Mỹ liên tiếp đề xuất các dự luật tung đòn trực diện nhằm vào Trung Quốc

VietTimes – Sau khi quan hệ Mỹ - Trung lâm vào tình trạng tồi tệ với việc trả đũa nhau đóng cửa các lãnh sự quán, Washington tiếp tục tung thêm các đòn với Bắc Kinh bằng các dự luật mới.
Hình ảnh mang tính biểu tượng cho quan hệ Mỹ - Trung hiện nay: nhân viên liên bang Mỹ phá cửa Lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston (Ảnh: AP).
Hình ảnh mang tính biểu tượng cho quan hệ Mỹ - Trung hiện nay: nhân viên liên bang Mỹ phá cửa Lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston (Ảnh: AP).

Đề xuất “Luật ngăn chặn Đài Loan bị xâm lược” trước Hạ nghị viện

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 30/7, hôm thứ Tư (29/7),  Hạ nghị sỹ Ted Yoho, Chủ tịch nhóm Châu Á-Thái Bình Dương của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ, đã đưa ra “Taiwan Invasion Prevention Act” (Luật ngăn chặn Đài Loan bị xâm lược), ủy quyền cho Tổng thống sử dụng vũ lực để bảo vệ Đài Loan trong trường hợp Trung Quốc đại lục dùng vũ lực xâm phạm Đài Loan. Dự luật cũng khuyến khích Tổng thống Hoa Kỳ đến thăm Đài Loan. Bản thảo luật này cho thấy, ông Ted Yoho sẽ đệ trình đề án này cho Ủy ban Đối ngoại Hạ nghị viện xem xét thông qua.

Ông Yoho đã chỉ ra thông qua một thông cáo báo chí. mục đích của dự luật là làm rõ và tăng cường cam kết của Hoa Kỳ trong việc bảo vệ Đài Loan trong trường hợp bị tấn công bằng vũ lực. Dự luật này áp dụng một số bước quan trọng để ứng phó với cuộc tấn công vũ trang của Trung Quốc đại lục vào Đài Loan và sự leo thang căng thẳng ở Hồng Kông, Biển Đông và biên giới Trung-Ấn. Ông chỉ rõ, Trung Quốc đại lục đã bất chấp sự lên án của quốc tế và muốn nhanh chóng thực hiện tham vọng lãnh thổ của họ.

Ông Ted Yoho, người đệ trình Luật ngăn chặn Đài Loan bị xâm lược ra trước Hạ nghị viện Mỹ (Ảnh: Đông Phương).
Ông Ted Yoho, người đệ trình Luật ngăn chặn Đài Loan bị xâm lược ra trước Hạ nghị viện Mỹ (Ảnh: Đông Phương).

Ông Yoho nói, sự mơ hồ trong chiến lược của Mỹ đối với Đài Loan ban đầu là để tránh kích động Bắc Kinh tấn công Đài Loan và khuyến khích quan hệ hòa bình giữa hai bờ eo biển, nhưng chiến lược này đã kết thúc trong thất bại. Việc xây dựng và khiêu khích quân sự của PLA tại eo biển Đài Loan cùng với mối đe dọa trắng trợn của Trung Quốc, cho thấy ý định của họ chống Đài Loan là rất rõ ràng. Hoa Kỳ cần phải ngay lập tức hành động để vạch ra một lằn ranh đỏ rõ ràng để đảm bảo rằng Trung Quốc đại lục sẽ không vượt quá ranh giới.

Theo Yoho, “Đài Loan với dân số gần 24 triệu người và một nền dân chủ sôi động, Hoa Kỳ có nghĩa vụ kiên trì ủng hộ Đài Loan và khuyến khích Đài Loan khôi phục quan hệ hòa bình với Trung Quốc”.

Dự luật này trao cho tổng thống một ủy quyền quốc phòng hạn chế và quyền sử dụng sức mạnh quân sự và các biện pháp thích hợp khác để bảo vệ Đài Loan trong trường hợp Đài Loan bị tấn công bằng vũ lực từ Trung Quốc đại lục, người dân hoặc binh lính Đài Loan bị giết hoặc mạng sống của họ bị đe dọa.  

Dự luật yêu cầu Trung Quốc từ bỏ thực hiện hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để xâm phạm Đài Loan và quy định rõ ràng rằng nếu Trung Quốc trực tiếp tấn công hoặc dùng vũ lực chiếm giữ lãnh thổ do Đài Loan quản hạt và cuộc sống của người dân hoặc binh sĩ Đài Loan bị đe dọa, tổng thống Mỹ có quyền sử dụng vũ lực để chung sức bảo vệ Đài Loan.

Dự luật cũng bao gồm các cuộc đối thoại an ninh và các cuộc tập trận quân sự chung giữa Hoa Kỳ, Đài Loan và các đồng minh, đồng thời đề xuất tăng cường bán vũ khí cho Đài Loan.

Ngoài ra, truyền thông Anh hôm thứ Năm (30/7) dẫn lời ông Ngô Cường (Wu Qiang), cựu giảng viên khoa Khoa học Chính trị tại Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh, phân tích cho rằng không loại trừ xảy ra xung đột vũ trang quy mô nhỏ ở khu vực Biển Đông, nhưng cuộc khủng hoảng sẽ không mở rộng. "Nguy cơ thực sự là ở Đài Loan”; nếu Bắc Kinh tấn công chiếm được Đài Loan sẽ sử dụng như là một căn cứ tàu ngầm hạt nhân, như vậy trong tương lai mới thực sự có khả năng đối đầu với Hoa Kỳ. Ngô Cường cho rằng nguyên nhân cơ bản của mâu thuẫn giữa đại lục và các quốc gia khác ở Biển Hoa Đông, Eo biển Đài Loan và Biển Đông là “Trung Quốc có tâm thái chủ nghĩa đế quốc truyền thống và không công nhận các quy tắc quốc tế hiện có. Đây cũng là mấu chốt của căng thẳng trong quan hệ Trung-Mỹ”.

Thượng nghị sỹ Marco Robio, đồng tác giả của Luật Bảo vệ Hoa Kỳ khỏi gián điệp tại Thượng viện Mỹ (Ảnh: Reuters).
Thượng nghị sỹ Marco Robio, đồng tác giả của Luật Bảo vệ Hoa Kỳ khỏi gián điệp tại Thượng viện Mỹ (Ảnh: Reuters).

Đề xuất dự luật trừng phạt quan chức Trung Quốc và vợ con

Sau khi Trung Quốc và Mỹ đóng cửa lãnh sự quán của nhau, một số nhà lập pháp đảng Cộng hòa đã đưa ra một dự luật mới, sẽ từ chối visa cho bất kỳ quan chức Trung Quốc nào bị trục xuất về tội gián điệp và trộm cắp tài sản trí tuệ cùng và vợ con của họ.

Theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều ngày 30/7, ông Marco Rubio, quyền chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Hoa Kỳ và một số thượng nghị sĩ liên bang Cộng hòa, gồm Ted Cruz, Thom Tillis và Kelly Loeffler hôm 28/7 đã đưa ra “Protecting America from Spies Act” (Luật Bảo vệ Hoa Kỳ khỏi gián điệp), cho phép Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ từ chối cấp thị thực cho các cá nhân phạm tội gián điệp hoặc trộm cắp tài sản trí tuệ chống lại Hoa Kỳ.

Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) ngày 30/7 nói, tại Hạ viện, "Đạo luật Bảo vệ Hoa Kỳ khỏi gián điệp” đã được Hạ nghị sỹ Cộng hòa Vicky Hartler đưa ra.

Theo luật pháp hiện hành của Mỹ, các quan chức hoặc cá nhân Trung Quốc bị trục xuất khỏi Hoa Kỳ với tội danh gián điệp hoặc trộm cắp tài sản trí tuệ có quyền nộp đơn xin cấp lại visa ngay lập tức.

"Luật Bảo vệ Hoa Kỳ khỏi gián điệp” do các Thượng nghị sĩ Cộng hòa đề xuất sẽ cập nhật nội dung "Immigration and Naturalization Act" (Đạo luật nhập cư và nhập tịch) để đảm bảo rằng những người đã bị trục xuất do hoạt động gián điệp, trộm cắp, chuyển nhượng công nghệ không thể được vào Hoa Kỳ một lần nữa.

Dự luật cũng sẽ mở rộng phạm vi đối tượng sang vợ hoặc chồng và con cái của những người có liên quan. Theo dự luật, vợ (chồng) và con của những người có thị thực bị đình chỉ do hoạt động gián điệp hoặc chuyển giao công nghệ trong vòng 5 năm sẽ không được thị thực nhập cảnh.

Tuy nhiên, dự luật cũng cho phép Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ miễn hạn chế này khi cần thiết, chẳng hạn như khi cần hợp tác để thực hiện nghĩa vụ của mình theo Hiệp định về Trụ sở Liên Hợp Quốc, sẽ được miễn trừ.

Các nhân viên Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston dọn đi trước khi bị đóng cửa hôm 24/7 (Ảnh: AP).
Các nhân viên Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston dọn đi trước khi bị đóng cửa hôm 24/7 (Ảnh: AP).

Hãng BBC đã nêu việc ông Marco Rubio chỉ trích lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston "không phải là cơ sở ngoại giao" trên Twitter ngay khi Hoa Kỳ tuyên bố quyết định đóng cửa Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston. Ông viết: “Đây là đầu mối trung tâm của của mạng lưới gián điệp và mạng lưới hành động gây ảnh hưởng khổng lồ của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Hoa Kỳ”.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bác bỏ tuyên bố này, nói rằng phía Mỹ “nói lấy được, không bao giờ đưa ra được bằng chứng thuyết phục chứng thực cho những  luận điểm của mình”. “Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston không có bất kỳ hoạt động gián điệp hay tuyên truyền ý thức hệ nào như Hoa Kỳ bịa ra; cách nói của Hoa Kỳ là “lấy bụng tiểu nhân đo lòng quân tử”. Việc Mỹ nói LSQ Trung Quốc là trung tâm mạng lưới gián điệp, hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Quốc tại Hoa Kỳ và là trung tâm của quân đội Trung Quốc gửi sinh viên đến Hoa Kỳ để tăng cường ưu thế trong chiến tranh, là “trái với kiến thức ngoại giao thông thường và rất hoang đường”.

 Dư luận cho rằng, nếu các dự luật này được thông qua sẽ đẩy quan hệ Mỹ - Trung đến bên bờ vực thẳm.