Mỹ lên án Trung Quốc cho máy bay ném bom H-6K cất hạ cánh tại Biển Đông

VietTimes -- Không quân Trung Quốc vừa lần đầu tiên tổ chức cho nhiều máy bay ném bom H-6K huấn luyện cất hạ cánh trên sân bay các đảo ở "vùng biển phía nam", điều này ám chỉ khu vực Biển Đông.
Máy bay ném bom H-6K không quân Trung Quốc được cho là đã lần đầu tiên huấn luyện cất hạ cánh phi pháp trên sân bay ở Biển Đông. Ảnh: News.ifeng.com.
Máy bay ném bom H-6K không quân Trung Quốc được cho là đã lần đầu tiên huấn luyện cất hạ cánh phi pháp trên sân bay ở Biển Đông. Ảnh: News.ifeng.com.

Các tờ báo Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan ngày 18/5 dẫn tài khoản microblog chính thức của không quân Trung Quốc cho biết một sư đoàn của không quân Trung Quốc gần đây đã tổ chức cho nhiều loại, nhiều chiếc máy bay ném bom như H-6K tiến hành huấn luyện cất hạ cánh trên đảo, đá ngầm ở cái gọi là “vùng biển phía nam”, tập luyện nâng cao khả năng “vươn đến toàn bộ biên cương, đột kích trong mọi không gian và thời gian, tấn công trên mọi hướng”.

Trong hoạt động huấn luyện này, sư đoàn trưởng Hách Kiến Khoa đã lái máy bay ném bom H-6K cất cánh từ một sân bay ở phía nam. Sau khi hoàn thành huấn luyện đột kích mục tiêu trên biển ở vùng trời đã định, đến một sân bay trên đảo để tiến hành huấn luyện cất hạ cánh, đạt được mục đích huấn luyện, đã tích lũy kinh nghiệm cho triển khai cất hạ cánh trên đảo cho lực lượng máy bay ném bom không quân.

Sư đoàn này thúc đẩy luyện quân, sẵn sàng chiến đấu trong thời đại mới, liên tục tổ chức hoạt động trên các vùng biển ở Tây Thái Bình Dương, tuần tra chiến đấu trái phép ở Biển Đông, huấn luyện trên cao nguyên.

Phi công Cát Đại Khánh cho biết mỗi lần cất cánh máy bay chiến đấu đều thực hiện theo yêu cầu chiến lược trên và đã tăng cường năng lực chiến đấu thực tế.

Máy bay ném bom H-6K không quân Trung Quốc được cho là đã lần đầu tiên huấn luyện cất hạ cánh phi pháp trên sân bay ở Biển Đông. Ảnh: Sina.
Dựa trên mục tiêu chiến lược “thống nhất giữa bầu trời và vũ trụ, tấn công kiêm phòng thủ”, không quân Trung Quốc đang tìm cách trở thành một quân chủng chiến lược, hiện đại, có thể tác chiến ở mọi khu vực mà Trung Quốc cho là lãnh thổ, lãnh hải của họ.
Chuyên gia quân sự Trung Quốc Vương Minh Lượng cho rằng máy bay ném bom triển khai huấn luyện trên đảo ở “vùng biển phía nam” có lợi cho nâng cao khả năng chiến đấu thực tế ứng phó với các “mối đe dọa an ninh” trên biển, luyện khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu.
Bình luận về động thái này của không quân Trung Quốc, trang tin UDN Đài Loan ngày 18/5 cho rằng mặc dù phía Trung Quốc không nói máy bay ném bom H-6K cất hạ cánh trên đảo ở Biển Đông, nhưng thông thường thì vùng biển này chính là Biển Đông.
Tờ Đa Chiều Hoa ngữ thì liên tưởng đến những sân bay Trung Quốc đã xây dựng bất hợp pháp ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam như sân bay ở đảo Phú Lâm, đá Chữ Thập, đá Vành Khăn, đá Xu Bi. Do đó, lần này, máy bay ném bom H-6K có thể tiến hành huấn luyện (phi pháp) trên sân bay ở các đảo, đá ngầm này. Đây cũng là lần đầu tiên máy bay ném bom không quân Trung Quốc tiến hành huấn luyện cất hạ cánh (phi pháp) trên đảo, đá ngầm ở Biển Đông.
Trước đó, Trung Quốc cũng đã từng tiến hành cất hạ cánh (phi pháp) các máy bay quân sự như máy bay chiến đấu, máy bay vận tải, máy bay không người lái, máy bay trực thăng trên sân bay các đảo, đá ngầm ở Biển Đông, đồng thời đã triển khai (phi pháp) các vũ khí hạng nặng như tên lửa chống hạm, tên lửa phòng không ở các đảo, đá ngầm này.
Gần đây, máy bay ném bom H-6K không quân Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động ở các vùng biển Tây Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông. Ảnh: Sina.

Do bán kính tác chiến lớn nhất của máy bay ném bom H-6K lên tới 3.500 km, bán kính tác chiến của tên lửa hành trình trang bị cho máy bay này lên tới 2.500 km, vì vậy nó có thể đe dọa những mục tiêu đối phương trong phạm vi 6.000 km.

Lần này, máy bay ném bom H-6K cất hạ cánh (phi pháp) trên đảo, đá ngầm ở Biển Đông có nghĩa là nó có thể đe dọa căn cứ Guam của Mỹ ở phía đông, đe dọa căn cứ của quân Mỹ ở miền bắc Australia ở phía nam, đe dọa căn cứ Diego Garcia của quân Mỹ ở Ấn Độ Dương.

Ngoài ra, các máy bay ném bom H-6 cải tiến khác còn có thể mang theo tên lửa chống hạm, cất hạ cánh (phi pháp) từ các đảo, đá ngầm ở Biển Đông có thể đe dọa toàn bộ các tàu cỡ lớn và vừa của quân đội Mỹ ở Biển Đông, Tây Thái Bình Dương và Đông Ấn Độ Dương.

Gần đây, Đô đốc Philip Davidson, tân Tư lệnh Bộ tư lệnh Thái Bình Dương, quân đội Mỹ cảnh báo, Trung Quốc sẽ không ngừng tiến hành quân sự hóa Biển Đông, sẽ tạo ra thách thức to lớn cho các hành động quân sự của Mỹ ở khu vực này.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Trung tá Christopher Logan ngày 18-5 lập tức đã ra tuyên bố lên án động thái quân sự này là hành động "quân sự hóa liên tục của Trung Quốc tại các thực thể tranh chấp ở biển Đông". Ông Logan nói rằng động thái mới nhất của Trung Quốc sẽ "làm gia tăng căng thẳng và gây bất ổn khu vực".