Mỹ chỉ trích Trung Quốc hiếu chiến ở Biển Đông

Ngày 27/2, Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ James Clapper khẳng định Trung Quốc đang “mở rộng tiền đồn” trên biển Đông để đòi hỏi “một cách hiếu chiến” vấn đề chủ quyền biển. Trong khi Bắc Kinh lại bác bỏ đề nghị ngừng xây đảo ở Biển Đông do Mỹ đề xuất.
Quân Trung Quốc đồn trú trái phép tại đá Chữ Thập ở Trường Sa
Quân Trung Quốc đồn trú trái phép tại đá Chữ Thập ở Trường Sa

Đó là cảnh báo của Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ James Clapper trong buổi điều trần đặc biệt về các điểm nóng an ninh toàn cầu tại Ủy ban Quân vụ Thượng viện nước này vào hôm qua. Xuất phát từ thông tin về các hoạt động xây dựng, bồi đắp đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền VN, ông Clapper cho rằng các tiền đồn nói trên có thể bao gồm các cảng và sân bay. AP dẫn lời quan chức này nhấn mạnh: “Dù đang tìm kiếm quan hệ ổn định với Mỹ, Trung Quốc ngày càng tỏ ra sẵn sàng chấp nhận căng thẳng song phương và khu vực để theo đuổi lợi ích của mình, đặc biệt trong các vấn đề chủ quyền biển”.

Ảnh vệ tinh chụp Đá Gaven vào các thời điểm 30/3/2-14, tháng 8/2014 và 30/1/2015   ảnh: IHS Jane’s
Ảnh vệ tinh chụp Đá Gaven vào các thời điểm 30/3/2014, tháng 8/2014 và 30/1/2015 ảnh: IHS Jane’s

Giám đốc Clapper còn chỉ trích tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc dựa trên yêu sách “đường lưỡi bò” liếm gần trọn biển Đông là “quá đáng”. Ông kết luận những “hoạt động bành trướng” của Trung Quốc thời gian qua, bao gồm cả vụ cài cắm phi pháp giàn khoan Haiyang Shiyou-981 (Hải Dương-981) trong vùng biển VN hồi giữa năm 2014 là “khuynh hướng đáng lo ngại”.

Cũng tại buổi điều trần hôm qua, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ John McCain nhận định các hoạt động mở rộng phi pháp của Trung Quốc trên biển Đông đã gây ra sự thay đổi đột ngột và bất thường trong khu vực, theo chuyên trang Breaking Defense. Ông McCain trưng ra nhiều hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy quá trình Trung Quốc xây đắp phi pháp tại bãi đá Gaven nằm trong quần đảo Trường Sa và cảnh báo Bắc Kinh có thể trang bị vũ khí cũng như tăng cường khả năng chống máy bay. AP dẫn lời các chuyên gia nhận định những cảnh báo của các quan chức Mỹ cấp cao như vậy cho thấy nước này đang rất quan ngại các hành động bồi đắp ở biển Đông có thể làm leo thang căng thẳng giữa Trung Quốc với các nước khác.

Bắc Kinh bác bỏ đề nghị ngừng xây đảo

Trong khi đó, Bắc Kinh tiếp tục bác bỏ lời kêu gọi ngừng việc xây dựng đảo nhân tạo “gây bất ổn” ở Biển Đông của chính quyền của Tổng thống Barack Obama hồi đầu tháng 2/215, trang tin Washington Free Beacon ngày 26/2 dẫn lời quan chức Mỹ cho biết.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách khu vực châu Á- Thái Bình Dương Daniel Russel đã hối thúc giới chức Trung Quốc dừng ngay việc mở rộng, xây đảo nhân tạo gần đây tại quần đảo Trường Sa trong chuyến thăm Bắc Kinh hôm 10/2. Lời kêu gọi của ông Russel đã bị trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Zheng Zeguang bác bỏ. Quan chức này ngang nhiên nói việc xây dựng diễn ra trong khu vực thuộc chủ quyền Trung Quốc. Cự tuyệt của ông Zheng gợi lại tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm 29/1 rằng “Các nước khác không có quyền can thiệp vào hoạt động xây dựng đó”.

Bắc Kinh ngang ngược tuyên bố chủ quyền hơn 90% diện tích Biển Đông và liên tục gây căng thẳng với các nước Đông Nam Á có tranh chấp. Ông  Russel phát biểu trên báo Mỹ Wall Street Journal rằng Mỹ muốn Trung Quốc dừng việc xây đảo nhân tạo. “Việc đó gây mất ổn định và mâu thuẫn với các cam kết của Trung Quốc với ASEAN”, ông Russel nêu rõ. Trung Quốc gần đây đã nhất trí với ASEAN không tiến hành các hoạt động khiêu khích trên biển. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh cũng tuyên bố với báo chí tại Bắc Kinh hôm 19/2 rằng “các nước thứ ba nên nói ít đi và ngừng gây bất ổn”, nhằm đáp trả phát biểu của ông Russel ở Manila, bày tỏ quan ngại về các hoạt động của Trung Quốc trong khu vực.

Đá Gạc Ma đã trở thành đảo nhân tạo nối với cơ sở ban đầu của bãi đá này, có cả 1 sân bay trực thăng và 1 trạm xi măng - Ảnh: Airbus Defence & Space/IHS Jane’s
Đá Gạc Ma đã trở thành đảo nhân tạo nối với cơ sở ban đầu của bãi đá này, có cả 1 sân bay trực thăng và 1 trạm xi măng - Ảnh: Airbus Defence & Space/IHS Jane’s

Trong cuộc họp báo hôm 27/2 ở Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi  vẫn cho rằng các hoạt động của nước này ở biển Đông là “hợp lý, hợp pháp, kiềm chế và có trách nhiệm”.

Các bức ảnh vệ tinh mới đây của hãng tin quốc phòng IHS Jane’s Defence Weekly cho thấy tốc độ mở rộng và xây đảo đáng kinh ngạc của Trung Quốc. Các chuyên gia an ninh nhận định rằng việc ồ ạt xây đảo là một phần trong kế hoạch lớn của Bắc Kinh nhằm mở rộng quyền kiểm soát đối với toàn bộ Biển Đông thông qua cái Trung Quốc gọi là “đường chín đoạn” như một đường biên bao trùm vùng nước chiến lược.

Chiến lược lâu dài

Nghị sĩ Randy Forbes, thành viên Ủy ban Quân bị quốc hội Mỹ nói Lầu Năm Góc nên xem xét lại các chương trình trao đổi với quân đội Trung Quốc như một hệ quả của các hoạt động của Bắc Kinh trên Biển Đông. “Xây các đảo nhân tạo ở Biển Đông nhằm thúc đẩy các đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ đơn giản là một sự tiếp tục xem thường các tiêu chuẩn quốc tế của Trung Quốc và họ từ chối giải quyết các tranh chấp một cách có trách nhiệm”, ông Forbes nói.

Việc Trung Quốc tăng cường mở rộng, xây dựng ở Biển Đông đã cảnh báo một số quan chức quân sự Mỹ. Họ lo ngại động thái trên nằm trong tính toán chiến lược nhằm kiểm soát vùng biển nay, vốn được xem là con đường chủ yếu vận chuyển dầu và các loại hàng hóa khác. Theo Washington Free Beacon, quá trình đẩy mạnh xây dựng diễn ra trong những năm dưới thời lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, người từng cam kết phát triển một mô thức quan hệ nước lớn kiểu mới với Mỹ.

“Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cần phải được thuyết phục để dừng việc xây dựng này nếu như quốc hội và Tổng thống gây sức ép với Bắc Kinh”, chuyên gia về Trung Quốc và là cố vấn Lầu Năm Góc  Michael Pillsbury nói. Ông Pillsbury còn là giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến lược Trung Quốc tại Viện Hudson, tác giả cuốn sách “Cuộc đua Marathon trăm năm” gây dư luận. Sách tiết lộ một chương trình chiến lược thành công của Trung Quốc kể từ những năm 1970 nhằm giành các nguồn tài nguyên, bao gồm tại Biển Đông là một phần trong kế hoạch dài hạn trước tiên được Mao Trạch Đông phát động nhằm giúp Trung Quốc vượt qua Mỹ và kết thúc sự bá chủ toàn cầu của Mỹ.

Nguyên quan chức ngoại giao Mỹ John Tkacik cho rằng, nỗ lực kiểm soát Biển Đông của Trung Quốc là một mục tiêu dài hạn của lãnh đạo Trung Quốc kể ngày đầu lập nước. Bắc Kinh bắt đầu xâm chiếm và kiểm soát các hòn đảo ở Biển Đông năm 1974 và tiếp tục cho đến nay. “15 năm qua, Trung Quốc thực thi chiến lược mới xây dựng ồ ạt trên những kết cấu nổi, và hiện nay đang ở vị thế không chỉ củng cố yêu sách với những đảo đá của họ, mà còn đòi hỏi toàn bộ hàng triệu dặm vuông Biển Đông. Rõ ràng, Bắc Kinh có ý chiếm đóng và đưa dân tới sống tại các tiền đồn mới này với mục đích thiết lập chủ quyền biển, không chỉ với các đảo mà cả với các nguồn tài nguyên khoáng sản dưới đáy biển, đồng thời kiểm soát lưu thông hàng hải và hàng không”, ông Tkacik nhận định.

Theo ông Tkacik, việc xây đảo nằm trong một chiến lược được hoạch định kỹ lưỡng nhằm đưa tới kết quả “toàn bộ lưu thông hàng không quốc tế và không gian biển sẽ sớm nằm dưới quyền tài phán của Bắc Kinh”. “Biển Đông là một trong những tuyến đường biển quan trọng nhất trên trái đất vì 1/3 toàn bộ tàu bè toàn cầu qua đây mỗi năm”, ông Tkacik hiện là chuyên gia Trung tâm chiến lược và đánh giá quốc tế cho biết. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Tony Blinken không bình luận gì về việc Bắc Kinh lại tiếp tục bác bỏ đề nghị của Washington, tuy nhiên ông lưu ý: “Chúng ta kiên định với quan điểm về an ninh hàng hải. Tự do thương mại đòi hỏi tự do hàng hải cho tàu bè qua lại. Nó đòi hỏi phải đặt sự cần thiết đặt kinh doanh lên trước những tranh cãi về các bãi cạn và đảo đá”.

Máy bay giám sát Mỹ tuần tra biển Đông

Ngày 27/2, Mỹ và Philippines cùng xác nhận máy bay giám sát biển tối tân P-8A Poseidon của Mỹ đã thực hiện các chuyến tuần tra tại biển Đông xuất phát từ Philippines để thực hiện các cuộc tuần tra trên biển Đông.

Reuters dẫn thông báo từ hải quân Mỹ nói rõ chiếc P8-A được triển khai tới Philippines trong 3 tuần và đến ngày 21.2 đã thực hiện hơn 180 giờ bay trên biển Đông. Phát ngôn viên quân đội Philippines Restituto Padilla xác nhận P-8A được triển khai để thay thế máy bay giám sát biển P-3C Orions, vốn được vận hành từ các căn cứ Philippines theo một thỏa thuận an ninh song phương ký năm 2012.

Theo Reuters, đây là lần đầu tiên Mỹ thừa nhận sử dụng căn cứ từ Philippines để triển khai P-8A trên biển Đông, theo Reuters.

Hồi tháng 8.2014, Lầu Năm Góc loan báo một chiếc P-8A của nước này xuất phát từ Nhật Bản đã bị chiến đấu cơ Trung Quốc “quấy rối” khi đang thực hiện “sứ mệnh tuần tra thông thường” trên không phận quốc tế tại biển Đông. Theo Bloomberg, chiếc J-11 của Trung Quốc bị tố lượn lờ phía trên lẫn phía dưới và bám sát P-8, có lúc chỉ cách khoảng 6 m. Khi đó, Phó cố vấn an ninh quốc gia Ben Rhodes gọi hành động này là “sự khiêu khích gây quan ngại sâu sắc”. Đáp lại, Bộ Quốc phòng Trung Quốc chỉ trích cáo buộc của Mỹ là “hoàn toàn vô căn cứ”, lập luận rằng phi công Trung Quốc “đã giữ khoảng cách an toàn”, theo Tân Hoa xã.

Theo QPAN