Mỹ giáng đòn chống Nga, Ấn Độ "chịu trận" vạ lây

VietTimes -- Ấn Độ cho rằng, các biện pháp trừng phạt của Washington chống lai Matxcơva phá hoại an ninh của đất nước. Tỷ trọng của New Delhi trong tổng lượng xuất khẩu vũ khí của Nga chiếm hơn một phần ba. Và các biện pháp trừng phạt của Mỹ ngăn chặn không chỉ việc mua vũ khí mới, mà còn việc bảo quản, bảo dưỡng kho vũ khí hiện có.
Tàu sân bay của hải quân Ấn Độ và nhiều vũ khí, trang bị của nước này có nguồn gốc từ Nga
Tàu sân bay của hải quân Ấn Độ và nhiều vũ khí, trang bị của nước này có nguồn gốc từ Nga

Matxcơva và New Delhi là hai nước đồng minh lâu năm, trong suốt nhiều thập kỷ Nga đã giúp Ận Độ đảm bảo khả năng quốc phòng. Đặc biệt, điều kiện thanh toán cũng như tất cả các điều kiện khác trong các hợp đồng luôn thuận tiện cho Ấn Độ, chuyên gia Ankur Gupta, phó chủ tịch công ty Ấn Độ chuyên sản xuất động cơ trực thăng nhấn mạnh.

"Tàu ngầm hạt nhân INS Chakra, tàu ngầm lớp Kilo, tên lửa hành trình BrahMos, các máy bay tiêm kích MiG và Su, các máy bay vận tải IL thế hệ khác nhau, xe tăng T-76 và T-78, tàu sân bay Vikramaditya, Ấn Độ đã nhận các thiết bị quân sự này từ Liên Xô trong thời gian Chiến tranh Lạnh và sau đó từ Nga. Vũ khí này không thể mua được ở những nước khác, kể cả khi bạn có rất nhiều tiền! Hơn nữa, các loại vũ khí hiện đại đang được sản xuất tại Ấn Độ theo giấy phép của Nga", ông Laxman Kumar Behera, một học giả tại Viện Phân tích và Nghiên cứu Quốc phòng New Delhi cho biết.

 INS Chakra
Tàu ngầm INS Chakra của Ấn Độ

Và bây giờ sự hợp tác kinh doanh hiệu quả đang bị đe dọa. Vào đầu tháng 4, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới chống Nga. Theo lệnh trừng phạt mới của Washington, New Delhi không thể ký kết với Matxcơva những hợp đồng mới trong lĩnh vực quốc phòng, cũng như sử dụng bất kỳ kênh thanh toán để thực hiện giao dịch theo các hợp đồng trước đó.

"Do đó Ấn Độ bị đặt vào tình huống rất khó khăn: Chúng tôi không thể hoàn thành các cuộc đàm phán với Nga và không thể thực hiện đầy đủ các cam kết của mình. Các thỏa thuận quan trọng nhất về cung cấp hệ thống tên lửa phòng không  S-400 và thuê chiếc tàu ngầm hạt nhân thứ hai đã rơi vào tình trạng lơ lửng", chuyên gia Ankur Gupta nói.

S-400
Ấn Độ muốn mua tên lửa S-400 của Nga
Ngoài ra, các biện pháp trừng phạt của Mỹ gây khó khăn cho xuất khẩu tàu khu trục và máy bay trực thăng của Nga đến Ấn Độ, và sẽ ảnh hưởng đến tất cả các doanh nghiệp liên doanh Ấn-Nga trong lĩnh vực quốc phòng — cả các doanh nghiệp đang hoạt động và đang lên kế hoạch. Theo lệnh trừng phạt mới, Ấn Độ có thể bị cấm mua từ Nga những phụ tùng, linh kiện, nguyên liệu. Nghĩa là tất cả những gì cần thiết cho việc sản xuất và bảo trì các sản phẩm được cấp phép, chuyên gia Laxman Kumar Behera giải thích thêm.  

Chính phủ Ấn Độ rõ ràng không hài lòng và lo ngại về triển vọng như vậy, các phương tiện truyền thông địa phương đưa tin.

"Một mặt, Mỹ muốn để Ấn Độ vẫn là một đối tác chiến lược gần gũi nhất của họ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương để đối đầu với Trung Quốc. Mặt khác, các biện pháp trừng phạt của họ có thể ngăn cản hợp đồng mua các hệ thống tên lửa S-400 từ Nga, cũng như các hợp  đồng mua thêm tàu khu trục, tàu ngầm và máy bay trực thăng",  tờ Times of India trích dẫn ý kiến của chuyên gia Ấn Độ.

Tất nhiên, Washington sẵn sàng thay thế Matxcơva trên tư cách nhà cung cấp vũ khí cho các nước ở Đông Nam Á, nhưng, xét theo mọi việc, các quốc gia đó không tỏ ý sẵn sàng làm như vậy. Hầu hết các quốc gia rất quan tâm đến việc củng cố quốc phòng, vì thế họ muốn đa dạng hóa nguồn cung vũ khí theo quy tắc đơn giản và khôn ngoan "không đặt tất cả trứng vào một giỏ". Không ai muốn để Washington đóng vai trò nhà cung cấp độc quyền.

Theo chuyên gia Nga Alexei Kupriyanov từ Viện Kinh tế Quốc tế và Quan hệ Quốc tế (IMEMO), Mỹ nên thông qua quyết định mang tính nguyên tắc: Phải làm thế nào để giảm rủi ro phát sinh từ các biện pháp trừng phạt đang tác động đến các đối tác chiến lược của họ, ví dụ như Ấn Độ hay Indonesia. "Nhiều khả năng, họ sẽ đưa những sửa đổi vào luật "Về chống đối thủ của Mỹ qua biện pháp trừng phạt" (CAATSA) mà Quốc hội Mỹ đã thông qua. Washington phải thực hiện bước đi này, bởi vì việc tăng áp lực lên Ấn Độ có thể khiến nước này thay đổi thứ tự các ưu tiên trong chính sách đối ngoại", chuyên gia nhận xét.

Ông chủ Lầu Năm Góc James Mattis đã hướng tới Quốc hội Mỹ kêu gọi giảm nhẹ lệnh trừng phạt đối với một số quốc gia, trong đó có Ấn Độ.

Phải làm cho sự hợp tác kỹ thuật-quân sự thoát vòng trừng phạt từ phía Mỹ, điều này là hết sức quan trọng đối với Ấn Độ và Nga. Tại cuộc gặp sắp tới trên diễn đàn kinh doanh Sochi, Tổng thống Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ thảo luận vấn đề này. Đây là ý kiến của nhà bình luận chính trị và chuyên gia về Nam Á Chandra Prakash Singh.
Cần phải chú ý đến việc, hiện nay mối quan hệ giữa Matxcơva và New Delhi hoàn toàn khác so với thời Liên Xô cũ. "Nếu trước đây quan hệ Nga-Ấn là mối quan hệ giữa siêu cường với một nước đang phát triển, thì ngày nay đây là sự đối tác bình đẳng giữa hai thế lực quan trọng trên trường quốc tế", Tiến sĩ Singh nhấn mạnh. Ông tin chắc rằng, những vấn đề hiện tại có thể được khắc phục nếu Nga không chỉ tiếp tục cung cấp sản phẩm quân sự cho Ấn Độ, mà còn chuyển giao cho Ấn Độ những công nghệ trong lĩnh vực quốc phòng. Tức là sẽ làm những gì mà Mỹ thấy khó chịu.

"Đồng thời, Ấn Độ không muốn gây nguy hiểm cho mối quan hệ với Mỹ, vì New Delhi đang đàm phán với Washington về việc cung cấp thiết bị quân sự công nghệ cao. Chẳng hạn, máy bay không người lái.  Vì vậy New Delhi phải tìm cách duy trì sự cân bằng", ông Ankur Gupta nói.