“Mỹ bị Nga ném trứng vào mặt, trận thế Trung Đông phá sản hoàn toàn”

Đó là chỉ trích của đại tá quân đội Mỹ hồi hưu Jack Jacobs, hiện là chuyên gia phân tích quân sự trên kênh truyền hình NBC. Ông Jacobs phê phán chính sách của chính quyền Obama tại Syria và cho rằng những động thái mới nhất của Nga tại Syria cho thấy Mỹ “chẳng biết làm gì”.
Chiến đấu cơ ném bom tối tân của Nga tham gia chiến dịch quân sự tại Syria
Chiến đấu cơ ném bom tối tân của Nga tham gia chiến dịch quân sự tại Syria

Không chỉ có ông Jacobs, học giả Frederic Hof  tại Hội đồng Atlantic cũng cho rằng Mỹ chỉ biết đứng nhìn trong khi Nga can thiệp quân sự trực tiếp vào Syria. Ông Hof chỉ trích chính sách Mỹ áp dụng 4 năm qua tại Syria đã thất bại, dẫn tới những hậu quả báo động vượt quá phạm vi khu vực Cận Đông. Hãy đánh giá một cách thận trọng khoảng cách giữa lời nói và hành động của chính quyền Barack Obama với quyết định của tổng thống Nga Vladimir Putin hành động quân sự trợ giúp chính quyền Syria chống IS đủ thấy rõ.

Theo Hof, ông Putin đã ra tay hết sức quyết đoán vì tin chắc rằng phản ứng của Mỹ sẽ chủ yếu là một sự phản đối chiếu lệ như nói rằng Nga đang phạm phải sai lầm lớn. Giống như tổng bí thư Liên Xô cách đây hơn 50 năm, ông Putin cảm nhận được sự mềm yếu của tổng thống Mỹ Obama hiện nay.

Dĩ nhiên cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 không giống hành động can thiệp quân sự vào Syria của Nga hiện nay. Song ông Hof kết luận, chiến dịch không kích của Nga tại Syria thực sự là tín hiệu rất coi thường đối với Washington và tính toán kỹ lưỡng rằng chính quyền Obama sẽ chẳng làm gì để ngăn cản.

Hof nhận định chính quyền Obama vẫn tin rằng những gì diễn ra tại Syria chỉ đóng khung tại Syria là một sai lầm nghiêm trọng. Thách thức mà Moscow đặt ra đã vượt quá phạm vi Syria. Tương tự như cuộc khủng hoảng Ukraine, ông Putin đánh giá phương Tây thiếu cả sự lựa chọn lẫn các giải pháp.

Theo đại tá Jacobs, chiến dịch không kích của Nga tại Syria nhằm vào các lực lượng chống đối tổng thống Assad là động thái hoàn toàn trái ngược với quan điểm của ông Obama và Mỹ. Lâu nay, ông Obama kiên trì theo đuổi mục tiêu gạt bỏ ông Assad khỏi quyền lực bằng cách đạt được một giải pháp chính trị.

Ngược lại, ông Putin dồn dập leo thang can thiệp, tăng cường quân sự tới Syria trong tháng qua, đỉnh điểm là chiến dịch không kích hậu thuẫn đồng minh mà nhà lãnh đạo Nga luôn nói đang chiến đấu quyết liệt chống IS.

“Chúng ta chẳng làm gì. Một trong những điều được phát hiện hóa ra là không tưởng rằng chúng ta hiện đang tìm cách tống khứ Assad và tiêu diệt IS trên mặt đất bằng các cuộc không kích. Chúng ta vẫn đang tiếp tục chiến dịch không kích, nhưng chẳng đạt được tiến triển gì, thậm chí IS còn lớn mạnh hơn trước đây », ông Jacobs nói.

Khi người dẫn chương trình kênh CNBC Michelle Caruso-Cabrera hỏi Mỹ nên làm điều gì tốt nhất và đúng đắn trong tình cảnh hiện nay, Jacobs đáp một cách cộc cằn rằng Mỹ nên “im miệng lại” và đừng có phát biểu kiểu như bộ trưởng quốc phòng Ash Carter khi phán xanh rờn rằng Nga đang  « gây trở ngại » và chỉ trích ông Putin và cách Nga đang làm là không chuyên nghiệp.

Tổng thống Putin có những bước đi đầy quyết đoán và thần tốc, làm xoay chuyển cục diện Trung Đông
Tổng thống Putin có những bước đi đầy quyết đoán và thần tốc, làm xoay chuyển cục diện Trung Đông

Nếu như Mỹ “thực sự nghiêm túc” về những sự kiện đang diễn ra tại Syria, Jacobs cho rằng Mỹ nên liên kết các lực lượng người Kurd và Sunni lại, đồng thời thiết lập một lực lượng đa quốc gia bao gồm cả A rập Xê út để giúp ổn định Syria. « Mỹ không còn đủ nguồn lực để tiếp tục bất cứ cuộc chiến nào ở Trung Đông nữa », Jacobs tuyên bố.

Ông Jacobs cũng tấn công chính quyền Obama về việc không dám triển khai quân trên bộ (giống như Nga đang làm tại Syria) vào nhiều cuộc xung đột khác nhau. « Không ai có kinh nghiệm quân sự để biết rằng mọi việc chúng ta đang làm ở đó đã phá sản. Chúng ta bị ném trứng vào mặt vì rõ ràng chúng ta đã thất bại – chúng ta chẳng hề có một chiến lược cho ra hồn », Jacobs quả quyết.

Không chỉ vậy, chuyên gia Matthew Continetti viết trên Washington FreeBaecon còn cho rằng hai ông Putin và Obama đang phá vỡ khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) bằng những hành động thời gian gần đây. Theo Continetti, Nga can thiệp vào Syria còn có mục đích xa hơn việc hậu thuẫn Assad. Nga đang lãnh đạo một liên minh ủng hộ Assad gồm Iran, Iraq một cách hiệu quả để hất Mỹ ra khỏi khu vực với tư cách tay chơi bên ngoài có ảnh hưởng lớn nhất.

Những động thái của Nga ở Syria buộc Washington phải đề xuất «hóa giải xung đột », trao cho Moscow quyền tự do hành động trên không phận Syria và có thể cả Iraq. Và xây dựng một căn cứ quân sự Nga đã mở thêm một cơ hội cho Putin trong cuộc chiến chống NATO. Chỉ nằm cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ (một thành viên khối NATO) không đầy 50 dặm, căn cứ không quân Latakia có khả năng uy hiếp không chỉ Thổ Nhĩ Kỳ và cả các đồng minh Mỹ trong khu vực như Israel, Jordan và A rập Xê út.

Hai nhà phân tích Frederick W. Kagan và Kimberly Kagan nhận định, từ căn cứ mới máy bay Nga còn đe dọa cả hạm đội 6 của Mỹ ở Địa Trung Hải. Ông Putin cũng có thể buộc Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh NATO phải xây dựng một hành lang kiểm soát bay chiến đấu thường trực dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Và những cơ hội xảy ra những sự cố chết người đang tăng lên từng ngày.

Theo QPAN