Mỹ đốc thúc bán vũ khí cho Đài Loan vì Trung Quốc

VietTimes -- Khi các nhà lãnh đạo Đảng Dân Tiến lên nắm quyền thì Đài Loan có thể dễ dàng đề xuất mua vũ khí, nhưng Mỹ thấy có tiền mới đồng ý bán hay không. Quốc hội Mỹ đốc thúc bán để đối phó Trung Quốc.
Thứ trưởng Quốc phòng Đài Loan Bồ Trạch Xuân. Ảnh: UDN
Thứ trưởng Quốc phòng Đài Loan Bồ Trạch Xuân. Ảnh: UDN

Thứ trưởng Quốc phòng Đài Loan đến Mỹ

Tờ Chinatimes (Đài Loan) ngày 19/6 cho biết quan chức cấp cao quân đội Đài Loan tiết lộ, thứ trưởng Quốc phòng Đài Loan Bồ Trạch Xuân sắp tới sẽ dẫn đoàn đến Mỹ tham dự hội nghị thường lệ với phía quân đội Mỹ, hai bên sẽ bàn về vấn đề mua bán vũ khí. Phía Đài Loan sẽ yêu cầu phía Mỹ bán vũ khí cho mình.

Do phía Mỹ chưa bố trí được một số quan chức trong Lầu Năm Góc phụ trách công việc có liên quan đến Đài Loan, do đó chương trình đối thoại chiến lược cấp cao và trao đổi chính sách quốc phòng Đài - Mỹ bị ảnh hưởng, hội nghị quốc phòng thường niên Đài - Mỹ tổ chức vào tháng 6 hàng năm cũng có thể bị trì hoãn.

Việc đoàn đại biểu của ông Bồ Trạch Xuân đến Mỹ được phía Mỹ yêu cầu giữ bí mật. Vì vậy, Đài Loan cũng không thể công bố gì với bên ngoài, mà chỉ nói đó là hội nghị thường lệ.

Được biết, trong hội nghị lần này, Đài Loan sẽ hối thúc Mỹ nhanh chóng đồng ý bán cho Đài Loan tên lửa chống bức xạ tốc độ cao. Hơn 10 năm trước, không quân Đài Loan đã nhiều lần đề nghị Mỹ mua sắm loại tên lửa này, nhưng đều bị từ chối.

Mặc dù Đài Loan mong muốn mua vũ khí tiên tiến của Mỹ, nhưng cũng tồn tại vấn đề kinh phí. Trong thời kỳ ông Trần Thủy Biển nắm quyền ở Đài Loan, Đài Loan muốn mua vũ khí gì thì có thể lập tức đề xuất. Mỹ cũng đồng ý cung cấp không ít trang bị, nhưng ngân sách quốc phòng của Đài Loan thắt chặt, Đài Loan đã trì hoãn không mua các trang bị đã được đồng ý bán.

Máy bay trực thăng AH-64E Đài Loan mua của Mỹ.
Máy bay trực thăng AH-64E Đài Loan mua của Mỹ.

Sau đó, Đài Loan có lần tiếp tục đưa ra danh sách mua sắm vũ khí, nhưng Mỹ đã không tiếp tục đáp ứng. Cho đến khi nào Đài Loan xác định có thể dành ngân sách mua sắm thì Mỹ mới cho biết có đồng ý bán hay không.

Cách làm của Mỹ là thấy có tiền thì mới quyết định có bán hay không. Không có tiền thì danh sách gì mà Đài Loan đưa ra thì Mỹ cũng không hề đả động tới. Trong mô hình bán vũ khí mới này, việc mua sắm vũ khí quan trọng bị ảnh hưởng đầu tiên là việc mua sắm máy bay trực thăng Apache. Mỹ đã làm như cách nêu trên.

Hiện nay, Đài Loan do bà Thái Anh Văn lãnh đạo, việc mua sắm vũ khí lại trở thành đề tài nóng. Từ máy bay chiến đấu tiên tiến nhất đến tên lửa và trang bị phòng vệ, hầu như vũ khí gì cũng có thể mua, chỉ cần Mỹ đồng ý.

Vấn đề là hiện nay ngân sách quốc phòng của Đài Loan gặp khó khăn, thậm chí khó khăn hơn cả thời kỳ Trần Thủy Biển. Mỹ hiểu rất rõ việc này, bà Thái Anh Văn có tìm cách mua vũ khí thì cũng có khả năng “đi vào vết xe đổ”.

Yêu cầu của Quốc hội Mỹ

Theo tờ Sputnik Nga ngày 19/6, Hạ viện Mỹ đã kêu gọi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đẩy nhanh xem xét vấn đề phê chuẩn “cung cấp vũ khí cho Đài Loan”.

Hạ viện Mỹ nhấn mạnh, cần tăng cường hợp tác quân sự với nhà cầm quyền Đài Loan để củng cố vị thế của Mỹ trong quá trình đối đầu chiến lược với Trung Quốc.

Ngày 26/5/2017, nhà lãnh đạo Đài Loan bà Thái Anh Văn tiếp ông Cory Gardner, Chủ tịch Tiểu ban châu Á - Thái Bình Dương, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ. Ảnh: CNA
Ngày 26/5/2017, nhà lãnh đạo Đài Loan bà Thái Anh Văn tiếp ông Cory Gardner, Chủ tịch Tiểu ban châu Á - Thái Bình Dương, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ. Bà Thái Anh Văn cho rằng Mỹ bán vũ khí phòng thủ cho Đài Loan sẽ có lợi cho hòa bình, ổn định hai bờ. Ảnh: CNA

Andrey Karneev, Phó Giám đốc Học viện Á - Phi, Đại học Moscow cho rằng nếu thông qua nội dung này, Bắc Kinh chắc chắn sẽ có phản ứng. Trung Quốc phản đối thay đổi cân bằng sức mạnh giữa hai bờ eo biển Đài Loan.

Trước khi kết thúc nhiệm kỳ, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký kết Luật ngân sách quân sự năm 2017. Trong đó có chương liên quan đến phát triển hợp tác quân sự Mỹ - Đài. Mặc dù ông Donald Trump xác nhận chính sách “một Trung Quốc”, nhưng trong thời kỳ cầm quyền của ông, kế hoạch hợp tác quân sự với Đài Loan khó có thể sẽ hoàn toàn hủy bỏ hoặc cắt giảm mạnh.

Chắc chắn rằng, các vấn đề như thời hạn, số lượng và nội hàm cung ứng vũ khí sẽ trở thành đối tượng thảo luận. Nhưng, đối với ông Donald Trump, hiện nay, tiến hành hợp tác với Bắc Kinh trong vấn đề hạt nhân và tên lửa Triều Tiên là phương án lựa chọn đầu tiên.

Vì vậy, rất khó nói, vấn đề nêu trên sẽ nhanh chóng có được câu trả lời. Ở góc độ khác, cho dù hợp tác trên phương diện này được tiến hành thuận lợi thì Washington cũng sẽ không từ bỏ “đòn bẩy Đài Loan” để gây ảnh hưởng với Trung Quốc.

Việc Quốc hội Mỹ tổ chức tranh luận về vấn đề này là thông lệ trong chính sách ngoại giao của Mỹ. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Mỹ Ed Royce cho rằng bản thân ông cảm thấy lo ngại với sự chậm chạp “không cần thiết” trong việc cung ứng vũ khí cho Đài Loan.

Ông Ed Royce hy vọng năm nay chính phủ Mỹ sẽ tuyên bố bán vũ khí cho Đài Loan. Nghị sĩ này cho rằng trong tương lai Mỹ cần “thường xuyên tuyên bố” sẵn sàng cung ứng vũ khí cho chính quyền Đài Loan.

Ông Ed Royce, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ. Ảnh: ifeng
Ông Ed Royce, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ. Ảnh: ifeng

Các nhà quan sát cho rằng Quốc hội Mỹ sẽ tìm cách tranh thủ Nhà Trắng tăng lượng cung ứng vũ khí so với thời kỳ Barack Obama, trong đó bao gồm cung ứng các loại vũ khí tiên tiến như máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm F-35.

Cách đây không lâu, Panama và Đài Loan cắt đứt quan hệ ngoại giao. Điều này trở thành lý do để Quốc hội Mỹ đề nghị tăng cung ứng vũ khí. Nhưng các nghị sĩ Mỹ còn cho rằng tăng cường vị thế của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và ngăn chặn Trung Quốc là động cơ chủ yếu cung ứng vũ khí cho nhà cầm quyền Đài Loan.

Tại Quốc hội Mỹ, cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ Dan Blumenthal tuyên bố, khi xây dựng chính sách châu Á - Thái Bình Dương, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cần cân nhắc đến “nhân tố Đài Loan”.

Tạm thời còn rất khó nói khi nào Mỹ mới thông qua kế hoạch mới trong việc cung ứng vũ khí cho chính quyền Đài Loan. Tuy nhiên, có một điểm rõ ràng là Trung Quốc sẽ coi cách làm này của Mỹ sẽ phá hoại quan hệ Trung - Mỹ, ảnh hưởng xấu đến hòa bình và ổn định của eo biển Đài Loan.