Mỹ gia nhập CPTPP: Viễn cảnh ngày càng tới gần

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Việc gia nhập CPTPP có thể giúp Mỹ tăng cường chiến lược của họ đối với Trung Quốc.
Ông Trump ra quyết định rút Mỹ khỏi TPP vào tháng 1/2017 (Ảnh: Getty)
Ông Trump ra quyết định rút Mỹ khỏi TPP vào tháng 1/2017 (Ảnh: Getty)

Wendy Cutler, Phó Viện trưởng Viện Chính sách Xã hội châu Á, cựu quyền Phó Đại diện Thương mại Mỹ, đã đưa ra nhận định trên trong một bài viết đăng tải trên trang Nikkei Asian Review ngày 30/9.

Vào trung tuần tháng 9, Bộ trưởng Thương mại Anh Liz Truss đã gặp gỡ 11 đại diện các nước thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để thảo luận về khả năng Anh gia nhập.

London đã mô tả cuộc gặp lúc đó như “một bước tiến lớn tiến tới việc gia nhập” thỏa thuận thương mại khu vực này, và Anh dường như đang muốn trở thành quốc gia đầu tiên làm như vậy. Liệu Mỹ nước Mỹ - hoặc dưới thời Tổng thống Joe Biden hoặc nhiệm kỳ hai của Tổng thống Donald Trump – có thể tiếp bước Anh?

Nếu Mỹ tìm cách tham gia thỏa thuận thương mại này, họ sẽ chính thức đảo ngược chính sách trước kia. Sau cùng, vào năm 2016, cả 2 ứng viên Tổng thống đều chỉ trích Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tiền thân của CPTPP. Tổng thống Trump sau đó còn có bước đi xa hơn khi rút Mỹ khỏi TPP ngay khi nhậm chức, cho rằng các thỏa thuận thương mại xong phương mới là hướng đi đúng.

Thế nhưng, việc Mỹ tham gia vào CPTPP trong bối cảnh hiện tại lại có sức thuyết phục hơn bao giờ hết.

Việc gia nhập CPTPP sẽ là một con đường chắc chắn để thắt chặt quan hệ kinh tế và chiến lược với châu Á, khu vực đã trở thành động cơ tăng trưởng của toàn cầu và dự kiến sẽ chiếm tới 50% kinh tế toàn cầu vào năm 2040. Đại dịch COVID-19 không chỉ thúc đẩy xu hướng này, khi mà Đông Á đã phục hồi trở nhanh hơn nhiều so với phần còn lại của thế giới.

Cuộc khủng hoảng do COVID-19 cũng làm bộc lộ những điểm yếu trong mạng lưới chuỗi cung ứng cho các lĩnh vực chiến lược và quan trọng: từ trang thiết bị y tế cho tới chất bán dẫn. Do việc dịch chuyển các chuỗi cung ứng còn chưa khả thi, nên việc thiết lập các chuỗi cung ứng với các đối tác đáng tin cậy là điều quan trọng để duy trì sự phục hồi của các mạng lưới cung ứng.

CPTPP, trong đó đặt ra các quy định và tiêu chuẩn chung trong vận chuyển hàng hóa và dịch vụ giữa các nước thành viên, có thể đóng vai trò nền tảng cho các chuỗi cung ứng đáng tin cậy trong khu vực.

Cuối cùng, việc tham gia CPTPP sẽ đóng vài trò quan trọng đối với chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc. Chính quyền Tổng thống Trump hiện nay vẫn đi theo con đường đơn độc, như đơn phương áp đặt hàng rào thuế quan và đàm phán song phương, nhưng cách tiếp cận này không mấy hiệu quả trong việc hạn chế các hoạt động thương mại không công bằng của Trung Quốc.

Gia nhập CPTPP sẽ tạo cho Washington cơ hội để làm việc với các quốc gia có chung chí hướng nhằm thúc đẩy một mô hình kinh tế thay thế khác với mô hình của Bắc Kinh.

Mặc dù cả ông Biden lẫn ông Trump đều không nói về việc gia nhập CPTPP, nhưng đều thể hiện sự ủng hộ đối với ý tưởng này ở nhiều thời điểm khác nhau. Ông Biden từng ủng hộ TPP lúc còn làm Phó Tổng thống và mới đây còn nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc Mỹ soạn thảo quy định về con đường thương mại. Còn ông Trump từng phản đối TPP vào năm 2016, nhưng đến năm 2018, khi làm Tổng thống, ông đề xuất Mỹ gia nhập CPTPP trước khi nói rằng họ cần phải trải qua một vòng tái đàm phán lớn.

Vậy lộ trình để Mỹ gia nhập CPTPP là gì? Rất có thể sẽ có một bước tái đàm phán lớn như ông Trump đã nói. Điều này là do, trong khi Mỹ tìm kiếm những sự thay đổi để phản ánh được cuộc cách mạng trong công nghệ và chính sách thương mại của Mỹ sao cho giống với Thỏa thuận Mỹ-Mexico-Canada, thì các nước thành viên CPTPP lại không có hứng thú với những thay đổi lớn. Phần lớn các nước thành viên CPTPP vẫn chưa quên việc Mỹ bất ngờ rút khỏi TPP.

Ngoài ra, tiến tình gia nhập chính thức – trong đó một ứng viên muốn tham gia phải tôn trong và chấp nhận các quy tắc – lại không phù hợp bởi nền kinh tế Mỹ lớn hơn tất cả nền kinh tế thành viên CPTPP gộp lại. Bởi vậy họ cần tìm một điểm chung để Mỹ có thể tập trung tìm kiếm những thay đổi quan trọng mà nước này tìm kiếm.

Tuy vậy, Mỹ vẫn còn nhiều vấn đề trong nước cần giải quyết trước khi sẵn sàng gia nhập CPTPP. Những vấn đề này bao gồm: tham vấn với Quốc hội và các bên liên quan như doanh nghiệp, lao động, các nhóm dân sự...Họ cũng cần đầu tư vào các chính sách để tăng tính cạnh tranh và đổi mới của Mỹ, cùng lúc đưa ra những chương trình điều chỉnh về nhân lực có ý nghĩa.

Nhưng điều đó không có nghĩa Mỹ cần phải chờ đợi để gia nhập thỏa thuận thương mại với châu Á – Thái Bình Dương. Nhà Trắng có thể tìm kiếm một thỏa thuận hẹp hơn với các nước thành viên CPTPP liên quan tới các chủ đề như thương mại số, môi trường và biến đổi khí hậu nếu như ông Biden đắc cử, hoặc về mua bán trang thiết bị y tế và các sản phẩm thiết yếu khác. Một thỏa thuận như vậy sẽ giúp xây dựng lòng tin và đóng vai trò điểm khởi đầu để Mỹ gia nhập CPTPP.

Gia nhập CPTPP có thể giúp Mỹ thúc đẩy đà phục hồi kinh tế sau đại dịch, và là nền tảng để Mỹ hợp tác với các nước có cùng chí hướng để thúc đẩy một mô hình kinh tế khác với Trung Quốc. Anh, một quốc gia rất xa Thái Bình Dương, xem CPTPP như một cơ hội để “tăng cường an ninh kinh tế của chúng ta” và “tái định hình các quy tắc thương mại cùng các quốc gia chia sẻ giá trị với chúng tôi”.

Theo Nikkei Asian Review