Mỹ tin sẽ thắng Trung Quốc trong cuộc chiến tranh thương mại

VietTimes -- Sau khi Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bùng nổ, ông Donald Trump đã liên tiếp có những động thái mạnh mẽ, sau khi quyết định áp đặt thuế suất tăng 25% đối với 50 tỷ USD hàng hóa nhập của Trung Quốc từ ngày 6/7; ông lại tăng sức ép bằng cách áp mức thuế tăng 10% đối với 200 tỷ sản phẩm nữa.
Ông Donald Trump tin sẽ thắng Trung Quốc trong chiến tranh thương mại.
Ông Donald Trump tin sẽ thắng Trung Quốc trong chiến tranh thương mại.

Donald Trump tin chắc sẽ thắng chiến tranh thương mại

Hôm 12/7, Donald Trump đã tới Brussels tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO. Tại đây, sau hội nghị ông đã tổ chức họp báo và nói về cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc.

Ông Trump nói: “Hiện nay chúng tôi đang thương lượng với Trung Quốc về vấn đề thương mại. Tôi có thể nói rằng, đó là một cục diện rất gian nan bởi các đời tổng thống Mỹ trước đây đều lạm dụng quyền lực”. Ông nói: “Tôi phải tiếp nhận một mớ nát bét; tôi phải giải quyết từng thứ một, nhưng tôi sẽ giải quyết ổn thỏa chúng!”.

Donald Trump khẳng định: “Tôi cho rằng, cuối cùng vấn đề Trung Quốc sẽ giải quyết thành công. Tôi rất tôn trọng Chủ tịch Tập Cận Bình. Tôi đã ở Trung Quốc 2 ngày, đó là 2 ngày kỳ lạ không thể tin nổi trong cuộc đời tôi. Tôi cho rằng, cuối cùng chúng tôi cùng Trung Quốc sẽ làm được tốt đẹp; nhưng hiện nay giữa chúng tôi đang xảy ra cuộc chiến tranh thương mại ác liệt, cuối cùng chúng tôi sẽ có cách! Chúng tôi có một ưu thế rất lớn! Quy mô nền kinh tế của chúng tôi gấp đôi Trung Quốc…Nếu có thể, chúng tôi sẽ đàm phán một hiệp ước công bằng!”.

Hàng hóa Mỹ trong siêu thị Trung Quốc
Hàng hóa Mỹ trong siêu thị Trung Quốc 

Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer hôm 10/7 đã đăng tải một bản tuyên bố trên trang web của Văn phòng đại diện thương mại, tuyên bố sẽ áp đặt mức thuế 10% đối với 200 tỷ sản phẩm Trung Quốc. Ông cho biết, do Trung Quốc không sửa chữa những hành động sai trái của họ, lại còn áp dụng biện pháp trả đũa, nên Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh Văn phòng bắt đầu tiến hành trình tự thu thêm 10% thuế đối với số hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD. Mức thuế suất áp dụng đối với 200 tỷ sản phẩm này không có hiệu lực ngay lập tức mà sẽ được tiến hành điều trần từ ngày 20 đến 23/8 rồi thẩm tra trong 2 tháng và quyết định trưng thu thuế chính thức sẽ được đưa ra sau ngày 31/8.

Trước việc phía Mỹ đột ngột đưa ra hành động tăng thuế đối với 200 tỷ USD, bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nói trong cuộc họp báo sau đó: hành vi mất lý trí của Mỹ rất nguy hiểm, hại người hại mình, không được lòng người. Bộ Thương mại Trung Quốc thì bày tỏ “kinh ngạc”.

Mỹ: Trung Quốc là bên gây chiến tranh thương mại trước

Ngày 12/7 tại Geneve, khi trả lời phỏng vấn của báo chí, Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Thủ Văn đã tố cáo Mỹ phát động chiến tranh thương mại chống Trung Quốc. Ông còn nói, hành vi của Mỹ là điển hình của sự “bắt nạt” về mậu dịch, đe dọa nghiêm trọng  chuỗi giá trị toàn cầu.

Ngày 11/7, tại cuộc điều trần mang tên “Chính sách đầu tư và mậu dịch cướp đoạt của Trung Quốc” tổ chức tại Quốc hội Mỹ, ông Ted Yoho, Ủy viên Tiểu ban Châu Á – Thái Bình dương nói: “Thực ra cuộc chiến tranh thương mại đã bắt đầu từ trước. Trung Quốc có khuynh hướng theo đuổi các hiệp định thương mại đơn phương, Mỹ luôn rất bao dung nên rất thiệt thòi khi đã coi nhẹ vấn đề này…Trung Quốc thích “trò chơi linh hoạt” để có lợi cho mình, Bây giờ đã đến lúc điều chỉnh; trận chiến tranh thương mại này không phải do Tổng thống Donald Trump phát động, mà nó đã bắt đầu từ lâu rồi. Tổng thống Donald Trump chỉ là người đủ mạnh dạn để buộc họ phải dừng lại”.

Hạ nghị sỹ Ted Poe
Hạ nghị sỹ Ted Poe 

Ted Yoho cho rằng, ông Donald Trump là tổng thống đầu tiên không chỉ chỉ ra vấn đề mà còn dám hành động. Ông nói: “7 đời tổng thống Mỹ trước đây đã coi nhẹ tình hình mậu dịch với Trung Quốc nên mới khiến cán cân mậu dịch mất cân đối nhập siêu đến mức lớn như ngày nay. Khi Mỹ chuẩn bị can dự, Trung Quốc đã phản đối mạnh mẽ, nhưng đó mới là chủ nghĩa tư bản thực sự”.

Ted Yoho nói, Trung Quốc luôn nhấn mạnh họ là nước đang phát triển và hy vọng giữ được vị trí đó; nhưng họ lại có kế hoạch không gian và vũ khí hạt nhân; đồng thời lợi dụng chương trình “Một vành đai, một con đường” để đầu tư ra toàn thế giới. Ông cho rằng chính sách mậu dịch và đầu tư của Trung Quốc lợi dụng sự mở cửa kinh tế của thế giới với họ, nhưng lại lẩn tránh nghĩa vụ đối với hệ thống thương mại toàn cầu.

Thông qua chính sách sản nghiệp không bằng trong kế hoạch “Made in China 2025”, Trung Quốc nhằm vào lĩnh vực kỹ thuật cao mà kinh tế Mỹ dựa vào trong tương lai. Do đó Mỹ muốn đảm bảo hành động của mình đem lại công bằng và cùng có lợi, không chỉ giải quyết vấn đề bất bình đẳng mậu dịch hiện nay mà còn đảm bảo cho sự phồn vinh và sức cạnh tranh trong tương lai.

Hạ nghị sỹ Ted Poe thì nói, nhiều năm qua, Trung Quốc đã bằng chính sách mậu dịch và đầu tư cướp đoạt để có được ưu thế trên thương mại toàn cầu một cách không công bằng. Mặc dù là thành viên WTO, nhưng từ xưa đến nay họ luôn dựng lên pháo đài bảo hộ mậu dịch, thao túng tiền tệ, đồng thời cưỡng ép các xí nghiệp nước ngoài chuyển nhượng kỹ thuật, nâng đỡ kinh tế trong nước, chèn ép công ty nước ngoài. Để trở thành nước lớn, họ không ngần ngại bắt các nước thèm khát đầu tư nhưng kinh tế yếu kém gánh nợ không thể phát triển được. Ông cho rằng, chương trình “Một vành đai, một con đường” là một ví dụ của vấn đề này.

 “Phải kìm chân Trung Quốc rồi vượt lên mới thắng được”

Tại cuộc điều trần, các nghị sỹ quan tâm nhất đến việc làm thế nào để chiến thắng trong cạnh tranh với Trung Quốc. Ông William Reinsch, Chủ nhiệm bộ phận nghiên cứu thương mại quốc tế của Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (ISIS) nói: muốn chiến thắng trong cạnh tranh, Mỹ không chỉ kìm chân Trung Quốc mà còn phải vượt lên họ.

Ông giải thích: “kìm chân” tức là không để đối thủ giành được ưu thế. Hiện chính phủ Donald Trump định thông qua hạn chế đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ và ngăn chặn ưu thế xuất khẩu của họ. Ông đặc biệt cảnh báo Mỹ cần cảnh giác việc Trung Quốc mua các công ty khởi nghiệp (start-ups) của Mỹ để lấy kỹ thuật; hiện Mỹ chưa coi trọng đúng mức việc giám quản việc đầu tư của Trung Quốc trong lĩnh vực này.

Ông William Reinsch
Ông William Reinsch 

William Reinsch kiến nghị Mỹ liên kết với các bạn bè, đồng minh ở châu Âu và châu Á để ứng phó Trung Quốc. Ông nói, Trung Quốc không dễ dàng từ bỏ kế hoạch “Made in China 2025” vì Mỹ yêu cầu; vì đối với Trung Quốc đó không chỉ là vấn đề mậu dịch, mà còn là an ninh quốc gia và kiểm soát dân chúng.

Nhà kinh tế Derek Scissors của Viện nghiên cứu xí nghiệp Mỹ thì kiến nghị: Mỹ cần có biện pháp đối với các xí nghiệp Trung Quốc, vì như thế mới có thể dễ níu chân Trung Quốc nhất. Ông nói: “Qua ví dụ Công ty LTE, chúng ta có thể thông qua đánh các công ty lớn để đánh chính quyền…Những công ty lớn đó vô cùng quan trọng đối với chính phủ Trung Quốc, chúng lại được lợi nhờ ăn cắp bản quyền sở hữu trí tuệ của chúng ta. Giờ đây chúng ta đã biết cách đánh họ như thế nào. Nếu cho tôi lựa chọn thì đó là biện pháp đầu tiên”.

Về việc làm thế nào để vượt qua Trung Quốc; ông William Reinsch đề nghị: trước hết phải bồi dưỡng nhân lực lao động Mỹ để họ thích ứng với sự phát triển kinh tế thế kỷ 21; đồng thời áp dụng biện pháp, khuyến khích các xí nghiệp Mỹ ở lại đất nước; cuối cùng là thúc đấy sáng tạo.

Ông Derek Scissors thì đề nghị chính phủ cần giảm bớt nợ nần. Ông cho rằng, sự phát triển của Trung Quốc cuối cùng cũng sẽ bị nợ nần níu kéo; tuy Mỹ giàu có hơn họ, nhưng nếu cứ vay nợ không hạn chế thì cuối cùng sẽ bị tổn hại…