Mỹ dồn dập “tung đòn” vào Trung Quốc, quan hệ xấu nhất 30 năm

VietTimes -- Mỹ gây chiến tranh thương mại thực chất là nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, dùng nhiều "quân bài" khác nhau để gây sức ép như vấn đề Đài Loan, Biển Đông. Cuộc chiến này nếu xảy ra sẽ gây hậu quả khôn lường.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Dwnews.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Dwnews.

Trang tin Zaobao Singapore ngày 2/7 cho rằng bước vào tháng 7/2018, không khí hừng hực của World Cup hầu như đã làm rất nhiều người quên đi một cuộc đối đầu trên lĩnh vực khác, đó chính là chiến tranh thương mại Trung - Mỹ được tiến hành vào ngày 6/7.
Cấp cao Trung Quốc và Mỹ hiện còn chưa có dấu hiệu đàm phán, hai bên đều đang chờ tăng thuế quan 25% đối với hàng hóa nhập khẩu của đối phương trị giá 50 tỷ USD. Mỹ đã tuyên bố, nếu Trung Quốc trả đũa, chiến tranh thương mại sẽ nâng lên quy mô 200 tỷ USD trở lên. Trung Quốc thì tuyên bố áp dụng các biện pháp tổng hợp “cả về số và chất lượng” để trả đũa mạnh mẽ.
Đây có thể là một cuộc chiến tranh thương mại có quy mô lớn nhất trong lịch sử, tác động của nó đối với quan hệ Trung - Mỹ còn khó dự đoán. Nhưng điều có thể khẳng định là, quan hệ Trung - Mỹ đang đối mặt với thách thức chưa từng có trong 30 năm qua.
Sau khi Trung Quốc tiến hành cải cách mở cửa vào năm 1978, quan hệ Trung - Mỹ luôn là trục chính trong chiến lược đối ngoại của Trung Quốc. 40 năm qua, quan hệ Trung - Mỹ tương đối ổn định và luôn là trợ lực quan trọng để Trung Quốc thúc đẩy cải cách mở cửa.
Vào thập niên 1980, do có cùng đối thủ là Liên Xô cộng với kinh tế Trung Quốc nhỏ yếu, Trung Quốc và Mỹ đã duy trì được quan hệ chính trị tốt đẹp, đã trải qua "tuần trăng mật" hiếm có.
Năm 1989, tuần trăng mật này bị phá vỡ bởi sự kiện Thiên An Môn. Sau sự kiện này, Mỹ dẫn đầu các nước phương Tây tiến hành trừng phạt kinh tế nghiêm khắc đối với Trung Quốc, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu cũng lần lượt sụp đổ. Nhưng ông Đặng Tiểu Bình đã đưa ra chiến lược "giấu mình chờ thời", không đi đầu, đã dẫn dắt thành công Trung Quốc thoát khỏi khó khăn, đưa kinh tế Trung Quốc đi vào thời kỳ phát triển tốc độ cao.

Trung Quốc và Mỹ đã tiến hành nhiều hoạt động trao đổi cấp cao về thương mại, nhưng hầu như chưa có hiệu quả. Trong hình là Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc. Ảnh: The New York Times.
Trung Quốc và Mỹ đã tiến hành nhiều hoạt động trao đổi cấp cao về thương mại, nhưng hầu như chưa có hiệu quả. Trong hình là Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc. Ảnh: The New York Times.

Năm 2001, ông Giang Trạch Dân và Chu Dung Cơ đã ra sức đưa Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và cải cách mở cửa của Trung Quốc. Trung Quốc tiếp nhận sự chuyển đổi ngành nghề của các nước phát triển, từng bước trở thành nước lớn ngành chế tạo hàng đầu thế giới, quy mô kinh tế đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ; quy mô xuất khẩu cũng không ngừng mở rộng, từ năm 2013 trở đi đã nhiều lần trở thành nước lớn thương mại hàng hóa số 1 thế giới.
Sự phát triển kinh tế của Trung Quốc trở thành động lực tăng trưởng kinh tế của thế giới, đương nhiên cũng đem lại không ít lợi ích cho Mỹ. Sau khi bước vào thế kỷ mới, quan hệ kinh tế thương mại từng trở thành nhân tố ổn định của quan hệ Trung - Mỹ, thường trở thành nhân tố tích cực hóa giải các xung đột chính trị, an ninh song phương.
Sau khi ông Donald Trump lên nắm quyền vào năm 2017, quan hệ kinh tế thương mại đã trở thành ngòi nổ của xung đột Trung - Mỹ. Trong đó, đương nhiên có nhân tố cá nhân "chỉ vì tiền" (thực dụng) của ông Donald Trump, nhưng nguyên nhân quan trọng hơn là sự lo ngại của Mỹ đối với sự trỗi dậy của một nước có ý thức hệ và chế độ xã hội khác biệt như Trung Quốc. Ở góc độ này, chiến tranh thương mại Trung - Mỹ rất khó tránh khỏi, phần lớn toàn bộ quan hệ Trung - Mỹ cũng sẽ phải định hình lại.
Chính vì vậy, lần này, yêu cầu của Mỹ đối với Trung Quốc rất ngặt nghèo và đa dạng, bao gồm xoay chuyển lớn thâm hụt thương mại, từ bỏ quy hoạch "Chế tạo Trung Quốc 2025", giảm tỷ lệ doanh nghiệp nhà nước, từ bỏ các "hành vi phi thị trường" như kiểm soát Internet.
Đối với Trung Quốc, yêu cầu của Mỹ là vô lý, hơn nữa Mỹ cũng có ý định lấy vấn đề Đài Loan, vấn đề Biển Đông để gây sức ép, trực tiếp gây thiệt hại cho cái gọi là "lợi ích cốt lõi" của Trung Quốc, theo đó Trung Quốc "buộc phải ứng chiến".
Cuộc chiến này sẽ là thách thức lớn nhất của quan hệ Trung - Mỹ sau khi Mỹ trừng phạt Trung Quốc vào năm 1989. Sự kiện Mỹ ném bom Đại sứ quán Trung Quốc tại Nam Tư năm 1998 và sự kiện va chạm máy bay Trung - Mỹ trên Biển Đông năm 2001 từng làm cho quan hệ Trung - Mỹ đối mặt với thách thức to lớn.
Nhưng khi đó, Trung Quốc còn chưa tạo ra mối đe dọa thực sự đối với vị thế siêu cường của Mỹ, quan hệ kinh tế thương mại còn là nhân tố ổn định của quan hệ song phương, yêu cầu của Mỹ đối với Trung Quốc còn chưa đến mức Trung Quốc không thể chịu nổi, hai bên không lâu sau còn đạt được thỏa hiệp, bắt tay giảng hòa.

Chiến tranh thương mại Trung - Mỹ hầu như không thể tránh khỏi. Ảnh: Sina.
Chiến tranh thương mại Trung - Mỹ hầu như không thể tránh khỏi. Ảnh: Sina.

Đến nay, quan hệ Trung - Mỹ bị phủ bóng bởi cuộc chiến tranh thương mại, sẽ đi đâu về đâu thực sự là điều đáng quan ngại. Tuy nhiên, điều này sẽ làm cho quan hệ Trung - Mỹ đảo ngược hoàn toàn, trở thành hai bên thù địch, nhưng cũng chưa chắc như vậy.
Trước hết, quy mô kinh tế và chính trị của Trung Quốc và Mỹ đã lớn đến mức "ai cũng không thể nuốt được ai", không chỉ hai bên khó có thể chịu được hậu quả từ việc đối đầu toàn diện với đối phương, cục diện kinh tế và chính trị thế giới cũng không thể chịu nổi.
Hậu quả này sẽ thể hiện rõ sau khi bắt đầu cuộc chiến thương mại 50 tỷ USD vòng đầu tiên giữa hai bên, không lâu sau hai bên đều sẽ cảm nhận được đau khổ "giết 1.000 quân địch, mình tự thiệt 800 quân".
Cứ coi như các nhà quyết sách hai nước kiên quyết cứng rắn, đẩy cuộc chiến tranh thương mại lên quy mô 200 tỷ USD, nội bộ hai bên đặc biệt là sức ép từ nội bộ Mỹ (hoàn toàn không thống nhất lớn) sẽ không ngừng lên cao, những lời kêu gọi đàm phán rất có thể sẽ áp đảo "ý chí chiến đấu".
Đồng thời, cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ một khi leo thang, cuộc đọ sức giữa hai bên chắc chắn sẽ vượt qua phạm vi kinh tế thương mại, lan đến lĩnh vực chính trị và an ninh. Nếu mất kiểm soát, tác động của nó sẽ lan ra châu Á - Thái Bình Dương và khu vực có phạm vi lớn hơn, khi đó cộng đồng quốc tế sẽ không thể đứng nhìn.
Về căn bản, chiến tranh thương mại Trung - Mỹ là một cuộc đối đầu giữa một nước lớn đi trước với một nước lớn trỗi dậy. Cuộc chiến này sẽ không thể tránh khỏi, cũng sẽ không kết thúc trong ngắn hạn. Nhưng nếu cuộc đối đấu này phát triển đến mức "hại người, hại mình, hại thế giới" thì bản thân nhà chính khách đã không làm tròn nhiệm vụ và là một bi kịch của quốc gia.