Mỹ lại viện trợ quân sự thêm 1 tỉ USD nữa cho Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Mỹ lại cung cấp thêm cho Ukraine một đợt viện trợ quân sự trị giá 1 tỉ USD. Đây là đợt viện trợ vũ khí và thiết bị lớn nhất mà Washington viện trợ Kiev cho đến nay để giúp Ukraine chống lại Nga.
Lần này Mỹ sẽ viện trợ thêm 18 lựu pháo xe kéo uy lực lớn cho Ukraine trong gói 1 tỉ USD (Ảnh: Deutsche Welle).
Lần này Mỹ sẽ viện trợ thêm 18 lựu pháo xe kéo uy lực lớn cho Ukraine trong gói 1 tỉ USD (Ảnh: Deutsche Welle).

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm thứ Tư (15/6) tuyên bố ông đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky để thông báo về đợt viện trợ quân sự mới nhất bao gồm nhiều pháo lớn, vũ khí phòng thủ bờ biển, đạn dược và các hệ thống tên lửa tiên tiến; đối phó kho vũ khí lớn của quân Nga, quân đội Ukraine cần gấp những trang bị này.

John Kirby, cựu phát ngôn viên Lầu Năm Góc, hiện là phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, ngày 15/6 nói với các phóng viên tại Nhà Trắng rằng khoản viện trợ bao gồm 350 triệu USD trang thiết bị đến trực tiếp từ quân đội Mỹ, bao gồm 18 khẩu pháo xe kéo uy lực lớn, 36.000 viên đạn pháo, 18 pháo tự hành, nhiều đạn dùng cho hệ thống phóng tên lửa nhiều nòng M142 HIMARS và trang thiết bị khác.

Khoản viện trợ 650 triệu USD còn lại bao gồm 2 hệ thống tên lửa bờ đối hạm Harpoon, vô tuyến điện, kính nhìn đêm và các thiết bị khác, sẽ được Lầu Năm Góc mua sắm từ các nhà sản xuất vũ khí thông qua một cơ chế được gọi là “Sáng kiến ​​Hỗ trợ An ninh Ukraine”, Kirby cho biết.

John Kirby nói, kể từ khi Nga bắt đầu “cuộc xâm lược vào ngày 24/2” Mỹ đã cung cấp cho Ukraine 5,6 tỉ USD viện trợ quân sự. Lần viện trợ này là lần thứ 12 kể từ khi cầm quyền ông Biden sử dụng quyền chi của tổng thống để viện trợ Tổng số 6,3 tỉ USD.

Binh sĩ Ukraine đang được huấn luyện sử dụng pháo tự hành M109 tại một căn cứ ở Đức.

Binh sĩ Ukraine đang được huấn luyện sử dụng pháo tự hành M109 tại một căn cứ ở Đức.

Kirby nói Mỹ cũng đã cung cấp hơn 914 triệu USD viện trợ nhân đạo cho Ukraine, bao gồm cả khoản viện trợ 225 triệu USD mà Tổng thống Biden công bố hôm 15/6. Trong một tuyên bố, ông Biden cho biết khoản viện trợ mới này sẽ được sử dụng để tài trợ nước uống, các vật tư y tế quan trọng và chăm sóc sức khỏe, thực phẩm, chỗ ở và cung cấp tiền mặt cho các gia đình để mua các mặt hàng thiết yếu.

Trong khi ông Biden công bố gói viện trợ mới, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã gặp gỡ các bộ trưởng quốc phòng đồng minh từ hơn 45 quốc gia tại Brussels. Các quốc gia này đã và đang cung cấp vũ khí cho quân đội Ukraine.

“Chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraine đã diễn ra được ba tháng rưỡi. Thời kì đầu cuộc chiến, Mỹ cho rằng người Nga đã thất bại trong việc lật đổ chính phủ của ông Zelensky hoặc chiếm được thủ đô Kiev. Quân đội Nga sau đó đã điều chỉnh mục tiêu và hiện đang cố gắng kiểm soát hoàn toàn miền Đông Ukraine.

Trong bài phát biểu khai mạc cuộc họp của Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine, ông Austin cho biết các đồng minh phương Tây vẫn "nỗ lực hành động nhiều hơn nữa” để “giúp Ukraine chống lại cuộc xâm lược của Nga”. Ông nói hiện nay là "thời điểm quan trọng trên chiến trường".

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin chủ trì Hội nghị Nhóm lực lượng Quốc phòng Ukraine tại Brussels ngày 15/6.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin chủ trì Hội nghị Nhóm lực lượng Quốc phòng Ukraine tại Brussels ngày 15/6.

Trong bối cảnh giao tranh đang diễn ra ác liệt ở vùng Donbas, ông Austin cho biết quân đội Ukraine "đã truyền cảm hứng cho tất cả chúng ta và cần tất cả chúng ta cung cấp thêm vũ khí”.

Ông nói quân Nga tiếp tục "oanh tạc bừa bãi vào Ukraine", "đe dọa an ninh châu Âu" và tiếp tục gây nên "sự phẫn nộ của toàn cầu".

Trước khi ông Biden công bố khoản viện trợ quân sự mới nhất, Mỹ và các đồng minh ủng hộ Ukraine đã cung cấp hàng tỉ USD vũ khí và đạn dược để giúp quân đội Ukraine.

Austin nói: "Chúng ta đã làm rất nhiều, nhưng bây giờ cần phải tăng cường sự ủng hộ của chúng ta đối với Ukraine" để chứng minh với Moscow rằng "cường quyền không thể là công lý".

Ông nói: “Chúng ta phải đẩy mạnh những cam kết chung của mình trong việc giúp Ukraine tự vệ; chúng ta phải tự gây áp lực nhiều hơn để đảm bảo rằng Ukraine có thể bảo vệ chính mình, bảo vệ công dân và lãnh thổ của mình”.

Đại tướng Lục quân Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, đã đưa ra đánh giá gay gắt về tình hình chiến trường hiện nay bên lề cuộc họp Brussels. Ông nói với các phóng viên rằng quân đội Ukraine phải chịu tới 300 thương vong mỗi ngày, bao gồm 100 binh sĩ thiệt mạng và từ 100 đến 200 người bị thương.

Chiến sự đang diễn ra ác liệt, Ukraine đang lâm vào thế bất lợi tại thành phố Severodonetsk, Donbass.

Chiến sự đang diễn ra ác liệt, Ukraine đang lâm vào thế bất lợi tại thành phố Severodonetsk, Donbass.

Ông Milley nói: “Đối với Ukraine, đây là một mối đe dọa sống còn. Họ đang chiến đấu vì sự sinh tồn cơ bản của đất nước họ. Vì vậy, khả năng chịu đau đớn, khả năng thương vong của họ, tỷ lệ thuận với những gì họ đang cố gắng đạt được".

Ukraine tiếp tục đốc thúc tăng thêm viện trợ quân sự và chuyển giao nhanh hơn đến mặt trận. Quân đội Ukraine hiện đang ở thế bất lợi trong cuộc chiến khốc liệt giành quyền kiểm soát vùng Donbass.

Hạ nghị sĩ Adam Smith, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ, nói với các thành viên của Defense Writers Group (Nhóm Nhà văn Quốc phòng): "Chúng ta cần phải cung cấp các hệ thống phức tạp hơn, đặc biệt là máy bay không người lái và pháo tầm xa. Trong vấn đề chuyển giao máy bay không người lái cho Ukraine, tôi cho rằng chúng ta đã không đủ nhanh”.

Ông nói: "Với cách chiến đấu hiện nay, tất nhiên Nga có nhiều pháo hơn. Nga hiện có ISR (tình báo, giám sát, trinh sát) tốt hơn. Họ phóng các máy bay không người lái tốt hơn và phát hiện các trận địa pháo của Ukraine. Phía Ukraine không có được khả năng tương tự".

Tuy Nga tuyên bố đã nhắm mục tiêu và tấn công các vũ khí được vận chuyển từ phương Tây tới, ông Smith nói: "Chúng ta vẫn có thể đưa rất nhiều vũ khí vào Ukraine và chúng ta đang thấy chúng được sử dụng trên chiến trường".

Các quan chức Mỹ khác cũng bác bỏ các tuyên bố của Nga. Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ yêu cầu giấu tên để thảo luận về vấn đề nhạy cảm, nói với các phóng viên vào cuối ngày 15/6: "Chúng tôi không thấy nhiều bằng chứng về các tuyên bố của Nga".

Những chiến thắng gần đây của Nga khiến phương Tây lo ngại, nhưng quan chức này đã hạ thấp vấn đề. Ông cũng bày tỏ tin tưởng rằng những viện trợ rất cần thiết cho quân đội Ukraine sẽ đến kịp thời và mang lại "những thay đổi đáng kể".

"Tất cả chúng ta có thể sẽ ở giai đoạn này trong một thời gian. Kết quả của Nga vẫn là tăng lên từ từ", quan chức này cho biết.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg.

Tháng trước, đại diện của gần 50 quốc gia đã tham gia hội nghị truyền hình của Nhóm liên lạc Quốc phòng Ukraine và cam kết cung cấp viện trợ mới. Các quan chức Ukraine đã tham dự cuộc họp lần này tại Brussels và tiếp tục thúc giục các đối tác quốc tế cung cấp thêm vũ khí, bao gồm cả pháo hạng nặng, để giúp Ukraine bắt kịp người Nga.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói với các phóng viên rằng các bộ trưởng quốc phòng từ liên minh NATO đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov vào tối thứ Tư để tìm hiểu về "Ukraine cần những gì khẩn cấp".

Vào lúc các quan chức Ukraine cho rằng viện trợ quân sự là không đủ và không đủ nhanh, ông Stoltenberg nói rằng những nỗ lực đó cần có thời gian, nhưng các nhà lãnh đạo NATO đã nhận thấy tính cấp bách và đang cùng với Ukraine nỗ lực khắc phục những trở ngại.

Cuộc hội nghị này diễn ra trong bối cảnh quân đội Nga đang cố gắng giành toàn quyền kiểm soát thành phố công nghiệp phía đông Severodonetsk. Thành phố này nằm trong vùng Donbass mà Nga đã tuyên bố là tiêu điểm của chiến dịch của Nga ở Ukraine.