Mùa mưa 2017: Bí thư Hải quyết không để Hà Nội bị lụt như năm 2008

VietTimes -- Bí thư thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhận định, bài toán giải quyết ngập lụt tại Hà Nội là bài toán đang có nhiều khó khăn khi hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có khoảng 50 điểm thường xuyên ngập úng, thậm chí có vùng bị tê liệt không có chỗ thoát nước.
Người dân chèo thuyền trên đường vành đai 3 trong trận mưa ngày 25/5/2016
Người dân chèo thuyền trên đường vành đai 3 trong trận mưa ngày 25/5/2016

Chiều 3-2, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải đã đi kiểm tra thực cửa sông Đuống, kè Thanh Am và trạm bơm Yên Nghĩa (Hà Đông, Hà Nội) - dự án trọng điểm với tổng vốn đầu tư gần 7.500 tỷ đồng.

Bí thư Hà Nội nhận định, đô thị Hà Nội hiện đang phát triển theo hướng vết dầu loang, đa số dựa vào hệ thống đô thị cũ cho nên dẫn đến quá tải, các cốt nền khác nhau tạo ra các điểm tồn đọng nước. Vì vậy, mỗi mùa mưa đến, các lực lượng của Hà Nội phải rải đi hết các nơi xử lý úng ngập, tuy nhiên vẫn có những điểm ngập “không biết thoát nước đi đâu”.

Do đó, Bí thư Thành uỷ nhấn mạnh, cần phải có những công trình tiêu úng đặc biệt để Hà Nội đủ sức chống ngập, đặc biệt là các trạm bơm tiêu úng giống như trạm bơm Yên Nghĩa, và tới đây là các trạm bơm khác như Liên Mạc, Yên Thái, Đào Nguyên...

Bí thư Thành ủy Hà Nội gợi mở vì tính cấp thiết và rất quan trọng nên trong quá trình triển khai cần thường xuyên bàn bạc, năng động, sáng tạo điều chỉnh cho phù hợp tình hình thực tiễn, đặc biệt cần bố trí nguồn vốn đủ để đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu có thể tiêu thoát nước trong mùa mưa lũ năm 2018, tránh không để diễn ra tình trạng ngập nặng, điển hình như cơn lũ năm 2008.

Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy cũng lưu ý, trong quá trình thi công, yêu cầu an toàn phải được đề cao vì đây là vùng địa chất khó khăn nên các đơn vị liên quan cần giám sát chặt chẽ, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra chất lượng, tiến độ và đảm bảo an toàn lao động trên công trường.

Bí thư Thành ủy giao nhiệm vụ cho nhiều sở ban ngành, địa phương cần phối hợp, rà soát lại các vướng mắc, nhất là về điều chỉnh cơ chế chính sách, vận dụng tối đa pháp luật đền bù thỏa đáng, để người dân thấy được sự quan tâm, chia sẻ từ đó đồng, tình chấp hành để việc di dời nhà cửa, đảm bảo hoàn thành trước tiến độ đề ra năm tháng như dự kiến.

Báo cáo với đoàn kiểm tra, ông Ngô Xuân Dụng, Giám đốc Ban Quản lý dự án Trạm bơm Yên Nghĩa (Sở NNPTNT Hà Nội) cho hay dự án trạm bơm Yên Nghãi là trạm bơm tiêu úng lớn nhất của Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á. Giai đoạn 1 của dự án (đến năm 2020) có tổng vốn đầu tư hơn 3.900 tỷ đồng, đảm bảo tiêu úng cho 6.300ha toàn bộ khu vực phía Tây của Hà Nội gồm các huyện Hoài Đức, Hà Đông, Từ Liêm (trong đó khu vực Mỹ Đình và một phần Đại lộ Thăng Long).

Cùng với các công trình đầu mối tưới tiêu khác (Trạm bơm Liên Mạc, Trạm bơm Yên Thái, Trạm bơm Đào Nguyên) đảm bảo tiêu cho 18.652ha đất tự nhiên của khu vực phát triển đô thị phía Tây Hà Nội giới hạn phía Tây sông Tô Lịch và thượng lưu cống Hà Đông, thuộc lưu vực sông Nhuệ bao gồm diện tích của quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Tây Hồ, Hà Đông và các huyện Từ Liêm, Đan Phượng, Hoài Đức…

Dự kiến khu đầu mối sẽ cơ bản hoàn thành đưa vào phục vụ sản xuất, phòng chống lụt bão úng ngập trong năm 2018, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2020.