Mỹ bỏ cấm vận, Việt Nam nhắm F-16 và sát thủ săn ngầm P-3?

VietTimes -- Thiết bị tuần tra và vũ khí chống ngầm là ưu tiên cao để mua sắm, có khả năng máy bay P-3 cũ hoặc thậm chí P-8. Các chiến đấu cơ Su-22 và MiG-21 của không quân Việt Nam cần được thay thế bằng loại chiến đấu cơ hiện đại, bổ sung thêm cho các chiến đấu cơ Su-30...
Chiến đấu cơ F-16 Falcon của Mỹ
Chiến đấu cơ F-16 Falcon của Mỹ

Tổng thống Mỹ Barack Obama sắp thăm Việt Nam, các nhà quan sát khu vực đang theo dõi sát sao điều gì có thể diễn ra nếu như ông Obama dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, Defense News cho biết.

Năm 2014, chính quyền Obama đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí này, chỉ giới hạn tập trung vào lĩnh vực an ninh hàng hải. Tuy nhiên, lệnh cấm này có thể sẽ được dỡ bỏ hoàn toàn trong chuyến thăm của tổng thống Obama.

Động thái này được bộ trưởng bộ quốc phòng Ash Carter ủng hộ trong phiên điều trần trước ủy ban quân vụ thượng viện Mỹ hôm 28/4. Việc này cũng nhận được sự ủng hộ của chủ tịch ủy ban này, thượng nghị sĩ quyền lực John McCain.

Ngày 18/5/, thượng nghị sĩ John McCain đã nói rằng Mỹ nên bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam. Theo ông, quốc gia cựu thù của Mỹ giờ là một đồng minh quan trọng ở vùng Châu Á - Thái Bình Dương.

Phát biểu trước chuyến thăm Việt Nam của tổng thống Barack Obama, chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng Viện Hoa Kỳ John McCain, cho biết «Chuyến thăm cho thấy một phát triển tích cực khác trong quan hệ hai nước. Hiện nay, Việt Nam ngày càng trở thành một đối tác quan trọng trong khu vực, cam kết giữ gìn những nguyên tắc dựa trên luật định trong vùng Châu Á Thái Bình Dương : tự do hàng hải, tự do thương mại, các giải pháp hòa bình cho các tranh chấp quốc tế». Ông cũng đưa ra ba điểm mà Mỹ nên thực hiện trong những năm tới để khuyến khích Việt Nam tích cực hơn trong việc tăng cường ổn định và an ninh trong khu vực.

Ông McCain đã bị bắt làm tù binh từ năm 1967-1973 trong chiến tranh Việt Nam. Trong quan hệ Mỹ-Việt, ông  là người có ảnh hưởng lớn. Ủy ban Quân vụ Thượng viện mà ông McCain làm chủ tịch vừa đề xuất bãi bỏ cấm vận vũ khí đối với Việt Nam trong báo cáo công bố ngân sách quốc phòng 2017.

Tuy nhiên, bà Phuong Nguyen thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược Mỹ cho rằng vấn đề vướng mắc hiện nay nằm ở trung tâm nhân quyền của quốc hội. Đã có sự tranh cãi trong giới chức Mỹ về việc có dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam hay không.

David McKeeby, phát ngôn viên phòng chính trị-quân sự thuộc bộ ngoại giao Mỹ cho biết, nhân quyền là một yếu tố cơ bản trong chính sách đối với Việt Nam và lưu ý rằng tất cả các thương vụ mua bán vũ khí đều được xem xét trên cơ sở từng trường hợp và ông không bình luận về khả năng dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí trong chuyến thăm của ông Obama.

Một năm trước, bộ trưởng quốc phòng Carter tới Việt Nam và thông báo một quan hệ đối tác kinh tế-quân sự mới giữa hai nước Việt-Mỹ. Thỏa thuận kêu gọi hai bên “mở rộng việc mua sắm quốc phòng giữa hai nước, bao gồm khả năng hợp tác sản xuất các công nghệ và thiết bị mới”.

Theo một quan chức Mỹ được Defense News trích dẫn, thời điểm đó Việt Nam đang mua tới 90% thiết vị quân sự từ Nga. Nếu như chính quyền của ông Obama có thể thay đổi điều này, Mỹ sẽ giành được lợi ích kép “một tên trúng hai đích”, vừa xen vào quan hệ giữa Việt Nam và chính quyền của tổng thống Nga Vladimir Putin trong bối cảnh căng thẳng Nga-Mỹ, trong khi mặt khác cũng tăng cường kiềm chế những tham vọng của Trung Quốc trong khu vực.

Nhưng một năm sau, vẫn còn quá ít việc đạt được sau thỏa thuận Việt-Mỹ, bất chấp đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội đã tổ chức một cuộc làm việc giữa các tập đoàn quốc phòng Mỹ và đại diện chính phủ cũng như quân đội Việt Nam, theo bà Phuong Nguyen.

Như nhiều quốc gia đang phát triển khác, Việt Nam quan tâm tới việc tự xây dựng nền tảng công nghiệp quốc phòng non trẻ của mình hơn là chỉ mua công nghệ. “Họ quan tâm tới việc cùng làm việc trong mua sắm quốc phòng, nhưng không quan tâm tới việc chỉ mua sắm. Họ muốn Mỹ giúp xây dựng công nghiệp quốc phòng và đó là mục tiêu của họ khi làm việc với Mỹ”, bà Phuong Nguyen nói.

Tuy nhiên, một số nhu cầu ngắn hạn của Việt Nam cần được phía Mỹ đáp ứng. Theo Defense News, Việt Nam rất tập trung nhằmbảo vệ chủ quyền của mình,vào thời điểm Trung Quốc ngày càng hung hăng trong yêu sách chủ quyền ngang ngược ở Biển Đông. Với nhà phân tích Doug Barrie cũng thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược Mỹ, điều đó có nghĩa hàng loạt cơ hội to lớn.

“Tôi trông chờ các thiết bị tuần tra và vũ khí chống ngầm là ưu tiên cao trong danh sách mua sắm, có khả năng là máy bay P-3 cũ hoặc thậm chí một bước nhảy vọt là P-8. Về năng lực không chiến, các chiến đấu cơ Su-22 và MiG-21 của không quân Việt Nam cần được thay thế bằng loại chiến đấu cơ hiện đại, bổ sung thêm cho các chiến đấu cơ Su-30 dường như đã được tìm kiếm. Hiện đại hóa đội máy bay vận tải cũng là một khả năng khác”, ông Barrie nhận định.

Tuy nhiên, bà Phuong Nguyen tin rằng Việt Nam sẽ tìm cách thay đổi dần dần để không trực tiếp gây đối kháng với người láng giềng lớn hơn nhiều. “Việt Nam không sớm mua chiến đấu cơ của Mỹ. Họ muốn tịnh tiến như vậy nhằm để Bắc Kinh không xem đó là một nguy cơ cần phải đáp trả”, bà Nguyen nói.