Mỹ “hợp tung, liên hoành” lập phòng tuyến chống Trung Quốc

Theo ý đồ của Washington, một phòng tuyến chống Trung Quốc sẽ được xây dựng nên ở tây Thái Bình Dương, trải dài sang cả những vùng biển rộng lớn của Ấn Độ Dương. Hiện có mọi tiền đề để thực hiện việc này. Mỹ đang nỗ lực xây phòng tuyến chống Trung Quốc bằng các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương.
Cụm tác chiến tàu sân bay Mỹ luôn thường trực tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương
Cụm tác chiến tàu sân bay Mỹ luôn thường trực tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương

Sự gia tăng nhanh chóng ức mạnh hải quân của Trung Quốc, các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với nhiều quần đảo ở biển Hoa Đông và Biển Đông, các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm xây dựng các căn cứ ở Ấn Độ Dương buộc Mỹ và các nước ở khu vực Viễn Đông, Đông Nam Á và Nam Á áp dụng các biện pháp tăng cường an ninh của mình.

Theo ý đồ của Washington, một phòng tuyến chống Trung Quốc sẽ được xây dựng nên ở tây Thái Bình Dương, trải dài sang cả những vùng biển rộng lớn của Ấn Độ Dương. Hiện có mọi tiền đề để thực hiện việc này. Chỉ cần nhìn lên bản đồ là có thể thấy rằng, Trung Quốc từ phía các vùng biển tiếp giáp bị bao vây bởi các đảo quốc và quốc gia bán đảo tạo ra một vành đai tự nhiên ngăn chặn các tham vọng của Trung Quốc.

Hải quân Mỹ: Sức mạnh suy giảm

Tại sao lại nói đến một phòng tuyến quốc tế chống Trung Quốc? Tại sao bản thân nước Mỹ không có khả năng thiết lập hàng rào kiềm chế hoạt động của hải quân Trung Quốc? Câu trả lời rất rõ ràng. Washington hiện nay không có đủ cả lực lượng lẫn khả năng để làm việc đó.

Trung Quốc và các quốc gia giáp giới
Trung Quốc và các quốc gia giáp giới

Trong hai thập niên qua, biên chế số lượng của hạm đội Mỹ vì hạn chế ngân sách ngày càng nhỏ lại. Điều đó đặc biệt liên quan đến tàu chiến. Điều đó thể hiện rõ khi giở các sách niên giám The Naval Institute Guide to the Ships and Aircraft of the U.S. Fleet năm 1993-2013 của Norman Polmar. Người ta nói rằng, các tàu cũ sẽ được thay thế bằng các tàu công nghệ cao mới, có tiềm lực tấn công và phòng thủ mạnh hơn. Nhưng ngay cả một hạm tàu công nghệ cao hiện đại nhất cũng không thể cùng lúc có mặt ở hai điểm khác nhau trên chiến trường biển.

Nếu bỏ không tính đến 14 tàu ngầm nguyên tử chiến lược vốn là vũ khí tối hậu, thì trong biên chế của Hải quân Mỹ có 55 tàu ngầm nguyên tử đa năng và tàu ngầm nguyên tử tên lửa, 10 tàu sân bay hạt nhân lớp Nimitz, 22 tàu tuần dương tên lửa lớp Ticonderoga, 62 tàu khu trục tên lửa lớp Arleigh Burke, 13 frigate lớp Oliver Hazard Perry, 4 tàu chiến ven bờ (LCS) và 13 tàu quét lôi lớp Avenger, tổng cộng 179 đơn vị tàu chiến. Thoạt nhìn thì thấy là nhiều, nhưng phân tích kỹ thì thấy sự thiếu hụt rõ ràng về số lượng tàu.

Trong 22 tàu tuần dương lớp Ticonderoga trong năm 2014, có 11 chiếc sẽ bị chuyển sang lực lượng dự bị để tiết kiệm ngân sách. Ngoài ra, không thể không nói đến thâm niên phục vụ của đa số các tàu lớp này đã quá 25 năm và không lâu nữa chúng sẽ bị loại bỏ. Sau năm 2030, dự kiến “các tàu chiến mặt nước tương lai FSC” (Future Surface Combatant) sẽ được nhận vào biên chế.

Dự kiến, chúng sẽ được trang bị pháo ray điện tử, các hệ thống vũ khí năng lượng định hướng, trước hết là vũ khí laser, và các radar công suất mạnh. Đó sẽ là những tàu chiến đắt tiền và chắc chắn sẽ không thể đóng nhiều, nếu như không nói đến là chuyến chưa chắc đã đóng. Nghĩa là các tàu FSC sẽ không thể thay thế các tàu tuần dương lớp Ticonderoga.

Hải quân Trung Quốc đặt hạm đội Mỹ trong tầm ngắm
Hải quân Trung Quốc đặt hạm đội Mỹ trong tầm ngắm

Tất cả các frigate lớp Oliver Hazard Perry còn trong biên chế đều đã bị gỡ vũ khí tên lửa và chúng thực chất đang làm nhiệm vụ tàu tuần tra ngoài khơi (OPV), tức là không phải là tàu chiến đấu. Trong năm 2014 và 2015, chúng sẽ được bán hay chuyển giao cho hải quân các nước khác. Các tàu quét lôi lớp Avenger cũng có tuổi tác khá cao, nhưng thay thế chúng hiện tại thậm chí còn chưa được dự tính.

Các tàu chiến chủ lực của Hải quân Mỹ hiện là 62 tàu khu trục tên lửa lớp Arleigh Burke. Đây là những tàu chiến rất thành công, có khả năng thực hiện rất nhiều nhiệm vụ. Mỹ dự định tăng số lượng các tàu này lên đến 75 chiếc. Nhưng đến khi điều đó xảy ra, tất cả các tàu tuần dương lớp Ticonderoga sẽ bị loại bỏ. Nói cách khác, tổng số các tàu chiến đa nhiệm trong biên chế Hải quân Mỹ sẽ giảm đi 9 chiếc.

Tác dụng của các tàu chiến nước nông LCS của Mỹ mà người ta đã tạo cho nó hình ảnh phóng đại quá lố còn là điều tranh cãi. Tàu USS Freedom (LCS 1) đã được đưa vào biên chế Hải quân Mỹ vào năm 2008, nhưng đến nay nó vẫn chưa thực sự có khả năng chiến đấu. Chuyến đi quảng cáo năm ngoái đến Singapore đã biến thành sự xấu hổ đối với tàu này. Tháng 7/2013, ở gần bờ biển Singapore, USS Freedom đã bị chết máy và phải sửa chữa. Tháng 10, nước tràn qua kẽ nứt trong đường ống nước đã làm ngập gần 1 m phần đáy tàu, còn vài ngày sau thì nước lọt vào hệ thống thủy lực. Tàu lại phải sửa chữa.

Các tàu LCS của Mỹ (ảnh trên) sẽ không thể chống nổi các tàu tên lửa lớp Type 22 của Trung Quốc trang bị mỗi tàu 8 tên lửa chống hạm YJ-83
Các tàu LCS của Mỹ (ảnh trên) sẽ không thể chống nổi các tàu tên lửa lớp Type 22 của Trung Quốc trang bị mỗi tàu 8 tên lửa chống hạm YJ-83

Điều đó cũng có thể nói về tàu ba thân USS Independence (LCS 2) mà Mỹ vẫn không tài nào làm cho nó nên hồn do những vấn đề với ăn mòn và thiết bị điện.

Nhưng vấn đề thậm chí không phải là ở chỗ xảy ra vô số hư hỏng. Trên các tàu đầu tiên xảy ra đủ trục trặc khác nhau. Thậm chí chưa nói đến cái giá cả kinh khủng của LCS (chi phí đóng tàu Freedom là 637 triệu USD, đóng Independence là 704 triệu USD), bản thân khái niệm tàu nước nông cao tốc với cấu trúc vũ khí module cũng chưa vượt qua được kiểm nghiệm thực tế. Người ta dự định nhận vào trang bị module chống thủy lôi trong năm 2014. Nhưng đối với các tàu chống thủy lôi thì tốc độ cao là tối kỵ. Module chống ngầm thì không biết bao giờ sẽ ổn, còn hiệu quả của nó khiến người ta rất nghi ngờ. Module vũ khí chống hạm té ra hoàn toàn bịa đặt.

Để tác chiến chống tàu mặt nước, đúng hơn là tàu nhỏ (xuồng), LCS dự định được trang bị tên lửa Griffin. Chúng có cái tiện là bắn được từ các bệ phóng hệ thống tên lửa phòng không tầm gần RAM mà các tàu LCS được trang bị. Nhưng Griffin chỉ có tầm tiêu diệt mục tiêu có vài kilômet, còn phần chiến đấu có trọng lượng chỉ có 5,9 kg. Tức là nó chỉ có thể tiêu diệt những chiếc xuồng nhỏ ở tầm “một cánh tay”.

LCS té ra lại là những con tàu trần như nhộng, trang bị những thanh kiếm bằng giấy. Khi tàu LCS đụng đầu mặt đối mặt chẳng hạn với tàu tên lửa Type 22 của Trung Quốc với 8 tên lửa chống hạm YJ-83 có tầm bắn đến 95 km và phần chiến đấu 165 kg, có thể mạnh dạn đặt cược 99,9 ăn 0,1 vào chiến thắng của tàu Trung Quốc.

Các máy bay tuần biển P-8A Poseidon của Hải quân Mỹ tại căn cứ không quân Kadena, Nhật Bản
Các máy bay tuần biển P-8A Poseidon của Hải quân Mỹ tại căn cứ không quân Kadena, Nhật Bản

Mới đây, chính quyền Mỹ đã quyết định hạn chế số lượng tàu LCS trong biên chế Hải quân Mỹ ở mức 32 chiếc thay vì 52 chiếc dự kiến trước đó. Lý do nêu ra là do cắt giảm ngân sách. Trên thực tế, việc cắt giảm chương trình đóng tàu LCS là do người ta đã nhận ra một cách muộn màng sự vô dụng của chúng. Và, xét theo tư duy logic, chương trình đóng tàu LCS sẽ phải cắt giảm hơn nữa.

Công ty Bath Iron Works (BIW) đang đóng hoàn thiện tàu khu trục thế hệ mới Zumwalt (DDG 1000). Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel, người từng đến thăm BIW vào ngày 21/11/2013, tàu này sẽ đóng vai trò quan trọng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đây là sự phóng đại quá mức. Zumwalt và 2 tàu khác lớp này dùng chủ yếu để tấn công các mục tiêu bờ và chúng vẫn còn phải chứng minh hiệu quả của mình. Kiểu gì thì chúng cũng sẽ không gây ảnh hưởng lớn đến cán cân sức mạnh ở châu Á-Thái Bình Dương.

Trung Quốc đang hoàn thiện tên lửa đường đạn chống hạm DF-21D có tầm bắn 810 hải lý (1500 km) để tấn công các tàu mặt nước cỡ lớn, còn nay đã bắt tay vào chế tạo tên lửa DF-26 có tầm tiêu diệt mục tiêu trên biển lên đến 3000 km với phần chiến đấu siêu vượt âm. Ngoài ra, theo tạp chí Naval Forces, tàu khu trục Zumwalt có giá 5 tỷ USD có thể dễ dàng trở thành nạn nhân của một quả thủy lôi trị giá 2,5 ngàn USD.

Trong Hải quân Mỹ đang diễn ra việc thay thế các tàu ngầm hạt nhân lớp Los Angeles (hiện có 40 chiếc) bằng các tàu ngầm hạt nhân đa năng lớp Virginia. Khi hoàn thành việc thay thế, nếu tính cả 3 chiếc tàu ngầm hạt nhân lớp Seawolf, trong biên chế Hải quân Mỹ sẽ còn 36 tàu ngầm hạt nhân đa năng. Tức là số lượng tàu giảm đi 15 chiếc. Hiện chưa thấy nói về việc thay thế 4 tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa hành trình vốn được cải hoán từ các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đường đạn lớp Ohio. Tuy nhiên, đây chẳng phải là các tàu ngầm mới.

Không nên quên rằng, hơn một nửa các tàu hiện có trong biên chế đang thực hiện các cuộc hành trình dài từ nơi trực làm nhiệm vụ và trở về, cần phải sửa chữa, còn các thủy thủ đoàn của chúng cần phải nghỉ ngơi. Và mặc dù Washington đã tuyên bố dịch chuyển trọng tâm hoạt động quân sự của mình từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương, sự hiện diện thực tế của tàu chiến Mỹ ở tây Thái Bình Dương sẽ tăng lên không đáng kể.

Sự thiếu hụt tàu chiến Mỹ muốn bù đắp bằng việc tăng cường các cụm tàu sân bay. Tháng 12/2013, tại căn cứ Kadena trên đảo Okinawa, Nhật Bản đã bắt đầu triển khai các máy bay tuần biển tối tân nhất của Hải quân Mỹ là P-8A Poseidon. Chúng được dùng không chỉ để phát hiện và tiêu diệt tàu ngầm, mà cả tấn công tàu nổi bằng tên lửa chống hạm Harpoon.

Hiện nay, Không quân Mỹ đang thử nghiệm các máy bay ném bom chiến lược siêu âm B-1B Lancer với tư cách phương tiện mang tên lửa chống hạm tầm xa LRASM có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở tầm đến 900 km. Tuy nhiên, phía đối địch cũng có những phương tiện hàng không và phòng không có khả năng đối phó với P-8A và B-1B.

Nói một cách khác, các quốc gia ở Viễn Đông, Đông Nam Á và Nam Á sẽ phải chủ yếu dựa vào sức mình để bảo đảm an ninh trong khu vực. Không phải vô lý mà tại khu vực này, trong thập niên gần đây, ta thấy một sự bùng nổ vũ khí chưa từng có. Thậm chí có thể nói đến một cuộc chạy đua vũ trang. Và việc phát triển hải quân được người ta rất chú trọng.

Ta hãy xem việc xây dựng hải quân ở các nước sẽ hợp thành nên phòng tuyến chống Trung Quốc đang được tiến hành ra sao. Ta hãy bắt đầu đi từ bắc xuống nam.


Tàu khu trục chở trực thăng Hyuga của Hải quân Nhật Bản trong cuộc tập trận Mỹ-Nhật
Tàu khu trục chở trực thăng Hyuga của Hải quân Nhật Bản trong cuộc tập trận Mỹ-Nhật

Sườn phía bắc vững chắc đến mức nào?

Hải quân Phòng vệ Nhật Bản

Hải quân Phòng vệ Nhật Bản đương nhiên là một trong những lực lượng hải quân hùng mạnh nhất thế giới. Thậm chí, có thể khẳng định, nếu không tính đến lực lượng hạt nhân chiến lược, Hải quân Nhật về năng lực hiện đứng thứ hai thế giới sau Hải quân Mỹ.

Hải quân Nhật hiện không có các tàu ngầm hạt nhân và tàu sân bay. Mà Nhật hiện cũng chưa cần đến chúng. Hải quân Phòng vệ Nhật thua kém về số lượng so với hải quân Trung Quốc, nhưng các tàu của họ đáp ứng những yêu cầu hiện đại nhất, có chất lượng tuyệt vời và trên các tàu là các thủy thủ được huấn luyện thành thục.

Tàu khu trục Akizuki của Hải quân Phòng vệ Nhật Bản
Tàu khu trục Akizuki của Hải quân Phòng vệ Nhật Bản

“Từ góc độ những con số thuần túy, Nhật Bản thua kém Trung Quốc 10 lần về quân số quân đội, 4 lần về máy bay chiến đấu và 2 lần về tổng trọng tải tàu chiến. Nhưng khi nói đến chất lượng huấn luyện và trình độ công nghệ vốn là các yếu tố then chốt trong chiến tranh hiện đại, thì Nhật dễ dàng vượt xa Trung Quốc”, Trưởng văn phòng đại diện tại Bắc Kinh của tờ báo Mỹ Christian Science Monitor, ông Peter Ford đánh giá. Tuy nhiên, không thể không thừa nhận là khoảng cách chất lượng giữa Hải quân Nhật và hải quân Trung Quốc đang thu hẹp nhanh chóng.

Nòng cốt của hạm đội Nhật là các tàu khu trục (trong biên chế có 41 chiếc, ngoài ra còn 3 tàu huấn luyện mặc dù chúng vẫn duy trì đầy đủ tiềm lực chiến đấu). Đó là các tàu chiến đa năng, có khả năng thực hiện các nhiệm vụ tiến công, chống ngầm và bảo đảm phòng không. Nhưng vai trò nhiệm vụ chống ngầm được chú trọng trước hết. Các tàu khu trục chở trực thăng tối tân lớp Hyuga (2 chiếc) có lượng giãn nước 19.000 tấn và 2 tàu khu trục chở trực thăng đang đóng lớp Izumo có lượng giãn nước 27.000 tấn hoàn toàn dùng cho nhiệm vụ chống ngầm.

Những đồn đoán rằng, chúng là các tàu sân bay “trá hình” hoàn toàn không đúng với thực tế. Mặc dù, dĩ nhiên là nếu tiếp tục phát triển hướng này, Nhật Bản trong tương lai gần sẽ có thể đóng các tàu sân bay thực thụ. Hiện nay, trở ngại cho việc đó là hiến pháp Nhật và lập trường của Mỹ, nơi người ta vẫn nhớ rõ những ký ức về trận oanh kích Trân Châu Cảng. Hiện thời, các chiến dịch tiến công trên biển Nhật Bản giao phó cho Không quân và không quân hải quân triển khai trên mặt đất.

Máy bay tuần biển Kawasaki P-1
Máy bay tuần biển Kawasaki P-1

4 tàu khu trục tên lửa lớp Kongo có lượng giãn nước 9.500 tấn, được trang bị hệ thống chỉ huy chiến đấu Aegis của Mỹ và các tên lửa phòng không có điều khiển SM-3IA, là các tàu phòng thủ tên lửa và có thể chặn thu các tên lửa tầm trung. Còn 2 tàu khu trục trang bị hệ thống Aegis lớp Atago có lượng giãn nước 10.000 tấn, được trang bị các tên lửa phòng không có điều khiển SM-2 và hiện chỉ được dùng làm tàu phòng không.

Tuy nhiên, sắp tới, chúng sẽ được hiện đại hóa, gồm ứng dụng phần mềm mới nhất Aegis 5.1, trang bị mới bằng tên lửa phòng không có điều khiển SM-3IIA có khả năng tiêu diệt tên lửa đường đạn ở các giai đoạn bay khởi tốc, giữa và cuối. Cần lưu ý rằng, các tên lửa SM-3IIA là sản phẩm hợp tác Mỹ-Nhật. Trong dự án này, Nhật Bản đóng vai trò không hề nhỏ.

Mới đây, Tokyo đã quyết định tăng cường lực lượng phòng thủ tên lửa trên biển. Vào năm 2020, dự kiến đưa vào biên chế Hải quân Nhật thêm 2 tàu khu trục trang bị Aegis và tên lửa chống tên lửa. Cũng không được quên là căn cứ hải quân Yokosuka được biên chế 2 tàu tuần dương và 7 tàu khu trục Mỹ. Một số trong các chiến hạm này làm chức năng phòng thủ tên lửa.

Nhật cũng đang đóng các tàu khu trục vạn năng. Tối tân nhất trong số đó là các tàu lớp Akizuki (19DD) có lượng giãn nước toàn tải 6.800 tấn và tốc độ 30 hải lý/h. Chúng được trang bị 8 tên lửa chống hạm nội địa SSM-1B, các tên lửa phòng không có điều khiển tầm trung ESSM để trong các bệ phóng thẳng đứng Mk 41. Trong các bệ phóng này còn bố trí các tên lửa chống ngầm ASROC. Vũ khí chống ngầm còn được tăng cường bằng 2 cụm x 3 ống phóng ngư lôi 324 mm và 2 trực thăng. Vũ khí pháo trên tàu gồm 1 ụ pháo 127 mm Mk 45 Mod. 4 và 2 khẩu pháo tự động 6 nòng 20 mm Phalanx dùng để phòng thủ tầm ngần. Hệ thống chỉ huy chiến đấu ATECS của các tàu khu trục này được mệnh danh là Aegis của Nhật Bản.

Các anten mạng pha khá nhỏ gọn của radar OPS-20C và FCS-3A dùng để phát hiện các mục tiêu mặt nước và mục tiêu bay, cũng như dẫn vũ khí tới các mục tiêu này, được lắp cố định trên phần trên của cấu trúc thượng tầng. Ngày 13/3/2014, Hải quân Nhật nhận vào biên chế tàu khu trục Fuyuzuki, tàu thứ tư và cuối cùng của loạt tàu này. Còn nay, họ đang đóng các tàu khu trục lớp 25DD có lượng giãn nước 5.000 tấn. Tàu đầu tiên trong số đó sẽ được đưa vào hoạt động vào năm 2017. Các tàu này sẽ có nhiệm vụ chuyên biệt chống ngầm.

Nhật cũng đang chuẩn bị đóng “các tàu khu trục có tính cách mạng” DDR Destroyer Revolution. Chưa rõ, “tính cách mạng” của các tàu chiến có lượng giãn nước 5.400 tấn này là gì. Chúng sẽ xuất hiện các triền đà sau năm 2021, còn chức năng chính của chúng là hộ tống các tàu khác.

Dường như các tập đoàn đóng tàu sẽ bắt đầu sớm hơn đáng kể việc lắp ráp các tàu khu trục hộ tống (frigate) 3.000 tấn để thay thế 6 tàu cùng loại lớp Abukuma. Chức năng của chúng là tác chiến chống ngầm và chống tàu mặt nước đối phương.

Tàu ngầm thông thường Hakuryu lớp Sōryū của Hải quân Nhật Bản đang tiến vào bến cảng Trân Châu Cảng
Tàu ngầm thông thường Hakuryu lớp Sōryū của Hải quân Nhật Bản đang tiến vào bến cảng Trân Châu Cảng

Hải quân Nhật hiện có 16 tàu ngầm, 5 trong số đó thuộc lớp Sōryū trang bị động cơ không cần không phí (AIP) và vũ khí tên lửa-ngư lôi. Hiện tại, đây có lẽ là những tàu ngầm thông thường tuyệt đỉnh nhất thế giới. Nhật Bản đang tiếp tục đóng các tàu lớp này. Trong biên chế Hải quân Nhật còn có 2 tàu ngầm huấn luyện. Cũng giống như các tàu khu trục huấn luyện, chúng hoàn toàn có khả năng chiến đấu. Bộ chỉ huy Hải quân Nhật, trước mối đe dọa Trung Quốc, đã quyết định tăng số lượng tàu ngầm trong biên chế lên đến 18 chiếc.

Tập đoàn Kawasaki đang phát triển các máy bay tuần biển Р-1 trang bị động cơ turbine phản lực. Các máy bay này có trọng lượng cất cánh 79.700 kg, tốc độ tối đa 996 km/h, tầm bay 8.000 km và trần bay 13.520 m, mang được 9 tấn bom. Vũ khí trang bị cho các máy bay với các cấu hình khác nhau có thể gồm các tên lửa Harpoon và Maverick, ngư lôi chống ngầm, thủy lôi và bom chìm. Р-1 sẽ thay thế P-3 Orion trong các đơn vị không quân của Hải quân Nhật Bản.

Tàu khu trục tên lửa Sejong Đại Đế của Hải quân Hàn Quốc
Tàu khu trục tên lửa Sejong Đại Đế của Hải quân Hàn Quốc

Hải quân Hàn Quốc

Hải quân Hàn Quốc, quốc gia láng giềng phía đông của Nhật Bản, cũng có tốc độ phát triển rất nhanh. Quá trình này dựa vào ngành đóng tàu nội địa hùng mạnh, đứng thứ hai thế giới (Trung Quốc đứng thứ nhất và Nhật Bản thứ ba). Tại các xưởng đóng tàu hàn Quốc có thể đóng hầu như tất cả các lớp tàu.

Nếu như trong các thập kỷ đầu sau Thế chiến II, Hải quân Hàn Quốc cơ bản hài lòng với các tàu đồ cũ của Mỹ, thì sau khi nước này có sự đột phá kinh tế (GDP đầu người tăng từ 100 USD vào năm 1963 đến hơn 20.000 USD vào năm 2005), Hải quân nước này được trang bị toàn bộ là tàu đóng nội địa. Tuy nhiên, vũ khí thì vẫn hoặc là mua ở nước ngoài hoặc là sản xuất theo giấy phép, còn trong nhiều trường hợp là họ chế tạo các sản phẩm nội địa làm nhái.

Trong biên chế Hải quân Hàn Quốc có 12 tàu khu trục tên lửa (3 chiếc lớp KDX-I có lượng giãn nước 3.900 tấn, 6 chiếc lớp KDX-II có lượng giãn nước 5.520 tấn và 3 chiếc lớp KDX-III). Tiên tiến nhất là các tàu khu trục lớp KDX-III. Tàu đầu tiên lớp này là Sejong Đại Đế gia nhập biên chế vào năm 2008, có lượng giãn nước toàn tải 11.000 tấn, tốc độ tối đa hơn 30 hải lý/h. Sejong Đại Đế và 2 tàu cùng lớp là các tàu khu trục lớn nhất trang bị hệ thống Aegis. Trong 2 ô phóng của bệ phóng thẳng đứng Mk 41 cố trí 80 tên lửa phòng không có điều khiển SM-2 Block IIIB/IV có khả năng bắn hạ máy bay và tên lửa chiến dịch-chiến thuật.

Trong khối K-VLS gồm 48 ngăn phóng là các tên lửa hành trình Hyunmoo III lớp hạm đối đất và các tên lửa chống ngầm K-ASROC Red Shark. Các phương tiện chống ngầm còn có 2 cụm x 3 ống phóng lôi dùng để bắn ngư lôi K745 LW Blue Shark và 2 trực thăng để trong 1 hăng-ga. Để tấn công mục tiêu trên biển, tàu được trang bị 4 bệ phóng x 4 tên lửa chống hạm SSM-700K Hae Seong. Pháo tàu gồm 1 ụ pháo tự động 127 mm Mk 45 Mod. 4 và 1 pháo tự động nhiều nòng 30 mm Goalkeeper. Ngoài ra, tàu còn được trang bị hệ thống tên lửa phòng không RAM dùng để bảo vệ tàu ở tầm gần chống tên lửa chống hạm.

Xét đến mối đe dọa tên lửa gia tăng từ phía CHDCND Triều Tiên, giới lãnh đạo chính trị-quân sự Hàn Quốc đã quyết định tăng cường bộ phận triển khai trên biển của hệ thống phòng thủ tên lửa nước này. Tuy vậy, giá cả đắt của các tàu khu trục lớp KDX-III (923 triệu USD/chiếc chưa tính vũ khí) đã buộc họ phải tìm các phương án thay thế khác.

Thế là xuất hiện thiết kế KDX-IIА dựa trên các tàu KDX-II, nhưng với hệ thống Aegis, mặc dù là ở dạng đơn giản hóa đi một chút. Cuối cùng, họ đã quay về với thiết kế KDX-III. Hàn Quốc sẽ chi 3,8 tỷ USD cho việc đóng 3 tàu khu trục lớp này. Nhưng xem ra họ cũng không quên các tàu lớp KDX-IIА. Việc tăng cường thêm các tàu này cho hạm đội Hàn Quốc cũng không thể loại trừ.

Frigate Incheon của Hải quân Hàn Quốc
Frigate Incheon của Hải quân Hàn Quốc

Các frigate lớp Incheon (chương trình FFX) có lượng giãn nước đầy đủ 3.250 tấn và tốc độ tối đa 32 hải lý/h đang thay thế các frigate lạc hậu lớp Ulsan và các tàu corvette lớp Pohang (tổng cộng 20 chiếc). Đến năm 2020, dự kiến đưa vào biên chế gần 20 tàu lớp này. Chúng dùng để thực hiện các nhiệm vụ tiến công và chống ngầm. Vũ khí của các frigate này gồm 2 bệ phóng x 4 tên lửa chống hạm Hae Seong, 1 hệ thống tên lửa phòng không tầm gần RAM, 1 ụ pháo 127 mm Mk 45 Mod. 4, 1 pháo tự động 6 nòng 20 mm Phalanx, 2 cụm x 3 ống phòng lôi 324 mm và 2 trực thăng.

Cuối năm 2013, công ty Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering (DSME) đã nhận được đơn hàng đóng thân tàu FFX thứ 6, mở ra loạt thứ hai gồm 8 chiếc. Các tàu này có chiều dài lớn hơn một chút, nên cho phép lắp đặt các bệ phóng thẳng đứng của hệ thống tên lửa phòng không Sea Sparrow. Tức là khả năng phòng không của các frigate này sẽ gia tăng.

Hàn Quốc đang đóng ồ ạt các xuồng tên lửa cỡ lớn lớp Gumdoksuri (PKG) có lượng giãn nước 450 tấn và tốc độ 40 hải lý/h. Hơn một tá các xuồng tên lửa này đã được nhận vào biên chế. Tổng cộng đã đặt hàng 40 chiếc. Các tàu này được trang bị 4 tên lửa chống hạm Hae Seong, ụ pháo 76 mm và 1 ụ pháo 2 nòng 40 mm. Sau khi đưa các tàu này vào biên chế, tiềm lực tiến công của Hải quân hàn Quốc ở vùng duyên hải sẽ tăng mạnh.

Phát triển đặc biệt bùng nổ là lực lượng tàu ngầm Hàn Quốc. Lực lượng này bắt đầu được xây dựng vào năm 1989, khi tại xưởng đóng tàu HDW ở Köln (Đức) đã khởi đóng tàu ngầm Chang Bogo lớp Type 209/1200. Thân tàu thứ hai được đóng ở Hàn Quốc, tại xưởng đóng tàu của hãng DSME. Hạm đội Hàn Quốc đã nhận được tổng cộng 9 tàu lớp này. Hiện nay, tại hãng này và tại Hyundai Heavy Industries đang lắp ráp 9 tàu ngầm thông thường lớp Type 214/1700 (KSS-2) theo giấy phép của Đức, 3 trong số này đã có mặt trong biên chế.

Hàn Quốc ngày nay không chỉ đóng tàu ngầm cho hạm đội của mình mà còn đã bắt đầu xuất khẩu tàu ngầm. Họ sẽ sản xuất các bộ phận kết cấu tàu ngầm lớp Type 209 để sau đó lắp ráp ở Indonesia.

Sau khi làm chủ công nghệ sản xuất tàu ngầm theo các thiết kế của Đức, Hàn Quốc đã bắt tay vào nghiên cứu chế tạo các tàu ngầm của mình. Các hãng DSME và Hyundai Heavy Industries đang phát triển thiết kế tàu ngầm KSS-3. Tàu này được trang bị hệ thống động cơ không cần không khí, có lượng giãn nước gần 3.000 tấn. Ngoài ngư lôi, tên lửa chống hạm và thủy lôi, tàu còn được trang bị các tên lửa hành trình Cheonryong để tấn công mục tiêu mặt đất ở tầm đến 500 km.

Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đang tiến hành gần như liên tục các cuộc tập trận song phương và ba bên ở các vùng biển Viễn Đông. Cuộc tập trận này chưa kịp kết thúc, cuộc tập trận khác đã bắt đầu. Họ làm thế để rèn dũa khả năng phối hợp, hiệp đồng chiến đấu. Từ ngày 24/2 đến 6/3/2014, đã diễn ra cuộc tập trận Key Resolve 2014 của Hạm đội 7 Mỹ và Hải quân Hàn Quốc với sự tham gia của 6.300 thủy binh hai nước.

Sau đó từ ngày 21-26/3, tại khu vực đảo Guam đã diễn ra cuộc tập trận Mỹ-Nhật Multi-Sail 14 có bắn pháo, tên lửa từ các tàu tham gia tập trận. Còn ngày 27/3, ở phía nam Seoul đã bắt đầu cuộc tập trận mới mật danh Ssang Yong diễn ra đến ngày 7/4. Trong cuộc tập trận này có khoa mục đổ bộ 7.500 lính thủy đánh bộ Mỹ và 3.500 lính Hàn Quốc từ 12 tàu đổ bộ.

Những điều nói trên không có nghĩa là cánh bắc của chiến lũy chống Trung Quốc là tuyệt đối vững chắc. Vấn đề là ở chỗ quan hệ giữa người Hàn và người Nhật về mặt lịch sử nói nhẹ ra cũng là thù địch. Giữa hai nước còn có tranh chấp lãnh thổ nữa. Không phải tình cờ mà tàu sân bay trực thăng Dokdo, con tàu lớn nhất trong Hải quân Hàn Quốc mang cái tên của hòn đảo nhỏ Dokdo mà Nhật Bản cũng đòi chủ quyền. Bởi vậy, sẽ là thiếu thận trọng nếu nói về sự thống nhất hoàn toàn “giữa các đồng minh”.

Hải quân Đài Loan

Trong nhiều năm, điểm tựa chính của Mỹ ở Viễn Đông là Đài Loan. Hòn đảo nổi loạn này là bộ máy phát động các vụ khiêu khích chống Trung Quốc. Dĩ nhiên là Bắc Kinh đã tuyên bố sẵn sàng kết liễu hang ổ chủ nghĩa đế quốc Mỹ trên đất đai của mình. Nhưng thời gian đã trôi đi. Washington đã buộc phải thừa nhận Đài Loan là một bộ phận của Trung Quốc, nhưng vẫn bảo lưu quyền hậu thuẫn chính trị và quân sự cho Đài Bắc.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc, về phần mình, thì đã thề thu hồi Đài Loan vào tay. Đôi khi, ngay cả nay cũng có thể nghe thấy những lời hô hào như thế. Tuy vậy, quan hệ giữa Bắc Kinh và Đài Bắc đang dần trở nên nếu không phải là hữu nghị thì cũng không còn là thù địch. Đài Loan đối với Trung Quốc là một đối tác kinh tế quan trọng, một nguồn cung cấp công nghệ tiên tiến và… thông tin tình báo.

Hòn đảo tự trị này liên tục rung chuyển bởi các vụ bê bối gián điệp. Vào đầu tháng 1/2014, một cựu sĩ quan không quân, trung tá Yuan Hsiao-feng đã bị kết án tù chung thân vì làm gián điệp cho Trung Quốc. Một kẻ đồng lõa của y nhận án 20 năm tù. Ngày 21/2, cựu sĩ quan hải quân Chien Ching-kuo và Lu Chun-chun, người từng phục vụ tại một trung tâm chỉ huy tên lửa của Đài Loan đã bị kết án 10 tháng tù vì tiếp tay cho Trung Quốc thiết lập một lưới gián điệp tại hòn đảo này. Còn vào tháng 9/2013, một cựu phó đô đốc mà vì lý do tế nhị đã không được nêu tên đã bị tạm giam 14 tháng.

Tên lửa chống hạm Hùng Phong III (Hsiung Feng III) trong một cuộc duyệt binh ở Đài Bắc
Tên lửa chống hạm Hùng Phong III (Hsiung Feng III) trong một cuộc duyệt binh ở Đài Bắc

Năm 2012, Bộ Quốc phòng Đài Loan đã khởi tố vụ án lấy cắp từ một trong các xuồng tên lửa tối tân lớp Kuang Hua 6 một máy tính xách tay có chứa các thông tin tuyệt mật về hoạt động của hệ thống thông tin liên lạc. Bản thân xuồng tên lửa này lúc đó đang được bảo vệ cẩn mật tại căn cứ chính Tả Doanh (Zuoying) của hải quân Đài Loan. “Nếu máy tính xách tay này mà lọt vào tay Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ có được mật mã liên lạc của toàn bộ hải quân Đài Loan, cũng như dữ liệu về vũ khí trang bị tên lửa của hải quân Đài Loan”, báo chí Đài Loan đưa tin. Tuy nhiên, cả máy tính lẫn kẻ cắp đều không tìm thấy.

Ngay sau đó lại xảy ra vụ mất cắp khác. Trong quá trình kiểm kê tài sản của một số xuồng tên lửa lớp Hải Âu (Hai Ou) bị giải nhiệm mà thay cho chúng chính là các xuồng tên lửa lớp Kuang Hua VI, đã phát hiện mất các bản đồ mật. Tờ báo United Daily News (Đài Loan) dẫn một nguồn giấu tên trong bộ quốc phòng Đài Loan đã cho hay, các bản đồ mất tích có chứa các thông tin về việc triển khai các hạm tàu của hải quân Đài Loan trong trường hợp nổ ra chiến tranh. “Nếu như chúng lọt vào tay kẻ thù, thì hạm đội của chúng ta đơn giản sẽ lâm vào cảnh trần trụi và tay không trước cuộc tấn công của đối phương”.

Rõ ràng là căn cứ vào bối cảnh đó, Mỹ không sẵn lòng chuyển giao hay bán cho Đài Loan vũ khí trang bị hiện đại mà chỉ dừng ở việc cung cấp các vũ khí đồ cũ hay các mẫu đã rất quen thuộc trên thị trường. Ví dụ, Mỹ đã định bán cho Đài Loan 4 frigate lớp Oliver Hazard Perry. Tuy nhiên, Đài Bắc đã quyết định mua với giá 187 triệu USD chỉ 2 tàu này vì các tàu này đã khá cũ nát.

Nhưng không thể nói rằng, Mỹ đã phó mặc đồng minh của mình cho số phận. Tổng giá trị các hợp đồng vũ khí Mỹ cam kết với Đài Loan là khá lớn - 7,6 tỷ USD. Trong đó có 12 máy bay tuần tra cải tiến P-3C Orion và các tên lửa chống hạm phóng từ tàu ngầm Harpoon Block II có tầm bắn đến 125 km.

Frigate Cheng De lớp Kuang Hua II của hải quân Đài Loan
Frigate Cheng De lớp Kuang Hua II của hải quân Đài Loan

Và dẫu sao thì Đài Loan cũng đang chuyển sang thế tự cung tự cấp. Đài Loan hiện có công nghiệp quốc phòng khá phát triển, trong đó có công nghiệp đóng tàu. Trong biên chế hải quân có 8 frigate lớp Chi Yang (Kuang Hua 1) đóng năm 1990-2004 tại các xưởng đóng tàu của công ty nội địa China Shipbuilding Corporation. Chúng được đóng trên cơ sở frigate Mỹ Oliver Hazard Perry, nhưng có vũ khí tiến công mạnh hơn. Ban đầu, chúng mang 8 tên lửa chống hạm dưới âm Hsiung Feng II (Hùng Phong II) với tầm bắn đến 160 km. Nay chúng đang được trang bị lại bằng tên lửa chống hạm siêu âm (tốc độ 2М) Hsiung Feng III với tầm bắn 130 km (theo các nguồn khác là 300 km).

Hạm đội Đài Loan còn có 6 frigate khá hiện đại lớp Kuang Hua 2 đóng tại Pháp vào nửa cuối những năm 1990 có sử dụng các công nghệ của frigate tàng hình lớp La Fayette. Nay chúng cũng đang được trang bị lại bằng tên lửa chống hạm Hsiung Feng III. Điểm yếu của các tàu này là thiếu phương tiện phòng không mà nòng cốt là một bệ phóng tên lửa phòng không Sea Chaparral với cơ số 16 tên lửa phòng không có điều khiển tầm ngắn. Các tên lửa này đã bị Mỹ loại khỏi trang bị từ lâu.

Họ còn có số lượng lớn các tàu cũ do Mỹ đóng, trong đó có 4 tàu khu trục tên lửa lớp Kidd. Chúng được Mỹ đóng vào cuối những năm 1970-đầu những năm 1980 cho Hải quân Iran thời quốc vương Pahlevi. Sau cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979, các tàu này được giao cho Hải quân Mỹ, còn vào năm 2005-2006, được bán với giá 800 triệu USD cho Đài Loan khiến Bắc Kinh cực kỳ tức tối. Thời đó, đây là các tàu khá hiện đại, nhưng 10 năm sau, chúng đã lạc hậu mặc dù vẫn mang kho vũ khí khá mạnh (2 bệ phóng kép kiểu thanh đỡ cho tên lửa phòng không có điều khiển SM-2MR, 2 bệ phóng x 4 tên lửa chống hạm Harpoon, 2 ụ pháo 127 mm, 2 pháo tự động 6 nòng phòng thủ tầm gần Phalanx, 2 x 3 ống phóng lôi chống ngầm và 1 trực thăng).

Ngoài các tàu khu trục lớp Kidd, hải quân Đài Loan còn có các frigate Mỹ cổ lỗ hơn lớp Knox. Vũ khí của chúng được tăng cường bằng cách lắp thêm 10 tên lửa phòng không có điều khiển SM-1 và 4 tên lửa chống hạm Harpoon, nhưng chúng cần phải thay thế vì đã sử dụng hơn 40 năm. Để làm việc này, tại các xưởng đóng tàu nội địa, Đài Loan dự định đóng 6 frigate lớp Kuang Hua 8 trang bị tên lửa chống hạm Hsiung Feng III.

Quá trình trang bị lại các lực lượng ven bờ của hải quân Đài Loan đang diễn ra rất nhanh. Thay thế cho 50 xuồng tên lửa lỗi thời lớp Hải Âu (biến thể của xuồng tên lửa Dvora của Israel) có lượng giãn nước 50 tấn, Đài Loan đã đóng xong 34 xuồng tên lửa lớp Kuang Hua VI cỡ 150 tấn, trang bị 4 tên lửa chống hạm Hsiung Feng II. Còn trong tháng 3/2014, đã diễn ra lễ tiếp nhận vào biên chế tốc hạm tấn công ba thân 500 tấn Tuao River – tàu đầu tiên của lớp Hsun Hai.

Dự định đóng tổng cộng 12 tàu này. Chúng sẽ được trang bị 8 tên lửa chống hạm Hsiung Feng II và 8 quả Hsiung Feng III, cũng như 1 pháo tự động 76 mm và 1 pháo tự động phòng thủ tầm gần 20 mm Phalanx. Các tàu ba thân này được mệnh danh là “sát thủ tàu sân bay” và “sự đáp trả của Đài Loan” đối với việc Trung Quốc đóng tàu sân bay. Vũ khí tên lửa uy lực mạnh của các tàu này quả thực có khả năng đánh đắm tàu sân bay.

Xuồng tên lửa lớp Kuang Hua VI của Đài Loan
Xuồng tên lửa lớp Kuang Hua VI của Đài Loan

Nhưng trang bị thêm cho hạm đội các tàu ngầm mới thì Đài Loan không tài nào làm được. Hiện họ có trong biên chế 2 tàu ngầm lớp Hải Long (biến thể của tàu ngầm lớp Zwaardvis của Hà Lan) mà Hà lan đóng vào năm 1987-1988, và 2 tàu ngầm Mỹ lớp Tench thời Thế chiến II hiện dùng làm tàu huấn luyện và để tập luyện lực lượng chống ngầm.

Đầu những năm 2000, Tổng thống George Bush con đã cam kết bán cho Đài Bắc 8 tàu ngầm thông thường mới. Nhưng Mỹ từ lâu đã không còn công nghệ đóng tàu ngầm thông thường (tàu điện-diesel cuối cùng Mỹ đóng xong vào năm 1959). Khi họ tính chi phí để khôi phục các công nghệ này thì hóa ra mỗi tàu ngầm sẽ trị giá khoảng 1 tỷ USD, tức là gần tương đương một tàu ngầm nguyên tử.

Hiện nay, theo các nguồn tin nước ngoài, Đài Loan đang thiết kế tàu ngầm thông thường. Rõ ràng là các chuyên gia Tây Âu đang giúp Đài Bắc trong công việc này. Đài Loan dự kiến đóng 8 tàu ngầm nội địa, nhưng bao giờ điều này xảy ra thì không rõ.

Tóm lại, có thể khẳng định rằng, Đài Loan có lực lượng hải quân tương đối lớn. Nhưng chúng đương nhiên thua kém hải quân Trung Quốc. Và nếu như Bắc Kinh muốn thì họ sẽ có thể quét sạch hòn đảo bướng bỉnh. Nhưng hiện nay, ít có khả năng Bắc Kinh có ý định đó.

(còn nữa)

Theo VND