Thanh Hằng
Thanh Hằng

Nhà báo

Mức án 6 năm tù cho người tài xế bị xe lùi tông phải trên cao tốc: những lập luận thiếu thuyết phục

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes -- Luật sinh ra từ cuộc sống, do con người làm ra và để phục vụ con người, chứ không phải bằng những suy diễn máy móc, bất chấp thực tế cuộc sống. Vì thế, xem xét lại vụ án theo trình tự giám đốc thẩm, đặc biệt là xem xét lại trình độ thẩm phán ở phiên tòa này, là điều mà dư luận đang trông đợi. Bởi, chưa bàn đến các động cơ khác, thì nghiệp vụ non kém cũng có thể gây ra tội ác.

Phiên tòa phúc thẩm của TAND tỉnh Thái Nguyên xử vụ tài xế Ngô Văn Sơn lái xe Innova lùi trên đường cao tốc khiến xe đầu kéo do tài xế Lê Ngọc Hoàng điều khiến đâm phải đang làm dậy sóng dư luận. Dư luận cảm thấy công lý “đi vắng” ở phiên tòa này, khi những lập luận khiên cưỡng của HĐXX đã dẫn đến việc tài xế đi sau bị xe lùi vào vẫn phải gánh 1/3 trách nhiệm với mức án 6 năm tù và khoản phải bồi thường gần 500 triệu đồng.

Điều khiến dư luận “sôi sùng sục” chính là ý kiến của HĐXX cho rằng Hoàng đã không chú ý quan sát, không giảm tốc độ về an toàn và việc này vi phạm Thông tư liên tịch số 91 về khoảng cách an toàn giữa 2 xe.

Trước hết phải nói ngay rằng, tài xế Ngô Văn Sơn mới chính là thủ phạm của vụ tai nạn thảm khốc khi cùng lúc vi phạm pháp luật nhiều hành vi: Chở người quá quy định (5 người), lùi xe trên cao tốc, uống rượu khi lái xe nên có nồng độ cồn cao gấp 3 lần cho phép. Trong khi đó, tài xế Lê Ngọc Hoàng tuân thủ các quy định của Luật giao thông đường bộ với tốc độ 62 km/giờ, là tốc độ tối thiểu trên cao tốc; trọng lượng hàng hóa chở dưới mức cho phép, đi đúng làn đường, không sử dụng rượu bia.

Theo báo chí tường thuật, vị đại diện VKS nhận định là xe đầu kéo do tài xế Lê Ngọc Hoàng  điều khiển đã không thay đổi tốc độ mà đột ngột giảm từ 62km/h xuống 0 km/h giây tiếp theo, trong khi tài xế Lê Ngọc Hoàng khẳng định nếu phanh đột ngột để giảm từ 62km/h xuống 0km/h ngay, thì xe đầu kéo sẽ bị lật ngay. Để có câu trả lời khách quan cho việc này, Tòa án tỉnh Thái Nguyên hoàn toàn có thể mời một chuyên gia về phanh xe ô tô để làm rõ, liệu bộ phanh nào có thể “một phát dừng ngay” như đại diện VKS nhận định? Còn nếu đại diện VKS vẫn bảo lưu ý kiến thì có thể mời chính vị đó “thị phạm” luôn trên một chiếc xe đầu kéo tương tự! Tôi tin vị đó sẽ từ chối!

Ngô Văn Sơn (trái) và Lê Ngọc Hoàng tại phiên tòa ngày 2/11 (Ảnh: N.A)
Ngô Văn Sơn (trái) và Lê Ngọc Hoàng tại phiên tòa ngày 2/11 (Ảnh: N.A) 

Đặc biệt, việc HĐXX kết luận tài xế Hoàng không “giữ khoảng cách an toàn” trong trường hợp này là 2 lần phi lý. Thứ nhất, yêu cầu “giữ khoảng cách an toàn” với xe đang lùi, đồng nghĩa với việc HĐXX chấp nhập việc lùi xe trên cao tốc là hợp lệ. Nếu vậy  thì rõ ràng hiểu biết về Luật của HĐXX có vấn đề.

Thứ hai, HĐXX đã hiểu sai qui định tại Thông tư 91 về “khoảng cách an toàn”, bởi theo Thông tư 91, “khoảng cách an toàn” là quy định cho hai xe chạy cùng chiều. Bởi chắc chắn những người làm luật không ngây thơ đến mức đặt ra yêu cầu giữ “khoảng cách an toàn” trong trường hợp một xe đang tiến, một xe lùi, nhất là khi hành vi lùi xe trên cao tốc đã bị cấm.

Như vậy, nếu theo ý kiến của HĐXX phiên tòa này, để có được “khoảng cách an toàn”, thì khi xe Inova lùi, chỉ có thể là buộc xe container cũng phải lùi. Nhưng chả có luật nào lại đặt ra yêu cầu kỳ lạ như thế, nhất là trên đường cao tốc, các xe đều lưu thông với tốc độ cao, lại có nhiều xe tải trọng lớn, chở nặng, thì việc lùi còn nguy hiểm hơn nhiều vì có thể gây ra tai nạn liên hoàn cho các xe đi sau. Do đó, khi hành vi lùi xe đã bị cấm, tài xế Lê Ngọc Hoàng không có trách nhiệm phải lùi xe để giữ “khoảng cách an toàn”, còn việc cố tình cho xe chạy lùi của Sơn trái hoàn toàn nguyên tắc tham gia giao thông, nên phải coi đó là hành vi đâm vào xe đi sau. Vì vậy, tài xế Lê Ngọc Hoàng cũng chính là một nạn nhân chứ không thể bị coi là thủ phạm, nên đúng ra, còn phải được Ngô Văn Sơn đền bù.

Thế nhưng bất chấp thực tế khách quan cùng việc tài xế container đã tuân thủ pháp luật, phiên tòa chẳng những không trả tự do cho tài xế Lê Ngọc Hoàng mà vẫn buộc tội bằng những lập luận không thuyết phục được ai. Tôi không hiểu, phía sau phiên tòa này còn gì khuất tất chưa được công bố, hay trình độ nghiệp vụ, hiểu biết pháp luật của những người được coi là “cầm cân nẩy mực” ở phiên tòa có vấn đề, mà lại đưa ra phán quyết khiến ai cũng bất bình, còn tài xế Lê Ngọc Hoàng từng tự tử để bày tỏ thái độ? Nếu kết quả này được chấp nhận, sẽ tạo tiền lệ xấu khi đánh đồng những người tuân thủ pháp luật với những kẻ giẫm đạp lên luật, đặc biệt là trong bối cảnh thực thi luật giao thông ở nước ta rất lộn xộn. 

Tôi hiểu rằng, tài xế Hoàng đã bị bắt 2 năm qua nên nếu giờ đây tuyên anh ta vô tội thì áp lực về trách nhiệm của cơ quan bảo vệ pháp luật là rất lớn. Nhưng không lẽ vì những áp lực đó mà có thể gây ra oan sai?

 Trên diễn đàn Otofun, nhà báo Việt Hoàng kêu gọi cộng đồng mạng chia sẻ thỉnh nguyện thư đòi lại công bằng cho tài xế Hoàng vì “Luật pháp sinh ra để bảo vệ những người dân chấp hành đúng chủ trương, đường lối của Nhà nước. Do vậy, tôi mong muốn Viện KSND Tối cao, TAND tối cao mở phiên giám đốc thẩm để có những phán quyết chính xác nhất.” Sau chưa đầy 24h, bài viết đã nhận được khoảng 50 ngàn like và hơn 30 ngàn lượt chia sẻ, cho thấy quan điểm của cộng đồng mạng trước bản án mà Tòa đã tuyên. Sự ủng hộ này không phải dành cho cá nhân tài xế xe container, mà vì một xã hội công bằng, tránh cho bất cứ người tham gia giao thông nào cũng có thể trở thành một tù nhân dự bị chỉ vì người khác vi phạm luật.

Luật sinh ra từ cuộc sống, do con người làm ra và để phục vụ con người, chứ không phải bằng những suy diễn máy móc, bất chấp thực tế cuộc sống. Vì thế, xem xét lại vụ án theo trình tự giám đốc thẩm, đặc biệt là xem xét lại trình độ thẩm phán ở phiên tòa này, là điều mà dư luận đang trông đợi. Bởi, chưa bàn đến các động cơ khác, thì nghiệp vụ non kém cũng có thể gây ra tội ác.