Nhà báo Mỹ - Zachary Keck cho biết, Hải quân Mỹ đang xem xét khả năng trang bị cho các tàu sân bay thế hệ tiếp theo của nước này với các loại vũ khí laser vượt trội.
Trích dẫn nguồn tin từ Chuẩn Đô đốc Michael Manazir - Giám đốc Trung tâm Khí tài Không quân của Mỹ, nhà báo trên chỉ ra rằng, tàu sân bay thế hệ mới có nền tảng hoàn hảo để triển khai các loại vũ khí laser.
Hiện tại, loại vũ khí này có thể được sử dụng chỉ với mục đích phòng thủ, tuy nhiên, Chuẩn Đô đốc Manazir tin rằng, khi công nghệ ngày càng phát triển vượt trội, tàu sân bay Mỹ có thể được trang bị công nghệ tấn công bằng laser mới.
“Tàu sân bay USS Gerald Ford sử dụng hệ thống phân phối điện 13.800 volt, gấp ba lần so với các tàu sân bay lớp Nimitz, 4.160 volt”, ông Keck cho biết.
Ông cũng tiết lộ thêm rằng, tàu sân bay USS Gerald Ford sẽ dùng nguồn năng lượng này để vận hành Hệ thống phóng máy bay bằng điện từ (EMALS), phần còn lại có thể được sử dụng cho những vũ khí năng lượng định hướng (Directed Energy Weapon-DEW) và súng điện từ railgun.
Bằng việc triển khi vũ khí năng lượng định hướng trên tàu sân bay, Hải quân Mỹ muốn giải quyết các vấn đề mà các hệ thống phòng thủ tên lửa truyền thông vẫn đang gặp phải.
Trước nhất, nếu sử dụng vũ khí năng lượng định hướng thì chi phí sẽ thấp hơn rất nhiều so với các hệ thống phòng thủ tên lửa truyền thống và còn tăng cương sức mạnh phòng thủ cho tàu sân bay.
Thứ nữa, các tàu sân bay chỉ có không gian giới hạn nên chỉ có thể được trang bị các tên lửa với số lượng nhất định. Các chuyên gia tin rằng, vũ khí laser có thể giải quyết được cả hai vấn đề trên.
“Trên thực tế, Hải quân Mỹ đã vận hành một hệ thống vũ khí năng lượng định hướng, có tên Hệ thống Vũ khí Laser (LaWS), đang được triển khai trên tàu USS Ponce. Nó về cơ bản được triển khai nhằm đối phó với các mối đe dọa đến từ các phương tiện bay không người lái của Iran cũng như các tàu nhỏ có thể được sử dụng để nhấn chìm tàu của Hải quân Mỹ trên Vịnh Ba Tư”, ông Keck nói thêm.
USS Ponce là tàu chiến đầu tiên của Mỹ được trang bị pháo laser trị giá 40 triệu USD. Ở thời điểm hiện tại, vũ khí laser của Mỹ vẫn quá nặng và cần nhiều năng lượng, khiến nó không phù hợp với máy bay chiến đấu.
Tuy nhiên, các loại vũ khí năng lượng định hướng vẫn cần được nghiên cứu, cải tiến thêm, nhà báo trên nhấn mạnh, viện dẫn báo cáo của Trung tâm An ninh Mỹ Mới. Báo cáo trên cho rằng: “Một số loại vũ khí có nhiều hứa hẹn và đạt đúng kỳ vọng nhưng một số loại lại không thể đáp ứng được kỳ vọng - như vũ khí năng lượng định hướng”.
Trước đó, Chuẩn đô đốc Thomas Moore, Giám đốc chương trình tàu sân bay của hải quân Mỹ từng nói rằng: "Vũ khí Laser cần một nguồn năng lượng 300 kW mới có thể bắt đầu hoạt động hiệu quả, đặc biệt khi kết hợp với súng điện từ railgun. Trong tương lai, vũ khí laser có thể thay thế một số hệ thống tên lửa hiện nay và tỷ lệ tiêu diệt chính xác mục tiêu cũng sẽ cao hơn".
Không chỉ có Hải quân mà Không quân Mỹ cũng đang dự định trang bị pháo laser cho các loại máy bay chiến đấu vào năm 2022, 8 năm sau khi Hải quân lắp đặt loại vũ khí này trên tàu chiến.
Theo kế hoạch, Lầu Năm Góc sẽ lắp đặt cho các chiến đấu cơ loại pháo laser công suất trên 100 kw, tức là gấp 2,5 lần sức mạnh của vũ khí trên tàu USS Ponce. Trọng trách phát triển vũ khí mới được giao cho Cơ quan nghiên cứu các dự án quốc phòng tiên tiến (DARPA).
Hiện nay, DARPA đang thử nghiệm HELLADS, hệ thống vũ khí laser 150 kw nhưng nhỏ hơn và nhẹ hơn 10 lần so với các loại vũ khí cùng công suất. Tuy nhiên, HELLADS vẫn quá lớn so với các loại chiến đấu cơ. Các chuyên gia cần tinh giảm vũ khí này nhưng phải giữ nguyên công suất vì không quân Mỹ cần khẩu pháo tạo ra năng lượng 150 tới 200 kw để vô hiệu hóa tên lửa hay máy bay không người lái của đối phương.
Khi được trang bị, vũ khí laser sẽ khắc phục nhược điểm lớn nhất của máy bay chiến đấu hiện tại là số lượng vũ khí. Nếu máy bay vẫn còn hoạt động, pháo laser sẽ không bao giờ "hết đạn". Chi phí của mỗi phát bắn cũng rẻ hơn nhiều so với giá của tên lửa.
Theo: VnMedia