Mua sắm ôtô tập trung cấp quốc gia: Tiết kiệm hàng chục nghìn tỉ đồng mỗi năm

Bộ Tài chính vừa yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải tổng hợp nhu cầu mua sắm ôtô và gửi về Bộ Tài chính để thực hiện cơ chế mua sắm tập trung cấp quốc gia. 
Với tổng số cả nước có 40.000 xe công, ngân sách hằng năm phải bỏ ra gần 13.000 tỉ đồng để vận hành.
Với tổng số cả nước có 40.000 xe công, ngân sách hằng năm phải bỏ ra gần 13.000 tỉ đồng để vận hành.

Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, cơ chế mua sắm tập trung sẽ tiết kiệm ngân sách lên đến hàng chục nghìn tỉ đồng mỗi năm và quan trọng hơn là cơ chế ngăn ngừa tiêu cực, mua tài sản vượt khung cho phép tại các cơ quan công quyền.

Mua sắm theo tiêu chuẩn

Với Thông tư số 35/2016/TT- BTC, Bộ Tài chính hướng dẫn mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung. Theo đó, việc mua sắm phải tuân thủ theo tiêu chuẩn, định mức, chế độ, danh mục tài sản mua sắm tập trung do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và công bố. Bộ Tài chính cho biết việc mua sắm tập trung cấp quốc gia sẽ được áp dụng đối với ôtô, bao gồm: Ôtô phục vụ công tác cho các chức danh, ôtô phục vụ công tác chung. Bộ Tài chính yêu cầu, đến ngày 30.5, các bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải tổng hợp nhu cầu mua sắm ôtô và gửi về Bộ Tài chính để thực hiện cơ chế mua sắm tập trung cấp quốc gia. Ngoài ra, các mặt hàng thuộc diện mua sắm tập trung cấp bộ, ngành, địa phương cũng phải được công bố danh mục trước ngày 30.6.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu triển khai phương thức mua sắm tập trung tốt trên cả nước, số tiền tiết kiệm được có thể chiếm đến khoảng 15%/tổng giá trị mua sắm.Cụ thể, chi mua sắm tài sản nhà nước hằng năm của cả nước chiếm khoảng 20% chi ngân sách nhà nước, tương đương khoảng 200.000 tỉ đồng mỗi năm. Nhưng nếu triển khai mua sắm tập trung toàn bộ các hàng hóa, dịch vụ dự kiến sẽ tiết kiệm chi ngân sách 30.000 tỉ đồng/năm, bởi mua sắm với số lượng lớn thì giá mua sẽ giảm.

Ngăn chặn tiêu cực, trục lợi

Nói rõ hơn về cơ chế mua sắm tập trung, ông Trần Đức Thắng - Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính - cho rằng, hiện nay đầu mối mua sắm rất nhiều, lên tới 1.000 đầu mối, khi thực hiện cơ chế mua sắm tập trung chỉ còn 127 đầu mối. “Như vậy giảm được đầu mối, giảm bộ máy, chi phí đấu thầu. Mỗi đơn vị mua 1 ôtô khác với mua vài trăm đến nghìn ôtô. Khi mua với số lượng nhiều thì có thể đặt hàng với nhà sản xuất để tiết giảm chi phí”, ông Thắng nói.

Ngoài ra, về vấn đề lâu nay trong việc mua sắm xe công có tình trạng chi vượt số tiền cho phép, với cơ chế mua sắm tập trung có tiêu cực khi mỗi đơn vị tự mua sắm? Trả lời vấn đề này, ông Thắng khẳng định, sắp tới với cơ chế mua sắm tập trung sẽ hạn chế được thực trạng này. “Khi tổ chức đấu thầu chắc chắn sẽ không còn vượt tiêu chuẩn định mức, ví dụ ôtô 720 triệu thì chỉ tối đa vậy thôi. Chắc chắn sẽ chấm dứt được lãng phí”, lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định.

Với cơ chế mua sắm tập trung, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng đây là giải pháp cần thiết nhằm tiết giảm chi tiêu công, đồng thời ngăn chặn hiện tượng tiêu cực, trục lợi của những người tham gia mua sắm xe công. “Cũng cần phải siết tiêu chuẩn định mức bởi ở nước ngoài, ngay cả thủ tướng cũng tự lái xe đi làm”, ông Long nói.

Theo Bộ Tài chính, chi mua sắm tài sản nhà nước hàng năm chiếm khoảng 20% tổng chi ngân sách, tương đương khoảng 200.000 tỉ đồng. Với tổng số cả nước có 40.000 xe công (chưa tính tới số xe Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, các doanh nghiệp nhà nước,), ngân sách hàng năm phải bỏ ra gần 13.000 tỉ đồng để vận hành số xe công này, bình quân lên tới 320 triệu đồng/xe/năm. Với 40.000 xe công này, trị giá tài sản xe công là hơn 20.600 tỉ đồng.

Theo Lao Động