Mỹ báo động đảo nhân tạo phi pháp Trung Quốc, chiến thuật “cải bắp” chiếm Biển Đông

VietTimes -- Trong một bài viết mới đăng trên báo hải quân Trung Quốc, các sĩ quan ở hạm đội Nam Hải tuyên bố Trung Quốc đã giành được ưu thế quân sự áp đảo trên Biển Đông. Đây có vẻ là lời tuyên bố về việc Trung Quốc đã quân sự hóa 6 hòn đảo nhân tạo xây dựng phi pháp trong khu vực, trang RCD (Mỹ) phân tích. 
Trung Quốc đang cố gắng xây dựng cụm tác chiến tàu sân bay rập khuôn mô hình Mỹ
Trung Quốc đang cố gắng xây dựng cụm tác chiến tàu sân bay rập khuôn mô hình Mỹ

Cơ quan Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á thuộc Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS) mới đây cho biết, Trung Quốc đã gần như hoàn tất quá trình xây dựng trái phép cơ sở hạ tầng quân sự và dân sự trên “bộ ba” đảo nhân tạo phi pháp lớn nhất ở Biển Đông là Đá Subi, Đá Vành Khăn và Đá Chữ Thập. Theo RCD, bài báo này của hải quân Trung Quốc nhằm gửi tới công chúng những thông điệp nhất định.

Với dư luận trong nước Trung Quốc, thông điệp chính đưa ra nhằm giúp khôi phục lòng tự tôn dân tộc, nhấn mạnh sức mạnh quân sự là điều tối quan trọng và đảng cầm quyền Trung Quốc đang cố tạo ra những kết quả tốt nhất.

Tuy nhiên với công chúng quốc tế, thông điệp lại có vẻ khắc nghiệt hơn, đó là: Trung Quốc hiện đang thống trị khu vực và các bên nên ứng xử phù hợp theo hướng này. Mới đây, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh đã từng nói rằng: “Đây là một lời nhắc nhở lịch sự…Trung Quốc sẽ không bắt nạt các nước nhỏ, nhưng các nước nhỏ chớ nên cố tình liên tục gây rắc rối”.

RCD cho rằng bài báo đã phát đi hai lời cảnh báo đáng lo ngại về các hành động của Trung Quốc trong tương lai.

Lời cảnh báo đầu tiên là một cuộc khủng hoảng quân sự trên Biển Đông rất có thể sẽ xảy ra. Bài viết hô hào rằng Trung Quốc nên sẵn sàng lợi dụng cuộc khủng hoảng này để tấn công kẻ thù vào những chỗ hiểm và “dạy cho chúng một bài học”.

Đá Subi đã bị Trung Quốc bồi lấp, xây dựng thành đảo nhân tạo phi pháp với đường băng, nhà chứa máy bay và các công trình quân sự kiên cố
Đá Subi đã bị Trung Quốc bồi lấp, xây dựng thành đảo nhân tạo phi pháp với đường băng, nhà chứa máy bay và các công trình quân sự kiên cố, quy mô được so sánh với căn cứ tại Trân Châu Cảng của Mỹ

Tác giả cũng nhắc lại Trung Quốc đã từng hành động như vậy vào năm 2012, khi nước này khéo léo tận dụng cuộc khủng hoảng quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Ngụ ý Trung Quốc có thể đạt được lợi thế bằng cách gây ra một cuộc khủng hoảng trên Biển Đông với thời gian và địa điểm tùy thuộc hoàn toàn vào chọn lựa của nước này.

Tác giả bài viết cũng trấn an người dân Trung Quốc rằng cuộc khủng hoảng có thể được kiểm soát, do đó hầu như không có khả năng gây ra một cuộc xung đột lớn hay leo thang chiến tranh.

Các tác giả vốn là sĩ quan hải quân Trung Quốc cho rằng các nước ASEAN đã bị uy hiếp trước hành vi xây dựng đảo (phi pháp) của Trung Quốc, đồng thời ASEAN cũng thiếu các biện pháp quân sự để đáp trả, trong khi đó Mỹ lại “không đủ khả năng và sự sẵn sàng tham gia vào một cuộc xung đột quân sự hay chiến tranh”.

Tuy nhiên theo RCD, nhận định của các sĩ quan Trung Quốc này có vẻ quá táo bạo, vì tân tổng thống Mỹ Donald Trump trong chiến dịch tranh cử đã kịch liệt chỉ trích chính quyền tiền nhiệm thiếu biện pháp đối phó mạnh tay trước các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông.

Theo RCD, một cuộc khủng hoảng quy mô nhỏ mà các tác giả bài viết nhắc tới có thể giống như sự cố tàu Impeccable của Mỹ năm 2009 mà Trung Quốc cố tình gây ra hay vụ chạm trán nguy hiểm giữa máy bay chiến đấu của Trung Quốc với máy bay giám sát USN EP-3 của Mỹ năm 2001.

Chắc chắn một sự cố tương tự như sự cố máy bay trước đây sẽ là một cái cớ phù hợp để Trung Quốc tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông. Như Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường gần đây đã phát biểu, những hòn đảo nhân tạo xây dựng phi pháp của Trung Quốc được trang bị các thiết bị quốc phòng để “đảm bảo các hoạt động tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông”.

Liệu vụ chạm chán nguy hiểm liên quan đến máy bay USN P-3 của Mỹ hôm 9/2 có phải là cuộc diễn tập trước cho một sự cố sắp xảy ra hay không?

Lời cảnh báo thứ hai có vẻ tinh tế hơn một chút. Bài viết đề xuất thiết lập một khu loại trừ hàng hải nào đó để ngăn chặn các nước ASEAN không chiếm giữ nhiều thực thể trên Biển Đông hoặc không có khả năng để phá hoại các hoạt động đánh bắt cá và khai thác dầu dưới đáy biển của Trung Quốc trong khu vực (đây là luận điệu sai trái của Trung Quốc vì chính họ mới là nước dùng vũ lực cưỡng chiếm các thực thể địa lý ở Biển Đông và thường có những hành động gây hấn, đe dọa các nước láng giềng yếu hơn).

Với giọng lưỡi hiếu chiến, mấy sĩ quan Trung Quốc cho rằng để “ngăn chặn các bên không vi phạm”, hải quân Trung Quốc nên triển khai chiến lược “chiến tranh trường kỳ”, nói cách khác là sử dụng lực lượng một cách lâu dài và kiên nhẫn, “chiến đấu phía sau mặt trận dân sự và kiềm chế không nổ súng trước”.

Gợi ý này cũng giống với cách tiếp cận của Trung Quốc khi chiếm cứ bãi cạn Scarborough từ tay Philippines. Vào thời điểm đã được tính toán cẩn thận, Trung Quốc đã lần đầu tiên đưa các tàu đánh cá, sau đó là tàu tuần tra và tàu cảnh sát biển, và cuối cùng là tàu chiến của hải quân vào vùng biển tranh chấp giữa nước này với Philippines. Chuẩn Đô đốc Zhang Zhaozhong đã gọi đây là “chiến lược cải bắp”, trong đó hòn đảo được bao bọc bởi tầng tầng lớp lớp các lực lượng Trung Quốc như cây bắp cải.

Mấy sĩ quan diêu hâu còn gợi ý Trung Quốc nên tiếp tục cách tiếp cận này với ngụ ý rằng Trung Quốc sẽ cấm các tàu nước ngoài bằng các tàu đánh cá thương mại để ngăn chặn các nước khác không thể đi vào khu vực đã bị Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền (ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế).

Nếu chiến lược này thất bại, các tàu tuần tra và tàu hải cảnh sẽ triển khai các hoạt động mang tính hung hăng hơn, thực hiện các chiến thuật dồn dập đè bẹp đối phương, có thể là xịt các vòi rồng lên tàu đối phương.

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc vừa kết thúc chuyến diễn tập dài ngày trên biển
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc vừa kết thúc chuyến diễn tập dài ngày trên biển
Hải quân Trung Quốc và Nga tập trận đổ bộ chiếm đảo trên Biển Đông
Hải quân Trung Quốc và Nga tập trận đổ bộ chiếm đảo trên Biển Đông
Khu trục hạm Quảng Châu của hải quân Trung Quốc phóng tên lửa trong cuộc tập trận ở Biển Đông
Khu trục hạm Quảng Châu của hải quân Trung Quốc phóng tên lửa trong cuộc tập trận ở Biển Đông

Lực lượng hải cảnh Trung Quốc đã đóng hai con tàu mới trọng tải lên tới 12.000 tấn, là những tàu lớn nhất trên thế giới có khả năng đâm va các tàu chiến và tàu cảnh sát biển nhỏ hơn của các nước ASEAN.

Biện pháp cuối cùng là viện đến tàu chiến của hải quân Trung Quốc để đe dọa và cưỡng chế.

Việc Trung Quốc kết hợp cả các tàu hải quân, cảnh sát biển và tàu dân sự có vẻ như rất lạ thường nhưng RCD cho rằng đó thực chất chỉ là sự lặp lại tư duy về sức mạnh ở cấp độ thấp của Trung Quốc. Trung Quốc coi quyền lực của một nước thể hiện ở tổng thể nhiều loại sức mạnh bao gồm kinh tế, giáo dục, văn hóa, khoa học và quân sự.

Tương tự, Trung Quốc giải quyết vấn đề theo cách tiếp cận toàn diện và đa chiều. RCD đánh giá, Trung Quốc có thể giành được ưu thế quân sự vượt trội trong khu vực nhưng đó mới chỉ là một phần của câu chuyện. Nước này cũng đang kết hợp triển khai các biện pháp khác, cả tích cực và tiêu cực nhằm gây ảnh hưởng lớn hơn đối với các nước ASEAN.

Bài báo của hải quân Trung Quốc gửi đi thông điệp nhắc nhở rằng tranh chấp trên Biển Đông sẽ còn đi xa hơn, Trung Quốc vẫn giữ nguyên tham vọng, đồng thời cũng phát thông điệp đe dọa đến các nước nhỏ hơn trong khu vực rằng “hãy cẩn thận, chớ gây rắc rối”.