Trong phiên làm việc này, Đoàn công tác đã triển khai Kế hoạch kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác phòng chống tham nhũng tại Bộ Công Thương.
Thông qua công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, Đoàn công tác sẽ nắm tình hình, đánh giá kết quả công tác phòng chống tham nhũng; tình hình, kết quả triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa tham nhũng. Trọng tâm kiểm tra, giám sát, đôn đốc sẽ tập trung vào việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; chú trọng phát hiện hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân, phương hướng, biện pháp khắc phục; đánh giá phương thức lãnh đạo của cấp uỷ, tổ chức Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng...
Cũng trong đợt này, Đoàn sẽ tập trung kiểm tra, giám sát lĩnh vực quản lý giấy phép, giấy kinh doanh có điều kiện thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương; lĩnh vực năng lượng, điện, kinh doanh xăng dầu; lĩnh vực quản lý thị trường, chống buôn lậu và gian lận thương mại.
Bên cạnh đó, Đoàn cũng sẽ chú ý tới việc quản lý nguồn ngân sách Nhà nước cho các hoạt động xúc tiến thương mại hàng năm và chương trình Thương hiệu quốc gia theo quy định của pháp luật; hoạt động quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ; việc thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp Nhà nước và vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác theo quy định của pháp luật…
Theo báo cáo của Bộ Công Thương Năm 2013, Bộ Công Thương ban hành 39 văn bản, năm 2014 ban hành 37 văn bản và Quý I năm 2015 ban hành 8 văn bản liên quan đến việc chỉ đạo, điều hành của Bộ trong công tác PCTN.
Bên cạnh đó, Bộ cũng thực hiện nghiêm việc phân công trách nhiệm từng vị trí lãnh đạo tại Cơ quan Bộ và các đơn vị thuộc Bộ. Việc xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị do mình quản lý, phụ trách được Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương triển khai có sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, theo phân cấp quản lý cán bộ và trình tự quy định.
Trong năm 2013, 2014 và Quý I năm 2015, qua công tác tự thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và hoạt động điều tra khác đã phát hiện một số vụ việc sai phạm trong quản lý. Một số cán bộ, công chức, trong đó có người đứng đầu tại một số đơn vị như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Cục Quản lý thị trường... do vi phạm công tác quản lý, quy tắc đạo đức công chức... đã bị xử lý kỷ luật như khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, buộc thôi việc, chuyển công tác…
Bộ Công Thương cũng đã triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng như: Triển khai việc chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; tăng cường áp dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đẩy mạnh công tác đơn giản hóa thủ tục hành chính. Xây dựng, ban hành và thực hiện các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn. Minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức;...
Được biết, thời gian tiến hành kiểm tra của Đoàn công tác số 7 và Tổ giúp việc tại Bộ Công Thương và 8 đơn vị thuộc Bộ (Cục Quản lý thị trường, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Xuất nhập khẩu, Tập đoàn Dệt may, Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) diễn ra từ 11/6 – 6/7. Ngày 23/7, sau khi công bố Dự thảo Báo cáo kết quả kiểm tra giám sát và thảo luận thêm tại Bộ Công Thương, Đoàn sẽ có báo cáo chính thức gửi cấp trên và kết thúc quá trình kiểm tra tình hình phòng chống tham nhũng tại Bộ Công Thương.
Theo Dân trí