Mỹ có kế hoạch tấn công hạt nhân Nga, xóa sổ Berlin và Warsaw

Theo thông tin giải mật tài liệu của chính quyền Mỹ, nếu Thế chiến thứ ba xảy ra, Mỹ có kế hoạch không chỉ quét sạch dân Nga, mà còn đánh đòn hạt nhân hủy diệt Đông Đức và các thành phố  của Ba Lan, National Interest ngày 23/12 cho biết.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mục tiêu ưu tiên

Theo National Interest (Mỹ) ngày 23/12, nhà phân tích Michael Peck cho biết, chính phủ Mỹ cuối cùng đã giải mật bản danh sách mục tiêu của Bộ chỉ huy Không quân chiến lược Mỹ (SAC) trong những năm 1950.

Với kế hoạch này, Mỹ sẽ triển khai máy bay ném bom và tên lửa để tấn công hạt nhân nhiều nước thuộc phe xã hội chủ nghĩa trên khắp thế giới.

Theo thông tin do tổ chức phi chính phủ National Security Archive công bố sau khi đề nghị chính phủ Mỹ cung cấp các thông tin giải mật, SAC đã liệt kê hơn 1.200 thành phố thuộc khối Xô viết, từ Đông Đức cho tới Trung Quốc, trong đó có cả danh sách các mục tiêu ‘ưu tiên'.

“Moscow và Leningrad (hiện nay là St. Petersburg) là ‘ưu tiên’ số 1 và số 2. Trong đó, Moscow có 179 điểm DGZ (điểm trên mặt đất hoặc mặt nước nơi xảy ra vụ nổ hạt nhân) và Leningrad có 145 điểm DGZ, trong đó bao gồm cả các mục tiêu dân cư”.

Theo ông Peck, ít nhất là theo lý thuyết, có thể thấy đây không phải là kế hoạch tấn công tùy tiện hay đánh bom khủng bố mà được chuẩn bị bài bản.

Ưu tiên của SAC là triệt tiêu sức mạnh trên không của Liên Xô trước khi các máy bay ném bom của khối này có thể tấn công các mục tiêu ở Mỹ và Tây Âu (lúc này tên lửa đạn đạo liên lục địa ICBM chưa được phát triển).

Mục tiêu ưu tiên của Mỹ là căn cứ máy bay ném bom Tu-16 Badger.

Khoảng 1.100 sân bay Liên Xô trở thành mục tiêu ưu tiên của Mỹ, trong đó căn cứ máy bay ném bom Tu-16 Badger tại Bykhov và Orsha (Byelorussia) đứng đầu danh sách.

Một khi năng lực tác chiến trên không của Liên Xô bị phá hủy và nếu cả 2 phía vẫn tiếp tục cuộc chiến thì các cơ sở công nghiệp Liên Xô sẽ trở thành mục tiêu oanh tạc tiếp theo.

Trong danh sách của SAC (biên soạn năm 1956, sau đó được công bố trong bản nghiên cứu kế hoạch vũ khí hạt nhân năm 1959) còn bao gồm các mục tiêu dân thường.

Kế hoạch của SAC xác định “phá hủy có hệ thống” các mục tiêu đô thị - công nghiệp của khối Liên Xô, nhắm vào cả mục tiêu dân cư trong tất cả các thành phố, như Bắc Kinh, Moscow, Leningrad, Đông Berlin và Warsaw.

Kế hoạch của Mỹ

Các nhà hoạch định kế hoạch của SAC cho rằng trong năm 1959, họ có thể phát động tấn công với 2.130 máy bay ném bom B-52 và B-47, máy bay trinh sát RB-47 cùng các máy bay chiến đấu hộ tống F-101.

Ngoài ra Mỹ sẽ triển khai 376 tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân, tên lửa phóng từ máy bay ném bom và một số tên lửa tầm trung.

Máy bay ném bom B-47

Theo nghiên cứu năm 1959, cơ may bắn trúng mục tiêu của các tên lửa thời kỳ này (trước khi ICBM được phát triển trong những năm 1960) khá thấp nên vũ khí chủ đạo của Mỹ là các máy bay ném bom có người lái.

Do SAC nóng lòng muốn nhanh chóng đánh bại không quân Liên Xô nên các quả bom H sẽ được thả xuống để phát nổ trên mặt đất, thay vì nổ giữa không trung.

Mặc dù vụ nổ trên không sẽ sản sinh nhiều nhiệt và phóng xạ hơn nhưng mục tiêu của Mỹ là gây thiệt hại tối đa bằng sức nổ để phá hủy các căn cứ và máy bay của Liên Xô, bất chấp các hiệu ứng ngoài ý muốn.

“Dù những ý kiến phản đối về các vụ nổ trên mặt đất, cũng như khả năng bụi phóng xạ ảnh hưởng đến các lực lượng đồng minh và người dân được cân nhắc nhưng tham vọng chiến thắng của Mỹ đã lấn át tất cả”, báo cáo cho biết.

SAC khoanh vùng các cơ sở hạ tầng không quân của Liên Xô khá rộng, trong đó bao gồm nhiều trung tâm công nghiệp và chỉ huy có thể hỗ trợ cho các chiến dịch trên không của Liên Xô.

Vì vậy, theo danh sách, tại Moscow có rất nhiều trung tâm chỉ huy quân sự, cơ sở máy bay, tên lửa, các phòng thí nghiệm vũ khí hạt nhân và nhà máy lọc dầu.

Nhìn chung, theo nhà phân tích Michael Peck, chiến lược của SAC có nhiều điểm giống với kế hoạch tấn công bằng máy bay ném bom của Mỹ vào Đức và Nhật Bản trong Thế chiến 2 hơn là hình thức tác chiến trong thế kỷ 21.

Song, quan điểm máy bay ném bom có độ tin cậy cao hơn tên lửa cũng giống như cuộc tranh cãi về mức độ hiệu quả giữa máy bay ném bom có người lái và không người lái ngày nay.

Liệu chiến lược của SAC có khả thi không? “Thật may” cho loài người bởi chúng ta chưa bao giờ có cơ hội tìm ra đáp án.

Theo QPAN