ký kết còn lại - Trung Quốc, EU, Pháp, Đức, Nga và Anh - vẫn đang duy trì thỏa thuận này, dù cho các nước châu Âu đang chật vật trong việc xây dựng lại mối quan hệ thương mại với Iran do đối mặt với khả năng bị Mỹ trừng phạt.

Đáng chú ý, việc Mỹ liệt ông Zarif vào danh sách trừng phạt xuất hiện chỉ một ngày sau khi ông tuyên bố rằng Iran "sẵn sàng đối thoại" với Arab Saudi - một đồng minh thân cận của Mỹ - cùng với Israel và nhiều nước thuộc bán đảo Arab khác. Đề xuất được đưa ra sau khi ông Zarif có cuộc gặp với người đồng cấp Oman Yusuf bin Alawi bin Abdullah, trong khi Tổng thống Hassan Rouhani đón tiếp Thủ tướng Iraq Adel Abdul-Mahdi.