Mỹ phát triển vũ khí siêu âm chọc thủng hệ thống phòng không Nga, Trung

VietTimes -- Vũ khí siêu âm, có thể bay với tốc độ lớn hơn 5 Mach hiện đang là một xu hướng nóng bỏng trong công nghiệp quốc phòng toàn cầu. Trung Quốc, Nga và Mỹ đều nỗ lực công khai theo đuổi hàng loạt các chương trình phát triển vũ khí siêu âm đa dạng, bắt đầu cuộc chạy đua vũ trang mới.
Mô hình đồ họa máy bay siêu âm SR-72 của tập đoàn Lockheed. Ảnh The National Interest
Mô hình đồ họa máy bay siêu âm SR-72 của tập đoàn Lockheed. Ảnh The National Interest

Sebastien Roblin, trong bài bình luận đăng trên The National Interest cho biết, tập đoàn Lockheed và DARPA đang hợp tác nghiên cứu và phát triển một máy bay không người lái trinh sát, ném bom siêu thanh, trên cơ sở của Blackbird SR-71. Ông viết:

"Các tên lửa đạn đạo tầm xa hiện nay có thể đạt được tốc độ siêu âm, nhưng bay theo quỹ đạo có thể dự đoán trước và phát hiện sớm, khiến bộ máy lãnh đạo quân sự - chính trị tối cao của đối phương có thời gian phản ứng. Hơn nữa, các cường quốc như Nga, Trung Quốc phát triển nhiều hệ thống phòng không hiện đại, có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo".

Năm 2013, giám đốc điều hành của tập đoàn Lockheed, Robert Weiss đã gây xôn xao, khi cho biết, công nghệ thép titan hàng không vũ trụ cho phép phát triển một máy bay siêu âm từ phương tiện bay do thám SR-71 Blackbird huyền thoại. Ông tạm đặt tên máy bay này là SR-72.

Không có một máy bay nào trong biên chế của lực lượng không quân có thể sánh được các chuyến bay đường dài đầy ấn tượng của Blackbird với tốc độ Mach 3. Cho đến gần đây, những chiếc SR-71 đơn giản là vượt xa những tên lửa phòng không, được phóng lên truy đuổi trong các nhiệm vụ trinh sát không ảnh ở Triều Tiên và Trung Đông. Hiện nay, các tên lửa phòng không mới nhất của Nga có tốc độ vượt trội khiến Mach 3 không đủ đảm bảo khả năng sống còn của SR-71. Nhưng nó vẫn là một máy bay siêu thanh có thể vượt xa những hệ thống tên lửa đất đối không, được triển khai để ngăn chặn và tiêu diệt các mục tiêu đường không.

Máy bay siêu thanh SR-72, được giới thiệu trong ý tưởng mới của Lockheed, có khả năng bay với tốc độ gấp sáu lần vận tốc âm thanh. Nhưng thách thức không chỉ ở việc thiết kế một chiếc máy bay có thể đạt được tốc độ siêu âm mà còn nằm trong khả năng phương tiện bay có thể cất cánh và hạ cánh ở tốc độ chậm hơn. Chiếc máy nay thử nghiệm X-15, sử dụng động cơ tên lửa, năm 1967 thiết lập kỷ lục chuyến bay nhanh nhất của phương tiện bay có người lái với tốc độ Mach 6,7, phải được máy bay B-52 vận tải lên và phóng trong không trung, kết hợp tốc độ bay của máy bay vận tải và động cơ phản lực!

Giám đốc điều hành Weiss nói với nhà báo Guy Norris Young: “tất cả những gì tôi có thể nói là công nghệ đã hoàn thiện, tập đoàn đang phối hợp với với DARPA và các doanh nghiệp khác, nỗ lực đưa phương tiện bay với khả năng siêu việt này đến với lực lượng không quân càng sớm càng tốt... Tôi không thể cung cấp bất kỳ mốc thời gian hoặc bất kỳ chi tiết cụ thể nào về những khả năng mới này. Tất cả đều rất nhạy cảm ... Chúng tôi có thể thừa nhận khả năng của một phương tiện bay có tốc độ siêu âm lớn, nhưng bất kỳ chi tiết cụ thể nào của chương trình đều vượt quá giới hạn bảo mật”.

Theo các thông tin công nghệ hàng không mở, tập đoàn Lockheed và công ty Aerojet Rocketdyne tạo ra một bước đột phá bằng giải pháp phát triển một động cơ mới - động cơ chu trình hỗn hợp, kết hợp một động cơ tuabin phản lực cho tốc độ dưới Mach 3 và một động cơ phản lực dòng khí thẳng scramjet để tích hợp thành động cơ đẩy với tốc độ hành trình siêu âm.

Động cơ phản lực dòng khí thẳng scramjet sẽ tạo ra lực đẩy bằng phương thức hút không khí trong khi bay ở tốc độ siêu âm, có nghĩa là một động cơ riêng biệt khác phải đẩy máy bay tới tốc độ siêu âm giới hạn trước khi động cơ phản lực scramjet đẩy máy bay bay với tốc độ siêu âm mong muốn. Khái niệm động cơ chu trình hỗn hợp khiến phương pháp động cơ kép trở nên khả thi khi có cả turbin và scramjet, cùng một cửa hút và ống phụt xả khí cháy.

Ông Weiss cho biết, Lockheed hy vọng sẽ nhận được nguồn kinh phí chế tạo một máy bay thử nghiệm động cơ đơn có kích thước sáu mươi feet (18 mét – như máy bay phản lực) có thể có người lái, chi phí khoảng 1 tỷ USD. Đây sẽ là nền tảng để phát triển máy bay chiến đấu thực tế SR-72 hai động cơ, chiều dài đến 100 feet (30,5 mét).

Sáu năm sau tuyên bố Weiss, các quan chức tập đoàn Lockheed tiếp tục thu hút sự chú ý của công chúng về một chương trình được cho là quá nhạy cảm để tiết lộ, đưa ra những tuyên bố mập mờ, dường như đã chế tạo một nguyên mẫu thử nghiệm SR-72.

Chẳng hạn, tại một hội nghị khoa học năm 2018, phó chủ tịch tập đoàn Lockheed, Jack O’Banion tuyên bố: “Không có sự chuyển đổi sang kỹ thuật số (công nghệ thiết kế 3D), không thể chế tạo loại máy bay này. Thực tế, 5 năm trước không thể thiết kế và chế tạo được”. Nhưng phó chủ tịch điều hành Orlando Carvalho trong cuộc nói chuyện với tạp chí Fight Global: "Tôi có thể nói một cách dứt khoát rằng, SR-72 chưa được chế tạo, tuyên bố của O’Banion nằm ngoài hoàn cảnh thực tế".

Tập đoàn Lockheed thường xuyên quảng bá về chiếc máy bay siêu âm có thể đã thử nghiệm hoặc chưa tồn tại, rõ ràng nhằm mục đích tìm kiếm nguồn tài trợ bổ sung cho chương trình. Điều này có thể có nguyên nhân do tập đoàn theo đuổi dự án với Cơ quan quản lý các Chương trình Nghiên cứu tiên tiến Quốc phòng (DARPA). Các nhà sản xuất thường tập trung vào phát triển và đổi mới các công nghệ tiên tiến, đi trước khả năng khai thác sử dụng trong lực lượng, thay vì đáp ứng yêu cầu thực tế của Không quân.

Mặc dù Không quân Mỹ rất quan tâm đến sự phát triển máy bay siêu âm trong một thời gian dài, nhưng lực lượng đã có kế hoạch trong tương lai gần: một số lượng lớn tiêm kích tàng hình F-35 (do Lockheed chế tạo), máy bay ném bom tàng hình cánh bay B-21 Raiders. Lực lượng không quân đặt hàng mua sắm tất cả các phương tiện chiến đấu đường không, nên vấn đề cũng cấp nguồn tài trợ cho một ý tưởng tiên tiến trong tương lai, có giá thành rất cao sẽ không giành được dễ dàng.

Chiếc máy bay siêu âm Blackbird, ký hiệu SR là máy bay chuyên dụng dành cho trinh sát chiến lược. Nhiệm vụ chủ yếu của máy bay là xâm nhập không phận được bảo vệ bằng các hệ thống phòng không mạnh, trong một thời gian ngắn ngủi chụp ảnh những gì đang diễn ra trên mặt đất trước khi đối phương có thể di chuyển hoặc ngụy trang những gì cần thiết. Nhưng tên gọi SR-72 khiến người khác hiểu nhầm vì có thể thực hiện thêm nhiều nhiềm vụ.

Một chiếc SR-72 siêu âm gần như chắc chắn sẽ là một máy bay không người lái (UAV), nhưng một máy bay không người lái thường được ký hiệu với chữ “Q”. Trong mức độ nào máy bay có thể được điều khiển bằng một phi công mặt đất (đường truyền thông dễ bị gây nhiễu ngăn chặn) hoặc chương trình điều khiển được lập trình trước bằng những thuật toán tự động hóa điều khiển. Đây vẫn là một vấn đề bí ẩn và chưa có lời giải đáp.

Theo ký hiệu đặt tên, máy bay siêu âm SR-72 có nhiệm vụ chủ chốt là Tình báo, Giám sát và Trinh sát (ISR), nhưng cũng có khả năng tấn công các mục tiêu với mục đích cảnh báo sớm hoặc trinh sát hỏa lực. Điều đó có nghĩa là SR-72 có khả năng tấn công hỏa lực. Bay với tốc độ đến 6.437km/h, máy bay không người lái siêu thanh mang bom trên lý thuyết có thể cất cánh từ một căn cứ ở lục địa Mỹ, trinh sát và tấn công các mục tiêu trên Thái Bình Dương hoặc Đại Tây Dương chỉ trong 90 phút. Hơn hẳn các tên lửa siêu thanh khác đang được phát triển, máy bay có thể quay trở lại căn cứ và tái trang bị để có thể tiến hành cuộc tiến công tiếp theo.

Ông Weiss tuyên bố, chiếc SR-72 trong ý tưởng phát triển có khả năng tấn công mục tiêu. Đánh giá thực tế khai thác sử dụng thì dự án SR-72 được cho là phát triển vượt trội so với nguyên mẫu thử nghiệm tên lửa siêu âm Falcon HTV-3 trong chương trình Đòn tấn công toàn cầu của Mỹ.

Nhưng hiệu quả đầu tư một máy bay ném bom / trinh sát không người lái là vấn đề gây tranh cái. Máy bay chắc chắt là không tàng hình, do nhiệt độ cao tạo ra khi bay với tốc độ rất lớn khiến các radar kiểm soát đường không dễ dàng phát hiện và đốt cháy các vật liệu hấp thụ sóng radar trên thân drone. Lực lượng phòng không đối phương nhanh chóng phát hiện mục tiêu, ngay khi có khá ít thời gian để đánh trả.

Hiện nay, tốc độ hơn 6 Mach vượt quá khả năng của các tên lửa phòng không đang có trong biên chế đối phương, nhưng sự hình thành của SR-72 chắc chắn sẽ thúc đẩy sự phát triển các tên lửa phòng không, có khả năng tấn công các mục tiêu siêu thanh. Một máy bay ném bom SR-72 cũng sẽ làm xuất hiện nhu cầu phát triển những loại vũ khí đắt tiền, được thiết kế để phóng từ UAV có tốc độ cao như vậy.

Blackbird đã nghỉ hưu và không được thay thế vì khả năng ISR không còn thích hợp do sự phát triển vượt bậc của các vệ tinh do thám và máy bay không người lái tàng hình có thời gian bay dài như RQ-170. Chắc chắn, Blackbirds có thể nhanh chóng xâm nhập không phận được bảo vệ, nhưng một máy bay không người lái tàng hình làm điều đó chậm hơn nhưng cũng bí mật hơn, có thể bay giám sát quanh một khu vực quan trọng, cung cấp nguồn cấp dữ liệu video thời gian thực trong nhiều giờ. Chính vì vậy, Lầu Năm Góc quyết định ký hợp đồng với Grumman phát triển máy bay không người lái tàng hình RQ-180 có rất bay dài thời gian, được coi là sự thay thế cho sự phát triển Blackbird thế hệ II.

Tập đoàn Lockheed, quảng cáo cho ý tưởng SR-72 cho rằng, tốc độ của máy bay là phương thức tàng hình mới với sự tin tưởng ngày càng tăng trong lĩnh vực các cảm biết khác nhau. Radar mảng pha quét điện tử, khí tài quang ảnh hồng ngoại, sẽ được cải thiện, dần dần làm giảm đi ưu thế không bị phát hiện của máy bay tàng hình, khiến tốc độ bay quay trở lại vị trí ưu thế chiến trường một lần nữa. 

Lầu Năm Góc ngày càng quan tâm hơn đến tất cả các loại vũ khí siêu âm, SR-72 của Lockheed có thể có được tài trợ. Nhưng tình huống này sẽ mâu thuẫn đối kháng với sự phát triển định hướng tàng hình mà Không quân Mỹ hiện đang thúc đẩy hiện thực hóa.

Mặc dù là một ý tưởng khó có thể trở thành hiện thực, nhưng rõ ràng ý tưởng SR-72 có thể có giá trị cao trong việc hình thành một vũ khí răn đe hiệu quả với Nga và Trung Quốc. Nhưng giá thành quá cao và định hướng tàng hình hiện nay của Lầu Năm Góc cho thấy, sẽ còn rất lâu để có thể đưa ý tưởng SR-72 vào thực tế hoặc không bao giờ.

Tác giả bài viết trên The National Interest, Sébastien Roblin là thạc sĩ về vấn đề giải quyết xung đột tại Đại học Georgetown, cựu giảng viên đại học cho Quân đoàn Hòa bình ở Trung Quốc. Ông làm việc trong lĩnh vực giáo dục, biên tập và tái định cư người tị nạn ở Pháp và Mỹ. Ông hiện đang là tác giả nhiều bài viết về lịch sử an ninh và quân sự cho tạp chí War Is Boring.