Mỹ “bày trận” chống Trung Quốc tiếm ngôi bá chủ

Báo cáo này có tên “Xem xét lại chiến lược tổng thể của Mỹ đối với Trung Quốc (Revising U.S. Grand Strategy Toward China) chính là một kế hoạch tác chiến không hơn không kém.
Chiến đấu cơ tàng hình F-35 cất cánh từ tàu sân bay Mỹ
Chiến đấu cơ tàng hình F-35 cất cánh từ tàu sân bay Mỹ

Báo cáo này do Hội đồng Đối ngoại (Council on Foreign Relations) soạn thảo. Các tác giả của báo cáo là Robert D. Blackwill và Ashley J. Tellis có quan hệ mật thiết với Bộ Ngoại giao Mỹ và nhiều trung tâm chiến lược đối ngoại Mỹ.

Trong báo cáo có nêu văn kiện có từ thời Thế chiến II từng xác định “chiến lược quốc gia” như một chương trình “hợp nhất chính trị và tiềm lực quân sự của quốc gia sao cho việc tham chiến hoặc là trở nên không thích hợp, hoặc là được tiến hành với những cơ hội giành chiến thắng là lớn nhất”. Đây không chỉ là khái niệm chiến tranh, mà là “bộ phận không tách rời của nghệ thuật quản trị quốc gia trong mọi thời kỳ”.

Chủ đề chính của báo cáo là: sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc là mối đe dọa nghiêm trọng đối với ưu thế toàn cầu của Mỹ, và quá trình này sẽ phải bị ngăn chặn lại bằng các phương tiện kinh tế, ngoại giao và quân sự.

Điều quan trọng là ngay ở đầu báo cáo, các tác giả đã nhắc đến chương trình quốc phòng của Lầu Năm góc xây dựng vào năm 1992 ngay sau khi Liên Xô sụp đổ, trong đó khẳng định rằng, chiến lược của Mỹ phải “chuyển hướng sang các biện pháp ngăn chặn sự xuất hiện một đối thủ tiềm tàng toàn cầu”.

Khẳng định Trung Quốc hiện đã có “chiến lược quốc gia” giành thế bá chủ khu vực và cuối cùng là bá chủ toàn cầu của mình, các tác giả đưa ra kết luận dứt khoát: họ coi sự trỗi dậy kinh tế của Trung Quốc là mối đe dọa đối với vị thế thống trị của Mỹ trong trật tự thế giới hiện hữu.

Các nhà phân tích lưu ý rằng, từ năm 1907, quan chức cao cấp Bộ Ngoại giao Anh Eyre Crowe đã viết trong báo cáo của mình về ý nghĩa của sự trỗi dậy của nước Đức đối với lợi ích của Anh quốc. Ông Crowe tin rằng, bất kể các ý đồ của các nhà lãnh đạo nước Đức, sự bành trường kinh tế của nước Đức tự thân nó là mối nguy hiểm lớn đối với Đế quốc Anh. Bảy năm sau, hai đại cường quốc này đã lao vào một cuộc chiến tranh. Trung Quốc không phải là cường quốc đế quốc như nước Đức hồi đầu thế kỷ trước, nhưng sự trỗi dậy kinh tế của nó tự thân đang phá hoại ưu thế toàn cầu của Mỹ.

“Bởi lẽ, các nỗ lực của Mỹ “hội nhập” Trung Quốc vào trật tự thế giới tự do đã không dẫn đến sự xuất hiện mối đe dọa đối với ưu thế của Mỹ ở châu Á mà cuối cùng có thể lớn lên thành sự thách thức đối với Mỹ, Washington cần một chiến lược quốc gia đối với Trung Quốc tập trung nhiều vào việc kiềm chế sự gia tăng ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Trung Quốc hơn là hỗ trợ thiết lập sự thống trị của họ (Trung Quốc), các tác giả báo cáo nhận định.

Việc lặp lại chính sách chiến tranh lạnh dựa trên học thuyết “kiềm chế” là không thể vì nó hình thành do chính sách độc lập khép kín của Liên Xô, trong khi sự phát triển kinh tế của Trung Quốc lại gắn liền với các quá trình toàn cầu hóa và hội nhập Trung Quốc vào các thị trường thế giới.

Ở góc độ nào đó, khẳng định này là sự xác nhận trực tiếp cho luận điểm Marxism rằng, các nguồn gốc chiến tranh nàm ở ngay rong nguyên tắc hoạt động của hệ thống tư bản chủ nghĩa. Trung Quốc đang hoạt động trong khuôn khổ các quy luật của thị trường thế giới phần lớn được xác lập bởi chính nước Mỹ, trong khi sự hội nhập của Trung Quốc đang ngày càng phá vỡ thế thống trị của Mỹ.

Trong báo cáo, điều đó được trình bày như sau: “Sự ủng hộ mà Mỹ dành cho việc hội nhập Trung Quốc vào cơ cấu thương mại thế giới đã dẫn đến sự xuất hiện một tình thế khó khăn. Các hành động của Washington đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Bắc Kinh và đẩy nhanh việc biến nó thành đối thủ địa-chính trị của Mỹ”.

Tóm lại, khi miêu tả sơ bộ các yếu tố chủ yếu của “chiến lược quốc gia” Mỹ, các tác giả nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của các vấn đề kinh tế. Trong khuôn khổ kế hoạch lành mạnh hóa kinh tế của mình, Mỹ phải “xây dựng một sơ đồ các quan hệ thương mại mới với các nước châu Á loại trừ Trung Quốc, xây dựng các công cụ hiệu quả để đối phó với sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Á và trên toàn thế giới, và cùng với các đồng minh của Mỹ, cũng như với các đối tác có chung lập trường đó xây dựng một cơ cấu kiểm soát công nghệ đối với Trung Quốc”.

Ở góc độ này, tổ chức Hiệp ước đối tác kinh tế-thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP, trong đó không có mặt Trung Quốc, mà Obama đang đòi Quốc hội Mỹ trao cho các thẩ quyền đặc biệt để đàm phán thành lập đang được xem là phương tiện quan trọng nhất để làm việc đó. Nếu nỗ lực này thất bại thì điều đó “sẽ làm suy yếu nghiêm trọng” chiến lược quốc gia Mỹ.

Tầm quan trọng mà báo cáo giành cho các vấn đề kinh tế không hề hạ thấp vai trò của các phương tiện quân sự. Trái lại, các tác giả đã mô tả chi tiết các biện pháp có tính quân sự cả trong khuôn khổ chính sách của bản thân nước Mỹ, lẫn các biện pháp xuất phát từ các đồng minh của Mỹ trong khu vực.

Liên minh với Nhật Bản có tầm quan trọng hàng đầu. Các đề xuất trong báo cáo bao gồm: mở rộng quan hệ Mỹ-Nhật trong lĩnh vực quốc phòng ra toàn bộ lãnh thổ châu Á, hiện đại hóa lực lượng vũ trang Nhật, đưa Nhật vào các khái niệm tác chiến như “Tác chiến không-biển” (Air-Sea battle) vốn trù tính tấn công ồ ạt vào các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Trung Quốc, cũng như đẩy mạnh hợp tác với Nhật trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa. Các hệ thống phòng thủ tên lửa được coi là yếu tố cực kỳ quan trọng của chiến lược đánh đòn đầu tiên và dùng để ngăn chặn mọi hành động đánh trả của đối phương.

Tác chiến không-biển là một chiến lược Mỹ xây dựng để đối phó với tham vọng quân sự ngày càng lớn của Trung Quốc
Tác chiến không-biển là một chiến lược Mỹ xây dựng để đối phó với tham vọng quân sự ngày càng lớn của Trung Quốc

Liên quan đến Hàn Quốc, báo cáo kêu gọi mở rộng tiềm lực của nước này trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa,  cũng như đưa Hàn Quốc vào chiến lược chung với Nhật nhằm thay đổi chế độ ở Bắc Triều Tiên.

Australia trong báo cáo được gọi là “điểm tựa phía nam” của lợi ích Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương. Tài liệu kêu gọi sử dụng căn cứ hải quân Stirling để yểm trợ cho “cơ cấu Hải quân Mỹ trong khu vực”. Mỹ và Australia phải tiến hành quan sát bằng máy bay không người lái đối với khu vực quần đảo Cocos thuộc Australia ở Ấn Độ Dương, cũng như “hai nước phải hợp tác nhằm thúc đẩy các năng lực tiềm tàng của Australia trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa”.

Danh sách này có thể kéo dài thêm. Vũ khí hạt nhân của Ấn Độ cần được xem như “tài sản” trong cán cân sức mạnh hiện có và hợp tác quân sự Mỹ-Ấn cần phải mở rộng. Cũng cần tăng cường vai trò của Indonesia trong các cuộc tập trận chung mà Việt Nam cần được huy động tham gia vào đó. Ngoài ra, Philippines cần được giúp đỡ phát triển tiềm lực quốc phòng thật sự.

Liên quan đến các khía cạnh chính trị của vấn đề, các tác giả báo cáo kêu gọi tăng cường các quan hệ chiến lược và đối tác với tất cả các nước trong khu vực, trong đó có củng cố các liên minh hiện có và lập ra các liên minh mới. Họ cho là cần tăng cường “khả năng của các nước châu Á tự lực đối chọi với Trung Quốc’” và phát triển các hình thức hợp tác nội bộ châu Á mới trực tiếp nhằm đối phó với Trung Quốc, nhưng không nhất thiết phải có sự tham gia trực tiếp của Mỹ, nhưng nhận được sự ủng hộ có tính hệ thống của Mỹ.

Sau khi luận giải tất cả các biện pháp chống Trung Quốc trong các lĩnh vực kinh tế, quân sự và chính trị, báo cáo khẳng định rằng, Mỹ phải thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ ngoại giao cấp cao với Trung Quốc nhằm “làm giảm căng thẳng phát sinh” và “thuyết phục các đồng minh của Mỹ, cũng như các nước bạn bè của Mỹ ở châu Á và ngoài châu Á tin rằng, Washington đang tìm cách tránh đối đầu với Trung Quốc”.

Căn nguyên của sự mâu thuẫn này là một trong những thành tố chính cảu chính sách của Mỹ chính là sự hiếu chiến ý thức hệ. Mục tiêu của “ngoại giao cấp cao” và của việc có thể thậm chí lập ra các liên doanh với Trung Quốc trong những lĩnh vực nhất định là bảo đảm sự tuyền truyền lừa dối rằng, nguyên nhân chiến tranh là các hành động của địch thủ của Mỹ mà trong trường hợp này là chính sách bành trướng của Trung Quốc. Sự lừa dối này nằm ở trung tâm chính sách quân sự Mỹ từ khi Mỹ trở thành cường quốc đế quốc vào cuối thế kỷ XIX.

Về thực chất, báo cáo này loại trừ mọi sự dàn xếp quan hệ với Trung Quốc. Ở phần kết luận, các tác giả viết: “Không hề có triển vọng hiện thực nào để tạo dựng không khí tin cậy lẫn nhau, “cùng tồn tại hòa bình”, đối tác chiến lược này “quan hệ hợp tác kiểu mới” giữa Mỹ và Trung Quốc”.

Theo VND