Mỹ cần cung cấp vũ khí cho Việt Nam khi Biển Đông "gươm súng sẵn sàng"

VietTimes -- Có báo cáo nhận định rằng Trung Quốc có thể tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông trước sau khi có phán quyết của tòa PCA, trong khi đó, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Harry Harris cho hay, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ sẽ không thừa nhận ADIZ ở Biển Đông giống như ADIZ biển Hoa Đông.
Đô đốc Harry Harris (ngồi giữa), Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ. Nguồn ảnh: Getty Images.
Đô đốc Harry Harris (ngồi giữa), Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ. Nguồn ảnh: Getty Images.

Chinatimes Đài Loan ngày 13/6 đăng bài viết của giáo sư Hà Tư Thận, khoa tiếng Nhật, Đại học Công giáo Phụ Nhân, Đài Loan bàn về vấn đề Biển Đông. 

Bài viết cho rằng, gần đây, đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông liên tiếp tăng lên, từ Đối thoại Shangri-La đến Đối thoại chiến lược và kinh tế Trung-Mỹ, hai bên liên tiếp so găng về ngoại giao.

Bắc Kinh cho rằng Mỹ là nước ngoài khu vực, phê phán Mỹ phô trương sức mạnh và kết bè kéo cánh ở Biển Đông. Trong khi đó, Mỹ chỉ trích hoạt động xây dựng bất hợp pháp của Trung Quốc ở các đảo đá trên Biển Đông là minh chứng cụ thể của quân sự hóa Biển Đông.

Đồng thời, Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc (PCA) ở The Hague, Hà Lan sắp đưa ra phán quyết cuối cùng đối với vụ Philippines kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.

Tờ nguyệt san The National Interest Mỹ cho hay, dư luận quốc tế dự đoán, PCA sẽ không đưa ra phán quyết có lợi cho "đường chín đoạn" và các hoạt động xây dựng đảo phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. 

Ngày 19/5/2016, tàu sân bay USS John C. Stennis Hải quân Mỹ tiến hành huấn luyện cất hạ cánh máy bay trên Biển Đông. Nguồn ảnh: Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc.
Ngày 19/5/2016, tàu sân bay USS John C. Stennis Hải quân Mỹ tiến hành huấn luyện cất hạ cánh máy bay trên Biển Đông. Nguồn ảnh: Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc.

Có người dự đoán: "Trung Quốc có thể tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông trước sau khi có phán quyết".

Đối với vấn đề này, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Harry Harris cho hay, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ "giống như ADIZ biển Hoa Đông, Mỹ sẽ không thừa nhận ADIZ ở Biển Đông", "điều này có nghĩa là Quân đội Mỹ có thể sẽ tăng cường tần suất bay, đi lại ở trong khu vực ADIZ để thể hiện Mỹ không thừa nhận cái gọi là ADIZ. Trung Quốc cũng sẽ nhanh chóng ứng phó, tiếp tục làm gia tăng tình hình căng thẳng". 

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cảnh báo, Bắc Kinh một khi lập ra ADIZ ở Biển Đông, sẽ bị coi là "hành vi thách thức và phá hoại sự ổn định". Mỹ và Nhật Bản cho rằng, Trung Quốc có ý đồ xây dựng các đảo ở Biển Đông thành "Trường Thành cát", vì vậy tích cực phối hợp với các nước ASEAN triển khai hợp tác an ninh ở vùng biển này.

Ngày 17/5/2016, cụm tấn công tàu sân bay USS John C. Stennis phô trương sức mạnh trên Biển Đông. Nguồn ảnh: Sina Trung Quốc.
Ngày 17/5/2016, cụm tấn công tàu sân bay USS John C. Stennis phô trương sức mạnh trên Biển Đông. Nguồn ảnh: Sina Trung Quốc.

Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Scott Swift cho biết, trước đây, tàu chở hàng hàng đi lại tự do ở các tuyến đường hàng hải quốc tế đang lách qua vùng biển lân cận đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp ở quần đảo Trường Sa (Việt Nam). 

Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter phê phán Bắc Kinh, cho rằng, hành vi cải tạo đá ngầm thành đường băng sân bay của Bắc Kinh ở Biển Đông không thể trở thành thủ đoạn thực thi yêu sách chủ quyền và hạn chế đi lại quốc tế trên biển, trên không. 

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mỹ, ông John McCain thậm chí đề nghị, Mỹ cần cung cấp vũ khí phòng thủ cho Việt Nam để ứng phó với không khí "gươm súng sẵn sàng" do hoạt động xây dựng (bất hợp pháp) của Trung Quốc gây ra trên Biển Đông.

Đối mặt với sự lên án của Mỹ, Bắc Kinh vẫn khăng khăng muốn thông qua đàm phán song phương để giải quyết tranh chấp Biển Đông, đồng thời bác bỏ hiệu lực phán quyết của Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc về vấn đề Biển Đông, tuyên bố không chấp nhận bất cứ phán quyết nào.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trương, thông qua cơ chế đối thoại để quản lý, kiểm soát tranh chấp, giải quyết tranh chấp bằng đàm phán (song phương), tích cực nghiên cứu hợp tác cùng khai thác, thực hiện cùng có lợi, cùng thắng, tìm kiếm "con đường Trung Quốc" để giải quyết tranh chấp Biển Đông. 

Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain. Nguồn ảnh: Hãng tin AP..
Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain. Nguồn ảnh: Hãng tin AP..

Vì vậy, Bắc Kinh vẫn sẽ nỗ lực thể hiện cái gọi là khả năng và quyết tâm của "nước lớn có trách nhiệm", lấy "phương thức tiến 2 bước, lùi 1 bước", "đấu mà không phá" với Mỹ, Nhật Bản, đồng thời tìm cách cải thiện quan hệ với Philippines sau khi ông Rodrigo Duterte lên làm Tổng thống, tránh ảnh hưởng tới tham vọng "một vành đai, một con đường".

Ngoài Mỹ, Nhật Bản coi Biển Đông là tuyến đường hàng hải quan trọng, sau khi cho phép thực hiện quyền tự vệ tập thể, thông qua hợp tác phòng vệ với Philippines, mở rộng "đồng minh Mỹ-Nhật" đến phía nam eo biển Bashi, tiến hành kiềm chế đối với Trung Quốc - quốc gia đang tìm cách tăng cường kiểm soát các vùng biển Đông Á, không cho phép Bắc Kinh biến Biển Đông thành ao nhà của họ.