Muốn lên vũ trụ với người giàu nhất thế giới Jeff Bezos, bạn phải trả bao nhiêu tiền?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Người đàn ông giàu nhất thế giới đang tìm kiếm bạn đồng hành lên vũ trụ cùng nhau!
Ông chủ Amazon, Jeff Bezos tuyên bố sẽ bay vào vũ trụ. Ảnh: Market Watch
Ông chủ Amazon, Jeff Bezos tuyên bố sẽ bay vào vũ trụ. Ảnh: Market Watch

Ngày 7/6, người sáng lập Amazon, Jeff Bezos, đã thông báo rằng ông và em trai Mark Bezos sẽ tham gia chuyến hành trình không gian có người lái đầu tiên của công ty Blue Origin.

Bezos đã thông báo về kế hoạch trên tài khoản Instagram của mình và chiếu một đoạn video về những bức ảnh thời thơ ấu. Ông viết: "Tôi đã mơ ước du hành vũ trụ từ khi tôi 5 tuổi. Vào ngày 20/7, tôi sẽ bắt đầu một cuộc hành trình này cùng với em trai. Đây là chuyến thám hiểm tuyệt vời nhất với người bạn thân nhất của tôi".

Ngày 20/7 là một ngày rất đáng nhớ đối với lịch sử ngành hàng không nhân loại. Vào lúc 20:17 ngày 20/7/1969, tàu Apollo 11 của Mỹ lần đầu tiên hạ cánh xuống bề mặt Mặt trăng, và con người có bước chân đầu tiên trên Mặt trăng.

Blue Origin là một công ty công nghệ khám phá không gian thuộc sở hữu của Bezos. Công ty cho biết họ sẽ sử dụng tàu vũ trụ New Shepard để đưa Bezos và em trai của ông lên quỹ đạo không gian.

Đồng thời, Blue Origin sẽ bán đấu giá một chỗ ngồi trên tàu vũ trụ cho người nào có khả năng chi trả số tiền khổng lồ. Hiện đã có gần 6.000 lượt đặt mua từ 143 quốc gia, tính đến ngày 7/6 theo giờ địa phương Mỹ, giá thầu cao nhất là 2,8 triệu USD. Phiên đấu giá sẽ kết thúc vào ngày 12/6.

Blue Origin cho biết số tiền đấu giá sẽ được quyên góp cho quỹ "Câu lạc bộ vì tương lai" của Blue Origin. Sứ mệnh của Câu lạc bộ truyền cảm hứng cho các thế hệ trẻ tương lai theo đuổi các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), để phát minh và tạo ra cuộc sống không gian trong tương lai.

Nếu mọi việc suôn sẻ, Bezos sẽ trở thành tỉ phú đầu tiên du hành trong không gian.

Giấc mơ thời thơ ấu thành hiện thực

Chuyến du hành vũ trụ sẽ khởi hành từ bãi phóng ở Texas, Mỹ. Theo kế hoạch, sau khi New Shepard cất cánh, hành khách sẽ được đưa lên trên đường Karman (độ cao khoảng 100 km so với mực nước biển), đánh dấu ranh giới được công nhận giữa khí quyển Trái đất và vũ trụ.

Độ cao mà Bezos đạt được trong chuyến du hành vũ trụ này sẽ gấp khoảng 10 lần so với một chiếc máy bay dân dụng thông thường.

Hành khách có thể nhìn Trái đất qua các cửa sổ của khoang vũ trụ và cũng sẽ có trải nghiệm không trọng lượng trong 4 phút. Sau đó, tàu vũ trụ sẽ quay trở lại Trái đất. Hành trình sẽ mất khoảng 40 phút.

Đối với Bezos, chuyến du hành vào vũ trụ này chính là giấc mơ thời thơ ấu của ông trở thành hiện thực.

Bezos có ước mơ khám phá không gian từ khi còn nhỏ. Em trai Mark của ông kể lại rằng trong bài phát biểu tốt nghiệp trung học của Bezos, câu cuối cùng trích dẫn một dòng trong bộ phim 'Du hành giữa các vì sao' (Star Trek): "Không gian, biên giới cuối cùng. Hẹn gặp nhau ở đó". (Space, the last frontier. Meet me there.)

Câu nói này cũng đã trở thành động lực của Bezos trong suốt cuộc đời của mình.

Bezos vui mừng thông báo rằng giấc mơ của ông ấy sắp trở thành hiện thực
Bezos vui mừng thông báo rằng giấc mơ của ông ấy sắp trở thành hiện thực

Năm 1999, Bezos gặp nhà văn khoa học viễn tưởng Neil Stephenson để xem bộ phim 'Bầu trời tháng 10' (October Sky) - một câu chuyện về những người trẻ tuổi ở một thị trấn nhỏ chế tạo tên lửa. Bezos nói với Neal rằng ông ấy muốn thành lập một công ty vũ trụ. Một năm sau, Bezos thành lập Blue Origin tại Seattle.

Blue Origin chủ yếu dành riêng cho việc thúc đẩy du hành vũ trụ, cải thiện độ an toàn và giảm chi phí. Jeff tin rằng chìa khóa mở ra cơ hội khám phá không gian là giảm chi phí cho các sứ mệnh phóng vào không gian để nhiều người hơn có thể lên vũ trụ, giống như "chúng ta khởi nghiệp trên Internet".

Năm 2005, Bezos chính thức công bố hoạt động của một trung tâm hàng không ở phía bắc Van Horn. Tháng 4/2017, Bezos tuyên bố rằng Amazon sẽ bán cổ phiếu Amazon trị giá 1 tỉ USD mỗi năm để đầu tư vào việc hỗ trợ hoạt động khám phá không gian của Blue Origin. Ngoài ra, theo truyền thông Mỹ, trong khoảng thời gian từ năm 2019 đến năm 2024, Blue Origin sẽ nhận được tổng cộng 500 triệu USD tài trợ từ Không quân Mỹ.

Blue Origin đang thử nghiệm du hành vũ trụ có người lái.

Blue Origin đang thử nghiệm du hành vũ trụ có người lái.

Cho đến nay, Blue Origin đã phát triển hai tên lửa, một tên là New Shepard, để tưởng nhớ phi hành gia người Mỹ đầu tiên Alan Shepard vào vũ trụ; tên lửa còn lại có tên New Glenn, để tưởng nhớ John Glenn, phi hành gia đầu tiên của Mỹ đi vào quỹ đạo Trái đất. Bezos đang chuẩn bị lên tàu vũ trụ New Shepard.

Theo thông tin trên trang web chính thức của Blue Origin, từ năm 2012, Blue Origin đã tiến hành bay thử nghiệm tàu New Shepard, với 15 chuyến bay thử nghiệm, và không chuyến bay nào trong số này có hành khách.

Cuộc chiến không gian của hai tỉ phú giàu nhất thế giới

Theo bảng xếp hạng mới nhất của Forbes, Jeff Bezos tiếp tục đứng đầu danh sách với 177 tỉ USD, và CEO Tesla Elon Musk đứng thứ hai với 151 tỉ USD.

Khi Amazon và Tesla đang theo đuổi nhau trên thị trường chứng khoán Mỹ, cuộc chiến giữa vị CEO đã bùng cháy trong không gian và trở thành cuộc chiến giữa Space X và Blue Origin. Vào tháng 2 năm nay, Bezos thông báo rằng ông sẽ từ chức Giám đốc điều hành của Amazon và tập trung vào các công việc của Blue Origin.

Bezos thành lập Blue Origin vào năm 2000, và Musk thành lập SpaceX vào năm 2002. Hai người từng là bạn và họ đã ăn tối cùng nhau vào năm 2004 để chia sẻ các chương trình không gian của họ.

Elon Musk và Jeff Bozos cùng nhau ăn tối.
Elon Musk và Jeff Bozos cùng nhau ăn tối.

Nhưng những năm gần đây, sự cạnh tranh giữa hai công ty trong lĩnh vực vũ trụ ngày càng trở nên gay gắt, và họ cũng bắt đầu "khẩu chiến".

Mở đầu cho cuộc tranh chấp bắt nguồn từ một vụ "cướp nhân viên". Bezos đã ngang nhiên "săn trộm" chuyên gia hàng đầu Ray Miryekta từ SpaceX. "Bezos đã thuê Ray và dám đăng ký bằng sáng chế sử dụng kết quả công việc của anh ấy tại SpaceX", Musk nói.

Trong nội bộ SpaceX, màu xanh được biết đến như BO (body odour, nghĩa là mùi cơ thể), và công ty thậm chí đã thiết lập bộ lọc thư để lọc ra tất cả các thư có chữ "blue" và "origin".

"Tôi nghĩ Bezos đang ảo tưởng trở thành một vị vua. Ông ấy có một sự nhiệt tình không mệt mỏi với công việc và tham vọng thống trị lĩnh vực thương mại điện tử. Nhưng thành thật mà nói, ông ấy thực sự không phải là một gã thú vị", Musk mỉa mai.

Cuộc chiến lên vũ trụ giữa những người giàu nhất hành tinh.

Cuộc chiến lên vũ trụ giữa những người giàu nhất hành tinh.

Bezos phản pháo lại và châm biếm ý tưởng phi thực tế của Musk về việc thuộc địa hóa sao Hỏa: "Nếu bạn tôi (Musk) muốn lên sao Hỏa, trước tiên anh ấy nên đến dãy Himalaya sống một năm thử xem. Bởi vì so với sao Hỏa, điều kiện sống trên dãy Himalaya có thể hoàn mỹ như "vườn địa đàng".

Tác giả Brad Stone đã tiết lộ thông tin trong cuốn sách mới của mình "Amazon Unbound" rằng Bezos thậm chí còn "ghen tị" với SpaceX của Musk vì nó phát triển quá nhanh.

So với Blue Origin, SpaceX từ lâu đã đề xuất kế hoạch "Starship" đầy tham vọng, với hy vọng phát triển một loại máy bay hoàn toàn mới để thay thế máy bay hiện tại và rút ngắn thời gian hành trình giữa các quốc gia và thậm chí giữa các hành tinh.

Vào ngày 5/5 năm nay, tàu tên lửa Starship SN15 của SpaceX đã cất cánh từ Boca Chica, Texas, Mỹ, và sau khi đạt được độ cao cần thiết, tàu Starship đã thực hiện các thao tác trên không rồi quay trở lại địa điểm hạ cánh an toàn.

Theo báo cáo của Forbes, SpaceX có kế hoạch để 4 hành khách, trong đó có tỉ phú Jared Isaacman, cùng tàu vũ trụ SpaceX Crew Dragon bay vào vũ trụ vào tháng 9 năm nay.

Về việc khi nào bản thân Musk sẽ lên vũ trụ, vào cuối năm 2020, Musk trả lời: "Chắc là từ hai đến ba năm nữa."

Theo QQ