Mỹ: Thay đổi quan trọng trong chính sách đối với Đài Loan và quyền chỉ huy quân đội nói lên điều gì?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Cựu Trợ lý Bộ Quốc phòng Mỹ về Ấn Độ - Thái Bình Dương Randall Schriver ngày 19/11 tuyên bố, việc chính quyền ông Trump bán vũ khí cho Đài Loan đã trở nên bình thường và Mỹ hiện không còn coi Đài Loan là một phần của vấn đề Trung Quốc.

Cựu Trợ lý Bộ Quốc phòng Mỹ về Ấn Độ - Thái Bình Dương Randall Schriver: Mỹ không còn coi Đài Loan là một phần của vấn đề Trung Quốc (Ảnh: CNA).
Cựu Trợ lý Bộ Quốc phòng Mỹ về Ấn Độ - Thái Bình Dương Randall Schriver: Mỹ không còn coi Đài Loan là một phần của vấn đề Trung Quốc (Ảnh: CNA).

Theo hãng thông tấn CNA, ông Randall Schriver cho đây là một thay đổi quan trọng về khái niệm. Ông hy vọng chính phủ mới ở Mỹ cũng làm như vậy và “coi Đài Loan là một quốc gia đáng để đầu tư”.

Ông Randall Schriver, hiện là Chủ tịch Project 2049 Institute (Viện nghiên cứu Dự án 2049) một tổ chức tư vấn (think tank) ở Washington, hôm thứ Năm (19/11) đã tham dự buổi báo cáo về “Tăng cường sự răn đe và khả năng chịu đựng của Đài Loan” tại cơ quan tư vấn Trung tâm Nghiên cứu Đài Loan toàn cầu (GTI) qua hình thức trực tuyến. Trong phát biểu của mình, ông đã tổng hợp những phát triển quan trọng trong chính sách an ninh và quốc phòng của chính quyền Donald Trump.

Trong phần về Đài Loan, ông Randall Schriver đầu tiên đề cập đến việc bình thường hóa bán vũ khí cho Đài Loan, điều này khiến Mỹ và Đài Loan có thể là đối tác hợp tác thực hiện khái niệm phòng vệ tổng thể, cho phép cơ quan quốc phòng Đài Loan chuẩn bị ngân sách một cách bình thường và cũng khiến Trung Quốc có điều kiện hiểu rằng Đài Loan là đối tác bán vũ khí nước ngoài thường xuyên của Mỹ. Ông hy vọng chính quyền Joe Biden tới đây cũng làm như vậy.

Ngoài ra, ông Randall Schriver cũng đề cập đến việc Bộ Quốc phòng Mỹ đã bổ sung thêm một Phó trợ lý Bộ trưởng phụ trách vấn đề Trung Quốc, tuy nhiên Đài Loan không bao gồm trong đó. Phó trợ lý Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á sẽ phụ trách các đồng minh, đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Ông nói: “Đây là một thay đổi quan trọng về quan niệm” và cho rằng Đài Loan là một đối tác rất xứng đáng, chứ không chỉ là một phần của mối quan hệ Mỹ - Trung và sẽ coi Đài Loan là một đối tác và có đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề khu vực.

Tháng 2/2020, ông Randall Schriver đã tới thăm Đài Bắc và được bà Thái Anh Văn tiếp (Ảnh: taiwantoday).

Tháng 2/2020, ông Randall Schriver đã tới thăm Đài Bắc và được bà Thái Anh Văn tiếp (Ảnh: taiwantoday).

Một đóng góp thực tế khác là các quan chức quốc phòng cao cấp Mỹ có thể tự do tới thăm Đài Loan. Ông Randall Schriver tiết lộ rằng Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Heino Klinck, người phụ trách các vấn đề Đông Á, đã đến thăm Đài Loan và cũng có thể thảo luận các vấn đề Đài Loan với các nước mà ông phụ trách mà không lo ngại Trung Quốc phản ứng.

Ông Randall Schriver nói, chính phủ Donald Trump đã có những điều chỉnh về chính sách quốc phòng và an ninh, chính quyền Joe Biden tới đây nên sử dụng lợi thế này để đối mặt với Trung Quốc với thái độ cạnh tranh và phù hợp hơn. Ông cũng hy vọng rằng chính phủ mới sẽ tiếp tục coi Đài Loan là “một quốc gia có lợi thế riêng và đáng để đầu tư”, chứ không chỉ là một phần của các vấn đề của Trung Quốc.

Steve Young, đồng tác giả của báo cáo và là cựu giám đốc Văn phòng Đài Bắc của Hiệp hội Hoa Kỳ tại Đài Loan (AIT), cũng bày tỏ Trung Quốc đã tăng cường đe dọa quân sự đối với Đài Loan và PLA cũng đang tích cực hiện đại hóa, Mỹ nên tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan và cam kết nếu Đài Loan bị đe dọa và bị tấn công, Mỹ vẫn chuẩn bị giúp đỡ để bảo vệ Đài Loan. Ông tin rằng chính quyền sắp tới của ông Joe Biden sẽ tiếp tục chính sách này.

Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Christopher Miller tuyên bố công khai ông sẽ thay đổi quyền chỉ huy và phương pháp chỉ huy Quân đội (Ảnh: Thepentagon)

Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Christopher Miller tuyên bố công khai ông sẽ thay đổi quyền chỉ huy và phương pháp chỉ huy Quân đội (Ảnh: Thepentagon)

Ông Stephen Markley Young, người từng giữ chức Tổng lãnh sự Mỹ tại Hong Kong, nói rằng hành động của Trung Quốc ở Hong Kong chứng tỏ rằng chính sách "một quốc gia, hai chế độ" đã chết, trừ khi có một thay đổi chính trị lớn ở Trung Quốc, bằng không Đài Loan vẫn cần củng cố quốc phòng và tìm kiếm sự hỗ trợ của quốc tế.

Trong bài phát biểu của mình, bà Tiêu Mỹ Cầm đại diện của Đài Loan tại Mỹ, cảm ơn Mỹ đã tiếp tục bình thường hóa việc bán vũ khí cho Đài Loan. Đài Loan cũng đã tăng cường khả năng phòng thủ của mình để chống lại các mối đe dọa từ Trung Quốc. Bà dẫn lời người đứng đầu chính quyền Đài Loan Thái Anh Văn mới đây nêu rõ, Đài Loan sẽ tiếp tục tăng cường khả năng tác chiến phòng ngự hiện đại hóa, nâng cấp năng lực tác chiến phi đối xứng, thúc đẩy khả năng tự phòng vệ và cải thiện hệ thống động viên quân dự bị để đối phó với các hoạt động quân sự gia tăng và khiêu khích từ phía bờ eo biển đối diện.

Cùng lúc, Lầu Năm Góc cũng có thay đổi quan trọng về quyền chỉ huy quân đội. Theo trang tin Hoa ngữ Creader.net ngày 19/11, vào lúc cuộc bầu cử tổng thống bị nghi ngờ có gian lận quy mô lớn, Quyền Bộ trưởng Quốc phòng mới được bổ nhiệm của chính quyền Donald Trump, Christopher Miller ngày 18/11 đã tuyên bố công khai rằng ông sẽ thay đổi quyền chỉ huy và phương pháp chỉ huy, yêu cầu tất cả các lực lượng tác chiến đặc biệt của Mỹ và các đơn vị tình báo đặc biệt đều báo cáo trực tiếp cho ông, việc ông cố ý nhấn mạnh "bỏ qua cung cách báo cáo ban đầu", đã gây nên sự quan tâm rất lớn.

Mới đây, ông Trump đã sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper bằng một hành động chớp nhoáng và đưa Christopher Miller, Giám đốc Trung tâm Chống khủng bố Quốc gia, giữ chức quyền Bộ trưởng Quốc phòng mới. Tại cuộc họp báo ở Fort Bragg, California ngày 18/11, ông Miller nói: "Trong khi thực hiện mệnh lệnh của tổng thống, chúng tôi cũng nhận ra rằng việc giao tiếp quân sự và các hoạt động quân sự đều đi kèm với rủi ro và những thách thức và cơ hội không thể đoán trước. Tôi xin tuyên bố: Tôi đã ra lệnh cho lãnh đạo của lực lượng hoạt động đặc biệt báo cáo trực tiếp với tôi, chứ không thông qua các kênh quan liêu như trước. Động thái lịch sử này được Quốc hội chỉ thị và cho phép”.

Ông Chris Krebs, Cục trưởng An ninh mạng và Cơ sở hạ tầng của Bộ An ninh Nội địa bị ông Trump bãi chức vì phát biểu nói cuộc bầu cử "an toàn nhất trong lịch sử Mỹ" (Ảnh: BBC).
Ông Chris Krebs, Cục trưởng An ninh mạng và Cơ sở hạ tầng của Bộ An ninh Nội địa bị ông Trump bãi chức vì phát biểu nói cuộc bầu cử "an toàn nhất trong lịch sử Mỹ" (Ảnh: BBC).

Các ý kiến phân tích cho rằng các cơ quan quan trọng này trước đây đều báo cáo trực tiếp cho Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách chính sách liên quan; nhưng vào thời điểm nhạy cảm hiện nay, ngọn lửa đầu tiên mà tân Bộ trưởng Bộ Quốc phòng mới được bổ nhiệm đốt lên là việc tập trung quyền lực trên diện rộng, trực tiếp nắm trong tay mọi lực lượng tinh nhuệ và quan trọng nhất. Điều này e rằng không chỉ là đơn giản hóa thủ tục quan liêu mà liên quan đến việc loại bỏ sự chống đối bên trong. Ví dụ, ông Trump vừa sa thải Chris Krebs, Cục trưởng An ninh mạng và Cơ sở hạ tầng của Bộ An ninh Nội địa, người đã đưa ra một tuyên bố chính thức nói rằng "cuộc bầu cử này là an toàn nhất trong lịch sử nước Mỹ". Ngoài ra, CIA, vốn bị nghi ngờ dính líu tới gian lận bầu cử và Giám đốc Gina Haspel cũng bất ngờ bị loại khỏi hội nghị tình báo cấp cao của ông Trump.

Cũng có nhà phân tích khác cho rằng nếu các cáo buộc gian lận của các công ty như Dominion và Smartmatic thông qua hệ thống kiểm phiếu được xác nhận trong tương lai, do có các lực lượng nước ngoài tham gia, họ có thể bị coi là phản loạn và chính phủ Mỹ có thể huy động quân đội để bắt giữ những kẻ phản bội theo Đạo luật chống phản loạn năm 1799. Hành động của Quyền Bộ trưởng Quốc phòng mới chính là sự mở đường cho khả năng này.

Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng sự thay đổi quan trọng về cơ chế báo cáo, chỉ huy này có thể liên quan đến những hoạt động của quân đội Mỹ ở bên ngoài lãnh thổ, nhất là trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung đang cực kỳ căng thẳng quanh vấn đề Đài Loan.