Mỹ dễ dàng diệt “4 tàu sân bay không chìm” Trung Quốc ở Biển Đông nếu nổ ra chiến sự

VietTimes -- 4 sân bay Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp ở Biển Đông khó sống sót hơn tàu sân bay thực sự, vì nó không thể cơ động, không thể đưa vũ khí trang bị xuống dưới lòng đất.
Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam hiện nay Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép.
Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam hiện nay Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép.

Tờ nguyệt san Kanwa Defense Review Canada tháng 8 đăng bài viết "4 tàu sân bay không chìm ở Biển Đông" của tác giả Andrei Chang. Sau đây là nội dung chính của bài viết:

Năm 2015, Trung Quốc đã tiến hành bồi lấp, xây đảo nhân tạo (bất hợp pháp) với tốc độ chưa từng có, đồng thời triển khai quân sự, xây dựng (bất hợp pháp) 4 sân bay quân dụng cỡ lớn, đường băng của mỗi sân bay này đều lên tới 2.700 - 3.000 m.

4 sân bay này chính là "tàu sân bay không chìm" thực sự. Từ một loạt hành động bất hợp pháp của Bắc Kinh ở đảo Phú Lâm (Việt Nam) như bồi lấp, triển khai tên lửa đất đối không HQ-9, máy bay chiến đấu J-11, máy bay cảnh báo sớm trên không, máy bay tuần tra dòng Y-8 cho thấy: các công trình quân sự trên tuyến đầu như vậy sẽ tiếp tục mở rộng xuống phía nam, trong tương lai Trung Quốc cũng có thể triển khai tương tự (bất hợp pháp) ở 7 thực thể thuộc quần đảo Trường Sa (Việt Nam). 

Đường băng dài khoảng 3.000 m cho thấy 4 "tàu sân bay không chìm" là "siêu cấp", có thể cất hạ cánh máy bay vận tải cỡ lớn, máy bay ném bom H-6K, diện tích bãi đỗ máy bay của 4 sân bay tương đối lớn, có thể tiếp tục mở rộng. 

Trung Quốc đã xây dựng bất hợp pháp đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thành một căn cứ quân sự. Đây là hình ảnh vệ tinh về căn cứ này do cộng đồng mạng đăng tải. Ảnh: Tin tức Tham khảo, Trung Quốc.
Trung Quốc đã xây dựng bất hợp pháp đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thành một căn cứ quân sự. Đây là hình ảnh vệ tinh về căn cứ phi pháp này do cộng đồng mạng đăng tải. Ảnh: Tin tức Tham khảo, Trung Quốc.


Trong trường hợp có chiến sự, rất có khả năng Trung Quốc sẽ triển khai (bất hợp pháp) một lữ đoàn không quân ở mỗi sân bay. Sau khi trung đoàn không quân cải cách thành lữ đoàn, một trung đoàn bay J-10 từ 28 máy bay chiến đấu mở rộng lên 30 chiếc, trở thành lữ đoàn.

Số lượng triển khai tiêu chuẩn của một trung đoàn máy bay tiêm kích hạng nặng J-11 là 24 chiếc, trong tương lai sẽ có khả năng mở rộng.

Chỉ trong 4 năm qua, Trung Quốc đã có các động thái rất lớn ở Biển Đông, mục đích bao gồm: Thứ nhất, để thiết lập (bất hợp pháp) Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ), Trung Quốc cần có các loại máy bay chi viện, ngoài ra còn cần sự tiếp viện nhanh chóng của các tàu chiến mặt nước.

Hình ảnh vệ tinh của đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam do cơ quan nghiên cứu Mỹ cung cấp. Ảnh: Sina Trung Quốc.
Hình ảnh vệ tinh của đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam do cơ quan nghiên cứu Mỹ cung cấp. Ảnh: Sina Trung Quốc.


Thứ hai, để kiểm soát có   (bất hợp pháp) các tuyến đường hàng hải trên Biển Đông, đối phó với các nước ASEAN xung quanh Biển Đông. Nhưng, nếu chỉ có mục đích thứ hai thì liệu Trung Quốc có xây dựng rầm rộ như vậy hay không?

Tất cả các nước xung quanh Biển Đông đều không có lực lượng hải, không quân mạnh. Vì vậy, động cơ và mục đích thực sự của Trung Quốc trong xây dựng bất hợp pháp 4 "tàu sân bay không chìm" ở Biển Đông cần tiếp tục xem xét.

Trong 20 năm qua, cùng với các trang bị quân sự của Trung Quốc được cải thiện, sự thay đổi của các quan hệ quốc tế và quan hệ hai bờ, nội dung "tưởng định đấu tranh quân sự" của Trung Quốc đã có sự thay đổi sâu sắc.

Chẳng hạn "chuẩn bị đấu tranh quân sự" được nhắc tới trong các tài liệu nội bộ giữa thập niên 1990 đa số thậm chí cho rằng Quân đội Đài Loan nắm được quyền kiểm soát trên không, quyền kiểm soát biển. "Chuẩn bị đấu tranh quân sự" tác chiến đổ bộ lên đảo được tiến hành trong điều kiện trang bị kém.

Điều gây ấn tượng sâu sắc nhất là việc đưa ra "thuyết phong tỏa trên biển có chiều sâu lớn", tức là thông qua "phương thức tịch thu tài sản của Đài Loan, nhất là công cụ vận chuyển năng lượng, buộc ý đồ của các thế lực theo đuổi Đài Loan độc lập bị phá sản".

Từ ngày 19 - 21/7/2016, một sư đoàn không quân Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc tiến hành tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông. Ảnh: CCTV Trung Quốc.
Từ ngày 19 - 21/7/2016, một sư đoàn không quân Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc tiến hành tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông. Ảnh: CCTV Trung Quốc.

Điều này có nghĩa là: Một khi khai chiến, trên Biển Đông, Hải quân Trung Quốc có thể thực hiện phong tỏa trên biển ở khoảng cách xa, chiều sâu lớn, bắt giữ tàu chở dầu của Đài Loan, đạt được mục đích chính trị là buộc Đài Loan phải “thu tay lại”.

Đây là nội dung chính trong tài liệu nội bộ của Quân đội Trung Quốc – họ thường xuyên liên hệ Biển Đông với chuẩn bị đấu tranh đối với Đài Loan.

Hơn nữa, trong một loạt tưởng định về "chuẩn bị đấu tranh quân sự chống sự can thiệp quân sự của kẻ địch mạnh" đã đặc biệt bàn đến tầm quan trọng của "cách ly khu vực chiến sự".

Tưởng định ban đầu này thực ra có nguồn gốc từ kinh nghiệm của cuộc chiến tranh Chechnya Nga lần đầu tiên, được Quân đội Trung Quốc thảo luận rộng rãi.

Những tài liệu này đã tập trung phân tích tuyến đường tăng viện của tàu sân bay đối thủ, bao gồm đi lên từ hướng Biển Đông, từ Nhật Bản đi xuống, từ lãnh thổ trực tiếp đi vào khu vực chiến sự ở eo biển Đài Loan.

Trên thực tế, trong cuộc xung đột eo biển Đài Loan vào năm 1996, một trong hai tàu sân bay của Quân đội Mỹ đã từ Biển Đông đi vào vùng biển lân cận Đài Loan.

Máy bay ném bom H-6K xâm nhập vùng trời bãi cạn Scarborough. Ảnh: Sina Trung Quốc
Máy bay ném bom H-6K xâm nhập vùng trời bãi cạn Scarborough. Ảnh: Sina Trung Quốc


Sau khi tìm hiểu 2 loại "chuẩn bị đấu tranh quân sự" và các tưởng định trên, sẽ không khó phát hiện ra động cơ thực sự xây dựng (bất hợp pháp) 4 "tàu sân bay không chìm" mà Trung Quốc đã tiến hành phi pháp ở Biển Đông.

Rõ ràng Trung Quốc làm như vậy là để "chuẩn bị đấu tranh quân sự đối với Đài Loan, phong tỏa trên biển có chiều sâu lớn, cách ly khu vực chiến sự, chống lại kẻ địch mạnh sử dụng tàu sân bay can thiệp". Nếu chỉ chống lại các nước nhỏ yếu xung quanh thì Bắc Kinh có lẽ chưa làm như vậy.

Vì vậy, việc xây dựng (bất hợp pháp) các "tàu sân bay không chìm" trên Biển Đông đương nhiên có rất nhiều tính toán, nhưng nhân tố quan trọng hàng đầu là "đấu tranh quân sự đối với Đài Loan". Động cơ về quân sự như sau:

Một là, 4 "tàu sân bay không chìm" tập kết (bất hợp pháp) ít nhất 4 lữ đoàn hàng không (không quân) với khoảng 120 máy bay tiêm kích các loại. Về số lượng, lấy 1 cụm tấn công tàu sân bay Quân đội Mỹ cơ bản triển khai quy mô 40 máy bay chiến đấu F-18E/F để thấy, 4 "tàu sân bay không chìm" của Trung Quốc tương đương với lực lượng máy bay chiến đấu của 3 hạm đội tàu sân bay Quân đội Mỹ.

Phối hợp thêm với triển khai (bất hợp pháp) máy bay tuần tra săn ngầm, máy bay trực thăng, thiết bị định vị thủy âm, radar tầm xa, thiết bị nghe lén tác chiến điện tử, tên lửa đất đối không trên 4 "tàu sân bay không chìm" này, khả năng tác chiến tổng hợp của mỗi đảo nhân tạo sẽ không thua kém một hạm đội tàu sân bay Quân đội Mỹ.

Một khi khai chiến với Đài Loan, Quân đội Trung Quốc có thể đơn phương thiết lập (bất hợp pháp) vùng cấm bay quân sự ở Biển Đông, ngăn chặn tàu chiến của nước ngoài đi qua Biển Đông tiến vào khu vực chiến sự eo biển Đài Loan.

Từ ngày 5 - 11/7/2016, Hải quân Trung Quốc tổ chức tập trận bất hợp pháp quy mô lớn ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trong hình là tàu khu trục Quảng Châu, Hạm đội Nam Hải bắn tên lửa phòng không. Ảnh: Sina Trung Quốc
Từ ngày 5 - 11/7/2016, Hải quân Trung Quốc tổ chức tập trận bất hợp pháp quy mô lớn ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trong hình là tàu khu trục Quảng Châu, Hạm đội Nam Hải bắn tên lửa phòng không. Ảnh: Sina Trung Quốc


Hai là, phong tỏa tuyến đường thương mại của Đài Loan ở trên biển có chiều sâu lớn. Cán cân sức mạnh quân sự của hai bên eo biển Đài Loan đã có sự thay đổi hoàn toàn.

Quân đội Trung Quốc cho rằng Quân đội Đài Loan không còn tiếp tục nắm được quyền kiểm soát trên không và trên biển. Vì vậy, họ đặc biệt chú ý tới quan điểm phong tỏa biển gần.

Hơn nữa, 4 "tàu sân bay không chìm" nếu thực sự tấn công các tàu thương mại của Đài Loan, đương nhiên dễ như trở bàn tay. Trong 4 đảo nhân tạo này đều đã xây dựng (bất hợp pháp) cảng biển, bờ đê dài 150 - 400 m, đủ để đậu tất cả các tàu chiến mặt nước, tàu ngầm, thuyền máy tên lửa... của Hải quân Trung Quốc.

Nếu Hải quân Trung Quốc đã triển khai (bất hợp pháp) thiết bị định vị thủy âm kéo ở dưới nước xung quanh 4 "tàu sân bay không chìm", đề phòng chặt chẽ hoạt động của tàu ngầm Mỹ, Nhật và các nước Đông Nam Á thì có nghĩa là khả năng săn ngầm dưới mặt biển của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ tăng mạnh.

Ba là khi khai chiến thực sự với Đài Loan, chỉ dựa vào lực lượng tác chiến bố trí (bất hợp pháp) trên đảo Phú Lâm (Việt Nam) đã đủ để uy hiếp đảo Ba Bình ( cũng thuộc chủ quyền của Việt Nam) hiện bị Quân đội Đài Loan chiếm đóng.

Ngày 30/10/2015, máy bay chiến đấu J-11B của Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc tiến hành huấn luyện phi pháp ở Biển Đông (Ảnh tư liệu)
Ngày 30/10/2015, máy bay chiến đấu J-11B của Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc tiến hành huấn luyện phi pháp ở Biển Đông (Ảnh tư liệu)


Bốn là, lấy 7 thực thể bị bồi đắp quy mô lớn (bất hợp pháp) ở quần đảo Trường Sa, đảo Phú Lâm (thuộc chủ quyền Việt Nam) và đảo Hải Nam làm căn cứ, tuyến phong tỏa cách ly khu vực chiến sự của Hải quân Trung Quốc đối với Mỹ đã tăng lên "4 tầng", hoạt động chi viện cho Đài Loan từ hướng Biển Đông của tàu sân bay Mỹ đã trở nên khó khăn hơn trước đây rất nhiều.

Mặc dù vậy, nếu do vấn đề eo biển Đài Loan, thực sự xảy ra chiến tranh, xung đột quân sự Mỹ-Trung ở Biển Đông, bất kể là cường độ nào, khả năng sống sót của 4 "tàu sân bay không chìm" chắc chắn sẽ yếu ớt hơn tàu sân bay thực sự trước sức mạnh hải quân của siêu cường Mỹ.

Nguyên nhân là: mục tiêu của 4 "tàu sân bay không chìm" là cố định, hoàn toàn không thể cơ động. Do diện tích quá nhỏ, việc triển khai quân sự, máy bay chiến đấu, tên lửa đất đối không, kho đạn dược đều không thể đưa xuống dưới lòng đất.