Mỹ thông qua Luật tự trị Hồng Kông, chuẩn bị ra đòn trừng phạt, Trung Quốc nổi xung

VietTimes – Ngày 25/6, Thượng viện Mỹ đã thông qua Luật tự trị Hồng Kông áp đặt trừng phạt đối với các quan chức, công ty và ngân hàng Trung Quốc; Bắc Kinh và Hồng Kông phản ứng quyết liệt.
Ngày 25/6,Thượng nghị viện Mỹ đã thông qua Luật tự trị Hồng Kông, mở đường cho việc trừng phạt các quan chức và thực thể Trung Quốc (Ảnh: Hk01).
Ngày 25/6,Thượng nghị viện Mỹ đã thông qua Luật tự trị Hồng Kông, mở đường cho việc trừng phạt các quan chức và thực thể Trung Quốc (Ảnh: Hk01).

Theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều ngày 27/6, trang web chính thức của Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ cùng ngày đăng tin, người phát ngôn của Đại sứ quán đã lên tiếng về việc Mỹ áp đặt hạn chế thị thực đối với các quan chức Trung Quốc có liên quan đến vấn đề liên quan đến Hồng Kông; tuyên bố Trung Quốc kiên quyết phản đối cách làm sai trái của Mỹ, Hồng Kông là của Trung Quốc. Các công việc của Hồng Kông hoàn toàn là vấn đề nội bộ của Trung Quốc, không cho phép thế lực bên ngoài nào được phép can thiệp.

Người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc nói, việc lập ra Luật an ninh quốc gia Hồng Kông là quyền lực và trách nhiệm của chính phủ trung ương và cũng là một thông lệ quốc tế. Luật an ninh quốc gia liên quan đến Hồng Kông nhắm vào thiểu số hành vi và hoạt động gây nguy hại nghiêm trọng cho an ninh quốc gia. Nó sẽ chỉ khiến Hồng Kông có một hệ thống pháp lý hoàn chỉnh hơn và trật tự xã hội ổn định hơn, có lợi cho việc duy trì "một quốc gia, hai chế độ" và sự phồn vinh ổn định lâu dài của Hồng Kông.

Ngày 28/5, Quốc hội Trung Quốc đã thông qua Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông gây nên phản ứng mạnh mẽ từ Mỹ và các quốc gia phương Tây (Ảnh: AP).
Ngày 28/5, Quốc hội Trung Quốc đã thông qua Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông gây nên phản ứng mạnh mẽ từ Mỹ và các quốc gia phương Tây (Ảnh: AP).

Đồng thời, người phát ngôn chỉ ra rằng cơ sở pháp lý để chính phủ Trung Quốc cai trị Hồng Kông là Hiến pháp Trung Quốc và Luật cơ bản Hồng Kông, chứ không phải là "Tuyên bố chung Trung-Anh". Với việc trả lại Hồng Kông cho Trung Quốc vào năm 1997, tất cả các quyền và nghĩa vụ liên quan đến phía Anh được quy định trong "Tuyên bố chung Trung-Anh" đều đã được thực hiện xong. Phía Mỹ không có bất cứ cơ sở pháp lý nào và không có tư cách gì viện dẫn "Tuyên bố chung Trung-Anh" để đưa ra những nhận xét vô trách nhiệm về công việc của Hồng Kông.

Người phát ngôn nhấn mạnh, Trung Quốc khuyên Mỹ ngay lập tức sửa chữa sai lầm của mình, hủy bỏ các quyết định liên quan và ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc. Trung Quốc sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp kiên định và mạnh mẽ để kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển quốc gia.

Được biết, ngày 25/6, Thượng nghị viện Mỹ đã nhất trí bỏ phiếu thông qua "Luật tự trị Hồng Kông" (Hong Kong Autonomy Act), cho phép sử dụng các biện pháp trừng phạt các quan chức và công ty Trung Quốc ủng hộ việc hạn chế quyền tự trị của Hồng Kông; nhưng dự luật này vẫn cần được Hạ nghị viện Mỹ biểu quyết và Tổng thống Donald Trump ký mới chính thức có hiệu lực.

Mỹ phê phán chính phủ Trung Quốc đưa ra Luật An ninh quốc gia Hồng Kông đã vi phạm Tuyên bố chung Trung-Anh 1984 cam kết dành cho Hồng Kông một mức độ tự trị cao sau khi trở về với Trung Quốc. Mỹ một lần nữa yêu cầu Trung Quốc thực hiện cam kết với Hồng Kông như trong tuyên bố.

Hôm 21/5, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố Mỹ sẽ có phản ứng mạnh nếu Trung Quốc ban hành Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông (Ảnh: Reuters).
Hôm 21/5, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố Mỹ sẽ có phản ứng mạnh nếu Trung Quốc ban hành Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông (Ảnh: Reuters).

Thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Van Hollen, người đề xuất dự luật, cho biết dự luật này đã gửi một thông điệp rõ ràng tới Bắc Kinh rằng họ sẽ phải trả giá cho hành vi làm tổn hại đến quyền tự trị của Hồng Kông. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Josh Hawley, người đứng tên chung, cho rằng đây có thể là cơ hội cuối cùng để ngăn chặn Bắc Kinh phá hủy tự do duy nhất còn lại của Hồng Kông.

Ngoài việc đưa vào danh sách đen các quan chức Trung Quốc và các thực thể chính phủ, tạo ra căng thẳng ngoại giao, dự luật cũng có giá trị ràng buộc đối với ngành tài chính. Các ngân hàng bị phát hiện có giao dịch kinh doanh với các quan chức và tổ chức trong danh sách đen cũng sẽ bị xử phạt; bao gồm bị hạn chế giao dịch bằng đồng USD và cấm hợp tác làm ăn với các ngân hàng Mỹ.

Dự luật Tự trị Hồng Kông vốn định thông qua trước tháng 6, nhưng ông Josh Hawley nói rằng Thượng nghị sĩ Kevin Cramer, cũng là một người của đảng Cộng hòa, đã trì hoãn việc bỏ phiếu với lý do vấn đề kỹ thuật theo yêu cầu của chính quyền Trump. Sự kiện này cũng phản ánh mối quan hệ cực kỳ phức tạp giữa Mỹ và Trung Quốc. Một mặt, Mỹ đã đạt được thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh; đồng thời, hai nước cũng đối đầu trong vấn đề ảnh hưởng và nhân quyền, lại thêm tình hình dịch bệnh do virus corona mới (COVID-19), dẫn đến việc quan hệ hai bên sa xuống đáy vực.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 26/6 tuyên bố Mỹ sẽ áp đặt các hạn chế thị thực đối với các quan chức Trung Quốc liên quan và gia đình (Ảnh: AP).
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 26/6 tuyên bố Mỹ sẽ áp đặt các hạn chế thị thực đối với các quan chức Trung Quốc liên quan và gia đình (Ảnh: AP).

Ngày 26/6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố, do Bắc Kinh tiếp tục làm suy yếu nhân quyền và các quyền tự do cơ bản của Hồng Kông, Mỹ sẽ áp đặt các hạn chế thị thực đối với các quan chức Trung Quốc liên quan và gia đình họ cũng có thể bị ảnh hưởng. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố: “Tổng thống Trump hứa sẽ trừng phạt các quan chức Trung Quốc đã đàn áp tự do Hồng Kông; chúng ta hành động ngay hôm nay”. Tuyên bố chỉ trích chính phủ Bắc Kinh đã gây áp lực lên chính quyền Đặc khu Hồng Kông để “bắt giữ những người ủng hộ dân chủ và tiếp tục làm suy yếu nhân quyền và tự do cơ bản của Hồng Kông”.

Các quan chức hiện tại hoặc trước đây của Trung Quốc bị coi là chịu trách nhiệm trực tiếp hoặc liên quan đến việc làm suy yếu quyền tự trị cao hoặc vi phạm nhân quyền của Hồng Kông sẽ không được vào Mỹ hoặc bị hạn chế nhập cảnh, gia đình của họ cũng có thể bị hạn chế visa. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ không nêu rõ tên các quan chức nào, nhưng Bloomberg dẫn lời các nguồn tin của Washington nói rằng số lượng quan chức Trung Quốc bị trừng phạt là "hàng đơn vị".

Sau khi chính phủ Trung Quốc có kế hoạch thực thi Luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông, khiến nhiều quốc gia và tổ chức trên thế giới lo ngại địa vị quốc tế độc đáo của Hồng Kông sẽ bị mất đi từ thời điểm này. Ông Donald Trump cũng chuẩn bị bãi bỏ chính sách đãi ngộ kinh tế đặc biệt đối với Hồng Kông, coi Hồng Kông như những thành phố bình thường khác ở Trung Quốc.

Liên quan đến việc Thượng nghị viện Mỹ thông qua Đạo luật tự trị Hồng Kông, người phát ngôn của chính quyền Hồng Kông tối ngày 26/6 cũng đã đưa ra tuyên bố, bày tỏ kịch liệt phản đối dự luật và đốc thúc Quốc hội Mỹ ngừng ngay lập tức việc can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Đặc khu hành chính Hồng Kông và nói "Lệnh trừng phạt" là hoàn toàn không thể chấp nhận được, sẽ chỉ làm tổn hại mối quan hệ và lợi ích chung giữa Hồng Kông và Mỹ. Người phát ngôn cũng phê phán nhiều ý kiến của Quốc hội Mỹ về công việc của Hồng Kông trong dự luật là sai lệch nghiêm trọng và không có cơ sở thực tế.

Người phát ngôn Hồng Kông nói Điều 12 của Luật cơ bản quy định rằng Đặc khu Hồng Kông là khu vực hành chính địa phương có mức độ tự trị cao ở Trung Quốc và trực thuộc Chính phủ Trung ương, việc thực hiện nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ" ở Hồng Kông như thế nào hoàn toàn là vấn đề nội bộ của Trung Quốc; không quốc gia hay quốc hội nào khác có quyền can thiệp trực tiếp hoặc gián tiếp vào các vấn đề nội bộ đó.

Người phát ngôn nhấn mạnh kể từ khi về với Trung Quốc, Đặc khu hành chính Hồng Kông đã thực hiện nghiêm "người Hồng Kông cai trị Hồng Kông" và mức độ tự trị cao theo quy định của Luật cơ bản. Nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ" đã được thực hiện toàn diện, thành công và sẽ tiếp tục được kiên định thực thi.

Tới đây, sau khi Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông ban hành và có hiệu lực, Trung Quốc sẽ không cho phép diễn ra các cuộc biểu tình ở Hồng Kông như thời gian vừa qua (Ảnh: Reuters).
Tới đây, sau khi Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông ban hành và có hiệu lực, Trung Quốc sẽ không cho phép diễn ra các cuộc biểu tình ở Hồng Kông như thời gian vừa qua (Ảnh: Reuters).

Người phát ngôn Hồng Kông cũng nói rằng "lệnh trừng phạt" của dự luật không có hiệu lực pháp lý đối với các tổ chức tài chính ở Hồng Kông, kêu gọi phía Mỹ hành động có trách nhiệm và tránh các hành động có thể ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các tổ chức tài chính và nhiều khách hàng.

Được biết, Quốc hội Trung Quốc cũng đã tăng tốc lập pháp về Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông. Theo Nhân dân Nhật báo ngày 23/6, chính quyền trung ương đã “chú trọng thu thập ý kiến từ các thành phần khác nhau của xã hội Hồng Kông và lắng nghe ý kiến công chúng dưới nhiều hình thức”.

Ngoài ra, Trưởng quan Đặc khu Hồng Kông Carrie Lam liên tục tuyên bố rằng Luật An ninh Quốc gia sẽ cho phép Hồng Kông quay trở lại quỹ đạo "một quốc gia, hai chế độ", đảm bảo sự ổn định xã hội và duy trì niềm tin kinh doanh và nhấn mạnh rằng "đó là điều tất yếu, không để bị mất".

Ông Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu, cơ quan truyền thông chính thức đăng trên Twitter giễu cợt rằng dịch bệnh COVID-19 ở Mỹ rất nghiêm trọng và không ai muốn đến Mỹ. Ông nhắn Mike Pompeo: “Hãy giữ visa của các ngài cho Lê Trí Anh và Hoàng Chi Phong (hai người được coi là lãnh đạo phong trào chống đối ở Hồng Kông), xem họ có dám đi không”.