Mỹ mong muốn các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc cấm vận Nga

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Mỹ mong muốn các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc như SMIC hay Lenovo cấm vận Nga nhằm làm tê liệt khả năng mua các công nghệ và linh kiện quan trọng của quốc gia này.
Ảnh: Google
Ảnh: Google

Washington mong muốn vào các công ty lớn của Trung Quốc từ Semiconductor Manufacturing International Corp. đến Lenovo Group Ltd. tham gia các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga. Đây là động thái nhằm làm tê liệt khả năng mua các công nghệ và linh kiện quan trọng của quốc gia này.

Được biết, Trung Quốc là nhà cung cấp thiết bị điện tử lớn nhất của Nga, chiếm một phần ba lượng nhập khẩu chất bán dẫn, hơn một nửa số máy tính và điện thoại thông minh của nước này. Bắc Kinh đã phản đối các biện pháp ngày càng nghiêm khắc mà Mỹ thực hiện nhằm hạn chế thương mại và kinh tế của Nga trước cuộc xung đột với Ukraine. Tuy nhiên, giới quan chức Mỹ vẫn mong đợi các nhà cung cấp công nghệ như SMIC sẽ duy trì các quy định mới và hạn chế buôn bán công nghệ nhạy cảm có xuất xứ từ Mỹ, bởi nó có liên quan đến lĩnh vực quốc phòng của Nga.

Một quan chức Hoa Kỳ nói với Bloomberg News hôm 28/2 rằng bất kỳ mặt hàng nào được sản xuất với một số nguyên liệu đầu vào của Hoa Kỳ, bao gồm phần mềm và thiết kế của Hoa Kỳ, đều phải tuân theo lệnh cấm, ngay cả khi chúng được sản xuất ở nước ngoài. Các công ty cố gắng trốn tránh các biện pháp kiểm soát mới này sẽ phải đối mặt với viễn cảnh chính họ bị cắt khỏi công nghệ xuất xứ từ Hoa Kỳ và các giám đốc điều hành công ty có nguy cơ phải ngồi tù vì vi phạm. Ngoài ra, các thiết bị điện tử tiêu dùng như iPhone và máy tính xách tay của Apple Inc. được sử dụng cho mục đích sẽ không bị ảnh hưởng.

Các công ty nước ngoài đã nhanh chóng thực hiện thủ tục để rời khỏi Nga sau chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này. Các công ty dầu khí BP Plc, Shell Plc và Equinor ASA cũng đã từng công bố kế hoạch rút khỏi các quan hệ đối tác và dự án ở Nga. Chính phủ Hoa Kỳ còn hứa hẹn các ưu đãi dành cho “các quốc gia áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu về cơ bản tương tự” nhằm thúc đẩy hợp tác đa phương.

Theo Mary Lovely của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, Nga nhận 70% nguồn cung chip, máy tính và điện thoại thông minh từ Trung Quốc, trích dẫn dữ liệu năm 2020 từ Cơ sở dữ liệu thống kê thương mại quốc tế của Liên hợp quốc.

Hôm thứ Hai, Bộ Ngoại giao Trung Quốc một lần nữa lên tiếng bác bỏ các lệnh trừng phạt.

“Trung Quốc không tán thành việc sử dụng các biện pháp trừng phạt để cố gắng giải quyết vấn đề, thậm chí chúng tôi còn phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương, bất hợp pháp mà không có sự ủy quyền quốc tế”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Vương Văn Bân cho biết tại một cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh. Ông nói thêm rằng các quốc gia "không nên làm tổn hại đến các quyền và lợi ích hợp pháp của phía Trung Quốc".

Bắc Kinh đã coi việc tự cung tự cấp trong lĩnh vực bán dẫn trở thành ưu tiên quốc gia, nhưng hiện tại các công ty công nghệ của họ vẫn phụ thuộc nhiều vào các thiết kế và công nghệ của Mỹ. SMIC tiếp tục sử dụng thiết bị sản xuất chip từ các nhà cung cấp của Mỹ bao gồm cả Applied Materials Inc. ngay cả sau khi bị Mỹ đưa vào danh sách đen vào năm 2020. Nếu các doanh nghiệp của Trung Quốc không tuân thủ các lệnh trừng phạt của Mỹ, họ có thể phải đối mặt với việc thắt chặt nguồn cung chất bán dẫn.

Trong khi đó, nhà sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi Corp., giống như phần lớn các nhà cung cấp thiết bị điện tử di động, sử dụng chip của Qualcomm Inc., Qorvo Inc. và Skyworks Solutions Inc., theo phân tích dữ liệu chuỗi cung ứng của Bloomberg. Đối với Lenovo, doanh nghiệp này phụ thuộc vào bộ vi xử lý Advanced Micro Devices Inc. và Intel Corp. cho các sản phẩm PC của mình.

Đại diện của SMIC, Lenovo và Xiaomi đã không trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận từ Bloomberg.

Các biện pháp trừng phạt công nghệ của Mỹ đối với Nga là khá tương đồng với động thái của Washington vào năm 2020 nhắm vào gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei Technologies Co. Huawei đã chứng kiến ​​các đơn vị kinh doanh cốt lõi của mình sa sút và doanh số bán hàng của họ giảm mạnh kể từ đó.

Theo Bloomberg