Mùa vải 2015: Vẫn phải trông chờ thị trường nội và xuất Trung Quốc

Dự kiến trong năm nay sẽ có vài trăm tấn vải được xuất sang 2 thị trường triển vọng là Mỹ và Úc. Tuy nhiên, tiêu thụ vải chủ yếu vẫn sẽ phụ thuộc vào thị trường nội địa và Trung Quốc.
Mùa vải 2015: Vẫn phải trông chờ thị trường nội và xuất Trung Quốc

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh chia sẻ quanh chuyện quả vải Việt Nam lần đầu tiên xuất sang các thị trường khó tính như Mỹ, Úc tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công thương chiều 1/6.

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá, Mỹ và Úc là 2 thị trường khó tính, chặt chẽ đối với quy trình làm thủ tục xuất khẩu bất kỳ mặt hàng nông sản nào muốn chen chân vào thị trường. Thường, để một mặt hàng nông sản “mới tinh” vào thị trường này sẽ phải mất 7-8 năm, thậm chí lâu hơn. Đơn cử, với quả vải Việt muốn xuất sang thị trường Úc, chúng ta đã phải mất tới 4 năm mới thành công.

“Trong 1-2 năm tới khó kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu vải sang Mỹ, Úc, cũng như EU sẽ đạt sản lượng lớn. Nhưng đây là bước đi có ý nghĩa vô cùng quan trọng với mặt hàng vải thiều của Việt Nam. Nhập khẩu hoa quả, thực phẩm theo đường chính ngạch vào Mỹ, Úc phải qua các khâu kiểm dịch an toàn vệ sinh thực phẩm, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, quy trình xuất xứ, đóng gói... rất nghiêm ngặt. Để qua các bước này sẽ cần hoàn thiện hơn về chất lượng và mẫu mã, thương hiệu”- Thứ trưởng Tuấn Anh nhìn nhận.

Tuy nhiên, do đây là những thị trường mới, lại khó tính nên cũng tiêu thụ 200.000 tấn vải trong mùa vụ thu hoạch 2015 phần lớn vẫn phải trông chờ vào thị trường nội địa và xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhưng tới đây, mức độ tiêu thụ sẽ có sự xê dịch, tỷ lệ xuất khẩu sang Trung Quốc là 40% và tiêu thụ nội địa là 60%.

Với những bước đi thận trọng, chúng ta có điều kiện để tính toán, xây dựng các phương án để hỗ trợ và tạo điều kiện để giúp đỡ các DN xuất khẩu vào sâu thị trường như hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại. Qua kinh nghiệm vào các thị trường Mỹ, Úc, Bộ Công Thương sẽ rút kinh nghiệm để đưa quả vải và các nông sản vào các thị trường như EU và thị trường khác.

“Chắc chắn, sự ổn định số lượng, chất lượng cũng như các quy cách đảm bảo yêu cầu kỹ thuật về hóa chất, thuốc bảo quản.. sẽ khiến quả vải xâm nhập không chỉ vào thị trường Hoa Kỳ, Úc mà cả thị trường EU, Nhật Bản khó tính hơn”, ông Tuấn Anh nhận định.

Chưa phát hiện thương lái Trung Quốc mua gom nông sản

Trước lo lắng tình trạng thương lái mua gom nông sản đồng loạt diễn ra tại một số tỉnh, thành phía Nam, ông Võ Văn Quyền – Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước cho hay, Bộ đã nắm thông tin nhưng thực tế kiểm tra lại chưa phát hiện có dấu hiệu bất thường nào trong việc thu mua gom nông sản có yếu tố nước ngoài.

Theo ông Quyền, việc cam rụng, tỉa bớt đi là bình thường, hay việc hái trước cau non, hay bán cau già cũng không ảnh hưởng gì lớn đến năng suất cây trồng.

"Các địa phương báo cáo chưa thấy hoặc chưa có hiện tượng thương lái nước ngoài vào các tỉnh thu mua gom nông sản. Các địa phương cần xem xét kỹ và thông tin kịp thời việc thương lái nước ngoài vào thu gom không, qua đó đánh giá những tác động và hậu quả. Với những yếu tố bất thường, địa phương cần phải khuyến cáo, tránh điều chỉnh quy hoạch đột ngột để diện tích tăng lên không tiêu thụ được.”- Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước khuyến cáo.

Cũng đề cập tới câu chuyện đầu ra cho nông sản, ông Quyền đề nghị Sở Công Thương các tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nắm cung - cầu ngay từ khi quy hoạch cũng như sản lượng, từ đó để các bộ ngành có chính sách để hỗ trợ cho tiêu thụ nông sản. “Chỉ khi nào có doanh nghiệp lớn liên kết với nông dân thì tiêu thụ nông lâm sản mới hiệu quả, còn nếu không thì người dân vẫn sẽ phải loay hoay với bài toán đầu ra này”- ông lập luận.

Theo Infonet