Mỹ “chào” vũ khí cho Việt Nam, Nga không để mất phần

VietTimes -- Nga cung cấp cho Việt Nam hơn 90% trang thiết bị quân sự và cũng không có ý định để mất thị phần. Nga vừa giao 6 chiếc tàu ngầm lớp Kilo và đương nhiên còn có ý định tham gia vào công cuộc hiện đại hóa hải quân Việt Nam. Mỹ lại đi theo một cách khác, báo Pháp Les Echos đánh giá.
Lực lượng hải quân đánh bộ Việt Nam trang bị súng tiểu liên Israel
Lực lượng hải quân đánh bộ Việt Nam trang bị súng tiểu liên Israel

Sự kiện Tổng thống Mỹ Barack Obama thông báo quyết định lịch sử dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí với Việt Nam gây chú ý truyền thông thế giới. Nhật báo kinh tế Pháp Les Echos ngoài việc đăng thông tin, còn phỏng vấn ông Benoit de Tréglodé, giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược Trường Quân sự Pháp nhận định, Hà Nội muốn xây dựng một nền ngoại giao cân bằng giữa Bắc Kinh và Washington.

Theo Les Echos, quyết định dỡ bỏ cấm vận vũ khí này nằm trong tiến trình xích lại gần nhau giữa hai cựu thù, được bắt đầu vào năm 1994, với việc dỡ bỏ cấm vận kinh tế và tiếp theo đó là nối lại bang giao vào năm tiếp theo.

Tổng thống Mỹ tuyên bố: «Sự thay đổi này sẽ giúp cho Việt Nam có được những trang thiết bị cần thiết để phòng thủ». Cho đến hiện nay, Mỹ chỉ mới trợ giúp cho Việt Nam khoảng 46 triệu USD để giúp Hà Nội tăng cường an ninh đường biển, vào thời điểm căng thẳng diễn ra thường xuyên hơn trên Biển Đông do những tham vọng của Trung Quốc trong khu vực này. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá quyết định trên của tổng thống Mỹ đánh dấu một sự bình thường hóa hoàn toàn mối quan hệ giữa Hà Nội và Washington.

Ông Barack Obama là vị tổng thống Mỹ thứ ba đến thăm Việt Nam kể từ khi chiến tranh kết thúc năm 1975. Tổng thống Mỹ tuyên bố rất cảm động trước những tình cảm mà người dân nước này đã dành cho ông. Điều đó cho thấy vết thương chiến tranh hầu như đã được xóa tan từ lâu. Theo một kết quả thăm dò do Pew Research Centre thực hiện cho thấy 78% người Việt có ý kiến tốt về Mỹ, tỷ lệ này còn cao hơn ở giới trẻ.

Câu hỏi đặt ra thông báo dỡ bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí của ông Obama sẽ có lợi gì cho mối quan hệ Việt – Mỹ và có ảnh hưởng đến mối quan hệ Việt – Trung hay không, ông Benoit Treglodé cho rằng nên xem sự kiện này tùy theo việcnhìn từ phía nào: Việt Nam hay Mỹ. Hà Nội muốn một sự bình thường hóa hoàn toàn với Washington, một mối quan hệ hòa bình với kẻ thù hôm qua. Sau khi đã nối lại quan hệ trên bình diện kinh tế vào năm 1994, rồi ngoại giao vào năm 1995, nhưng Việt Nam vẫn còn một chướng ngại sau cùng phải vượt qua đó là lệnh cấm vận bán vũ khí. Đây là một động thái chính trị.

Bởi vì mối quan hệ này đã có những tiến triển từ 7-8 năm nay theo hướng kinh tế - chính trị nhiều hơn. Thời thế đã đổi thay. Vào ngày chế độ Sài Gòn sụp đổ năm 1975, ông Barack Obama chỉ mới có 14 tuổi. Ngày nay, Mỹ đã trở nên cực kỳ nổi tiếng trong lòng giới trẻ Việt Nam.

Lượng sinh viên Việt Nam đi du học ở Mỹ ngày càng tăng, trong khi đó một trường đại học Mỹ sắp khai trương ở nước này. Đảng Cộng sản Việt Nam có ý định tận dụng thời cơ này và xem đó như là một yếu tố gắn kết quốc gia. Trên một bình diện thuần túy ngoại giao, Mỹ tỏ ra rất cẩn trọng để không bị gạt ra bên lề tại Châu Á. Bởi vì, chính bản thân Mỹ cũng được hưởng lợi từ việc bình thường hóa quan hệ này.

Theo chuyên gia Pháp, hiện chưa có một hồ sơ lớn nào đang được thương thảo giữa Hà Nội và Washington. Mối quan hệ trong lĩnh vực này được thiết lập với Nga, quốc gia cung cấp cho Việt Nam đến hơn 90% trang thiết bị quân sự và cũng không có ý định để mất thị phần tại đây.

Chiến ham Molniya
Chiến ham Molniya "tia chớp" Việt Nam phóng tên lửa trên biển

Nga vừa giao 6 chiếc tàu ngầm lớp Kilo và đương nhiên còn có ý định tham gia vào công cuộc hiện đại hóa hải quân Việt Nam. Mỹ lại đi theo một cách khác. Vào năm 2015, các bộ trưởng Việt Nam và Mỹ đã ký một thỏa thuận tầm nhìn chiến lược dài hạn. Thỏa thuận này cho phép nghiên cứu lâu dài các hợp đồng trên phương diện quốc phòng, an ninh và cả chuyển giao công nghệ nữa.

Ở cấp độ này, những gì Mỹ đề xuất, trước hết đó là củng cố đối thoại thẳng thắn, đề xuất thiết bị nhỏ nhưng mang tầm cỡ công nghệ cao.

Về việc liệu Trung Quốc có thể xem việc xích lại gần này như là một hành động thù nghịch chống lại nước này hay không, Les Echos lý giải Việt Nam phát triển một nền ngoại giao đa phương và không thể gạt bỏ Mỹ. Mỹ cũng là đối tác thương mại hàng đầu ngoài khu vực châu Á. Chẳng có gì phải bác lại việc Hà Nội củng cố các mối quan hệ chiến lược. Cụ thể hơn, đối với việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí, Trung Quốc cũng không thể phản ứng gì hơn ngoài việc hoan nghênh bước đi bình thường hóa quan hệ hoàn toàn giữa hai quốc gia cựu thù Việt-Mỹ.

Mặt khác, vấn đề này đã được đồn thổi từ vài năm nay. Hơn nữa, các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng đã khẳng định là không có chuyện xoay lưng lại với Bắc Kinh để ngả theo Washington, mà chủ yếu là xây dựng một nền ngoại giao cân bằng giữa hai cường quốc.

Les Echos cho rằng Hà Nội đi theo hướng đi riêng của mình và muốn thu hút cảm tình của quốc tế. Các nhà lãnh đạo Việt Nam vừa xử lý các căng thẳng trên Biển Đông vừa có thể đưa ra những thông điệp ý nghĩa, điển hình là dịp lễ 30/4/2015, kỷ niệm 40 năm ngày quân Mỹ rút khỏi Việt Nam.