Mỹ "chơi rắn", ra tay khống chế đảo nhân tạo phi pháp Trung Quốc ở Biển Đông

VietTimes -- Thực hiện các kế hoạch tuần tra, tập trận và quan trọng nhất là tăng sự công khai minh bạch thông tin trên Biển Đông là những điều mà Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng cho năm tài chính 2019 của Mỹ hướng tới nhằm ngăn chặn những hành vi áp bức của Trung Quốc trên Biển Đông, theo National Interests.

Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng mới nhất (NDAA) phân bổ chi tiêu quốc phòng cho năm tài chính 2019 đã tạo ra một phạm vi mới cho việc Mỹ đáp trả mạnh mẽ hơn với những hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông. NDAA được Quốc hội Mỹ thông qua ngày 1.8 và được ông Trump ký vào 13.8. Đạo luật này có rất nhiều biện pháp hứa hẹn, bao gồm cả việc Lầu Năm Góc sẽ công khai minh bạch hơn về những hoạt động áp bức của Trung Quốc.

Theo điều "bất cứ hành động cải tạo [đất] đáng lưu ý, đòi hỏi chủ quyền quá đáng, hay hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc trên Biển Đông...", mục 1262 của NDAA đòi hỏi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phải "ngay lập tức" gửi báo cáo tới Quốc hội và công chúng.

Máy bay chiến đấu tàng hình F-35 đang hạ cánh xuống tàu đổ bộ tấn công USS Wasp.
 Máy bay chiến đấu tàng hình F-35 đang hạ cánh xuống tàu đổ bộ tấn công USS Wasp.

Cho tới nay, việc thiếu đi những thông tin minh bạch đã gây ra nhiều điều phiền toái về Biển Đông, khiến cho dư luận, các nhà nghiên cứu và giới truyền thông phải dựa vào các vệ tinh thương mại để lấy được thông tin về những vùng đang tranh chấp tại đây. Tán thành cho sự công kkahi minh bạch hơn, Ely Ratner đã chỉ ra: "Việc thiếu những thông tin công khai về các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông đã cản trở sự phối hợp trong khu vực và giúp cho Trung Quốc có khả năng gia tăng các hành động tiếp theo để củng cố sự kiểm soát".

Theo những diễn biến gia tăng về hành vi khẳng định chủ quyền trái phép của Trung Quốc, chính sách của Mỹ, tương tác của Mỹ trên Biển Đông, những điều khoản trong NDAA có thể thay đổi cuộc chơi nếu được thi hành một cách có hiệu quả. Chiếm lấy quyền kiểm soát tình hình thực tế trên Biển Đông sẽ giúp Washington khôi phục lợi ích chung trong những khu vực đang tranh chấp, liên kết các đối tác trong khu vực và tạo áp lực cho Trung Quốc.

Biển Đông tăng nhiệt

Tranh chấp trên Biển Đông bắt đầu từ giữa thế kỷ 20 và dần tăng nhiệt giữa thập niên 1970-1990. Sau một thời kỳ ổn định tương đối vào đầu những năm 2000, căng thẳng gia tăng một cách đều đặn từ 2009 do các hành động (phi pháp) của Bắc Kinh. Đáng chú ý, Trung Quốc đã chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough từ Philippines năm 2012, và năm 2014 gây hấn bằng cách kéo dàn khoan nổi vào hạ đặt trong vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trong hai tháng.

Pha tiếp theo của sự leo thang là khi Trung Quốc có những kế hoạch bồi đắp cải tạo phi pháp vào năm 2014. Những chứng cớ về việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo trái phép lần đầu tiên được đưa tin vào tháng 5.2014. Các nhà nghiên cứu đã đưa ra các báo cáo rằng thực ra Trung Quốc đã bắt đầu công việc cải tạo phi pháp vào cuối năm 2013. Chương trình xây dựng đảo của Trung Quốc phát triển nhanh chóng với tổng diện tích cải tạo là khoảng 13km2.

Kể từ năm 2014, Trung Quốc đã triển khai các hệ thống radar, đường băng sân bay, các cấu trúc để đặt tên lửa và các thiết bị gây nhiễu trên các đảo nhân tạo. Dù Trung Quốc không phải là đất nước đầu tiên xây dựng các công trình trên Biển Đông, phạm vi hoạt động của nước này vượt qua bất cứ nước nào có chủ quyền trong khu vực, Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh.

Tàu Trung Quốc cấp tập bồi lấp đảo nhân tạo phi pháp.
 Tàu Trung Quốc cấp tập bồi lấp đảo nhân tạo phi pháp.

Vào này 2.5.2018, CNBC đã gây xôn xao dư luận khi đưa tin Trung Quốc triển khai tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B và tên lửa đất đối không HQ-9B lên đá Chữ Thập, đá Su Bi và đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Mặc dù Trung Quốc đã triển khai tên lửa trên quần đảo Hoàng Sa (chiếm đóng phi pháp của Việt Nam từ những năm 1970), sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc đưa tên lửa ra quần đảo Trường Sa - một bước leo thang rõ ràng trong chương trình quân sự hóa. Sau đó, Trung Quốc đã đáp máy bay ném bom chiến lược tầm xa xuống quần đảo Trường Sa lần đầu.

Phản ứng lại với các hành động của Trung Quốc, Mỹ đã hủy bỏ lời mời Trung Quốc tham gia tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC). Bộ Quốc phòng Mỹ gọi hành động này là một "bước đáp trả ban đầu". Hiện tại, với Luật Ủy quyền Quốc phòng NDAA cho năm tài chính 2019 đã được thông qua, người ta sẽ chứng kiến những hành động tiếp theo đến từ Quốc hội Mỹ.

Gia tăng can thiệp

Trong những năm gần đây, bất ổn gia tăng khiến Mỹ phải can thiệp trực tiếp hơn vào tình hình Biển Đông. Trong cuộc họp của Diễn đàn khu vực Đông Nam Á (ARF) vào tháng 7.2010, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã tuyên bố Mỹ đang chuẩn bị để đóng một vai trò trung gian trực tiếp trong các tranh chấp - một bước ngoặt quan trọng về chính sách. Trong những năm sau tuyên bố của bà Clinton, Mỹ đã củng cố quan hệ đối tác quốc phòng với Philippines, bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam và tăng cường quan hệ với ASEAN. 

Tàu đổ bộ tấn công "Ong bắp cày" USS Wasp.
 Tàu đổ bộ tấn công "Ong bắp cày" USS Wasp.

Từ tháng 10.2015, Hải quân Mỹ đã tổ chức thực hiện rất nhiều chiến dịch tuần tra vì tự do hàng hải FONOP trên Biển Đông để thách thức những kế hoạch cải tạo bồi đắp đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc. Tuy nhiên, những năm vừa qua cho thấy FONOP không ngăn cản được việc Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa trên Biển Đông.

Dư luận Mỹ

Phản ứng của Mỹ với tình trạng náo động trên Biển Đông nhận được sự chú ý lớn, những căng thẳng đang gia tăng cũng kéo theo sự quan tâm rộng rãi hơn của độc giả Mỹ. Theo dữ liệu của công ty ProQuest, tin tức về Biển Đông trên báo Mỹ tăng từ 239 bài tin tức năm 2009 lên tới đỉnh điểm là 4.061 bài năm 2016.

Cùng với giới truyền thông, các chính trị gia Mỹ cũng dành sự quan tâm nhiều hơn tới những tranh chấp trên Biển Đông. Các ứng cử viên từ những đảng chính trị lớn của Mỹ tranh luận về Biển Đông lần đầu tiên trong vòng bầu cử tổng thống năm 2016 - những dấu hiệu gia tăng rõ rệt của vấn đề trong phạm vi dư luận Mỹ.

Tuy nhiên, sự quan tâm tới Biển Đông có vẻ giảm đi kể từ năm 2016. Chỉ có khoảng 2.245 tin tức nhắc tới Biển Đông năm 2017, phản ánh "sự êm đềm trước cơn bão" xảy ra sau phán quyết của tòa The Hague năm 2016 và việc không có sự cố nào nổi bật xảy ra. Xu hướng đi xuống tiếp tục kéo dài tới năm 2018, nhưng những hành động gây hấn gần đây của Trung Quốc lại thúc đẩy sự quan tâm của dư luận Mỹ.

Mục 1262 của NDAA sẽ thay đổi cốt yếu xu hướng đáng lo ngại trên. Washington sẽ cần tới sự ủng hộ của dư luận Mỹ nếu muốn chống lại "sự uy hiếp hàng hải" của Trung Quốc trên Biển Đông. Nếu những chứng cứ về sự áp bức của Trung Quốc vẫn bị che giấu sau những lớp thông tin mật, người Mỹ sẽ có rất ít lý do để ủng hộ những biện pháp cứng rắn và có thể rủi ro hơn. Nhà Trắng, Quốc hội và Lầu Năm Góc tất cả cần đưa những thông tin minh bạch cho người dân Mỹ.

Hơn nữa, Washington cần sự ủng hộ của các đối tác trong khu vực và dư luận của các nước, đặc biệt là Philippines. Kể từ khi nắm quyền, chính phủ của ông Duterte thường giảm nhẹ tính quan trọng của những tranh chấp và nhượng bộ Trung Quốc. Nếu người dân Philippines được tiếp cận nhiều hơn các thông tin về hành vi áp bức của Trung Quốc, ông Duterte có thể phải đối mặt với áp lực để đứng lên chống lại Trung Quốc.

Mới đây tàu khu trục USS Decatur của Mỹ đã có cuộc chạm trán với tàu khu trục Lan Châu của Trung Quốc.
 Mới đây tàu khu trục USS Decatur của Mỹ đã có cuộc chạm trán với tàu khu trục Lan Châu của Trung Quốc.

Thêm nữa, NDAA cho Washington cơ hội để chống lại câu chuyện không thành thật của Bắc Kinh. Ví dụ, Bắc Kinh thường đáp trả với những chỉ trích bằng cách cáo buộc Mỹ quân sự hóa và lấy cớ các nước khác có yêu sách trên Biển Đông cũng có những hành vi tương tự. Thông tin công khai về những hành vi áp bức và quân sự hóa của Trung Quốc sẽ thành công trong việc thách thức chiến lược gây sai lạc thông tin của Bắc Kinh.

Thông tin là vua

Lợi ích tiềm tàng của việc công khai minh bạch rộng rãi thông tin trở nên rõ ràng hơn khi cân nhắc về hiệu quả của những nỗ lực minh bạch hóa trước đây. Những thông tin công khai về Biển Đông đã bắt đầu mở rộng từ năm 2014 gây bùng nổ sự quan tâm cho tới năm 2016.

Đáng chú ý nhất là khi Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) đưa ra Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) vào cuối năm 2014 - Với mục tiêu rõ ràng về việc tăng sự tiếp cận thông tin về Biển Đông cho người dân Mỹ, cũng như những vấn đề về hàng hải châu Á. Năm 2015, các phương tiện truyền thông đưa ra rất nhiều các hình ảnh vệ tinh của AMTI về các kế hoạch cải tạo bồi đắp phi pháp của Trung Quốc.

Các quan chức trong chính phủ Mỹ đã đề xuất chiến lược khiến mọi người biết đến nhiều hơn về tình hình Biển Đông. Ví dụ, từ cuộc tuần tra FONOP đầu tiên, "những quan chức quốc phòng không tên" đã tiết lộ thông tin về Biển Đông cho Reuters một cách đều đặn. Với mức độ nhất quán của "những tiết lộ thông tin", đây là cơ hội tốt để ai đó cho phép thực hiện điều này.

Tàu sân bay Harry S Truman của Mỹ.
 Tàu sân bay Harry S Truman của Mỹ.

Hơn nữa, Lầu Năm Góc đã lần đầu tiên cho phép các phóng viên của CNN có mặt trên máy bay trinh sát P-8A Poseidon, đồng ý cho họ quay phim và đưa lại những thông tin đáng chú ý về việc Hải quân Trung Quốc cảnh báo máy bay Mỹ trên không phận Biển Đông. Hải quân Mỹ cũng tự đưa các đoạn video trinh sát trong chuyến bay và âm thanh của sự cố trên lên trang Youtube của mình. 

Thông tin do AMTI và các nhân vật trong chính phủ Mỹ cung cấp cho phép những ai quan tâm trên toàn thế giới hiểu rõ phạm vi gây hấn của Trung Quốc trên biển, tạo ra nhiều sự quan tâm hơn về những tranh chấp trên Biển Đông. Tuy nhiên, các biện pháp cung cấp thông tin được thực hiện bởi rất nhiều các bên khác nhau và mỗi bên đều phải đối mặt với sự hạn chế của chính mình. Mục 1262 của NDAA sẽ cung cấp một nỗ lực phối hợp minh bạch thông tin, tổng hợp các nguồn lực của chính phủ để cung cấp đúng lúc cho Quốc hội Mỹ và dư luận những thông tin tình báo.

Vào ngày 17.4.2018, Đô đốc Philip Davidson người đứng đầu Bộ Chỉ huy Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ đã thông tin cho Quốc hội: "Trung Quốc hiện tại đã có năng lực kiểm soát Biển Đông trong mọi kịch bản chiến tranh ngắn với Mỹ". Trong khi, việc minh bạch hơn về mặt thông tin là chưa đủ để chống lại hành động áp bức của Trung Quốc, việc nắm lấy quyền kiểm soát câu chuyện thực tế trên Biển Đông là một bước đi đúng và cần thiết.