Pháo tự hành Ukraine ở vùng Kharkov, ngày 5/8/2024 (Ảnh: Getty) |
Washington sẽ gửi cho Kiev thêm tên lửa và đạn dược trị giá 125 triệu USD, Lầu Năm Góc tuyên bố khi giao tranh ác liệt vẫn tiếp diễn ở Vùng Kursk của Nga.
Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 9/8 lưu ý rằng đây là đợt viện trợ lần thứ 63 được cung cấp cho Ukraine kể từ tháng 8/2021 – 6 tháng trước khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự.
Để giúp Kiev đáp ứng “các nhu cầu quan trọng về an ninh và quốc phòng”, Mỹ sẽ gửi tên lửa phòng không Stinger; đạn dược cho hệ thống pháo cơ động cao HIMARS; đạn cho pháo 155mm và 105mm; tên lửa chống tăng Javelin, AT-4 và TOW; đạn dược dành vũ khí nhỏ và vật liệu nổ, Lầu Năm Góc cho biết trong một tuyên bố.
Gói này cũng bao gồm radar đa nhiệm, xe cứu thương Humvee, phụ tùng thay thế, dịch vụ, đào tạo và vận chuyển.
Lô viện trợ quân sự trước đó của Washington trị giá 1,7 tỉ USD đã được gửi vào cuối tháng 7. Theo số liệu riêng của Lầu Năm Góc, Mỹ đã gửi hơn 56,2 tỉ USD viện trợ quân sự cho Ukraine kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức vào tháng 1/2021.
Đầu tuần này, Ukraine đã gửi một số tiểu đoàn quân tới Vùng Kursk của Nga. Moscow cáo buộc những kẻ xâm lược nhắm mục tiêu bừa bãi vào dân thường bằng pháo binh, vũ khí nhỏ và các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái. Hôm 9/8, máy bay không người lái của Ukraine đã nhắm mục tiêu vào nhà máy điện hạt nhân Kursk ở Kurchatov, cắt nguồn cung cấp điện cho thị trấn trong thời gian ngắn.
“Chúng tôi không cảm thấy đây là một sự leo thang dưới bất kỳ hình thức nào”, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Sabrina Singh nói với các phóng viên hôm thứ 8/8 khi được hỏi về viện trợ quân sự của Mỹ cho Kiev.
Theo bà Singh, mọi điều Ukraine làm đều là tự vệ chính đáng trước “cuộc xâm lược” của Nga, trong khi Nga luôn có thể giảm căng thẳng bằng cách rút lui.
Giới lãnh đạo Ukraine cho biết mục tiêu chính của chiến dịch Kursk là gây ra “nỗi sợ hãi” trong lòng người dân Nga. Theo truyền thông Ukraine và Nga, một trong những đơn vị tham gia chiến dịch này được đặt tên là “Nachtigall” theo tên đơn vị phụ trợ khét tiếng của Đức Quốc xã trong Thế chiến II do Roman Shukhevych chỉ huy.
Theo chính quyền Nga, ít nhất 5 thường dân đã thiệt mạng và 21 người bị thương - trong đó có 6 trẻ em - do các cuộc tấn công của Ukraine. Bộ Quốc phòng Moscow cho biết quân xâm lược đã mất gần 1.000 quân và hơn 100 xe bọc thép tính đến ngày 9/8.
Chiến sự tiếp diễn ở Kursk
"Các lực lượng Ukraine được cho là có mặt ở các khu vực cách biên giới quốc tế tới 35km", Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ cho biết trong đánh giá hàng ngày dựa trên các video và hình ảnh được định vị địa lý về cuộc đột kích của quân đội Ukraine vào vùng Kursk của Nga.
Tuy nhiên, ISW khẳng định quân đội Ukraine không thể kiểm soát hoàn toàn khu vực đó.
Nga và Ukraine đều chưa bình luận về đà tiến của quân đội Ukraine ở Kursk. Tuy nhiên, hôm 9/8, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, quân đội nước này đã tấn công các vị trí của Ukraine ở phía tây Sudzha, thành phố cách biên giới chung khoảng 8km và dường như là trọng tâm trong chiến dịch đột kích của Kiev.
Một số hãng truyền thông Nga đăng tải video dường như cho thấy một bộ phận người dân ở Sudzha đề nghị Tổng thống Nga Vladimir Putin giúp đỡ vì nhiều người không thể sơ tán.
"Chỉ trong vòng vài giờ, thành phố của chúng tôi đã biến thành đống đổ nát… Người thân của chúng tôi bị bỏ lại phía sau, chúng tôi không thể gọi điện cho họ, không có liên lạc gì. Xin hãy giúp chúng tôi lấy lại đất của mình", một người dân nói trong video. Đoạn video chưa được xác thực.
Theo AFP, Nga đã sơ tán hàng nghìn người khỏi khu vực biên giới sau cuộc đột kích của Ukraine. Nga bố trí thêm chuyến tàu từ Kursk đến Moscow.
Tại ga tàu ở Moscow, một phụ nữ đến từ Kursk chia sẻ: "Xung đột đã lan đến nên tất cả họ hàng của chúng tôi đều đã đến Moscow".